THÍCH TỊNH ĐỘ
QUẦN NGHI LUẬN

(Giải Thích Những Nghi Vấn Tịnh Độ)
Pháp sư Hoài Cảm soạn
Thích Pháp Chánh dịch


Hiệu đính 2017
Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2561, TL 2017

 

Lời ngỏ

Pháp môn Tịnh độ rộng lớn sâu xa khó thể nghĩ bàn, chỉ có chư Phật mới có thể hiểu rõ ý nghĩa quảng bác huyền vi của nó. Trong thời đại mạt pháp này, ngoài pháp môn Tịnh độ A Di Đà, ít có pháp môn nào, Đại thừa hoặc Tiểu thừa, có thể đưa hành giả ra khỏi luân hồi ngay trong hiện đời.

Một điều đáng khích lệ là hiện nay trong cộng đồng Phật giáo Việt nam, cũng như Phật giáo Trung hoa, sự tu tập pháp môn Tịnh Độ A Di Đà rất phổ biến. Thế nhưng, vì quá phổ biến nên đã trở thành tạp nhạp, thiếu hệ thống. Một phần là vì những vị thầy hướng dẫn tu tập và hàng Phật tử không chịu quan tâm đến sự học tập giáo nghĩa, hoặc không rõ phương pháp tu tập, mà chỉ áp dụng những phương pháp “nghe sao làm vậy”, thành thử sự tu tập pháp môn Tịnh độ A Di Đà trở thành “hẹp hòi” và “võ đoán.”

“Hẹp hòi” là vì người tu Tịnh Độ trở nên quá thiển cận trong việc tu tập, cho rằng chỉ cần niệm một câu “A Di Đà Phật” là đủ, còn “võ đoán” là vì “nhận lầm” một phương pháp thiền quán nào đó,  cho đó là “tịnh độ chánh tông”, thậm chí tự hào phương pháp tu tập của mình sẽ “bảo đảm vãng sanh”, và đồng thời, lại còn bài bác tất cả những sự tu tập trợ duyên cho sự vãng sanh Tịnh độ.

Từ những quan niệm tu tập hẹp hòi và võ đoán đó đã dẫn khởi những ác cảm từ những hành giả tu tập các pháp môn Đại thừa khác , và từ đó nảy sanh những sự chống đối, thậm chí hủy báng pháp môn Tịnh Độ A Di Đà. Mà hơn nữa, Phật pháp Đại thừa cũng không cần những chiêu bài lòe loẹt rổng tuếch lừa gạt những tín đồ có lòng tin tha thiết nhưng lại mù mờ đối với những giáo nghĩa Tịnh độ thâm sâu khó hiểu.

Trong Kinh A Di Đà, đức Phật nói “không thể dùng ít thiện căn, ít phước đức, ít nhân duyên mà có thể vãng sanh Cực Lạc”, mà phải cần “một ngày cho đến bảy ngày, niệm danh hiệu A Di Đà đến trình độ nhất tâm bất loạn” thì mới được vãng sanh. Thoáng nghe qua, ai cũng tưởng rằng pháp môn Tịnh độ A Di Đà rất dễ tu, nào ngờ, trong thời đại mạt pháp hỗn loạn, khi mà tâm trí con người động loạn đến cực điểm, thì sự mong cầu cảnh giới “nhất tâm bất loạn” đã quả thật trở thành một sự kiện viễn vông hý luận.

Những người tu pháp môn Tịnh độ, vì không tìm hiểu rộng rãi giáo lý, cho nên đã không quan tâm đến việc tu tập Tam Phước mà đức Phật đã giảng dạy cho phu nhân Vi Đề Hy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, mà trong đó “phát Bồ đề tâm” là một sự kiện vô cùng quan trọng. Vả lại, nếu như không chịu tu tập nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên, mà lại cũng không thể đạt được “nhất tâm bất loạn”, thì việc vãng sanh Tịnh độ A Di Đà sẽ trở thành một sự kiện vô cùng huyễn hoặc.

