THÍCH THIỀN BA LA MẬT THỨ ĐỆ PHÁP MÔN

SỐ 1916

QUYỂN 04

Đời Tùy Đại sư Thiên Thai Trí Giả giảng
Đệ tử: Pháp Thận ghi chép, Chương An Quán Đảnh sửa lại.

CHƯƠNG VI: PHÂN BIỆT TIỀN PHƯƠNG TIỆN CỦA THIỀN BA LA MẬT (Tiếp Theo)

Hai là nói xét căn tánh ác, có bốn ý: Một là nói số lượng phiền não, hai là nói căn tánh xấu ác phát sinh, ba là lập pháp đối trị, bốn là kết thành tất đàn rộng nhiếp Phật pháp.

1/ Giải thích số lượng phiền não: Về phiền não, kinh Niết-bàn chép: Phiền não là pháp ác, nếu nói đủ pháp ác thì danh số rất nhiều, nay nói lược có năm pháp ác bất thiện khai hợp để nói về số lượng năm pháp bất thiện: Một là pháp giác quán bất thiện, hai là pháp tham dục bất thiện, ba là pháp sân nhuế bất thiện, bốn là pháp ngu si bất thiện, năm là pháp ác nghiệp bất thiện. Nếu mở ra thì có đến tám mươi bốn ngàn. Nói về căn bản thì chẳng ngoài ba độc đẳng phần. Nếu hợp năm pháp bất thiện làm bốn phần phiền não thì ba độc tức giữ gốc, lại có ba phần đều thuộc tập nhân, giác quán nghiệp ác chướng đạo. Hai thứ bất thiện nầy hợp thành một phần. Vì sao? Vì giác quán tức là mang ba phần phiền não mà sinh, cũng được nói là Tập nhân đẳng phần. Nghiệp ác chướng đạo thì thuộc Báo nhân đẳng phần. Tập và Báo hợp luận chỉ nói một đẳng phần. Cho nên năm pháp bất thiện nếu hợp lại một lượt mà nói thì chỉ có bốn phần, khai ra mà nói thì có đến tám muôn bốn ngàn. Như trong luận Đại thừa có nói. Phiền não tham dục đầy đủ có hai mươi mốt ngàn, phiền não sân nhuế đầy đủ có hai mươi mốt ngàn, phiền não ngu si đầy đủ có hai mươi mốt ngàn, phiền não đẳng phần đầy đủ có hai mươi mốt ngàn. Vậy bốn phần phiền não hợp lại có tám mươi bốn ngàn trần lao. Phật vì đối đó mà nói tám mươi bốn ngàn pháp môn để trị. Nay trong đây là nói thế nên chỉ y cứ năm thứ bất thiện pháp ác để nói căn tánh phát tướng. Vì sao? Vì ở trên nói căn tánh ác phát há chẳng nói theo năm pháp bất thiện. Đây thì thuốc bệnh đối nhau, phát tướng yếu thì khiến bằng, hành giả muốn tu thiền định thì phải khéo phân biệt.

2/ Nói về căn tánh xấu ác phát sinh: Có hành giả khi tu thiền định, phiền não tội cấu nặng nề, tuy lại dừng tâm tĩnh trụ như trên nói, nhưng pháp lành trong ngoài đều chẳng phát một việc, chỉ biết phiền não khởi phát cho nên kế nói căn tánh xấu ác phát sinh. Nay đối với pháp ác phát sinh lại y cứ năm thứ bất thiện mà nói, trong một bất thiện đều tự có ba, ba lần năm thì có mười lăm pháp bất thiện. Nếu nói khi hành giả pháp bất thiện thì không có bốn lớp. Nay y cứ giáo môn y thứ lớp mà nói đủ như trước nêu:

Một là nói giác quán sát tướng, có ba: Một là tâm sáng suốt lanh lợi mà giác quán, hai là tâm nửa sáng nửa tối mà giác quán, ba là tâm một bề tối tăm mà giác quán. Một là tâm sáng suốt lanh lợi mà giác quán. Nếu hành giả ở quá khứ chẳng trồng sâu gốc lành thì khi tu định đều chẳng phát các thứ pháp lành, chỉ giác quán phan duyên, niệm niệm chẳng dừng trong ba độc cũng không y cứ duyên, hoặc khi duyên với tham, hoặc khi duyên với sân, hoặc khi duyên với si mà việc được duyên lại rất rõ ràng. Như thế tuy trải nhiều năm tháng mà chẳng phát các thiền định. Đây là trong tâm mình lợi mà giác quán phát tướng; Hai là tâm nửa sáng nửa tối mà giác quán, nếu người khi nhiếp niệm tuy biết giác quán phiền não niệm niệm chẳng dừng, chỉ khi ở chỗ duyên hoặc sáng hoặc tối, sáng thì giác quán phan duyên suy tưởng chẳng dừng, tối thì mịt mù vô ký, không hay biết gì, gọi là nửa sáng nửa tối giác quán phát tướng; Ba là một bề tối tăm mà giác quán, nếu hành giả khi tu định tuy tâm tối tăm như ngủ, mà ở trong sự mờ tối đó tất cả đều phan duyên giác quán chẳng dừng. Đó gọi là tâm trong hôn trầm giác quán phiền não phát tướng.

Hai là nói trong tham dục có ba thứ phát tướng: Một là ngoại tham dục, hai là nội ngoại tham dục, ba là khắp tất cả chỗ tham dục. Một là ngoại tham dục phiền não phát tướng, nếu hành giả khi đang tu định, tâm tham dục sinh, nếu là người nam thì duyên với người nữ, nếu là người nữ thì duyên với người nam, giữ lấy các hình dáng sắc đẹp lời nói cử chỉ v.v… tức tâm sinh kiết sử, niệm niệm chẳng dừng. Tức đây là ngoại tham dâm kết sử phát tướng; Hai là nội ngoại tham dục phiền não phát. Nếu người khi tu thiền định tâm dục phát động thì hoặc duyên với hình dạng thân tướng nam nữ bên ngoài về sắc đẹp lời nói cử chỉ, v.v… mà khởi tham đắm, hoặc tự duyên với thân mình, xoa đầu rờ cổ v.v… niệm niệm đắm nhiễm khởi lên các tham ái (yêu thích) ấy là chướng các thiền định. Đây tức là nội ngoại tham dục phiền não phát tướng; Ba là khắp tất cả chỗ tham dục phiền não khởi. Người này mê đắm trong ngoài như trước đã nói, mà lại đối với tất cả cảnh giới năm trần vật tự sinh đều khởi tham ái, hoặc tham ruộng vườn, nhà cửa, y phục, ăn uống, v.v… là tất cả chỗ mà tham dục phát tướng.

Ba là nói trong sân nhuế có ba thứ phát tướng: Một là phi lý sân, hai là thuận lý sân, ba là tranh luận sân. Một là trái lý sân phát, là người khi tu định mà sân giác hừng hẫy khởi lên, bất luận là đúng lý hay trái lý, người khác phạm hay chẳng phạm, vô sự mà sân nổi lên. Ấy là trái lý tà sân phát tướng; Hai là thuận lý chánh sân phát. Nếu khi hành giả định có người ngoài đến phá rối, lấy đây làm duyên mà sinh sân giác, tiếp nối mãi chẳng dừng. Cũng như người trì giới mà thấy người phi pháp (làm quấy) mà nổi giận, cho nên trong luận Đại Thừa nói: Trong cõi Phật thanh tịnh, tuy không có tà ba độc mà có chánh ba độc. Nay nói thuận lý chánh sân tức là người ấy; Ba là tranh luận sân, khi hành giả thiền định, mê đắm chỗ hiểu của mình cho là đúng, bảo việc người khác làm và nói đều là sai, người ngoài nói chẳng thuận với ý mình nên tâm sinh não giác. Như đời có người tiền của bị tổn hại thì cũng có thể an chịu mà ít sân, nhưng tranh cãi nghĩa lý thì bỗng giận dữ nổi lên gió ngựa theo không kịp. Đó gọi là tranh luận sân phát tướng.

