PHẬT HỌC TINH YẾU
Soạn giả: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

THIÊN BA
Chương 4: Khái Yếu Về Tam Quy

Tiết mục:
I. Ý nghĩa Tam-quy
II. Danh nghĩa Tam-bảo
III. Yếu điểm về việc thọ Tam-quy
IV. Chỗ phi quy-y

Kinh sách trích dẫn: Kinh Ðại-Thừa-Lý-Thú-Lục-Ba-La-Mật, Luận Du-Già-Sư-Ðịa, Kinh Văn-Thù-Sư-Lợi-Vấn, Kinh Ưu-Bà-Tắc, Kinh Ðại-Phương-Tiện-Phật-Báo-Ân.

Ðề Yếu: Pháp Tam-quy dường như đơn giản, song ít người thấu hiểu tường tận. Có vị đã quy-y, nhưng chưa rõ về nghĩa Tam-bảo. Có kẻ tuy mến chánh giáo, song chỉ đối trước tôn tượng nguyện quy-y Phật, Pháp mà không quy-y Tăng, hoặc khinh chư tăng không chịu gần gũi, khiến cho việc thọ Tam-quy không thành và tự nuôi lớn lòng cao mạn, không được phần pháp ích. Lại có người nghe nói quy-y Tam-bảo không đọa Tam-đồ chẳng hiểu đó là chỉ cho lý Tam-quy, nên bên ngoài tuy vẫn thọ Tam-quy, thờ Phật, tụng kinh, đi chùa, cúng dường chư tăng, nhưng bên trong không diệt lòng tham sân si, vì danh lợi sắc tài mà gây nhiều nghiệp ác, kết cuộc phải bị sa đọa.

Các tiết trong bản chương thuyết minh khái yếu về Tam-quy qua mấy điểm: ý nghĩa Tam-quy, Tam-bảo; nghi thức quy-y; những điều tín thệ khi thọ Tam-quy, Tam-quy là nền tảng của Ngũ-giới và các giới; tại sao chư thiên là chỗ phi quy-y, Như-Lai là nơi chân quy-y?

Bốn chúng của Phật, nhất là hàng Phật-tử tại-gia, cần nên thông hiểu về Tam-quy để cho sự tu học được thêm phần lợi ích.

Tiết I: Ý Nghĩa Tam Quy

Tam-quy nguyên lời tắt, nói cho đủ là “Quy-y Tam-bảo”. Quy là trở về; Y là nương tựa. Quy-y là trở về nương tựa nơi mà mình đã vì si mê lầm lạc, phóng đãng bỏ ra đi. Ví như đứa trẻ vì khờ dại, bỏ cha mẹ đi hoang, trải qua những kinh nghiệm khổ đau, tự biết tỉnh ngộ, quay trở về nương tựa dưới lòng từ ái, lời khuyên dạy thiết thật, bóng tuổi tác hiền hòa của song thân. “Quy-y” nguyên là phiên âm Trung-Quốc qua danh từ Nam-Mô (Namo) của Phạm-ngữ, cũng có nghĩa là cung kính hay phục tùng.

Tam-bảo là ba ngôi báu: Phật, Pháp, và Tăng. Ví như châu báu có thể giúp cho người khỏi nghèo khó, ba ngôi nầy có thể khiến cho chúng-sanh được phước nhơn thiên, cho đến khỏi sự khổ luân-hồi đến Niết-bàn an vui, nên gọi là “Bảo”. “Phật” gọi cho đủ là Phật-Ðà (Buddha), Trung-Hoa dịch là Giác-giả. Danh từ nầy chỉ cho bậc giác ngộ viên mãn trên ba phương diện: Tự-giác, giác-tha, và giác-hạnh. Tự-giác viên mãn, là tự mình giác ngộ đến chỗ cứu cánh. Giác-tha viên mãn, là biết các phương pháp dẫn dạy chúng-sanh đến chỗ cứu cánh. Giác-hạnh viên mãn, chỉ cho hạnh giác ngộ gồm phước, huệ, tự tha, đều đi đến chỗ đầy đủ, hoàn toàn. “Pháp” nguyên phiên âm của Trung-Hoa, gọi theo Phạm-ngữ là Ðạt-Ma (Dharma). Ðây là những phương pháp tu hành để đi đến Phật quả, đại ước như ba tạng: Kinh, luật, luận. “Tăng” nói đủ theo tiếng Phạm là Tăng-già (Sangha), có nghĩa: Hòa hiệp chúng hay Thanh tịnh chúng. Ðây là những vị tu hành giữ giới hạnh trong sạch, hòa thuận chia sớt cho nhau những gì đã thu nhận được, nói đại khái là sống theo phép lục hòa. Theo đúng nghĩa thì từ bốn người trở lên mới được gọi là Tăng, nhưng một người cũng có thể đại biểu cho Tăng.