Có người cho rằng tổ Thiện Đạo, trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ đã kêu gào mọi người nên “chuyên tu” bằng cách chỉ “niệm A Di Đà”, “cúng dường A Di Đà”, v.v… Hầu như không chịu cúng dường, tán thán các chư Phật Bồ tát khác, thậm chí, không còn đoái hoài đến đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta. Nhưng những người đó quên rằng, mỗi hành giả tu tập Tịnh độ có một thời đại, một bối cảnh, và một môi trường tu tập riêng biệt. Không thể lúc nào cũng đem thời đại của ngài Thiện Đạo ra để làm mực thước cho sự tu tập Tịnh độ trong hoàn cảnh hiện tại.

Hơn nữa, trong thời đại động loạn này, khi mà những yếu tố nhiễu loạn tâm thức, như điện thoại tay, internet, truyền thông, truyền hình đã trở thành những yếu tố không thể thiếu vắng trong đời sống, thì giả như muốn “chuyên tu” như ngài Thiện Đạo cũng không thể thực hiện được. Do đây, những pháp môn trợ duyên đã thật sự trở nên cần thiết, và đây là một sự kiện quan trọng mà một hành giả Tịnh độ A Di Đà cần phải đặc biệt chú ý.

Thật sự mà nói, pháp môn Tịnh độ A Di Đà cũng chỉ là một trong những pháp môn tu tập Đại thừa. Một pháp môn chỉ trở thành “đệ nhất” đối với những hành giả có “cơ duyên” và “thích ứng” với pháp môn ấy. Cho nên những hành giả tu tập Tịnh độ cũng đừng nên quá tự hào, cho rằng chỉ có pháp môn mình là tối thượng, mà phải nên “mở rộng tâm hồn”, chấp nhận rằng tất cả pháp môn Đại thừa, dựa trên “tâm Bồ đề”, trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sanh, đều là “đệ nhất.”

Hơn nữa, những hành giả tu tập Tịnh độ A Di Đà cũng đừng quên rằng tu tập pháp môn A Di Đà cũng tức là “tu Bồ tát hạnh, hành Bồ tát đạo.” Nếu không quan niệm như vậy mà chỉ “cắm đầu cắm cổ niệm Phật”, cho đó là đủ, và nghĩ rằng mình sẽ được “bảo đảm vãng sanh”, trong khi bỏ phế sự tu tập Tam Phước, và quên đi tất cả chúng sanh chung quanh đang oằn oại trong khổ đau, đang cần đến sự quan tâm, cứu vớt của mình, thì những hành giả Tịnh độ A Di Đà đó đang tự lừa dối chính họ và lừa dối kẻ khác.

Ngưỡng mong những hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ A Di Đà, cũng như những hành giả tu tập các pháp môn Đại thừa khác, không nên lơ là tâm nguyện Bồ đề, và không nên lãng quên bổn phận và trách nhiệm của một Bồ tát Đại thừa đang tu tập những công hạnh tự lợi lợi tha.

Mùa Vu Lan năm 2017
Thích Pháp Chánh

 

Giới thiệu

Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận, một bộ luận giải thích những nghi vấn về pháp môn Tịnh độ, do ngài Hoài Cảm, một đệ tử của Tổ Thiện Đạo, trước thuật.

Vào đầu nhà Đường (khoảng 650-700 Tây lịch), nhiều tông phái Đại thừa hưng khởi. Những nhân vật Phật giáo kiệt xuất như ngài Thiện Đạo của Tịnh độ tông, ngài Huệ Năng của Thiền tông, ngài Khuy Cơ của Duy thức tông, ngài Pháp Tạng của Hoa nghiêm tông, v.v…, cũng đồng thời xuất hiện. Các tông phái cật lực xiển dương giáo nghĩa đặc sắc của mình trong một sắc thái “trăm hoa đua nở.” Sự thi đua truyền bá Phật pháp này tuy giúp cho giáo nghĩa Đại thừa phát huy rực rỡ, nhưng cũng đưa đến nhiều sự hiểu lầm, va chạm, khiến cho các tông phái công kích lẫn nhau. Hơn nữa, đương thời có nhiều học giả, tông chỉ lệch lạc, giải thích sai lầm, làm phiền nhiều bậc tôn đức phải lên tiếng đính chánh giáo nghĩa của tông phái mình. Đây là một lý do chính mà quyển Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận ra đời.

