thí kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(試經) Thí kinh. Chỉ cho chế độ thi cử kinh điển được thiết lập vào đời Đường để ngăn ngừa việc tự ý xuất gia và khống chế số lượng tăng ni trong nước, tức lúc độ tăng thì người này phải đọc tụng kinh luận và trình bày nghĩa lí để thử nghiệm học lực. Điều Thí kinh độ tăng trong Phật tổ thống kỉ quyển 51 (Đại 49,452 hạ) nói: Đầu năm Cảnh long, vua Trung tông nhà Đường ban chiếu cho trong nước thi kinh độ tăng, vị tăng tên Đồng đại nghĩa ở chùa Linh ẩn, huyện Sơn âm, tụng kinh Pháp hoa đậu hạng nhất. Do đây mà được biết chế độ thi kinh bắt đầu vào thời vua Đường Trung tông tại vị (705-710). Về sau, vào năm Chí đức thứ 2 (757) đời vua Túc tông, nếu người bạch y, cư sĩ tụng được 500 tờ kinh thì cho phép xuất gia làm tăng. Thời vua Đại tông, đối với người trẻ tuổi phải thi cả 3 môn kinh, luật, luận. Thời vua Tuyên tông, vua ban sắc hằng năm độ tăng, y theo tam học giới, định, tuệ, người nào có đạo tính và thông hiểu pháp môn thì được chọn cấp độ điệp. Về sau, vào các đời Tống, Nguyên, Minh, triều đình cũng tiếp tục thi hành chế độ này.