Chúng-sanh từ nhiều kiếp đến nay vì si mê lầm lạc, nên bị luân chuyển quanh sáu đường, sống trong bể nước mắt khổ đau và bùn nhơ dục vọng. Trong cảnh đen tối “cuộc vui vui dở, nỗi sầu sầu thêm” ấy, ai là người có chút thức tỉnh, lại không muốn trở về nguồn trong sáng, an lành? Nhưng làm thế nào để thoát ly? Biết nơi đâu là nương tựa?

Theo đấng Ðại-giác, chúng-sanh muốn lìa bến khổ trở lại nguồn vui, chỉ có quy-y Tam-bảo. Tại sao thế? Vì trong Tam-bảo, Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, trí bi đầy đủ, phước huệ vô biên, đức hạnh đều toàn vẹn. Ngài là bậc đạo sư vĩ đại nhất, đã có những kinh nghiệm bản thân để dẫn dắt muôn loài thoát nẻo luân-hồi, đến nơi cực quả. Về pháp, thì ba tạng Kinh-điển của Phật đầy đủ phương châm, có công năng đưa chúng-sanh vượt khỏi bến mơ, bước lên bờ giác. Còn Tăng là những vị giới hạnh trong sạch, đã lìa bỏ mọi thú vui vật chất, hướng về nẻo quang minh, có thể thay thế cho Phật để dẫn dắt chúng-sanh đi trên đường đạo. Xin dẫn một vài đoạn Kinh-luận, để nói thêm về ý nghĩa Tam-quy:

– Lại nữa, Từ-Thị! Nếu chúng-sanh nào muốn quy-y Tam-bảo, nên phát tâm như thế nầy: Nay ta đã sanh làm thân người, xa lìa tám nạn, đó là việc rất khó được. Vậy ta phải dùng phương tiện khéo, mà tu tập tất cả pháp thắng diệu. Nếu ta trái với tâm nguyện giải thoát không cầu những pháp lành, chính là tự khinh bỏ mình. Ví như có người đi thuyền ra biển, tìm được chỗ có châu báu, nhưng lại trở về tay không. Cũng như thế, Phật, Pháp, Tăng bảo là chỗ nương tựa để thoát khổ, nếu kẻ nào được gặp mà chẳng quy-y, sau dù có hối hận cũng không thể kịp! Ðã biết như thế rồi, phải nên siêng năng tu tập pháp lành nguyện cho mau được thành tựu. Những tội lỗi từ quá khứ cũng cần sám hối khiến cho trừ diệt. Phải nghĩ rằng ta từ vô thỉ đến nay, do thân, miệng, ý, tạo ra tội chướng vô lượng vô biên. Những lỗi ấy đều từ tâm niệm điên đảo giả dối mà sanh, vẫn không có thật. Như thế, các tội đã gây đối với cảnh tôn trọng như Phật, Pháp, Tăng, cha mẹ sư trưởng, cho đến lỗi nhỏ như vi-trần, nay đều sám hối…. Lại đối với những nghiệp lành của tất cả thánh-hiền như Phật và đệ-tử, hàng Ðộc-Giác, Thanh-Văn, bậc hữu học vô học cùng các loài hữu-tình trong mười phương đều phải phát tâm tùy hỷ.

Nên xét nghĩ, như khi mình đau nặng, trông mong có người quen thuộc nâng đỡ, xoa nắn, tắm rửa, lo lắng cho việc ăn uống thuốc men. Dù được sự săn sóc đầy đủ như thế, nhưng nỗi bịnh khổ của tự thân trong hiện tại còn không ai thay thế cho được, huống nữa là bao nhiêu nỗi khổ lớn sanh-tử ở đời vị lai ư? Ta đã không nơi nương tựa như thế, thì loài hữu-tình nào có khác chi! Vậy cần phải quy-y ngôi Tam-bảo chân thật, vì là chỗ thường trụ. Ví như người trí khi gặp cảnh hiểm nạn, biết cầu bậc có thế lực cứu giúp chở che. Cũng như thế, chúng-sanh trong nẻo hiểm nạn luân-hồi, phải nương về ngôi Tam-bảo, mới có thể vượt qua sông sanh-tử to rộng. Nghĩ như thế rồi, phát lòng tín hướng quả quyết, quỳ gối chắp tay đem hết thân tâm thành kính đúng theo pháp quy-y Tam-bảo. Sau khi quy-y xong lại phải phát đại tâm, nguyện cứu độ tất cả chúng-sanh vượt qua biển sanh-tử khổ não, đến bờ Niết-bàn an vui.

