Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận

MỤC LỤC

LỜI TỰA

Đồn Điền Viên Ngoại Lang Bình Xương Mạnh Tiễn Soạn.

Hư không chẳng có bờ mé, trời đất sinh, vũ trụ hình thành, phẩm loại phồn vinh. Nơi đó chúng sinh đua nhau sinh trưởng, các loài tình thức bôn ba, nổi chìm trong sông ái dục, đuổi nhau theo dấu chân sinh tử, nhân quả báo ứng chằng chịt, không thể phân biệt được, duyên theo tuần hoàn, chồng chất như bụi trần, đâu tính đếm được? Báo thân, Hóa thân của chư Phật trước sau, đều lại theo mê, mà chúng sinh lại buông tay chìm đắm mất. Đức Phật mở rộng ba minh, để cứu vớt thế tục, vào tám khổ để ban bố từ bi. Vĩ đại thay! Đức Phật Di-đà! Ngài lập cõi nước thanh tịnh, phát thệ nguyện rộng lớn, hiển bày ánh sáng rực rỡ, chỉ bày pháp môn phương tiện và mở ra con đường cảm thông. Nếu chúng sinh nào thành tựu mười niệm, thì trong một sát-na sẽ được dẫn đến đất vàng, chín bậc vãng sinh, liền được dạo chơi trong nước bạc, lý nổi trôi từ kiếp xa, còn sự thì hiệu nghiệm vô cùng. Chỗ cao sâu này được ngài Đạo An cổ xúy từ đời Trần, ngài Tuệ Viễn bắt đầu lưu thông vào cuối đời Tấn. Từ đó trở đi đều khen ngợi người trước. Trong đó có phân nhiệm nối tiếp làm hưng thạnh, nhận lấy phó chúc từ xa, nghĩ đến việc thành tựu vãng sinh, kéo dài cho đến nay, áo chỉ của sớ giải như xâu hoa, nhẹ nhàng khen ngợi kinh điển. Người duy nhất làm được việc đó là Pháp sư Hoài Cảm, Pháp sư liễu ngộ pháp xưa không mà ngày nay có, đã có sinh thì phải có tử. Pháp sư có sức tin chân chánh, giới phẩm nghiêm sạch, con đường văn chương, đã mở mang mà còn khen ngợi, nức tiếng về trình bày tôn chỉ Tỳ-ni. Tuy có nói nhưng không cùng, lại e sẽ lụy cho lời nói. Sư tư duy luyện thần để ngăn dứt bờ mé, nương vào định lâu ngày nên phát tuệ sáng, bỏ nghĩa học và di tích, thành thật tìm cầu và chọn lấy chứng đắc. Sương đông lại phát ra, băng mỏng cô khởi. Công do lý mà hài hòa, cơ hiệp với thần, thu thần đến chỗ vắng lặng, gần với miền An dưỡng. Pháp sư là bậc khuôn mẫu quy chân, tức là bạn của bậc Thánh A-bệ-bạt trí, tuy niệm còn có tướng, nhưng thể của tình thức thì không dính mắc, cho nên ai cũng biết tiếng của Pháp sư, thế tục đều kính mến quy y sư. Bức trướng đẹp tuy được dựng lên, nhưng thành lũy của ma lại cao hơn, tức lúc còn sống giảng nói thường lý, cho năm chúng nghe. Tín là con đường nhàn rỗi của vãng sinh, là quán trọ của cõi Tịnh. Soạn thứ lớp cho người chưa tu, thành một môn giáo hóa, góp nhặt biên chép thêm rất nhiều. Việc làm này có Pháp sư Hoài Uẩn.

Hoài Uẩn và Pháp sư Hoài Cảm đều là đệ tử tài giỏi của ngài Thiện Đạo, tứ thiền đều vắng lặng, mười thắng đều cao, chỗ khế ngộ rất sâu. Há chỉ cùng dạo chơi trong bảy tịnh? Duyên nhiều lớp học tập, đâu chẳng cùng đi đến cõi Nhất thừa? Năm tháng trôi qua, Pháp sư Hoài Cảm tuổi cao thị tịch trước, từ đấy cửa thiền vắng bóng sư, bảy chúng đều buồn.

Pháp sư Hoài Uẩn đem bản thảo chưa xong của người bạn đồng môn, hoàn thành bộ “Luận Thích Tịnh độ Quần Nghi”, Hoài Uẩn vì người xưa mà mạnh dạn làm việc này. Bình Xương Mạnh Tiễn là người sớm tu Tịnh nghiệp viết lời tựa, giúp truyền bá, trong thời khóa tạp nhạp, sư phất ngọn cờ tinh, gom lời quý báu thành một bộ bảy quyển.