thích thị

Phật Quang Đại Từ Điển

(釋氏) Dòng họ Thích ca, tức chỉ cho tăng ni xuất gia bỏ họ tên cũ của mình mà lấy họ Thích và được dùng để gọi chung tăng ni. Đây là chủ trương của ngài Đạo an đời Đông Tấn đề xướng. Vì vào các đời Ngụy, Tấn, sa môn xuất gia đều theo họ của thầy, cho nên đều khác nhau; ngài Đạo an cho rằng xuất gia làm tăng là kế thừa chủng tộc Thích ca, bởi vậyđềunên lấy Thích chủng làm họ. Nhưng bấy giờ không phải ai cũng chấp nhận chủ trương này. Đến khi kinh Tăng nhất a hàm được dịch ra, thấy trong quyển 21 có nói (Đại 2, 658 hạ): Bốn sông lớn chảy vào biển rồi thì không còn tên cũ mà chỉ gọi là biển. Ở đây cũng như thế, có bốn dòng họ. Những gì là bốn? Là Sát lợi, Bà la môn, Trưởng giả và Cư sĩ; nếu đã cạo bỏ râu tóc, mặc ba áo pháp, xuất gia học đạo trong chính pháp của Như lai thì không còn gọi theo họ cũ mà chỉ gọi là Sa môn Thích ca tử, thì chủ trương cũ của ngài Đạo an phù hợp với kinh, từ đó trở thành qui tắc nhất định. Từ Cao tăng truyện của các đời Lương, Đường, Tống của Trung quốc, cho đến Nguyên hanh thích thư, Bản triều cao tăng truyện… của Nhật bản, chư tăng được ghi chép đều đặt chữ Thích trước tên, từ đó Thích thị được dùng để gọi chung cho tăng ni. Còn Chân tông ở Nhật bản thì mỗi khi có người chết cũng đặt chữ Thích trên pháp danh.