Nầy Từ-Thị! Ví như kẻ lương đạo dẫn dắt đoàn thương khách vượt qua vùng sa mạc rộng lớn mênh mang đầy nguy hiểm, đến chỗ an toàn thế nào, thì đạo-sư Tam-bảo cũng vậy. Ba ngôi báu khéo đưa chúng-sanh vượt qua đêm sanh-tử dài dặc mịt mờ hầu như vô tận, đến trời mai rạng rỡ của Niết-bàn. Vậy kẻ phát tâm tu hạnh Ðại-thừa, phải nên như thế mà quy-y Tam-bảo. (Lược trích kinh Ðại-Thừa-Lý-Thú-Lục-Ba-La-Mật)

– Quy-y có mấy ngôi? Có ba ngôi là Phật, Pháp, Tăng. – Do nhân duyên gì mà chỉ có ba ngôi? Do bốn duyên: 1- Như-Lai là đấng toàn thiện, phước huệ đều viên mãn. 2- Ðối với tất cả loài hữu-tình, đầy đủ phương tiện khéo để chiết phục, điều nhiếp. 3- Ðủ lòng đại bi. 4- Giả sử có kẻ đem tất cả tài bảo cúng dường Như-Lai cũng không vui mừng, chỉ dùng chánh hạnh cúng dường mới sanh hoan hỷ. Do đó, Đức Phật, giáo pháp và các đệ-tử của Ngài, đều đáng cho chúng-sanh quy-y.

– Ðủ mấy duyên mới có thể gọi là chân thật quy-y? Ðủ bốn duyên: 1- Biết công đức. 2- Biết ý nghĩa sai biệt. 3- Chính mình phát thệ nguyện. 4- Nhận rõ không có đạo sư nào hơn.

– Hạnh tu về quy-y như thế nào? Có bốn chánh hạnh: 1- Gần gũi thiện tri thức. 2- Nghe học chánh-pháp. 3- Suy nghĩ như pháp. 4- Thực hành đúng pháp. Thành tựu được bốn hạnh nầy, mới gọi là quy-y. (Luận Du-Già-Sư-Ðịa)

Tiết II: Danh Nghĩa Tam Bảo

Nói về phần khái yếu, Tam-bảo có ba bậc là: Ðồng-thể-Tam-bảo, Xuất-thế-Tam-bảo, và Trụ-trì-Tam-bảo.

– Về Ðồng-thể-Tam-bảo, thì Ðồng-thể-Phật-bảo là chỉ cho chân tánh đồng đẳng sáng suốt của chư Phật và tất cả chúng-sanh. Ðồng-thể-Pháp-bảo, tức là nói tất cả chúng-sanh cùng chư Phật đồng một pháp tánh từ bi, trí huệ. Ðồng-thể-Tăng-bảo là chỉ cho thể tánh thanh tịnh, sự lý hòa hợp của chư Phật và chúng-sanh.

– Về Xuất-thế-Tam-bảo, thì Xuất-thế-Phật-bảo chỉ cho Ðức Thích-Ca-Mâu-Ni, Ðức A-Di-Ðà và chư Phật trong mười phương, đã được giác ngộ tự tại, thoát khỏi vòng ràng buộc của thế gian. Xuất-thế-Pháp-bảo, chỉ cho chánh-pháp của Phật như Tứ-đế, Thập-nhị-nhân-duyên, Lục-độ, nói chung là ba tạng kinh, có công năng làm cho chúng-sanh vượt khỏi nẻo sanh-tử luân-hồi. Xuất-thế-Tăng-bảo, là các bậc thánh-tăng như Văn-Thù, Phổ-Hiền, A-Nan, Ca-Diếp, những vị đã siêu thoát ba cõi, chứng quả Niết-bàn.

– Về Trụ-trì-Tam-bảo, thì Trụ-trì-Phật-bảo là chỉ cho những tượng Phật bằng kim khí, bằng gỗ, bằng sành, đất, xi măng, thêu trên vải hay vẽ trên giấy. Trụ-trì-Pháp-bảo là ba tạng giáo điển kinh, luật, luận viết hay in trên giấy, trên vải, trên lá buông, hoặc khắc chạm vào gỗ, đồng, đá. Trụ-trì-Tăng-bảo, chỉ cho các vị Tỷ-khưu tu hành chân chánh, giới hạnh trong sạch trang nghiêm.

