thi tăng

Phật Quang Đại Từ Điển

(詩僧) Cũng gọi Văn tăng. Vị tăng thông hiểu văn nghệ, giỏi thi ca. Đặc biệt chỉ cho các vị thi tăng ở Giang tả sống vào đời Đường. Giang tả tức vùng Giang tô, Chiết giang. Từ giữa đời Đường về sau, vùng này trở thành nơi trung tâm văn nghệ, kế sau Trường an và Lạc dương. Các thi tăng đời Đường có tác phẩm được thu chép vào Phương ngoại bộ trong Đường âm quí tiêm quyển 30, gồm có: Huệ di(8 quyển), Huyền phạm(20 quyển), Pháp lâm(30 quyển), Linh triệt(10 quyển), Kiểu nhiên(10 quyển), Linh nhất(1 quyển), Hoài phố(1 quyển), Vô khả (1 quyển), Thê bạch(1 quyển), Thượng nhan (Kinh môn tập 5 quyển), Tử lan(1 quyển), Tề kỉ(Bạch liên tập 10 quyển, Ngoại biên tập 10 quyển), Quán hưu(30 quyển), Hư trung (Bích vân tập 1 quyển), Tu lục(Đông lâm tập 1 quyển), Xử mặc(Thơ, 1 quyển), Khả minh (10 quyển), Đàm vực(Long hoa tập 10 quyển), Tự mục(Quát nang tập 10 quyển), Sở loan (Thơ, 1 quyển), Vô nhan(1 quyển), Ứng chi (1 quyển), Trí tiên(1 quyển), Khang bạch (Thơ, 1 quyển), Hàn sơn tử(Thơ, 7 quyển), Trí nhàn(Kệ tụng 1 quyển, hơn 200 thiên). Còn trong Toàn đường thi thì thu chép tác phẩm của 115 vị, gồm 2913 bài. Trong các vị thi tăng đời Đường thì các ngài Kiểu nhiên, Linh triệt, Quán hưu… là những nhân vật đại biểu. Đến đời Tống, tuy có các vị thi tăng xuất chúng như Tham liêu tử Đạo tiềm, Giác phạm Tuệ hồng… nhưng tác phẩm của các vị này không giống tác phẩm của các sĩ đại phu, cho nên bị người đương thời chê bai. Đáng chú ý hơn là các vị thi tăng đời Minh. Trong Liệt triều thi tập của Tiền khiêm ích có thu chép tiểu truyện và tác phẩm của 107 vị thi tăng từ cuối đời Nguyên đến cuối đời Minh.