Bốn là trong ngu si có ba thứ phát tướng: Một là chấp đoạn thường, hai là chấp có không, ba là chấp thể tánh. Ba thứ này đều chấp trước các tà kiến, chẳng ra khỏi sinh tử. Cho nên gọi chung là ngu si. Một là chấp đoạn thường. Người khi tu định bỗng phát tà tư duy (suy nghĩ tà) phân biệt lanh lợi rằng: Ở quá khứ ta và các pháp là diệt mà có hay ở hiện tại ta và các pháp là chẳng diệt mà có. Do đó mà suy nghĩ thấy tâm liền phát suy tìm ba đời. Nếu nói diệt là rơi vào đoạn, nếu bảo chẳng diệt là rơi vào thường. Như thế mà si giác, niệm niệm chẳng dừng. Do đây mà thông minh lanh lợi, biện tài không đuối lý, tranh cãi nói suông làm các việc ác, làm chướng ngại pháp chánh định xuất thế. Đó là si chấp, chấp đoạn thường phát tướng; Hai là si chấp có không phát, cũng có khi tu định bỗng lại phân biệt, suy nghĩ giác quán bảo rằng: nay ta Ấm và các pháp là nhất định có hay không, cho đến chẳng phải có, chẳng phải không, như thế mà suy tìm thấy tâm liền phát. Tùy chỗ thấy mà sinh chấp là nhất định thật tà giác, niệm niệm chẳng dừng. Do đây mà lợi trí nhanh chóng, hý luận tranh cãi khởi lên các hạnh tà làm chướng ngại chánh định chẳng được khai phát. Đó là si chấp có không phát tướng; Ba là si chấp thế tánh phát. Cũng có khi tu định bỗng nghĩ rằng: Vì có vi trần nên liền có thật pháp, vì có thật pháp nên có bốn đại, do có bốn đại mà có giả gọi chúng sinh và các thế giới. Suy nghĩ như thế tâm thấy liền phát, niệm niệm chẳng dừng. Do đây mà lợi trí biện tài, hay hỏi hay nói, cao tâm kiêu ngạo tranh cãi phải quấy, chuyên làm hạnh, lìa đạo chân thật. Vì nhân duyên ấy, nên chẳng được phát các thiền định. Nếu có phát thiền định liền rơi vào các tà định. Đó là si chấp thế tánh phát tướng.

Năm là nói nghiệp ác chướng đạo phát, cũng có ba thứ: Một là trầm hôn ám tệ chướng, hai là niệm ác tư duy chướng, ba là cảnh giới ép ngặt chướng. Một là trầm hôn ám tệ chướng, là hành giả định khi muốn dụng tâm thì liền tối tăm ngủ gục, mịt mù vô ký không hề hay biết, chướng các thiền định chẳng được khai phát; Hai là niệm ác tư duy chướng, nếu khi người muốn tu định tuy không có trầm hôn ngủ gục mà ác tâm niệm sinh ra, hoặc nghĩ muốn làm mười điều ác, bốn tội trọng, năm tội nghịch, phá hủy cấm giới, hoàn tục các việc v.v… không lúc nào tạm dừng, nhân đó chướng các thiền định chẳng được khai phát; Ba là cảnh giới ép ngặt chướng, nếu khi hành giả định tuy không có các việc trên nhưng thân có lúc đau đớn, biết có việc ép ngặt thấy các ngoại cảnh, hoặc thấy không đầu tay chân, không tai mắt, v.v… hoặc thấy y phục rách lủng, hoặc thấy bị vùi lấp dưới đất, hoặc thấy lửa cháy đốt thân, hoặc thấy từ trên cao rơi xuống, bị hai núi cách ngăn, La-sát hổ sói hoặc lại mộng thấy có các tướng ác. Các việc như thế đều là tội chướng đạo khởi lên ép bức hành giả, hoặc làm cho sợ sệt, hoặc làm cho khổ não. Các thứ như đây không thể nói hết.

Nay y cứ năm pháp bất thiện này mà hợp thành ba chướng ba độc, trước tức là các loạn pháp giác quán trong Tập nhân phiền não chướng đẳng phần, tức là thô bốn Ấm gọi là Báo chướng. Ba thứ chướng đạo tức là nghiệp chướng. Làm sao biết? Vì quá khứ làm ác, nên ở vị lai phải chịu các báo ác, tức vì nghiệp làm ác này. Nếu hành giả ở vị lai trong khi chịu báo mà tu thiện, thiện và ác trái nhau nên nghiệp liền giúp ác mà khởi lên chướng nghi thiện, cho nên biết tức là nghiệp chướng. Ba chướng như thế, làm chướng tất cả các thiền định trí tuệ, của hành giả chẳng được khai phát nên gọi là chướng.

3/ Nói về pháp đối trị. Đối là chủ đối, trị là trị. Như quán bất tịnh chủ trị dâm dục nên gọi là đối trị. Như thế cho đến Tam-muội Niệm Phật, v.v… chủ trị nghiệp ác chướng đạo. Nay nói đối trị thì có sáu ý khác nhau. Một là đối trị trị, hai là chuyển trị, ba là chẳng chuyển trị, bốn là gồm trị, năm là gồm chuyển trị và chẳng chuyển trị, sáu là phi đối, phi chuyển, phi gồm trị. 1. Đối trị trong căn tánh thiện ác trước phát gọi là mười lăm, nay trong đối trị này cũng là mười lăm. Hỏi: Ở đây há không phải là phiền não thêm lớn hay chăng? Đáp: Không đúng. Trước là nghiệm biết mà nói, nay là đối trị mà nói. Trước là y cứ gốc lành tự phát mà nói, nay là vì tu tập mà nói. Ở đây không phải là phiền trọng. 1- Nói trị giác quán nhiều bệnh. Như trong kinh chép: Người giác quán nhiều thì dạy khép sổ tức (đếm hơi thở). Nay bệnh giác quán đã có ba thứ tức (hơi thở) là đối trị cũng có ba ý: Một là minh lợi tâm giác quán. Hành giả khi ngồi tâm lanh lợi phan duyên, niệm niệm chẳng dừng. Ở đây nên dạy pháp sổ tức. Vì sao? Vì pháp sổ tức buộc tâm ở hơi thở, hơi thở là thuốc quý trị loạn. Nếu từ một đến mười, giữa chừng chẳng quên thì được vào định, phá được loạn tưởng. Pháp sổ tức đối với tâm trầm thẩm trị được minh lợi. Do đó sổ tức trừ được bệnh giác trong tâm minh lợi; Hai là nói trị giác quán nửa tối nửa sáng, tướng bệnh như trước nói. Nay pháp đối trị là phải khiến tùy tức (theo hơi thở). Theo hơi thở ra vào thì tâm thường nương hơi thở, vì nương hơi thở nên hơi thở thô thì tâm thô, hơi thở tế thì tâm cũng tế. Hơi thở tế ra vào, tâm thường duyên nó nên phá được giác quán, tâm tịnh như gương sáng. Biết hơi thở ra vào dài ngắn tới lui, chiếu dụng rõ ràng phá được hôn trầm. Cho nên nói tùy để trị. Nếu chỉ sổ tức thì có lỗi giúp hôn trầm, nếu chỉ quán tức thì cũng có lỗi phù loạn, chẳng gọi là khéo đối trị; Ba là nói trị giác quán trong tâm hôn trầm. Giác quán khởi tướng như trước đã nói. Pháp đối trị phải dạy quán tức. Khi hơi thở vào, quán kỹ hơi thở này từ đâu tới, ở khoảng giữa nó đến chỗ nào, thở vào rồi thì trụ ở đâu. Miệng nhả hơi thở ra cũng thế. Pháp này sau sẽ nói rộng. Như thế mà tìm nguồn gốc, thở ra không phân tán, thở vào không chứa nhóm. Chẳng thấy định tưởng, tâm sáng suốt quán chiếu, mắt tâm liền mở thì phá trầm hôn, tĩnh tâm nương hơi thở thì phá được, tán loạn. Cho nên dùng quán tức để đối trị bệnh giác quán hôn trầm; Ba là nói trị bệnh nhiều tham dục. Như kinh nói tham dục có nhiều thì dạy quán bất tịnh, dục bệnh có ba thứ, nay đối trị cũng phải có ba ý: Một là nói trị ngoại tham dục nhiều. Bệnh phát từ đắm mê cảnh ngoài về thân nam nữ đẹp đẽ, lời nói cử chỉ êm ái, v.v… Cho nên lửa dâm đốt cháy dữ dội chẳng thôi. Pháp đối trị là phải dạy thực hành quán chín tưởng. Như đến gò mã xem thây chết. Cũng phải quán kỹ cảnh đáng yêu, cụt hai chân nằm trên đất. Quán thấy thây chết sình chương rả nát, máu mủ chảy ra, cứt đái dẫy đầy, giòi kiến đục khoét. Đến phiên ta cũng giống như thế, có chỗ nào đáng yêu thích đâu. Quán như thế rồi thì tâm dâm tự dứt. Cho nên chín tưởng phá được bệnh nặng tham dâm, đắm trước cảnh ngoài; Hai là nói trị phiền não tham dục trong ngoài. Bệnh phiền não phát như trước đã nói. Nếu muốn trị thì phải dạy thực hành quán bối xả đầu. Quán kỹ trong thân mình bất tịnh đáng ghét liền phá duyên nội tham ái. Lại phải như trước, quán ngoại bất tịnh đáng ghét thì lìa được ngoại cảnh tham ái. Tức là bối xả đầu. Dùng tâm quán nội ngoại sắc bất tịnh thì phá được bệnh yêu đắm, tham đắm trong ngoài; Ba là nói trị tất cả chỗ đều khởi tham ái. Bệnh tham phát tướng như trước nói pháp trị là phải dạy duyên tất cả chỗ mà quán bất tịnh, quán tất cả cảnh nam nữ thân mình, thân khác và ruộng vườn nhà cửa, y phục ăn uống, tất cả các thứ trên thế gian đều thấy là bất tịnh, chẳng có chỗ nào đáng sinh tâm tham đắm. Khi ấy sinh tâm chán lìa tất cả, thì tất cả tham dục không còn chỗ khởi nữa. Đó gọi là đối trị bệnh tham dục ở tất cả chỗ.

