thiên hữu chấp

Phật Quang Đại Từ Điển

(偏有執) Chấp trước vạn pháp là Hữu(có thật). Theo quan điểm của Phật giáo thì chủ trương Vạn pháp là Hữu có thể chia làm 3 bậc: 1. Người thế gian nói chung cho rằng hễ vật nào có hình thể, âm thanh, lạnh nóng… có thể nương gá được thì đều tồn tại chân thực. 2. Thuyết nhất thiết hữu bộ(tức Tát bà đa bộ) thuộc Tiểu thừa cho rằng các pháp do nhiều nhân duyên hòa hợp mà sinh, cho nên thuộc về Hữu, chủ trương Ba đời có thật, pháp thể hằng có. Về cách nhận xét đối với chúng sinh hữu tình thì bộ phái này cũng xem đó là sự giả hòa hợp của 5 uẩn và đề xướng thuyết Tứ hữu: Sinh hữu, Bản hữu, Tử hữu và Trung hữu. Thuyết này thuộc về Thực tại luận cơ giới. 3. TôngPháp tướng thuộc Đại thừa, đặt nền tảng trên Duyên khởi luận, cũng chủ trương tính của các pháp là thực Hữu, thể của nó cùng khắp và thường hằng không diệt. Tuy nhiên, chủ trương này hoàn toàn khác với quan điểm của Thuyết nhất thiết hữu bộ nói trên; bởi vì tính của các pháp mà tông Pháp tướng chủ trương là thuộc về tính Viên thành thực mà thông thường gọi là Chân như, cho nên tuy chủ trương Hữu nhưng thực ra là Hữu của Chân hữu, Diệu hữu, vốn là 1 trong các tư tưởng quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Vì thế biết, chấp trước thiên về Hữu là chỉ cho cái thấy biết của người thế tục nói chung và chủ trương của Thuyết nhất thiết hữu bộ…