thiện ác bất nhị

Phật Quang Đại Từ Điển

(善惡不二) Thiện vá ác chẳng phải hai. Nghĩa là thiện và ác(bất thiện)đều do nhân duyên mà sinh, trong đó đều không có thực thể, mà là tính không bình đẳng, không có sai khác, cũng tức là chẳng hai, là như nhau. Phẩm Nhập bất nhị pháp môn trong kinh Duy ma cật sở thuyết quyển trung (Đại 14, 550 hạ) nói: Thiện, Bất thiện là hai, nếu không khởi thiện, bất thiện mà vô tướng thông suốt thì đó là vào pháp môn Bất nhị. Thông thường, tuy chia thiện ác làm hai, cho thiện là thuận lí, ác là trái lí, hoặc cho rằng thiện có năng lực mang lại thuận ích cho hiện tại và vị lai, còn ác thì trái tổn, đưa đến quả khổ. Nhưng, đứng trên lập trường bát nhã(trí tuệ)mà nhận xét, thì tất cả các pháp đều không có thực thể, đều do nhân duyên sinh. Do đó mà biếtthiện, ác đều là tính không, đều chẳng phải đối lập, mà là bình đẳng như nhau. Nếu nhìn theo lập trường bất nhị của cảnh giới giác ngộ, thì sự đối lập giữa thiện và bất thiện trong thế giới tương đối hoàn toàn không có ý nghĩa thực chất nào, chỉ là sự phân biệt hư dối. Cho nên, nếu dùng trí tuệ diệt trừ sự chấp trước phân biệt tương đối giữa thiện và bất thiện thì thông suốt tất cả pháp đều vô tướng bình đẳng. Cái gọi là Thiện ác bất nhị chính là cảnh giới Bát nhã giác ngộ thông suốt vậy.