Ba là nói trị sân nhuế nhiều bệnh, như trong kinh nói: Người nặng về sân nhuế thì dạy quán từ tâm mà trị bệnh sân. Đã có ba thứ, nay đối trị cũng phải có ba: Một là trị tà sân, ngày đêm trong tâm thường phát tướng nghĩ việc phi lý muốn dùng việc ác để làm khổ bức người. Đầy đủ như trên nói, muốn trị phải khiến chúng sinh tu duyên từ, lấy tướng người khác được vui duyên đó mà nhập định. Như thế thấy người thân được vui, cũng khiến thấy kẻ thù được vui, lấy tướng vui của người mà sinh ra yêu thương, tức phá tâm sân hận oán hại chúng sinh; Hai là nói trị chánh sân, nếu đối với các việc khác đều không có tâm sân chỉ khi thấy người làm ác, hoặc phạm giới thì liền khởi bệnh sân tâm phát tướng, đủ như trước nói. Muốn trị thì dạy pháp duyên từ quán năm Ấm là luống dối, chẳng thấy có chúng sinh há là thấy việc trì phạm phải quấy. Chỉ duyên với các thọ pháp lạc vì từ tâm yêu thương người khác, chẳng nên làm khổ, phải quấy đã mất, tâm sân sẽ tự dứt. Đó là thực hành pháp duyên từ, trị được bệnh sân thuận lý; Ba là nói trị sân trong tất cả tranh luận. Bệnh phát như trước nói. Phương pháp đối trị là dạy phải tu vô duyên từ. Vì sao? Vì người này tùy theo pháp đã được tự cho là phải, cho người khác là sai. Việc đồng với mình thì vui mừng, trái với mình thì giận. Hoặc ở bốn câu và trong dứt bốn câu mà sinh chấp hoặc lại chấp ở Trung đạo. Như thế đều có chỗ nương, cho nên có tranh cãi, chấp kể nhân duyên, liền sinh sân giác. Phương pháp đối trị thì dạy tu vô duyên từ. Khi thực hành từ này thì đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt (dứt hết nói năng và ý ngữ) đối với tất cả các pháp chẳng còn nhớ nghĩ. Nếu không nhớ nghĩ thì do đâu tranh cãi mà sinh tâm tức giận. Đại từ bình đẳng đồng cho vui, lìa bức não người, nên gọi lòng từ ban vui. Cũng được nói Bồ-tát vì chúng sinh nói pháp như thế gọi là đại từ. Phải biết tu vô duyên từ để đối trị tất cả tranh luận mà tức giận.

Bốn là nói trị ngu si thường bệnh. Như trong kinh nói ngu si có nhiều nên dạy họ quán nhân duyên. Hỏi: Pháp nhân duyên nghĩa rất sâu, vì sao người ngu si lại dạy quán nhân duyên? Đáp: Nói ngu si không phải như trâu dê v.v… chỉ là người thông minh nhưng phân biệt suy lường không được chánh tuệ, mà tà tâm giữ lý nên gọi là ngu si. Bệnh ngu si đã có ba thì đối trị cũng phải có ba: Một là nói trị bệnh si chấp đoạn thường, là nghĩ tà ma chấp trước, hoặc khởi chấp thường, hoặc khởi chấp đoạn, liền phá được nhân quả. Tướng bệnh như trước đã nói. Phương pháp trị bệnh là dạy cho họ quán mười hai nhân duyên ba đời. Quá khứ có hai, hiện tại có tám, vị lai vó hai là mười hai nhân duyên, ba đời nhân nhau, chẳng thường chẳng đoạn, như bài kệ trong kinh nói:

Ta đối với Phật pháp

Tuy không cũng chẳng dứt

Nối nhau cũng chẳng thường

Thiện ác cũng chẳng mất.

Nếu hành giả khéo quán mười hai nhân duyên, chẳng chấp đoạn thường thì tâm tà kiến dứt. Cũng được dùng đối trị nầy mà phá giả hoặc tương tục; Hai là nói trị bệnh si chấp có không, là tà niệm suy nghĩ rằng có ta hay không có ta (có ngã vô ngại) có Ấm hay không Ấm, v.v… như trước đã nói, lập cách đối trị là dạy họ quán quả báo mười hai nhân duyên. Quả báo mười hai nhân duyên, là quán hiện tại về thời Ca-la-la, gọi là vô minh cho đến già chết. Hiện tại thì có năm Ấm, mười hai nhập, mười tám giới, thành tựu đều từ nhân duyên sinh, thời Ca-la-la nầy có ba việc: Một là mạng, hai là hơi Ấm (noãn), ba là Thức nên gọi là vô minh. Đây đã từ duyên mà sinh nên không có tự tánh, chẳng thể nói có, chẳng thể nói không, cho đến già chết cũng giống như thế. Nếu biết chẳng phải không, chẳng phải có thì liền phá hai chấp có – không. Phải biết quán quả báo mười hai nhân duyên tức là trị bệnh chấp có – không. Nay cũng được dùng đối trị này để phá chấp hoặc nhân thành giả; Ba là nói trị thể tánh ngu si phát, nếu thấy tánh nhỏ nhặt (như nguyên tử) sinh ra muôn pháp như thế mà tà niệm gọi là chấp thế tánh. Nói rộng như trước. Pháp đối trị là lại thực hành quán một niệm mười hai nhân duyên. Vì sao? Vì hành giả quán kỹ trong một niệm đầy đủ mười hai, một chẳng phải mười hai, mười hai chẳng phải một. Mà nay y cứ một nói mười hai, y cứ mười hai nói một. Phải biết một là tánh vô định, vô định là một thì thế tánh chẳng thật có. Cho nên quán một niệm mười hai nhân duyên nầy phần nhiều là phá chấp một và khác (chấp là một, là khác) nay cũng được dùng đây mà phá hoặc tương đãi giả.