Nói tóm lại, Ðồng-thể-Tam-bảo là lý tánh đồng đẳng của Phật, Pháp, Tăng. Xuất-thế-Tam-bảo chỉ cho đức siêu thoát thế gian của ba ngôi báu. Trụ trì Tam-bảo là hình tướng Tam-bảo lưu trụ ở đời để duy trì đạo pháp, làm nhân duyên độ chúng-sanh.

Ngoài ra về Tăng, lại có Phàm-phu-tăng và Thắng-nghĩa-tăng. Phàm-phu-tăng là những vị xuất-gia cạo tóc mặc pháp phục, chưa chứng đạo quả. Thắng-nghĩa-tăng là những vị đã chứng thánh-quả, đúng với nghĩa thanh tịnh giải thoát của Tăng, không luận về hình tướng. Như thuở xưa, sau khi Phật diệt độ, ở xứ Thiên-Trúc có một vị Sa-môn tu chứng quả A-na-hàm. Vừa lúc đắc đạo, vị đại-đức nầy liền dùng phép thần túc đi mau lẹ như khoảng co duỗi cánh tay, lên trên cung trời Ðâu-Suất để yết kiến đức Di-Lặc. Nhưng khi đến nơi, ông thấy Ðức Di-Lặc tuy có 32 tướng, song còn để tóc, đầu đội thiên quan, mình mặc thiên y xinh đẹp, đeo chuỗi ngọc và những đồ nghiêm sức rực rỡ của cõi trời. Thấy thế, vị Sa-môn bỗng sanh quan niệm chấp trước rằng: ta không nên đem hình thức tôn trọng của người xuất-gia, mà đảnh lễ vị mang hình tướng thế tục. Nghĩ xong, ông vội hiện thần thông trở xuống hạ giới. Về sau, việc nầy lan truyền ra, các vị tôn đức khác phê bình ông còn chấp hình thức phương tiện của Phàm-phu-tăng, mà không đạt phần chân thật của Thắng-nghĩa-tăng, nên để mất sự lợi ích nghe pháp với một vị Nhất-Sanh Bồ-Tát. Chuyện trên đây cũng đáng làm gương cho hàng Phật-tử xuất-gia, tại-gia suy gẫm.

Ðể nói rộng thêm, xin lược dẫn một đoạn kinh thuyết minh về ý nghĩa Tam-bảo:

“Bấy giờ, Từ-Thị Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát thưa rằng: “Bạch Thế-Tôn! Sao gọi là Phật, Pháp, Tăng-bảo? Phải nên quy-y thế nào? Ðức Phật bảo: – Nầy Từ-Thị! Phật bảo có hai: Phật-thân và Phật-đức. Phật-thân là thân Như-Lai có 32 tướng, đủ mười hiệu, từ vô lượng kiếp về quá khứ đã không tiếc thân mạng tu viên mãn sáu độ muôn hạnh, đời nay ngồi nơi cội bồ-đề dứt hết kiến hoặc, hàng phục ma quân, được nhất thiết chủng trí, thành ngôi Chánh-đẳng-chánh-giác. Phật-đức là Như-Lai có đủ mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi đại hỷ đại xả, ba môn giải thoát, sáu phép thần thông, lìa phiền não chướng, sở tri chướng và tất cả tập khí, được Tứ-trí, Nhị-trí, Vô-công-dụng-đạo, khởi hiện như huyễn hóa, đi xa hoặc gần đều tự tại không chướng ngại, có thể để vô lượng núi Tu-Di trong một hạt cải… Những công đức như thế vô lượng vô biên, Như-Lai thảy đều đầy đủ.