Ngài Hoài Cảm, trong lịch sử truyền bá Tịnh độ tông, là một nhân vật lỗi lạc, nhưng tương đối ít người biết đến. Tống Cao Tăng Truyện cũng chỉ ghi chép rất sơ lược về tiểu sử của ngài. Theo lời lược thuật, ngài Hoài Cảm, không rõ nguyên quán, tính người cứng cỏi, lúc trẻ chuyên tu pháp môn Duy thức, nghiêm trì giới luật, tinh cần khổ hạnh, nhưng không tin niệm Phật được vãng sanh Tây Phương. Sau đó, Hoài Cảm đến chất vấn Tổ Thiện Đạo về vấn đề này. Tổ hỏi: “Thầy giảng pháp độ sanh, có phải trước tiên tin vào lời Phật dạy, hay chỉ giảng mông lung tùy ý?” Ngài Hoài Cảm trả lời: “Những lời thành thật của chư Phật, nếu con không tin thì con không giảng.” Tổ trả lời: “Như thầy thấy trong kinh điển lời Phật dạy niệm Phật vãng sanh Tịnh độ, chả lẽ do ma nói? Nếu tin lời Phật dạy, hãy chí tâm niệm Phật, ắt sẽ chứng nghiệm.” Hoài Cảm bèn vào đạo trường chí tâm niệm Phật hai mươi mốt ngày, nhưng không thấy được điềm lành. Ngài tự oán hận, cho rằng mình tội chướng sâu nặng, ý muốn quyên sinh. Tổ Thiện Đạo không cho phép, bảo nên siêng năng niệm Phật ba năm. Hoài Cảm tuân lời. Một hôm, trong lúc niệm Phật, thốt nhiên cảm ứng điềm lành, thấy tướng bạch hào vàng chói, liền chứng được Niệm Phật Tam Muội. Ngài cảm thấy hối hận trong quá khứ đã tạo nhiều nghiệp chướng sâu dầy, bèn thành khẩn phát lộ sám hối, sau đó soạn quyển Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận để bày tỏ tâm đắc của mình. Đến lúc lâm chung có Hóa Phật đến rước, ngài ngồi chắp tay hướng về phía tây mà thị tịch.

Trên phương diện hoằng truyền pháp môn Tịnh độ, Tổ Huệ Viễn tuy là nhân vật đầu tiên thiết lập đoàn thể tu tập Niệm Phật Tam Muội, thế nhưng, trên thật tế, ngài Đàm Loan mới là bậc khai sáng tông phái Tịnh Độ mà chúng ta biết được ngày hôm nay. Từ ngài Đàm Loan đến Tổ Thiện Đạo, pháp tu Tịnh độ chuyển biến từ sự tu tập các tạp hạnh vào sự chuyên tâm trì niệm danh hiệu A Di Đà. Tổ Thiện Đạo là một bậc tu chứng cao thâm, đức hạnh tỏa khắp, khiến cho hàng phật tử, tại gia cũng như xuất gia, qua ngưỡng cửa của lòng tin nhiệt thành, tìm vào pháp môn Niệm Phật.  Sau khi Tổ Thiện Đạo thị tịch, ngài Hoài Cảm, một đệ tử kế thừa, tiếp tục chí hướng của thầy mình.