Năm là nói trị nghiệp ác chướng đạo nhiều bệnh. Như trong kinh nói chướng đạo thì dạy niệm Phật. Nay chướng đạo đã có ba thì đối trị cũng có ba: Một là nói trí tối tăm thì chướng, tướng bệnh nghiệp ác như trước đã nói. Muốn đối trị phải dạy họ quán một tướng trong ba mươi hai tướng của Ứng Phật, hoặc trước quán sợi lông trắng giữa hai đầu chân mày của Phật. Nhắm mắt mà quán. Nếu tâm ám độn (ngu tối) quán mãi chẳng thành thì phải đối trước một tướng đẹp của hình tượng, nhất tâm lấy tướng ấy duyên nói mà vào định. Nếu chẳng thấy rõ ràng thì liền mở mắt mà quán, rồi lại nhắm mắt. Như thế lấy một tượng rõ ràng rồi thứ lớp quán khắp các tướng, làm cho mắt tâm mở sáng, tức là phá tâm ngủ nghỉ tối tăm, vì công đức niệm Phật dứt trừ tội chướng. Hỏi: Nếu lấy tướng rõ ràng phá được tối tăm, sao chẳng lấy các quán chín tưởng xương trắng? Đáp: Chín tưởng xương trắng chỉ là thân sinh tử bất tịnh, nghĩa trừ tội rất kém cho nên không phải đối trị; Hai là nói trị niệm ác tư duy chướng. Tướng chướng phát như trước nói. Đối trị phải dạy công đức niệm Phật, niệm thế nào? Tâm chánh niệm duyên với mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng, trí Nhất thiết chủng, Viên chiếu pháp giới, Thường tịch bất động hiện khắp sắc thân, lợi ích tất cả, công đức vô lượng không thể nghĩ bàn. Khi niệm như thế tức là đối trị. Vì sao? Vì công đức niệm Phật này từ duyên với pháp thắng thiện mà sinh tâm sở, còn niệm ác suy nghĩ, thì từ duyên với pháp ác mà sinh tâm sở. Vì thiện phá được ác nên phải niệm Báo Phật. Ví như người ít trí xấu xí trước người đại trí đẹp đẽ thì tự hổ thẹn. Ác cũng như thế, đối với tâm lành thì xấu hổ tự dứt, duyên với công đức Phật trong niệm niệm thì sẽ diệt tất cả chướng. Ba là nói trị cảnh giới ép ngặt chướng. Tội nghiệp phát tướng như trên đã nói về phương pháp đối trị là dạy niệm pháp Phật, pháp Phật tức là pháp tánh bình đẳng chẳng sinh chẳng diệt, không có hình sắc, vắng lặng vô vi, trong vô vi đã không có cảnh giới thì làm sao có tướng ép ngặt. Biết cảnh giới là không tức là đối trị.

Nếu nhớ nghĩ ba mươi hai tướng tức là chẳng phải đối trị. Vì sao? Vì khi người ấy chưa duyên tướng đã là cảnh giới não loạn rồi, mà lại lấy tướng thì phần nhiều do đây mà mê đắm ma, tâm ma cuồng loạn. Nay quán không để phá trừ các cảnh giới, giữ tâm niệm Phật, công đức vô lượng thì liền diệt hết tội nặng. Đây là đối trị, ở nghĩa có thể thấy. Lược nói đối trị đã xong.

Hai là nói chuyển trị. Trích trong luận Đại thừa giải thích mười lực, nói trong câu định lực câu tịnh trí, luận ấy chép: Người tham dục, thì dạy tu từ tâm, người nặng về sân thì thực hành quán Bất tịnh, người nặng về ngu si thì dạy cho Suy tư biên và không biên, người trạo tán trong tâm thì dạy dùng trí tuệ phân biệt. Người mất tâm thì dạy cho nhiếp tâm, v.v… Như thế gọi là chuyển trị. Nếu không như thế thì gọi là chẳng chuyển trị. Đây là trái với trên nói: 1. Nay nói chuyển trị có hai: Một là bệnh chuyển thì pháp cũng chuyển, hai là bệnh chẳng chuyển mà pháp chuyển. Nay y cứ một quán trước nói nghĩa chuyển trị. Trước trong đối trị, trị người nặng về tâm tham thì dạy quán bất tịnh, quán tâm đã thành, thấy ở bất tịnh chán sợ cảnh trước, liền sinh tâm sân. Như khi Phật còn tại thế có các Tỳ-kheo học quán bất tịnh, thành rồi liền nhờ người tự hại. Loại như thế phải dạy chuyển quán tu từ để trị sân, gọi là chuyển trị. Đây là thuốc bệnh đều chuyển. Như ở đây nói xem xét thật kỹ cũng chưa gọi là giáo ý; Hai là bệnh chẳng chuyển mà thuốc chuyển. Bệnh tham chẳng chuyển, trước quán bất tịnh, tu từ quán trị. Hỏi: Pháp tham tâm là lấy tướng đẹp của người, từ cũng lấy tướng người đẹp, làm sao đối trị? Đáp: giới Bồ-tát có nói rõ rằng: Tất cả người nam đều là cha ta, tất cả người nữ đều là mẹ ta, mà Bồ-tát chẳng khởi từ bi, hành dâm vô độ, chẳng tránh người thân, phạm tội Ba-la-di. Nếu quán cảnh trước nam nữ đều như cha, như mẹ, như con, thì tự sinh tâm yêu kính, thương xót mà phá tham dục. Thí như cha mẹ đối với con không hề sinh tâm phi pháp. Lại nữa, từ là ban vui cho người, còn tham dục bất thiện lại làm tăng thêm phiền não cho người. Đây không phải là đạo ban vui. Như thế mà suy nghĩ, buộc tâm tu từ. Nếu từ định phát sinh tức là trị tham dục. Vì sao? Vì vô lượng tâm là sắc pháp giới, chẳng được có tâm tham dục sinh, ở đây thì bệnh tuy chẳng chuyển mà chuyển quán để trị. Nay dùng một quán bất tịnh còn mười bốn môn thiền kia đều có hai nghĩa chuyển trị nên biết. Lại nữa, chuyển quán có hai thứ: Một là chuyển tâm chẳng chuyển cảnh, hai là tâm cảnh đều chuyển. Khéo suy tầm nghĩa sẽ thấy.

Ba là nói chẳng chuyển trị, cũng có hai ý: Một là bệnh chẳng chuyển, quán cũng chẳng chuyển, hai là bệnh chuyển, quán chẳng chuyển. Một là bệnh chẳng chuyển, quán cũng chẳng chuyển: như người tâm tham, thực hành quán bất tịnh, tâm tham chẳng dứt, lại càng tăng thêm thực hành quán, chẳng cần chuyển quán, lại phải quán tướng máu mủ rã nát. Thực hành một người chẳng dứt, lại thực hành nhiều người, cứ như thế cho đến một ngôi thành, một ngôi làng, đều thực hành bất tịnh. Như trong thiền kinh có nói rộng. Hoặc tiến vào các các trị Bạch cốt lưu quang v.v… thì tâm tham mới dứt, nên gọi là chẳng chuyển trị. Tuy có lý này, nhưng suy ra cũng sợ chưa phải là chánh giáo ý; Hai là bệnh chuyển quán chẳng chuyển trị, là hành giả vì có bệnh tham dục thực hành quán bất tịnh mà trị. Tham dục chuyển mà sinh tức giận. Bấy giờ, chẳng chuyển quán bất tịnh, tức cứ đối với bất tịnh mà càng quán tưởng bất tịnh và Bạch cốt lưu quang nhập định thì tâm sân tự dứt. Cũng có hai ý: Một là cảnh chẳng chuyển mà tâm chuyển, hai là cảnh chẳng chuyển mà tâm cũng chẳng chuyển. Còn mười bốn nghĩa đối trị chẳng chuyển kia cũng giống như thế.

Bốn là nói gồm trị, cũng xuất xứ từ văn của luận Đại thừa giải về tám niệm niệm xả. Luận ấy nói: Bồ-tát pháp thí, pháp thí nhân duyên, hoặc lại nói pháp, hoặc hiện thần thông, hoặc phát ra ánh sáng như thế v.v… mà lợi ích độ thoát chúng sinh, gọi là pháp thí. Lại nữa, người thực hành pháp thí, phải khéo biết chúng sinh phiền não nhiều ít, hoặc chỉ có một bệnh phiền não hoặc hai thứ lộn lạo, hoặc ba thứ, sáu thứ. Nếu một phiền não thì nói một pháp trị, hai thứ thì nói hai pháp trị, ba thứ thì ba pháp trị, v.v… đây tức là tướng gồm trị. Một bệnh nói một pháp trị như trước đã nói. Hai bệnh thì hai pháp trị như bệnh tham dục lại có sân nhuế thì phải dùng bất tịnh mà từ tâm quán cùng trị. Vì sao? Vì nếu chỉ dùng một pháp, tuy trị riêng một bên lại tăng thêm một bên thì rất có lỗi. Nay hai pháp cùng gồm thì bệnh đều hết. Hoặc bất tịnh gồm từ, hoặc từ gồm bất tịnh. Nay phải tùy bệnh khởi, dùng nghĩa châm chước gồm ba, gồm bốn, cho đến năm, đều có nghĩa ấy. Nay chẳng nói đủ.

Năm là nói gồm chẳng chuyển mà trị. Nghĩa này cũng như ý chuyển trị và chẳng chuyển trị. Chỉ ở trong gồm đối bệnh phát nhiều ít. Lại y cứ ý chuyển và chẳng chuyển trên mà tìm kỹ sẽ thấy.