Pháp bảo có ba thứ: Ðệ-nhất-Pháp-bảo là Niết-bàn, cam-lộ, giải-thoát, lấy thường, lạc, ngã, tịnh làm thể tánh, hay thoát ly sanh già bịnh chết, lo thương buồn rầu. Ðây chính là pháp-thân giải thoát của Ma-Ha-Bát-Nhã. Ðệ-nhị-Pháp-bảo là các công đức mầu thuộc giới, định huệ, và ba mươi bảy phần bồ-đề như: Tứ-niệm-xứ, Tứ-chánh-cần, Tứ-thần-túc, Ngũ-căn, Ngũ-lực, Thất-giác-chi, Bát-chánh-đạo. Ba mươi bảy phần nầy làm phương tiện cho Pháp-bảo thanh tịnh trước. Nói phương tiện là vì tu pháp nầy có thể chứng được Pháp-thân thanh tịnh. Ðệ-tam-Pháp-bảo, là chánh-pháp mà vô lượng Căng-già-sa chư Phật đời quá khứ và ta đã nói ra, như tám muôn bốn ngàn diệu pháp uẩn, để điều phục chúng-sanh thuần thục, hữu duyên, khiến cho A-Nan và các đại đệ-tử một phen nghe đều ghi nhớ hết. Chánh-pháp nầy nhiếp thành năm phần: Tô-Đát-Lãm, Tỳ-Nại-Gia, A-Tỳ-Đạt-Ma, Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa, và Ðà-La-Ni môn. Như-Lai và các đệ-tử dùng năm tạng nầy hóa đạo chúng-sanh, tùy căn cơ đáng độ mà vì thuyết pháp. Nếu những hữu-tình ưa ở rừng núi và chỗ thanh vắng u nhàn mà tu tịnh lự, thì vì họ nói tạng Tô-Đát-Lãm. Nếu những hữu-tình ưa tập giới hạnh oai nghi để hộ trì chánh-pháp khiến cho một vị hòa hợp, được trụ lâu nơi đời, thì vì họ nói tạng Tỳ-Nại-Gia. Nếu những hữu-tình ưa phân biệt tánh tướng của các pháp, tìm tòi nghiên cứu đến chỗ rốt ráo u thâm, thì vì họ nói tạng A-Tỳ-Đạt-Ma. Nếu những hữu-tình ưa tu tập trí huệ chân thật của Ðại-thừa, xa lìa ngã chấp, pháp chấp, thì vì họ nói tạng Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa. Nếu những hữu-tình không thể thọ trì khế kinh, điều phục, đối pháp, Bát-nhã; hoặc tạo các nghiệp ác như: tứ-trọng, bát-trọng, ngũ-vô-gián, nhất-xiển-đề, (vô-tính-căn: không tin Phật-pháp) báng kinh Phương-đẳng, thì vì họ nói tạng Ðà-La-Ni, khiến cho được mau tiêu trừ tội chướng, chứng ngộ Niết-bàn. Năm pháp tạng nầy ví như các vị: nhũ, lạc, sanh-tô, thục-tô, đề-hồ; khế kinh như nhũ, điều phục như lạc, đối pháp như sanh-tô, Bát-nhã như thục-tô, tổng trì như đề-hồ. Trong năm vị, đề-hồ là vi diệu bậc nhất, vì hay trừ các bịnh khiến cho loài hữu-tình thân tâm an vui. Cũng như thế, trong năm tạng, Ðà-La-Ni là bậc nhất, vì hay tiêu trừ tội nặng khiến cho chúng-sanh mau thoát vòng sanh-tử, chứng pháp-thân tâm an lạc của Niết-bàn. Khi ta diệt độ, phú chúc cho A-Nan thọ trì tạng Tô-Đát-Lãm, Ưu-Ba-Ly thọ trì tạng Tỳ-Nại-Gia, Ca-Ða-Diễn-Na thọ trì tạng A-Tỳ-Đạt-Ma, Mạn-Thù-Thất-Lỵ Bồ-Tát thọ trì tạng Bát-Nhã, Kim-Cương-Thủ Bồ-Tát thọ trì tạng Ðà-La-Ni.

Tăng bảo cũng có ba là: Ðệ-nhất-nghĩa-tăng, Thánh-tăng và Phước-điền-tăng. Ðệ-nhất-nghĩa-tăng là chư Phật thánh-tăng như pháp mà trụ, không thể nhìn thấy, cầm nắm, phá hoại, hoặc thiêu đốt, làm hại, không thể nghĩ bàn! Ðây là những phước điền tốt đẹp của tất cả chúng-sanh, tuy làm phước điền mà không nhận lãnh, và các pháp công đức thường không biến đổi. Thánh-tăng là Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm hướng, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả, Bích-Chi-Phật hướng, Bích-Chi-Phật quả, Bát-đại-nhân-giác, Tam-hiền, Thập-thánh. Phước-điền-tăng là các vị Bí-sô, Bí-sô-ni giữ gìn giới hạnh, học nhiều, trí huệ, ví như cây Thiên-ý hay che mát chúng-sanh. Lại như đám mưa rào mát ngọt hay thắm nhuần giúp ích kẻ lữ hành khô khát đang đi nơi đồng hoang bãi sa mạc, như tất cả châu báu xuất sanh từ biển nước mặn. Phước-điền-tăng cũng như thế, hay cho loài hữu-tình sự an ổn vui tươi.

