thích ca tượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(釋迦像) Tượng đức Phật Thích ca mâu ni được điêu khắc hoặc vẽ tranh để lễ bái cúng dường. Cứ theo kinh Tăng nhất a hàm quyển 28 và kinh Quán Phật tam muội hải quyển 6 thì vào thời đức Phật còn tại thế, vuaƯu điền và vua Ba tư nặc đều đã đúc tượng Phật bằng vàng ròng. Nhưng việc này có lẽ là truyền thuyết của người đời sau. Trước khi có tượng Phật, người Ấn độ thường dùng bánh xe pháp, cây Bồ đề, tháp xá lợi… để tượng trưng cho đức Phật và các bức tranh bản sinh đàm, cho đến khoảng kỉ nguyên Tây lịch thì ở vùng Kiện đà la thuộc Bắc Ấn độ mới thấy xuất hiện tượng Phật Thích ca trong nhiều tư thái, tượng ngồi tư duy với 2 bàn tay chồng lên nhau, tượng ngồi hàng ma tay phải kết ấn Xúc địa(chạm đất), tượng ngồi thuyết pháp 2 tay kết ấn chuyển pháp luân đặt ở trước ngực… Trong Phật truyện thường thấy tượng Phật đản sinh, nhập Niết bàn và tượng Thích ca khổ hạnh, Thích ca xuất sơn… đề tài vẽ rất phong phú. Theo Lí hoặc luận của Mâu tử trong Hoằng minh tập quyển 1 và truyện Trúc pháp lan trong Lương cao tăng truyện quyển 1 thì vào thời vua Minh đế nhà Hậu Hán ở Trung quốc đã có vẽ tượng Phật. Lại theo truyện ngài Khang tăng hội trong Xuất tam tạng kí tập quyển 13, bài tán tượng Thích ca văn Phật của ngài Chi đạo lâm đời Đông Tấn chép trong Quảng hoằng minh tập quyển 10 thì người ta biết được là từ đời Tam quốc về sau, việc tạo lập tượng Phật đã dần dần thịnh hành. Vào năm Kiến nguyên thứ 2 (366) đời Phù Tần, sa môn Lạc tôn đục hang đá tạo tượng Phật ở núi Minh sa tại Đôn hoàng, đây là sự nghiệp đục hang đá tạc tượng Phật đầu tiên ở Trung quốc. Kế đến, Thư cừ Mông tốn ở Bắc Lương mở đục điện hang tại núi Tam nguy nằm về phía đông núi Minh sa để tạo lập tượng Phật, dần dần hang đá đạt đến số nghìn, đó chính là Đôn hoàng thiên Phật động, cũng gọi là Mạc cao quật. Thời Bắc Ngụy, vua Văn thành đế sai ngài Đàm diệu đục mở 5 hang đá lớn (hang 16 đến hang 20) ở núi Vân cương nằm về phía tây bắc Bình thành. Đến đời các vua Hiến văn và Hiếu văn cũng tiếp tục đục mở, gồm 20 hang, phần lớn là thờ tượng Phật Thích ca. Vào năm Thái hòa 19 (495) đời Bắc Ngụy, sau khi dời đô đến Lạc dương, hang đá và tượng Phật bắt đầu được tạo lập ở Long môn, đến các đời Tùy, Đường tiếp nối, trong đó, phần lớn cũng tạo tượng Phật Thích ca. Đầu đời Đường về sau, Mật giáo truyền vào, đồng thời cũng truyền vào cách vẽ tượng Thích ca và Thích ca mạn đồ la. Trong mạn đồ la Thai tạng giới, Thiên cổ lôi âm Như lai ngồi ở phương bắc viện Trung đài bát diệp, là vị chủ tôn của viện Thích ca ở phương đông. Trong đó, hình tượng Ngài ở viện Trung đài bát diệp là màu vàng ròng, tay trái nắm lại và ngửa lên để ở dưới rốn, bàn tay phải úp xuống đặt trên đầu gối, ngồi trên hoa sen báu, tức là tướng của Pháp thân Tì lô giá na lìa nóng bức được mát mẻ, an trụ trong định tịch lặng; vì đặt ở Trung đài cho nên gọi là Đệ nhất trùng Thích ca. Còn hình tượng trong viện Thích ca cũng màu vàng ròng, đắp ca sa màu càn đà, tay trái cầm 1 góc áo ca sa, đầu ngón tay cái và ngón vô danh của tay phải bấm vào nhau làm thành hình tròn, 3 ngón còn lại dựng đứng, đây tức là tướng thuyết pháp của đức Tì lô giá na nói pháp môn tự chứng; vì đặt riêng ở lớp thứ 3 cho nên gọi là Đệ tam trùng Thích ca. Trong khoảng thời gian từ đời Bắc Ngụy đến các đời Đường, Tống, Thiên Phật động ở Đôn hoàng đã được đục mở thêm nhiều lần, trong đó, khám thờ Phật ở mặt chính của độngNthứ 120 (theo biên hiệu của Pelliot) có thờ tượng Phật Thích ca theo kiểu dáng Trung Ấn độ, động thứ 111 thờ tượng Phật Thích ca và Phật Đa bảo ngồi chung theo kiểu dáng dung hợp Trung Ấn và Bắc Ngụy. Ông A.Stein người Anh cũng từng tìm thấy ở đây bức tranh thêu Phật thuyết pháp trên núi Linh thứu và bức tranh thêu Phật Thích ca thuyết pháp bằng lụa có tô màu.