Sáu là chẳng phải đối, chẳng phải chuyển, chẳng phải gồm trị, tức là Đệ Nhất Nghĩa Tất-đàn Bát-nhã Chánh Quán. Quán nầy trị chung mười lăm thứ bệnh, cũng có thể phát chung mười lăm môn thiền. Do đó mà nói chẳng phải đối, chẳng phải chuyển, chẳng phải gồm trị chánh quán, không nghiêng lệch, chẳng tăng thêm. Các bệnh khác chẳng cần chuyển. Năng lực phá khắp các bệnh, cho nên chẳng cần gồm. Tuy chẳng được năng phá, sở phá mà trị được các bất thiện, thảy đều trừ diệt, nên gọi là Trị. Đó là Đại thừa nói có Tam-muội chỉ trừ được tham, chẳng thể trừ sân, chẳng thể trừ si, có Tam-muội trừ được ba độc, tức là nay nói chánh quán Đệ nhất nghĩa tất-đàn. Sở dĩ Bát-nhã một quán trị được năm bệnh: Một là chánh quán trị được tham dục. Như kinh Tưích nói: Người tham dục dùng tịnh quán mà được thoát, chẳng dùng bất tịnh. Thế tôn tự biết thế; Hai là chánh quán trị được sân. Như Bát-nhà nói: xưa ta bị vua Ca-lợi chặt khắp thân thể, khi ấy, không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh thì sân nhuế chẳng sinh. Cho nên biết thật tướng trị được sân; Ba là chánh quán phá ngu si. Trí tuệ phá vô minh, nghĩa ấy rất dễ thấy. Cho nên kinh Niết-bàn chép: Sáng thì không tối, tối thì không sáng. Khi có trí tuệ thì không có phiền não, khi có phiền não thì không có trí tuệ; Bốn là chánh quán trị được giác quán. Chánh quán thì trong tâm dứt nói năng, dứt nghĩ suy (đường ngôn ngữ bặt, chỗ tâm hành diệt) thì giác quán từ đâu mà sinh. Cho nên, kinh Duy-ma-cật chép: Thế nào là dứt phan duyên, nghĩa là tâm không thật có; Năm là chánh quán trị được tội chướng. Như trước đã dẫn Phổ Hiền Quán rằng: Ngồi thẳng nhớ nghĩ thật tướng, ấy gọi là Đệ nhất sám, các tội như sương mù, mặt trời tuệ diệt trừ. Lại nữa, như thuốc ở đời đều tùy đối trị có thể trị một bệnh, không thể trị tất cả bệnh. Thuốc A-kiệt-đà có thể trị khắp tất cả các bệnh. Đó gọi là chẳng phải đối, chẳng phải chuyển, chẳng phải gồm trị. Cũng đầy đủ tất cả môn thiền. Như kinh Đại Phẩm chép: Muốn học tất cả pháp lành thì phải học Bát-nhã. Vì sao? Thí như vua đến thì có quân theo, nếu Bát-nhã tuệ phát thì một tâm đầy đủ muôn hạnh. Ở đây có thể lấy bảo châu Như ý làm dụ.

4/ Nói kết thành tất-đàn rộng nhiếp Phật pháp. Nay y cứ đây nghiệm trong các căn tánh mà nói về đối trị. Tức đối với luận Đại thừa nói về nghĩa bốn thứ tất-đàn. Vì sao? Vì như mười lăm thứ cảnh giới bất thiện phát tướng. Đây chính là tất-đàn thế giới, vì đều là nhân duyên sinh, thuộc về Ấm, nhập, giới. Kế là nói mười lăm thứ đối trị, môn thiền tức là tất-đàn đối trị, trong ấy chánh nói về thuốc và bệnh đối nhau. Kế là nói: Chuyển trị gồm chuyển chẳng chuyển trị, tức là tất-đàn vị nhân. Đây là theo căn duyên bất định của người mà phương tiện lợi ích nên gọi là Nhân. Kế là nói chẳng phải đối chẳng phải chuyển, tức là tất-đàn Đệ nhất nghĩa, nghĩa ấy rất dễ thấy. Cho nên luận Đại thừa nói: Bốn tất-đàn này nhiếp hết mười hai bộ kinh, tám muôn bốn ngàn pháp tạng, tất cả Phật pháp. Theo lý mà suy phải biết 1 nghĩa thiền môn rất rộng lớn, gồm thâu tất cả.

Ba là nói an tâm thiền môn, lược có năm ý: Một là nói tùy tiện nghi, hai là nói tùy đối trị thành tựu, ba là nói tùy lạc dục (ưa thích), bốn là nói tùy thứ lớp, năm là tùy Đệ nhất nghĩa.

Một là nói tùy tiện nghi: Như xét trong căn tánh lành mà phát ra mười lăm môn thiền, tùy pháp nó phát phải biết quá khứ đã trải qua tu tập, có thể tu lại cho thành tựu, tùy pháp phát ra mà tu để an tâm. Như sau khi phát giác xúc muốn tu an tâm thì phải dạy sổ tức. Vì sao? Vì căn bản sơ thiền phần nhiều từ sổ tức mà phát. Phải biết người ấy ở quá khứ đã từng sổ tức tu thiền. Nay nếu từ đạo tức (đạo hơi thở) mà vào thì cùng bản giúp nhau thì thiền dễ phát, càng gia công không thôi thì sẽ đầy đủ bốn thiền không định. Do đây liền phát ba thừa Thánh đạo. Con của Kim Sư dạy tu sổ tức, ấy là tùy bản. Gốc lành phát rồi, nói pháp an tâm, mười bốn gốc lành kia phát, tùy tiện nghi mà lập an tâm cũng giống như thế.

Hai là Nói tùy đối trị thành tựu lập pháp an tâm như hành giả vốn có tham dục bất thiện chướng pháp. Để trị bệnh nào phải thực hành quán bất tịnh, quán thành thì bệnh hết. Khi ấy, tuy không có bệnh dục mà chưa chứng pháp sâu thì lại càng gia tâm mà tu tập bất tịnh, thực hành các thứ bất tịnh thành rồi, kế phải trừ bỏ da thịt, tu xương trắng phát sáng, vào tám bối xả, dứt kết ba cõi, thành đạo ba thừa, ở đây chẳng mất công phu ấy. Nếu lại an tâm pháp khác mới lại tạo công thì ở sự khó thành. Mười bốn thứ kia tùy đối trị thành tựu mà làm pháp an tâm, so đây có thể hiểu.

Ba là tùy lạc dục (ưa thích), nếu đối trị dứt được nạn phiền não bất thiện cõi dục thì mười lăm thứ thiền chung không bị ngăn chướng. Khi ấy, phải tùy tâm hành giả ưa thích các thiền Tam-muội, đều an tâm môn ấy mà tu tập lấy thì sẽ khai phát, trước sau đều thành tựu. Đây có thể lấy nhiều người đồng trị mà tu làm cùng loại.

Bốn là y cứ thứ lớp mà lập pháp an tâm, ngăn chướng đã dứt, có hành giả muốn từ cạn đến sâu, tu đầy đủ tất cả thiền định, thì phải từ Ana-ba-na mà dạy sổ tức, chứng căn bản bốn thiền không định rồi kế dạy tùy tức, chứng mười sáu đặc thắng rồi, kế dạy quán tức đầy đủ thông minh thiền. Kế dạy bất tịnh quán vào chín tưởng bối xả các thiền, cho đến phải quán tâm tánh vào chín thứ đại thiền. Thứ lớp thiền định đều như trên; Năm là trong thứ lớp mà bất biến phương pháp tu chứng. Ở dưới sẽ nói đủ. Nay nói y cứ xét căn tánh thiện ác rồi thì dùng pháp an tâm. Đã có tiện lợi như thế cho nên nói kế sau.

Năm là nói tùy nghĩa Đệ nhất: Nê-hoàn là pháp chân bảo của các môn chúng sinh. Vào mười lăm thứ gốc lành phát nầy và năm đối trị trừ chướng rồi thì tùy một pháp môn chỗ dễ ngộ nhất mà dùng để an tâm. Hành giả phần nhiều nhờ môn ấy mà vào Thánh đạo.

