thiên đồng tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(天童寺) Chùa ở núi Thiên đồng, Tứ minh, Chiết giang, cách huyện Ngân(xưa gọi là phủ Ninh ba) 35 km về phía đông. Trong năm Vĩnh khang đời Tây Tấn, ngài Nghĩa hưng sáng lập 1 ngôi am trên sườn đá giữa khe núi cách huyện Mậu, quận Cối kê khoảng 17 km về phía đông nam để ở, nhân cảm được sao Thái bạch hóa làm đồng tử hàng ngày mang củi, nước đến dâng, cho nên đặt tênnúilà Thái bạch, đặt tên chùa là Thiên đồng. Năm Long an thứ 3 (399) đời Đông Tấn, chùa bị thiêu hủy trong hỏa hoạn. Khoảng năm Khai nguyên đời vua Huyền tông nhà Đường, ngài Pháp tuyền cất chùa trên nền cũ đặt tên là tinh xá Thái bạch và xây tháp Đa bảo ở góc tây nam chùa, hằng ngày đọc tụng kinh Pháp hoa. Năm Chí đức thứ 2 (757), ngài Tông bật… dời chùa về địa chỉ hiện nay. Trong khoảng vài trăm năm, trải qua các đời vua Đường vũ tông, Đường ý tông, Tống chân tông… chùa lần lượt được ban hiệu là Thiên đồng linh lung tự, Thiên thọ tự, Cảnh đức thiền tự… trở thành trọng tâm của các tùng lâm trong 10 phương, đồng thời có các bậc danh tăng như ngài Hoài thanh, Bảo kiên, Phổ giao… đến cư trụ, ngài Hoành trí Chính giác cũng trụ ở chùa này suốt 30 năm, đổi tam môn thành đại các, xây 7 ngôi tháp, sửa chữa tăng đường, các liêu, lại lập chế độ tự sản, cảnh quan chùa mỗi ngày một đổi mới, chư tăng từ khắp nơi tụ tập rất đông, có tới hơn 1000 vị. Lại có các vị tăng người Nhật như Minh am Vinh tây, Hi huyền Đạo nguyên, Hàn nham Nghĩa doãn, Triệt thông Nghĩa giới, Tây giản Tử đàm, Tuyết chu Đẳng dương..lần lượt đến đây tham học. Năm Sùng trinh thứ 4 (1631) đời vua Tư tông nhà Minh, Thiền sư Mật vân Viên ngộ trụ trì chùa này,mở rộng tông phong Lâm tế.Mỗi lần tổ chức pháp hội giảng kinh, tín đồ tham dự thường lên đến con số trên 3 vạn người, giới vương công, danh sĩ đến hỏi đạo cũng rất đông. Đến đời Thanh, vua Thế tông ban biển hiệu Từ Vân Mật Bố. Chùa có các kiến trúc như: Khánh điện, Già lam đường, Vân thủy đường, Thiền đường, Phương trượng, Thiên vương điện, Phật điện, Pháp đường… đáng gọi là Đại thiền sát của 1 dòng ở Trung quốc.