thích giáo tam tự kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(釋教三字經) Tác phẩm, 1 quyển, do Xuy vạn lão nhân soạn vào đời Minh, Mẫn tu chú thích. Sách này được soạn theo thể tài Tam tự kinh của Khu thích tử cuối đời Tống. Toàn sách gồm có 183 bài kệ, chia làm 10 đoạn lớn, trong đoạn lớn thứ 5 lại chia làm 10 đoạn nhỏ theo thứ tự trình bày 10 tông phái Đại và Tiểu thừa. Nội dung tác phẩm rất phong phú, trước hết giải thích nghĩa pháp giới, kế đến tường thuật các nhân duyên giáng sinh, xuất gia tu đạo và chứng đạo của đức Phật, thứ tự Phật giảng thuyết kinh Hoa nghiêm, A hàm…; tiếp theo, trình bày về lịch sử truyền thừa Phật pháp ở Ấn độ, Trung quốc, khái quát về 10 tông rồi giải thích nghĩa 5 uẩn, 6 căn, 12 xứ…, cuối cùng khuyên mọi người theo thứ tự tín, giải, hành, chứng mà tu học, đồng thời nói về cuộc đời và sự nghiệp của các bậc cổ đức để khuyên dạy người tu học đời sau. Vào cuối đời Thanh, sách này từng được kiểm xét biên soạn lại, Cư sĩ Dương nhân sơn soạn bài tựa. Theo lời bài tựa này thì khi Đại sưẤn quang nhập thất tại núi Phổ đà, ngài có cải chính 3/10 văn trong sách này và chú giải 7/10.Về sau, cư sĩ Dương nhân sơn lại sửa chữa bản cải chính của Đại sưẤn quang, đồng thời đặt lại tên là Phật giáo sơhọc khóa bản. Hiện nay có bản chú giải bằng văn bạch thoại của Pháp sư Nam đình, tức là bộ Thích giáo tam tự kinh giảng thoại. Ngoài ra, Pháp sư Nam đình cũng giảng rộng sách này trong tiết mục Tiếng nói Phật giáo trên đài phát thanh Dân bản.