Bốn là nói phương pháp trị bệnh, hành giả đã an tâm tu đạo hoặc bốn đại vốn bị bệnh, nhờ nay dụng tâm tâm và hơi thở đánh vỗ phát động thành bệnh, hoặc có lúc chẳng điều thích ba thứ thân, hơi thở, tâm, trong ngoài có sự trái phạm, cho nên bị bệnh phát. Phàm pháp ngồi thiền nếu hay khéo dụng tâm thì bốn trăm lẻ bốn bệnh tự nhiên tiêu hết. Nếu dụng tâm sai chỗ thì động bốn trăm lẻ bốn bệnh. Cho nên phải tự hành hóa tha (tự làm, dạy người làm) phải khéo biết nguồn gốc bệnh, khéo biết phương pháp trị bệnh trong khi ngồi. Nếu chẳng biết phương pháp trị bệnh, một khi động bệnh thì chẳng phải chỉ hành đạo bị chướng ngại mà đại mạng có lo lớn. Nay nói pháp trị bệnh có hai ý: Một là nói tướng bệnh phát, hai là nói phương pháp trị bệnh.

Bệnh phát tuy có nhiều nhưng chẳng ngoài ba thứ: Một là bệnh bốn đại tăng động, hai là từ năm tạng sinh bệnh, ba là bệnh trong năm căn.

1- Bệnh bốn đại: Địa đại tăng nên thủng kết trầm trọng, thân thể khô gầy, như thế một trăm lẻ một bệnh sinh ra. Thủy đại tăng nên đàm ẩm trướng mãn, ăn uống không tiêu, đau bụng kiết lỵ, một trăm lẻ một bệnh sinh ra. Hỏa đại tăng nên nóng bức, gân xương đều đau, miệng sưng, đại tiểu tiện không thông, một trăm lẻ một bệnh sinh ra. Phong đại tăng nên hư huyền chiến trạo đau nhức gân xương, ói mửa thở gấp một trăm lẻ một bệnh sinh ra. Cho nên kinh chép: Một đại chẳng điều thì một trăm lẻ một bệnh sinh ra. Bốn đại chẳng điều thì bốn trăm lẻ bốn bệnh đồng thời náo động. Bệnh bốn đại phát đều có tướng mạo phải ở trong ngồi thiền và trong mộng mà xét, tướng trạng rầt nhiều chẳng thể nói hết.

2- Bệnh năm tạng sinh ra, từ tim sinh bệnh. Phần nhiều thân thể lạnh nóng, miệng khô, v.v… vì tim phụ trách về miệng. Từ phổi sinh bệnh phần nhiều thân thể trướng mãn, bốn chi đau nhức, nghẹt mũi, v.v… vì phổi phụ trách về mũi. Từ gan sinh bệnh. Có nhiều mừng rầu, lo lắng, chẳng vui, buồn bã, giận hờn, đầu nhức, mắt đau, mắt mờ, v.v… vì gan phụ trách về mắt. Từ tỳ sinh bệnh, thân thể trên mặt sưng phù toàn thân, ngứa ngáy, đau nhức, ăn uống mật vị, vì tỳ phụ trách về lưỡi. Từ thân sinh bệnh như cổ nghẹn, sình bụng tai đầy (ù tai) vì thân đứng đầu về tai. Năm tạng sinh bệnh rất nhiều đều có hình tướng. Nên trong lúc ngồi, trong lúc mộng mà xét biết. Tướng trạng rất nhiều chẳng thể ghi hết.

3- Nói lược về nói bệnh năm căn. Thân bệnh, là thân thể đau ngứa, ghẻ nhọt, nhức mỏi… Lưỡi bệnh, là lưỡi sưng lở, đau rát ăn uống mất vị. Mũi bệnh, là mũi nghẹt, sổ mũi, sưng đau, v.v… Tai bệnh, là tai ù, điếc, hoặc kêu o o… mắt bệnh là mắt mờ đau xốn, sưng chảy ghèn, nước mắt v.v… Bệnh bốn đại như thế, năm tạng, năm căn khởi lên chẳng phải một, có rất nhiều bệnh chẳng thể nói hết.

Hỏi: Bệnh năm căn không khác tướng trong ngoài của bệnh năm tạng, vì sao phải nói riêng. Đáp: Vì trong khi ngồi thiền có cách trị riêng nên phải nói riêng. Nếu hành giả muốn tu thiền tránh khỏi các bệnh thì phải khéo tự biết nhân khởi, ba thứ bệnh có chung nhân trong ngoài phát động. Nếu ngoại thương thì lạnh nóng phong, ăn uống không cẩn thận mà bệnh từ ba chỗ phát ra. Phải biết đây là nhân ngoại phát. Nếu dụng tâm chẳng điều, quán hạnh trái lẽ, hoặc pháp nội tâm khởi lên là chẳng biết dùng hơi thở nên ba chỗ bệnh nầy phát ra, đây là nhân nội phát. Lại nữa, hành giả phải biết bị bệnh có ba thứ khác nhau: Một là bệnh bốn đại thêm bớt, như trước đã nói; hai là bệnh do các quỉ thần làm, và do việc ma xúc não mà bị bệnh; ba là nghiệp báo gây bệnh. Các bệnh như thế khi mới bệnh thì phải trị ngay thì rất dễ lành. Nếu để lâu thì bệnh thành, thân gầy ốm, trị khó hết.

Về phương pháp trị bệnh, đã biết rõ bệnh từ nguồn gốc nào phát khởi thì phải làm theo cách thức mà trị. Cách trị bệnh có nhiều, tóm lại chẳng ngoài năm thứ: Một là khí tức trị bệnh, đó là sáu cách thở và mười hai cách thở. Thế nào là sáu cách: Là Xuy (thổi), Hô (thở ra hét) – Hy (cười hy hy) – Ha (là hơi) – Hư (hà hơi) – Thẩn (thở dài) sáu hơi thở này đều ở trong mỗi phương tiện chuyển trắc (đổi cách) mà làm. Nếu khi lạnh thì xuy (thổi), khi nóng thì hô. Nếu để trị bệnh thì xuy để đuổi lạnh, hô để đuổi nóng, Hy để đuổi đau và dùng để trị phong. Ha để đuổi phiền và để hạ khí hư (khạc đàm) để tan đàm, lại để tiêu mãn. Thẩn (thở dài) để bổ lao. Nếu trị năm tạng thì hai thứ xuy hô có thể trị tim. Hư để trị gan, ha để trị phổi, hy để trị tỳ, Thẩn để trị thận. Lại nữa, có mười hai thứ hơi thở trị được các bệnh: Một là thượng tức, hai là hạ tức, ba là mãn tức, bốn là tiêu tức, năm là tăng trưởng tức, sáu là diệt hoại tức, bảy là noãn tức, tám là lãnh tức, chín là xung tức, mười là trì tức, mười một là hòa tức, mười hai là bổ tức. Mười hai thứ tức này đều tưởng trong tâm mà dùng. Nay nói lược mười hai tức để đối trị các bệnh. Thượng tức là trị trầm nặng. Hạ tức là trị hư huyền. Mãn tức trị gầy khô. Tiêu tức là trị thủng mãn, tăng trưởng tức là trị tổn. Diệt hoại tức là trị tăng. Noãn tức là trị lạnh, Lãnh tức là trị nóng, Xung tức là trị ủng kết chẳng thông. Trì tức là trị rung động, Hòa tức trị bốn đại chẳng hòa, Bổ là giúp bồi bổ bốn đại. Khéo dùng tức này có thể trị khắp các bệnh. Dùng sai chỗ đều sinh ra các bệnh. Hãy suy ra mà biết. Các Sư dùng tức trị bệnh có rất nhiều phương pháp, v.v… chẳng thể nói hết. Nay lược bày một, hai điều để biết đại ý.

Hai là nói giả tưởng trị bệnh, như trong kinh Tạp A-hàm có Bí pháp trị bệnh thiền đã nói. Chỉ này do thần căn đã độn nên thực hành quán tưởng này phần nhiều đều chẳng thành tựu, hoặc chẳng được như ý. Không phải chỉ bệnh không hết mà lại tăng thêm nhiều bệnh, cho nên các Sư đắc ý. Nếu có bí yếu thì giả tưởng mà dùng không bệnh nào chẳng lành, chẳng thể dùng văn kể hết.

Ba là chú thuật trị bệnh. Muôn pháp đều có đối trị, dùng tướng mà nhàm chán, khéo biết pháp thuật ấy mà dùng, đều lành bệnh cả. Chú pháp ấy từ các Tu-đa-la hoặc trong kinh thiền. Thuật pháp thì các Sư dấu kín, phần nhiều chẳng truyền bừa.

