Hòa Thượng
THÍCH PHƯỚC HẢO

 

TIỀU SỬ
CỐ HÒA THƯỢNG: THƯỢNG PHƯỚC HẠ HẢO

I. THẾ TỘC

Hòa thượng húy Huỳnh Phước Hảo, Pháp hiệu Thích Phước Hảo sanh năm Canh Ngọ (1930) tại Vĩnh Bình (hiện nay thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, xuất thân trong gia đình Nho giáo. Thân phụ là Huỳnh Văn Thoàn, Pháp danh Nhựt Định. Thân mẫu là Trần Thị Sáu, Pháp danh Phước Vinh.

Hòa thượng mất mẹ lúc tuổi còn thơ. Ngài là con Trưởng trong gia đình, thay mẹ gánh vác và chăm lo đàn em thơ dại, nay là các vị: thầy Thích Thanh Tịnh, thầy Thích Thanh Thủy, thầy Thích Đạo Nhẫn và Ni sư Hải Huyền.

Túc duyên Phật pháp ngài gieo trồng sâu dày. Sau khi thân phụ mất, ngài là trụ cột gia đình, khuyến tấn người thân hướng về Phật pháp. Từ thuở thiếu thời, ngài sống giản dị, ăn uống đạm bạc.

II. ĐẠO PHÁP

Cơ duyên Phật pháp chín muồi, ngài tìm đến tổ Khánh Anh tại Tổ đình Phước Hậu thuộc huyện Trà Ôn xin xuất gia vào năm 1949. Ngài từng theo chân tổ Thiện Hoa học nghề Y để giúp đỡ, chăm sóc và trị bệnh cho bà con láng giềng tại Chùa Phật Quang, Bang Chang, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1957, Hòa thượng thọ giới Tỳ-kheo, làm học Tăng của Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang – Sài Gòn. Sau đó ngài được đưa về Phật học đường Lưỡng Xuyên (chùa Phước Hòa, Trà Vinh), vừa làm học Tăng vừa làm Trụ trì của chùa.

Năm 1964, tổ Thiện Hòa cử ngài làm Chúng trưởng tại Phật học đường Nam Việt. Kế đó, ngài làm Liên chúng trưởng, rồi vào năm 1970 được bổ nhiệm về làm tổng Giám thị tại Phật học viện Huệ Nghiêm, huyện Bình Chánh, Gia Định.

Năm 1971, ngài theo Hòa thượng Ân sư thượng Thanh hạ Từ tu học tại Tu viện Chân Không, Vũng Tàu. Ngài vừa là sư đệ, vừa là đệ tử của Hòa thượng Ân Sư.

Năm 1974, ngài làm Quản viện của Tu viện Chân Không, sau đó được Hòa thượng Viện chủ điều về làm Quản viện của Thiền viện Linh Quang, Cát Lở, Thành phố Vũng Tàu.

Sau năm 1975, ngài làm Trụ trì Tu viện Chân Không đến năm 1986. Từ năm 1987, Hòa thượng nhập thất 03 năm tại Thiền viện Thường Chiếu. Đến năm 1994, Tu viện Chân Không được tái thiết và đổi thành Thiền viện Chơn Không. Hòa thượng kế thừa Hòa thượng Ân sư Trúc Lâm làm trụ trì tại đây đến năm 2000. Từ 2001 cho đến nay, Ngài là cố vấn Thiền viện Chơn Không và Ủy viên Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm.

Vào 8h 10 phút ngày 20 tháng 01 năm 2014, Ngài đã dẫn bài kệ của thiền sư Viên Chiếu Việt Nam giảng cho phật tử Chánh Tịnh:

Thân như tường vách đã lung lay,
Đau đáu người đời luống xót thay.
Nếu đạt tâm không, không tướng sắc,
Sắc không ẩn hiện, mặc vần xoay.

(Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi.
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiển nhậm suy di.)

Vạn pháp luôn thay đổi, trong đó có tấm thân tứ đại theo định luật vô thường nên già yếu, nhưng riêng có cái không bao giờ đổi thay, suy lão. Chúng sanh vì sống với tâm lo sợ lao xao vọng động nên thật đáng thương. Nếu đạo hữu sống được với tâm không, cái tâm này vốn không hình mạo sắc tướng, thì chỉ tùy duyên mà sống. Nói xong, Thầy vui vẻ cười, rồi Chánh Tịnh xá chào ra về. sau đó, Hòa thượng bảo với thị giả Tôi hơi đau đầu rồi ngài lặng lẽ nhắm mắt nằm yên. Sang đến 11g30 ngày 21, Hòa thượng an tường ra đi.

Hòa Thượng có những dịch phẩm: Kinh Thủ Lăng Nghiêm trực chỉ, Ngũ Đăng Hội Nguyên Tiết dẫn, Phật Tâm Luận, Vô Tướng Tụng giảng thoại. Ngoài ra, Ngài còn biên tập các bài giảng rải rác của Hòa thượng ân sư thành một tập sách tên Nhặt Lá Bồ Đề.