thiện lai

Phật Quang Đại Từ Điển

(善來) I. Thiên Lai. Phạm:Svàgata. Pàli:Sàgata. Hán âm: Sa kiệt đà, Sa yết đa, Sa bà yết đa. Lời khách sáo mà các vị tỉ khưu ở Ấn độ dùng để đón khách đến, có nghĩa là: Thật quí hóa ông đã đến!. ĐiềuKhách cựu tương ngộ trong Nam hải kí qui nội pháp truyện nói rằng: Theo lễ phép của chúng tăng trong các chùa ở Ấn độ, khi có khách đến thì đệ tử, học trò phải nói trước với khách là Sa yết đa, khách liền đáp Tốt sa yết đa (Phạm: Susvàgata, Hán dịch: Cực thiện lai). Khi đức Phật gọi tỉ khưu là Thiện lai tỉ khưu thì vị tỉ khưu ấy liền được giới Cụ túc, đó gọi là Thiện lai đắc, là 1 trong 10 thứ nhân duyên được giới; đây là tác pháp đặc biệt chỉ một mình đức Thích tôn truyền trao được mà thôi. Tức là do nguyện lực của người ấy và sức uy thần của Phật, Phật hướng về phía người muốn xuất gia gọi Thiện lai tỉ khưu thì người ấy liền là sa môn, đầy đủ tướng cạo tóc, mặc ca sa, được giới Cụ túc. Từ ngữ Thiện lai tỉ khưu được sử dụng lần đầu tiên khi 5 vị tỉ khưu đứng đầu là ngài Kiều trần như qui y đức Thích tôn. Cứ theo Thiện kiến luật tì bà sa quyển 7 thì lúc đức Phật còn tại thế, những người đắc giới theo tác pháp này gồm 1341 người. Còn theo luật Tứ phần thì trong 8 loại tỉ khưu: Danh tự tỉ khưu, Tương tự tỉ khưu, Tự xưng tỉ khưu, Thiện lai tỉ khưu, Khất cầu tỉ khưu, Trước cát tiệt y tỉ khưu, Phá kết sử tỉ khưu và Thụ đại giới bạch tứ yết ma như pháp thành tựu đắc xứ sở tỉ khưu, loại Thiện lai tỉ khưu được xếp vào hàng thứ 4, là 1 trong các hình thức xuất gia khi chưa chế định tác pháp thụ giới Cụ túc. Kinh Tăng nhất a hàm quyển 15 (Đại 2, 621 hạ) nói: Theo pháp thường của chư giờ, đức Thế tôn bảo ngài Ca diếp rằng: Thiện lai tỉ khưu! Pháp này vi diệu, khéo tu phạm hạnh. Lúc ấy, tất cả áo xiêm mà ngài Ca diếp và 500 đệ tử mặc trên mình đều biếnlàm ca sa, tóc trên đầu tự rụng, giống như mới cạo tóc được 7 ngày. [X. kinh Thủ trưởng giả trong Trung a hàm Q.9; kinh Phật bản hành tập Q.34; kinh Tì ni mẫu Q.1; luật Tứ phần Q.32; luật Ngũ phần Q.15; luật Ma ha tăng kì Q.23; luật Thập tụng Q.56; Tát bà đa tì ni tì bà sa Q.2; luận Câu xá Q.14]. II.Thiện Lai. Phạm:Svàgata. Pàli:Sàgata. Cũng gọi Sa bà yết đa, Sa già đà, Tu già đà. Tên vị tỉ khưu ở thời đức Phật, là con của Trưởng giả Phù đồ (Phạm: Bodha) ở núi Thất thu ma la (Phạm: Suôsumàragira) thuộc nước Kiêu thiểm tì (Pàli:Kosambì). Vì bẩm tính bạc phúc, phá tán hết gia sản, cuối cùng phải đixin ăn để sống còn, nên người đời gọi sư là Ác lai (Phạm:Duràgata). Về sau này, sư được gặp đức Thích tôn, Ngài bảo đem hoa sen xanh cúng dường chúng tăng, sư liền nhớ lại đời trước mình từng tu Thánh xứ quán. Sau, sư lại được nghe đức Thích tôn giảng nói diệu pháp, chứng được Sơ quả, bèn cạo tóc xuất gia, phát tâm mạnh mẽ, cuối cùng chứng được quả A la hán. Đức Thích tôn bảo sư đến núi Thất thu ma la hàng phục con rồng dữ, sư đến chỗ con rồng, nhập định Hỏa quang, dùng sức thần thông điều phục con rồng. Có lần, sư đến thành Thất la phiệt nhận sự cúng dường của 1 nhà Bà la môn, không biết trong nước có lẫn rượu, nên khi sư uống vào bị say nằm lăn ra đất; đức Phật liền giảng nói về lỗi uống rượu, đây chính là nguyên nhân đức Phật chế giới cấm uống rượu. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.3; kinh Vô lượng thọ Q.thượng; kinh A la hán cụ đức; kinh Sa hạt tỉ khưu công đức;Ẩm tửu học xứ trong Hữu bộ tì nại da Q.42; luật Tứ phần Q.16].