Bốn là dụng tâm chủ cảnh mà trị bệnh. Có Sư nói: Tâm phụ trách quả báo trong một thời kỳ, ví như vua đến chỗ nào thì giặc phải tan. Tâm vương cũng thế, hễ chỗ nào có bệnh sinh trụ tâm trong ấy trải lâu chẳng tan thì bệnh liền dứt hết. Lại có thầy nói dụng tâm trụ vào Ưu-đàna, Hán dịch là Đan điền, cách rún 2, tấc về phía dưới (2, lóng tay) thì trị được nhiều bệnh. Lại có Sư nói: Để tâm dưới chân thì trị được nhiều thứ, bí yếu khá nhiều không thể nói hết.

Năm là quán chiết trị bệnh, là dùng chánh trí tuệ mà xem xét chỗ bị bệnh không thể được thì bệnh bốn đại liền hết. Nếu là quỉ thần và do Ma-la mà bị bệnh thì phải dùng tâm mạnh mà gia thêm chú và các pháp quán chiếu, v.v… mà giúp trị. Nếu là nghiệp bệnh thì phải nhờ tu phước sám hối chuyển đọc tụng thì bệnh sẽ tự hết. Năm phép trị bệnh này nếu hành giả khéo được một ý thì sẽ tự làm và làm cho người, huống chi thông suốt đầy đủ. Nếu chẳng biết một thì bệnh sinh mà không trị, chẳng phải chỉ bỏ tu chánh nghiệp mà e tánh mạng có sự lo rầu lớn, đâu thể tự làm và dạy người, cho nên người muốn tu thiền phải khéo hiểu pháp trị bệnh nội tâm. Phương pháp trị bệnh nội tâm rất nhiều đâu thể đủ truyền ở văn. Nếu muốn biết thì phải tìm hỏi các chỗ đã trích ra ý trên, là chỉ nêu ra đại ý. Nếu chỉ y theo văn này, văn này đã thiếu sót, tóm tắt e rằng không đáng nương cậy. Người trì khéo được ý ấy mà phương tiện trở lại, ở chỗ không có thiện tri thức thì cũng có thể tạm 1 dùng mà cấp cứu.

Hỏi: Dụng tâm trong ngồi thiền thì trị bệnh có công hiệu chăng? Đáp: Nếu đủ mười pháp thì đều có ích. Mười pháp đó là: Một là tin, hai là dụng, ba là siêng năng, bốn là thường trụ trong duyên, năm là biết do đây mà khởi, sáu là phương tiện, bảy là làm lâu, tám là biết lấy bỏ, chín là khéo giữ gìn, mười là biết ngăn che. 1. Tin, nghĩa là tin pháp này có thể trị bệnh; 2. Dụng, tức là lúc nào cũng dùng; 3. Siêng, là chuyên tinh dùng chẳng thôi, lấy hạn được làm mức; . Thường trụ trong duyên, là tế tâm niệm niệm, y pháp chẳng tán loạn; . Riêng biết bệnh do đâu khởi lên, là biết nguyên nhân bệnh khởi như trên nói; 6. Phương tiện, là lấy bỏ duyên tưởng vận tâm khéo léo thành tựu, chẳng thất nghi; . Làm lâu, nếu dụng mà chưa có ích ngay thì chẳng kể ngày tháng thường thực hành chẳng bỏ; . Biết lấy bỏ, nghĩa là biết có ích thì siêng làm, dùng có lại thì bỏ đi, dần dần chuyển tâm mà trị; 9. Biết giữ gìn, nghĩa là khéo biết duyên lạ phạm xúc; 10. Ngăn che, nghĩa là được lợi ích thì chẳng nói ra ngoài, chưa được và tổn hại thì chẳng chê bai nghi ngờ. Nếu y theo mười pháp này mà trị thì chắc chắn có công hiệu.

Năm là nói việc ma, Ma-la đời Tần dịch là sát giả (kẻ giết hại) là cướp đoạt công đức của hành giả, giết mạng sống trí tuệ, nên gọi là Ma-la. Thế nào là việc ma? Như Phật dùng công đức trí tuệ độ thoát chúng sinh vào Niết-bàn là việc chánh. Ma cũng thế, thường phá hoại gốc lành của chúng sinh khiến trôi giạt trong sinh tử là việc chánh. Nếu an tâm ở đạo môn, đạo cao thì ma mạnh, nên phải khéo biết việc ma. Nay giải thích có ba: Một là phân biệt pháp ma khác nhau, hai là nói việc ma phát tướng, ba là nói pháp phá hoại ma.

Một là phân biệt ma và pháp khác nhau, ma có bốn thứ: Một là ma phiền não, hai là ma Ấm nhập giới, ba là ma chết, bốn là ma Thiên tử cõi Dục. 1. Ma phiền não, tức là ba độc, chín mươi tám sử, thủ hữu lưu ách phược cái, triền não kiết, v.v… đều phá hoại việc tu đạo. Như luận Đại thừa nói kệ:

Dục là quân đầu ông

Lo rầu là quân hai

Đói khát là thứ ba

Xúc ái là thứ tư

Ngủ nghỉ quân thứ năm

Sợ hãi, quân thứ sáu

Nghi hối là thứ bảy

Tức giận là thứ tám

Lợi dưỡng dối thứ chín

Tự cao, khinh người mười

Các quân chúng như thế

Che ngăn người xuất gia

Ta dùng sức thiền trí

Phá quân này cho ông,

Được thành Phật đạo rồi

Độ thoát tất cả người.

Hai là ma Ấm giới nhập là năm Ấm, mười hai nhập, mười tám giới tất cả gọi là sắc hệ phược chúng sinh. Ấm ngăn che gốc lành thanh tịnh công đức trí tuệ của hành giả, làm cho không lớn lên được nên gọi là Ma. Đó là Ấm nhập cõi dục cho đến Ấm giới nhập Sắc và Vô Sắc cũng giống như thế. Nếu hành giả tâm không dứt thọ trước thì đều gọi là Ma. Nếu chẳng thọ chẳng đắm, quán như hư không thì chẳng bị che chướng, tức là phá nghiệp ma.

Ba là ma chết, là tất cả sinh tử nghiệp báo trôi lăn chẳng dứt đều gọi là Ma. Lại nữa, nếu hành giả muốn phát tâm tu đạo liền bị bệnh mà chết, hoặc bị người khác hại, chẳng thể tu đạo, liền bị bỏ phế. Nay tu tập Thánh đạo cho đến đời sau, nhân duyên chuyển khác, quên mất bản tâm đều gọi là việc ma. Lại nữa, khi hành giả phải tu đạo thì lo chết chẳng sống liền yêu đắm thân ấy mà chẳng tu đạo, cũng thuộc về ma chết.

Bốn là ma trời, tức là Ba-tuần. Ma này là kẻ thù của Phật pháp, thường sợ hành giả ra khỏi cõi ma nên sai các quỉ thần quyến thuộc làm các thứ não loạn phá hoại gốc lành của hành giả, đó là ma trời Tha Hóa Tự Tại.