Đương thời, các tông phái như Thiền Tông, Duy Thức, v.v…, đang trên đà lớn mạnh, ngoài ra, còn có một học phái tên Tam Giai Giáo1cũng đang tung hoành trên vũ đài Phật giáo. Tuy tất cả giáo nghĩa đều có mục đích muốn xiển dương chân nghĩa Phật pháp, nhưng không phải không có sự dị biệt, mâu thuẫn. Ngài Hoài Cảm đã dùng hết sở học cũng như kinh nghiệm tu chứng của mình để chấn chỉnh những lập luận lệch lạc, cùng những kiến giải sai lầm về pháp môn Tịnh độ. Vì ngài Hoài Cảm chuyên trường về Duy thức học, nên phần lớn vấn đáp trong bổn luận đều liên quan đến vấn đề này, chẳng hạn như cõi Cực Lạc là báo độ hay hóa độ, sự khác biệt giữa cõi Cực Lạc và cõi Đâu Suất, thân trung ấm có hay không, ý nghĩa của biệt thời ý, v.v… Hơn nữa, ngài cũng cực lực đả kích chủ trương của Tam Giai Giáo. Phái này tuy cũng có những sáng kiến độc đáo, chủ trương Phật giáo được phân làm ba giai đoạn, v.v…, thế nhưng, những kiến giải của họ, phần lớn đi ngược lại với sự hiểu biết Phật pháp thông thường, nếu không nói là lập dị. Phái này được thịnh hành một thời kỳ, sau đó bị triều đình cấm chỉ lưu hành, cho đến đời Tống thì tuyệt tích. Đối với trào lưu Tịnh độ hiện nay, tuy Tam Giai Giáo không còn lưu lại một ảnh hưởng gì, nhưng người dịch cũng cố gắng phiên dịch đầy đủ để hành giả Tịnh độ có thể hiểu rõ thêm về sự chuyển biến của dòng tư tưởng Tịnh độ tại Trung quốc.

Trong thời buổi hiện tại, các hành giả Tịnh độ, đa số chú trọng đến hành môn mà xao lãng phần giải môn. Thế nhưng, dù tu tập bất cứ pháp môn nào, nếu hành trì và kiến giải không đầy đủ, hoặc không tương ưng, thì sự tu tập cũng sẽ gặp nhiều chướng ngại. Có một số hành giả Tịnh độ, vì quá chuyên chú đến sự hành trì, đã tập trung nhiều vào những kỹ thuật tu luyện, nhưng lại quên mất phần “lý sự viên dung” của pháp môn. Nếu tông chỉ của pháp môn Niệm Phật chỉ là mong cầu sự “nhất tâm bất loạn”, thì e rằng tông chỉ đó không còn phù hợp với căn cơ chúng sanh trong thời mạt pháp hiện tại. Nếu muốn sự lý viên dung, hành giải tương ưng, hành giả Tịnh độ, một mặt phải tu tập ba phước được đề cập trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, một mặt phải nghiên cứu giáo điển, thâm nhập giáo lý, và mặt còn lại thì phải chú trọng vào việc hành trì. Có người cho rằng “nhất tâm bất loạn” là một cảnh giới cao siêu, đòi hỏi phải bỏ rất nhiều công phu tu tập, hoặc cho rằng nếu không được “nhất tâm bất loạn”, hoặc tâm không thanh tịnh, v.v…, thì sẽ không được vãng sanh. Những kiến giải như vậy cần phải được duyệt xét lại. Người xưa nói “nếu kiến giải không thâm sâu thì sự hành trì sẽ không chuyên nhất.” Các vị hành giả Tịnh độ, nếu muốn chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh, cần phải nên tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của bổn luận, cùng quyển Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ do Tổ Thiện Đạo trước tác.

Xin chân thành cảm tạ quý Thượng toạ Pháp Quang, Tịnh Trí, Trí Siêu, v.v.., quý Ni sư Chúc Phước, Như Như (Florida), v.v…, đã ủng hộ và khuyến khích trong nhiều năm qua. Đồng thời cũng xin cảm tạ quý Phật tử Chùa Tường Quang, California, Chùa Tịnh Luật, Texas, và quý Phật tử khắp nơi đã nhiệt tâm ủng hộ tịnh tài in ấn giúp cho Pháp bảo Đại thừa được rộng rãi lưu hành. Sau hết, xin chân thành cảm tạ quý Thiện tri thức đã rũ lòng từ bi chỉ chánh những sai lầm thiếu sót trong bản dịch.

Mùa Vu Lan năm Nhâm Thìn, 2012

Tường Quang Tự
Thích Pháp Chánh

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13