thi tì vương

Phật Quang Đại Từ Điển

(尸毗王) Thi tỳ, Phạm:Zibi;Pàli:Sibi. Cũng gọi Thấp tì vương, Thi tì ca vương. Vị Thánh vương ở Ấn độ thời xưa cắt thịt trên thân mình cho chim ưng ăn để cứu mạng chim bồ câu, cũng là tiền thân của Phật Thích ca khi còn tu hạnh Bồ tát ở đời quá khứ. Cắt thịt trên thân mình cho chim ưng ăn là sự tích rất nổi tiếng trong các sự tích bản sinh của đức Phật. Truyền thuyết về vị vua này được lưu hành rất rộng, thấy rải rác trong văn học cổ đại của Ấn độ. Trong các kinh luận của Phật giáo thì như luận Bồ tát bản si nh m an quyển 1, kinh Hiền ngu quyển 1, luận Đại trang nghiêm quyển 12, luận Đại trí độ quyển 4… đều có ghi sự tích này. Truyền thuyết kể rằng: Thủa xưa, ở cõi Diêm phù đề có vị vua Thi tì ca, một hôm, có con chim ưng đuổi bắt con chim bồ câu, chim bồ câu bay vào núp trong lòng vua, vì tâm từ bi nên vua tự cắt thịt của mình cho chim ưng ăn để thế mạng cho chim bồ câu. Truyền thuyết cho rằng bồ câu là do thần Lửa biến ra, còn chim ưng là hóa thân của trời Đế thích, vì muốn thử lòng từ bi của nhà vua mà sắp đặt việc này. Nước Túc ha đa nói trong Phật quốc kí của ngài Pháp hiển chính là nơi diễn ra sự kiện này, ở đây có ngôi tháp kỉ niệm, là 1 trong 4 ngôi tháp lớn ở Ấn độ. Điều Ô trượng na quốc trong Đại đường tây vực kí quyển 2 cũng có nói đến sự tích này và địa điểm cũng nhất trí với địa điểm ghi trong Phật quốc kí, nghĩa là ở phía Đông bắc nước Kiện đà la. Theo Lục độ tập kinh quyển 1 thì tên vị vua này là Tát bà đạt (Phạm: Sarvadatta), nghĩa là Nhất thiết thí(cho tất cả). Còn theo kinh Soạn tập bách duyên thì nhà vua khoét mắt cho chim ưng chứ không phải cắt thịt cho chim ưng. Từ xưa, sự tích bản sinh nổi tiếng này đã có rất nhiều biến tướng điêu khắc và hội họa miêu tả, như trên lan can của Đại tháp A ma la bà đề (Phạm:Amaràvatì), ở hang 17 tại A chiên đa (Phạm:Ajantà) tại Ấn độ, ở Bà la phù đồ tại Java, Indonesia, ở Đôn hoàng, Tân cương, Trung quốc…