Hai là nói bốn ma phát tướng. Nếu là ma phiền não thì như trước trong căn tánh bất thiện ba độc đẳng phần phiền não đã nói. Nếu ma Ấm nhập giới phát tướng thì như trước trong căn tánh bất thiện các thứ sắc tâm cảnh giới đã nói. Nếu ma chết phát tướng thì như trước trong các pháp bệnh đã nói. Vì sao? Vì bệnh là nhân của chết, nếu ma quỉ thần: nay sẽ phân biệt giải thích. Ma quỉ thần có ba thứ: Một là tịnh mị, hai là phụ thích quỉ, ba là Ma-la. Một là tinh mị là thú mười hai giờ (tí, sửu…) biến hóa thành các thứ hình sắc hoặc loạn thanh niên nam nữ, hoặc cụ già và các hình dáng đáng yêu để phá hại hành giả. Chúng đến theo giờ. Phải khéo biết rõ, nếu thường đến giờ mão ắt là chồn, thỏ, v.v… nói tên, chúng thì tinh mị ấy liền tan. Hình tướng mười một giờ kia so với đây có thể biết; Hai là phụ thích quỷ, cũng làm các thứ phá khuấy hành giả, hoặc như sâu bọ bò trên đầu mặt người mà hút chích đục khoét đáng sợ, hoặc chui rút vào hai nách, hoặc chợt ôm cứng lấy người, hoặc nói cười ồn ào, làm các hình thú lạ v.v… đến khuấy phá hành giả. Phải nên biết, nhất tâm nhắm mắt ngầm mắng rằng: Ta đã biết ngươi, ngươi là kẻ ở trong cõi Diêm-phù-đề ăn lửa thơm thúi: thâulạp-cát, tà kiến thích phá giới, nay ta trì giới, chẳng hề sợ ngươi. Nếu là người xuất gia thì phải tụng bài tựa giới, nếu là người tại gia thì phải tụng ba quy năm giới cấm, Bồ-tát mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, v.v… quỉ liền bò lổm ngổm mà đi. Như thế các tướng mạo gây trở ngại và pháp trừ dứt đều như trong Thiền kinh đã nói rộng. Ba là Ma-la não loạn. Ma thường làm ba tướng mà phá hành giả: Một là làm việc trái tình, tức là làm năm trần đáng sợ; hai là làm việc thuận tình, tức là làm năm trần đáng yêu khiến tâm người mê đắm; ba là làm việc không trái không thuận tình, tức là làm năm trần trung bình động loạn hành giả. Cho nên ma gọi là sát giả (kẻ giết hại). Lại gọi là hoa tiễn, cũng gọi năm kiển (năm mũi tên) bắn vào năm căn. Trong một tình có ba thứ cảnh, đối tình mà phá rối hành giả. Năm tình hợp lại có mười lăm cảnh. Trong sắc có ba: Một là thuận tình sắc, là làm các hình cha mẹ anh em, hình Phật đẹp đẽ, hoặc cảnh nam nữ đáng yêu, làm cho người mê đắm; hai là trái tình sắc, như làm các hình cọp sói, sư tử La-sát, các thứ rất đáng sợ, đến phá khuấy hành giả; ba là sắc không trái không thuận tình: là chỉ làm các hình sắc bình thường cũng chẳng khiến người yêu thích hay sợ hãi, đều phá khuấy tâm người mà khiến đánh mất thiền định, nên gọi là Ma. Trong các tình khác cũng như thế mà phân biệt. Chỉ y cứ tướng trần có khác. Nếu hành giả chẳng biết các tà ngụy thì sẽ bị hoại mà điên cuồng gây tội, trần truồng không hổ thẹn, khởi các lỗi phá các gốc lành của người, phá hại Tam bảo, chẳng thể kể hết. Hoặc có lúc bị bệnh mà chết, nên phải cẩn thận, khéo léo hiểu biết. Hỏi: Vì sao chẳng y cứ pháp trần, đối với ý căn mà nói về ba thứ việc ma? Đáp: Từ nhiều mà luận. Tất cả việc ma phần nhiều đều từ năm căn mà vào. Nhưng nói năm căn nếu xem xét tỉ mỉ thì trong ý căn cũng đều là ba thứ não loạn (phá khuấy) so sánh mà biết. Lại nữa, trong các kinh Đại thừa nói các thứ huyễn ngụy trong sáu trần đối ý căn việc ma khởi tướng mà nói rộng việc ấy. Cho nên kinh Đại Phẩm nói: các thứ việc ma như thế, mà tội chẳng nói chẳng dạy, phải biết tức là Bồ-tát ác tri thức.

Ba là nói pháp phá ma, phải dùng ba pháp trừ bỏ ma: Một là phải biết chỗ thấy, nghe, hay, biết là không thật có, chẳng thọ nhận, chẳng mê đắm, cũng chẳng lo sợ, cũng chẳng phân biệt thì nó liền không hiện.

Hai là chỉ quán trở lại tâm thấy, nghe, hay, biết kia chẳng thấy có chỗ sinh, làm sao não loạn được. Khi quán như thế thì chẳng thọ, chẳng phân biệt, chúng liền tự tan biến; Ba là nếu thực hành quán này chẳng bỏ đi ngay, chỉ nên chánh niệm chớ sợ hãi, chẳng mê đắm, thân mạng, chánh tâm bất động, biết ma giới Như thì Phật giới Như, Ma giới Như thì Phật giới Như, một Như không hai Như. Không bỏ Ma giới, không theo ma giới, tức Phật pháp hiện tiền, Ma tự tan biến. Đã chẳng thấy đến đi, cũng chẳng lo mừng. Khi ấy, đâu bị Ma phá rối! Lại nữa, cũng chưa từng thấy có người trong khi ngồi, thấy Ma làm hổ báo đến ăn thịt người, xương thịt bừa bãi lung tung chính là đến dọa người, làm cho tham sợ sệt đều là việc không thật, phải biết là giả dối. Biết như thế rồi tâm chẳng sợ hãi. Lại nghĩ rằng: Nếu có thật đi nữa thì nay ta vì đạo mà chết thì có sợ gì. Nay ta thân nầy người nên biết tâm ta như kim cương chẳng thể thay đổi. Như thế, hoặc một tháng, hai tháng cho đến cả năm mà ma chẳng đi thì cũng phải vững tâm chánh niệm, bền chắc không lo buồn, sợ hãi. Thường tụng các chú Đại thừa Phương Đẳng để trị ma. Tụng thầm, luôn kinh Tam Bảo. Nếu khi xuất định cũng phải tụng chú tự phòng, sám hối sợ sệt và tụng giới Ba-la-đề-mộc-xoa, tà chẳng liên quan đến chánh, lâu dần thì tự mất. Sự lý trừ ma pháp ấy rất nhiều chẳng thể nói hết. Hành giả phải khéo biết, phương tiện mà dứt trừ. Người mới tu muốn học ngồi thiền phải gần gũi thiện tri thức, vì có các nạn này, khi ma ấy vào tâm người khiến hành giả chứng được các thiền Tam-muội trí tuệ thần thông Đà-la-ni, huống chi là muốn biết thì các kinh Đại thừa và chín mươi sáu đạo chủng kinh cũng phải biết chút ít. Nay lược nói đây vì giúp hành giả biết rõ ý nầy, chẳng vọng nhận các cảnh. Tóm lại, nếu muốn bỏ tà về chánh. Phải quán thật tướng các pháp. Cho nên luận Đại thừa nói: Trừ thật tướng các pháp, ngoài ra tất cả đều là việc ma cho nên kệ nói:

Nếu phân biệt nhớ tưởng

Ấy là lưới Ma-la

Chẳng động chẳng phân biệt

Ấy chính là pháp ấn

Thường nhớ lý thường không

Người nầy chẳng hành đạo

Đối chẳng sinh chẳng diệt

Mà sinh tưởng phân biệt.

Lại nói lược nghĩa phá ma khác nhau, như trong luận Đại thừa nói:

Vì được đạo Bồ-tát mà phá ma phiền não. Vì được thân pháp tánh mà phá ma Ấm giới nhập, được đạo Bồ-tát, được thân pháp tánh nên phá ma chết. Được Tam-muội Bất động, đối với tất cả pháp được tự tại vô trụ, phá được ma trời Tha Hóa Tự Tại cõi dục. Như kinh Đại Tập nói được bốn niệm xứ tức là phá bốn ma. Có hai lời nói này tên khác mà ý đồng. Như kinh Anh Lạc nói Đẳng Giác Như lai đã qua ba Ma, chỉ có một phẩm Ma chết. Như kinh Pháp Hoa chép: Người Nhị thừa chỉ phá ba ma, trừ ma trời cõi Dục thì chưa thể phá. Ở đây thì kinh luận cùng nói khác nhau, đều có ý sâu. Nếu nói chung bốn ma đều phải đến Bồđề mới hết. Vì sao? Vì như ma phiền não có vô minh tế hoặc thì trí Phật bình đẳng mới dứt hết, còn ma Ấm giới nhập thì như Phật bảo Kiềutrần-như: sắc là vô thường, nhờ diệt sắc ấy mà được thường sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng giống như thế. Ma chết như trước theo kinh Anh Lạc nói: Ma trời cõi Dục khi Phật ngồi đạo tràng mới đến chiến đấu với Bồ-tát. Cho nên biết bốn ma đều đến Bồ-đề rốt ráo mới hết. Đại Bồtát tâm rất rộng lớn, an trụ bất động tu sâu thiền định. Từ mới phát tâm cho đến quả Phật hàng phục bốn ma mà làm Phật sự rộng hóa độ chúng sinh, tâm chẳng lui sụt. Kinh Niết-bàn nói có tám ma, kinh Hoa Nghiêm nói có mười ma, khéo hiểu được ý. Bốn ma nhiếp hết, không còn pháp nào khác. Các kinh luận nói việc ma rất nhiều, lược nói chẳng đầy đủ.