Nầy Từ-Thị! Trong ba ngôi Tăng-bảo như thế, tuy cũng đồng quy-y, nhưng điểm tất yếu là quy-y Ðệ-nhất-nghĩa-vô-vi-Tăng-bảo. Tại sao thế? Vì Ðệ-nhất-nghĩa-tăng là Thường-trụ-tăng. Ngôi Tăng-bảo nầy vô lậu vô vi, không biến không đổi, là pháp tự chứng. Quy-y ngôi Tăng-bảo vô lậu như thế, hay tiêu diệt tất cả sự khổ ách. Khi quy-y nên nguyện các hữu-tình đều được công đức vô lậu, và nguyện khi mình đắc độ rồi, sẽ diễn pháp tam thừa hóa đạo chúng-sanh. Lại nguyện rằng: “Ta nay quy-y Phật, Pháp, Tăng-bảo không vì sợ hãi nỗi khổ trong ba đường ác, cũng không mong hưởng phước báo cõi trời cõi người, mà chính muốn cứu độ loài hữu-tình thoát nẻo luân-hồi khổ não. Ðó gọi là phép quy-y”. (Kinh Ðại-Thừa-Lý-Thú-Lục-Ba-La-Mật)

Tiết III: Yếu Ðiểm Về Việc Thọ Tam Quy

Sau khi đã rõ ý nghĩa Tam-bảo và sự cần thiết về quy-y, người muốn bước lên đường đạo đức, giải thoát, phải nên thực hành điều hiểu biết ấy. Quy-y có hai: Sự-quy-y và Lý-quy-y.

Phần Tam-quy về Sự, thì Sự-quy-y Phật là thân hằng chiêm ngưỡng kính lễ hình tượng Ðức Thế-Tôn, miệng xưng danh hiệu Ngài, tâm luôn luôn tưởng nhớ nguyện suốt đời theo bước chân đấng Ðiều-Ngự. Sự-quy-y Pháp là việc nghe học nghiên cứu nghĩa lý nhiệm mầu trong ba tạng, hoặc thường đọc tụng kinh, luật, luận, nghi nhớ lời thánh-giáo, y theo đó mà tinh tấn tu hành. Sự-quy-y Tăng là gần gũi những vị Sa-môn có giới hạnh, thông hiểu chánh-pháp, để học hỏi những điều mình chưa biết. Người đã thọ Tam-quy, đối với những bậc Tỷ-khưu hạnh giải cố nhiên là phải cung kính, cúng dường, thân cận; nhưng với những vị Tăng không thanh tịnh tuy không gần gũi, cũng đừng nên sanh lòng khinh mạn, nặng tiếng bêu rêu, vì làm như thế có tánh cách phá hoại Tam-bảo, tự gây ác nghiệp cho mình.

Phần Tam-quy về Lý, là quy-y nơi lý tánh Phật, Pháp, Tăng của mình, cũng gọi là Tam-tự-quy-y. Lý-quy-y Phật là hành giả phải dứt hết tâm mê vọng, trở về với Phật tánh sáng suốt của mình. Phật tánh ấy mọi người chúng ta đều sẵn có, chỉ vì từ vô thỉ ta hằng để nước lòng vẩn đục, nên làm mất ánh sáng thiên chân. Tánh cách quy-y nầy là tìm nơi chính mình, chớ không phải hướng theo bên ngoài. Tục ngữ có câu: “Không thờ Phật trong nhà, uổng đi tìm Thích-Ca ngoài đồng” chính là lẽ ấy. Lý-quy-y Pháp là nương về pháp tánh trong sạch của mình. Pháp tánh đó có đủ Tứ-vô-lượng-tâm, Tứ-vô-ngại-biện, Tứ-trí, Tứ-đức-niết-bàn, Lục-ba-la-mật, tóm lại là vô lượng pháp môn. Chúng ta cần phải phát huy những công đức sẵn có ấy. Lý-quy-y Tăng là nương theo vị Tăng trong tâm mình. Vị Tăng đó tức là đức tánh thanh tịnh, hòa hợp, giải thoát sẵn có của tâm, ví như Tăng-già là hiện thân của sự thanh tịnh, hòa hợp, giải thoát bên ngoài. Khi ta còn mê muội chưa biết rõ ông thầy của tự tâm, nay nhờ Phật chỉ dạy, ta nên nhận thức mà trở về với Tăng-đức thanh tịnh của mình.

Tóm lại, Sự-Tam-quy thiên trọng về hình nghi, Lý-Tam-quy thiên trọng về tâm tánh. Lý-Tam-quy như Pháp-Bảo-Ðàn-Kinh đã nói: “Giữ lòng giác ngộ, là quy-y Phật, giữ lòng chân chánh là quy-y Pháp, giữ lòng thanh tịnh là quy-y Tăng”. Người quy-y nếu chỉ thiên trọng về Sự-Tam-quy thì duy có bề ngoài mà không có bề trong, chấp phương tiện mà không đi đến chỗ cứu cánh. Nếu chỉ chấp Lý-Tam-quy phế bỏ phần Sự, tức là khinh mạn ngôi Tam-bảo, trái với tự tâm, rồi phần Lý-quy-y cũng không thành. Tại sao thế? Vì chân lý của tự tâm vốn giác ngộ thanh tịnh, không có tánh cách kiêu mạn thiên chấp, vì trái với phương tiện thứ đệ của Phật dạy, vì toàn Sự tức là Lý. Cho nên Bàng-Uẩn cư sĩ dù ngộ đạo cũng vẫn quy-y, Lục tổ Huệ-Năng dù thấu suốt tự tâm, được truyền y bát, cũng phải thọ giới. Ðể nhấn rõ thêm những điều trọng yếu, xin dẫn ít đoạn kinh nói đại lược về mấy điểm nghi thức tín thệ, và cơ sở giới luật của Tam-quy:

“Khi ấy, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát hỏi: -Bạch Thế-Tôn! Phép quy-y như thế nào? Ðức Phật bảo: “Bạch đại-đức! Con là (tên họ hoặc pháp danh), từ nay cho đến khi thành đạo bồ-đề, xin quy-y Phật, quy-y Pháp, quy-y Tăng”. Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế. Lại thưa: “Con là… đã quy-y Phật rồi, quy-y Pháp rồi, quy-y Tăng rồi”. Nói như thế ba lần. Ðây là phép Tam-quy, tam-kết, yếu điểm trong nghi thức quy-y”. (Kinh Văn-Thù-Sư-Lợi-Vấn)

…Lại nên bảo rằng: “Giới Ưu-bà-tắc rất khó giữ. Nếu đã quy-y Phật, thà bỏ thân mạng, quyết không quy-y các vị thiên thần hay ngoại-đạo khác, như Tự-Tại-Thiên… Nếu đã quy-y Pháp, thà bỏ thân mạng, quyết không nương theo các kinh sách của ngoại giáo. Nếu đã quy-y Tăng, thà bỏ thân mạng, quyết không gần gũi nương tựa theo tà chúng. Ông có thể như thế mà chí tâm quy-y Tam-bảo chăng? Như người thọ Tam-quy đáp: “Có thể”, thì lại bảo tiếp: – Nầy Thiện-nam-tử! Giới Ưu-bà-tắc rất khó giữ. Nếu người nào nương về Tam-bảo, tất phải bố thí sự không sợ hãi cho chúng-sanh. Như kẻ ấy có thể bố thí vô úy, thì mới đắc Tam-quy và giới Ưu-bà-tắc, cho đến quả A-Nậu-Đa-La-Tam-Miệu-Tam-Bồ-Đề. Ông có thể như thế mà bố thí sự không sợ hãi cho chúng-sanh chăng? (Kinh Ưu-Bà-Tắc-Giới)

Ngài Ưu-Ba-Ly thưa: -Bạch Thế-Tôn! nếu như khi thọ Tam-quy giới, trước xưng Pháp-bảo, sau xưng Phật-bảo, có thành phép Tam-quy chăng? Ðức Phật bảo: “Nếu kẻ vì không hiểu biết mà nói sai thứ lớp, thì không đắc tội, thành phép Tam-quy. Như người đã hiểu biết mà cố ý nói sai thứ lớp, thì đắc tội, phép Tam-quy không thành. Ưu-Ba-Ly hỏi: – Nếu xưng Phật, Pháp không xưng Tăng; hay xưng Pháp, Tăng, không xưng Phật; hoặc xưng Phật, Tăng, không xưng Pháp, như thế phép Tam-quy có thành chăng? Ðáp: Không thành! Lại hỏi: – Nếu không thọ Tam-quy, có thể đắc Ngũ-giới, Bát-giới, hoặc Thập-giới chăng? Nếu không bạch Tứ-yết-ma, đắc Cụ-túc giới chăng? Ðáp: Tất cả giới đều không đắc. Như muốn thọ Ngũ-giới, trước phải thọ Tam-quy. Ðã thọ xong Tam-quy, mới có thể đắc Ngũ-giới. (Kinh Ðại-Phương-Tiện-Phật-Báo-Ân)

Tiết IV: Chỗ Phi Quy Y

Như Kinh nói, người đã quy-y Phật rồi, dù cho thiên thần còn không nên nương theo, huống chi là tà-ma ngoại-đạo. Nhưng tại sao chư thiên cũng tôn quý, lại không phải là những bậc đáng quy-y? Ta hãy xem một đoạn trong luận tạng như sau:

Do năm nhân duyên, nên biết chư thiên không phải là chỗ quy-y? Năm nhân duyên ấy là: 1- Do hình tướng. 2- Do tự tánh. 3- Do tác nghiệp. 4- Do pháp nhĩ. 5- Do nhân-quả.

1. Tại sao do hình tướng, nên chư thiên không phải là chỗ quy-y?
Ấy bởi chư thiên không phải là những vị mà người đời thường trông thấy, hoặc tiếp xúc nói chuyện. Có khi chư thiên thần hình dáng oai mãnh, khác lạ, đáng khiếp sợ. Hơn nữa, chư thiên thường buông lung theo sự tham ái vui chơi, bỏ việc lợi tha, không có lòng bi mẫn, đối với nghĩa chân thật không thông đạt, chẳng biết những điều đáng làm cùng không đáng làm.

Còn Đức Phật là bậc mà người đời được trông thấy, thường tiếp xúc nói chuyện, hình tướng tươi đẹp, điềm tĩnh, trang nghiêm. Như-Lai xa lìa sự tham ái, phóng dật, thương xót loài hữu-tình, hằng có tâm lợi tha, biết việc đáng làm cùng không đáng làm, thông đạt nghĩa chân thật.

Lại nữa, Như-Lai là bậc chân quy-y, do bởi năm sự kiện: 1- Vì lợi ích tất cả hữu-tình mà tu chứng bồ-đề. 2- Khéo xoay chuyển bánh xe chánh-pháp. 3- Tâm lợi tha bình đẳng, không phân biệt ân, oán, thân, sơ cùng dị loại. 4- Bỏ tất cả cung điện, quyến thuộc, sự tôn vinh, nhiếp trừ tham ái, các căn tịch tịnh. 5- Hay giải quyết tất cả mối nghi cho chúng-sanh.

2- Tại sao do tự tánh nên chư thiên không phải là chỗ quy-y?
Ấy bởi chư thiên còn tùy theo phiền não, còn nghiệp hoặc, tánh chưa thuần thiện, không thể điều ngự kẻ khác đúng theo đạo lý. Trái lại, Như-Lai lìa tất cả phiền não, tâm tánh thuần thiện, khéo điều ngự tất cả loài hữu-tình.

3- Tại sao do tác nghiệp, nên chư Thiên không phải là chỗ quy-y?
Ấy bởi chư thiên còn an trụ nơi sự thọ hưởng dục lạc, có thể gây ra ác nghiệp và làm tổn hại cho loài hữu-tình. Còn Đức Phật thì tâm quảng đại sáng suốt trong sạch, thường an trụ nơi chánh định hay làm những việc lợi ích cho chúng-sanh.

4- Tại sao do pháp nhĩ, nên chư thiên không phải là chỗ quy-y?
Ấy bởi tất cả kết quả tốt đẹp an vui của thế gian và xuất thế gian đều do công lực của mình. Nếu tự mình không gắng sức ra công làm lành tu tập, thì dù có hết sức thờ kính chư thiên, cũng không thể được. Trái lại, tuy không kính thờ chư thiên mà gắng sức làm lành tu tập cũng được kết quả tốt đẹp an vui.

5- Tại sao do nhân-quả, nên chư thiên không phải là chỗ quy-y?
Nên suy gẫm: Kết quả của thân trời là do nghiệp trời, do cúng dường chư thiên, hay do vô nhân mà được? Nếu do tạo phước trời thì nên nương theo nghiệp lành của mình, không cần quy-y chư thiên kia. Nếu do vô nhân, thì cũng không cần quy-y chư thiên. Nếu do cúng dường, thì bởi dùng tâm nguyện được sanh cõi trời, hay dùng đồ cúng mà được sanh cõi trời? Nếu chỉ dùng đồ cúng thì tùy ý cúng dường bất cứ vị nào cũng được thân trời, cần chi phải quy kỉnh chư thiên? Nếu chỉ dùng tâm nguyện thì không cúng dường cũng được sanh cõi trời, cần chi dùng đồ cúng? Nếu nói dùng cả tâm nguyện và đồ cúng, thì người làm ác chỉ cần quy kỉnh cúng dường chư thiên cũng được làm thân trời hưởng phước lạc, chẳng lẽ trái với lẽ phải, với nhân-quả hay sao? Cho nên ngoại-đạo bảo chỉ quy kính cúng dường thiên thần, sẽ được sanh lên cõi trời hưởng phước an vui là không đúng với đạo lý. (Luận Du-Già-Sư-Ðịa)