Thi Kệ Lược Sử Phật Thích Ca
Đông Châu

 

Tâm hương thành khẩn kính dâng
Viết câu ca kệ tán dương đời Ngài
Hai ngàn năm trước giáng lai
Bao ngàn năm nữa biết ai kế thừa?!

Sáu hai bốn trước Công nguyên
Phụ hoàng Tịnh Phạn(Sudhodana), mẫu hoàng Ma Da(Maha Maya)

Sanh hoàng tử Tất Đạt Đa(Siddartha)[1]
Nơi miền Bắc Ấn nay là Nê-pan
Thầy[2] từ Hy Mã Lạp sơn(Himalaya)

Bái chào bậc Thánh tủi mừng xiết bao !
Mười hai tuổi thuộc Ngũ Minh

Bà la môn giáo tứ thư

Vệ đà(Veda)Võ dòng Sát đế lợi qua
Cưới công chúa Da Du Đà La(Yosodhara) tên[3]
Cung son gác tía nào yên
Dạo quanh thấy cảnh thảm thương tương tàn[4]
Sanh-Già-Bệnh-Chết buộc ràng
Quyết lòng giải thoát cha đành cho đi
Một đêm mồng Tám tháng Hai[5]

Xuất gia tầm đạo hai ngài Du gia

Đắc thiền Vô sắc giới mà[6]

Sáu năm khổ hạnh với Kiều Trần Như(Codanna)
Bên bờ sông Ni Liên Thuyền(Neranjara)
Dưới Tất Bát La(Pippala) chứng miền Như Lai

 

Phật danh Thích Ca Mâu Ni (Sakyanuni)

Công phu Thiền bốn chín ngày mãn viên[7]
Hai mốt ngày thuyết Hoa Nghiêm
Chỉ hàng Bồ tát suốt xuyên đạo mầu
Được mười La Hán đạt thâu[8]
Anh em Ca Diếp(Kassapa) cùng năm trăm trò[9]

Tần Ba Sa La(Bimbisàla) thánh vương
Dâng tặng Tinh xá Trúc Lâm(Veluvana) cho Ngài
Xá Lợi Phất(Sàniputta)[10] , Mục Kiền Liên(Mogga Uana)[11]
Nơi thành Vương xá hoá duyên cùng Ngài

 

Mười hai năm giảng A Hàm
Thí dụ thực tế Tiểu thừa tự tu
Khi Ngài về Ma-kiệt-đà
Vua cha mười lượt thỉnh cầu Thế tôn
Hai ngàn người nữa xuất gia
Cùng bạn thời trẻ Ka Lưu Đà Di[12]
Vua cha đắc Tư Đà Hàm
Hoàng thân Di mẫu thảy đồng xuất gia
Nan Đà(Nanda) cùng La Hầu La(Ràhula)[13]
Vốn là hoàng đệ và là hoàng nam
Rồi “Bát kỉnh pháp”[14] ra đời
Chư Ni hoan hỉ lục hoà đồng tu
Kỳ Viên tinh xá(Jetavana) cúng dâng
Cấp Cô Độc(Anathapindika)[15] hộ pháp vàng sáng soi
Ưu Bà Di Lộc Mẫu(Visakha)[16] noi
Cúng dường Tam Bảo sánh tày biển khơi
Tám năm Phương Đẳng tiếp thu
Bước lên Đại thặng độ tha chuyên cần
Thật tướng Vô tướng cao nâng
Nhiệm mầu Bát Nhã năm gần hai-hai
Hoa khai kiến Phật ngộ lai
Tám năm thuyết trọn Pháp Hoa – Niết Bàn
Ròng rã đã bốn-chín năm
Đạo Vàng toả rộng khắp vùng Đông Tây
Bồ Đề Nam Bắc gần xa
Ăn vào gốc rễ bao la đất trời
“ Cổ xe mòn rã vô thường
Trong ba tháng nữa Ta rời các con”
Thọ trai cháo nấm Thuần Đà
Nhận Sa di giới vị già tám mươi[17]
Thong dong Di Giáo truyền lời:
“Tìm đường giải thoát nào ngoài pháp TA”
Kế thừa Ca Diếp Ma Ha
Trà tỳ Xá lợi chia ra ba phần[18]
Dặn rồi nhập định Niết Bàn
Hai cây võng mắc đầu về Bắc phương
Mặt nhìn về phía Tây phang
Rừng Ta La phủ muôn hoa xuống Người[19]

Thành phố BIÊN HOÀ, mồng 5 tháng 5 năm Kỷ sửu – 2009

[1] Vào ngày 8 tháng 4, tại vườn Lâm Tỳ Ni(Lumbini) gần thành Ca Tỳ La Vệ(Kapilavastu), khi bà Ma Da đưa tay phải vói hái hoa Vô Ưu thì Ngài hạ sanh.

[2] Đạo sĩ A Tư Đà tiên đoán Ngài sẽ trở thành một vị Thánh vì có đủ 32 tướng tốt

[3] Năm Ngài 16 tuổi

[4] Ngài quan sát cõi đời không đẹp đẽ an vui như khi mới nhìn qua: người nông phu và trâu bò làm việc một cách cực nhọc dưới ánh nắng thiêu đốt để đổi lấy bát cơm nắm cỏ; chim chóc tranh nhau ăn tươi nuốt sống côn trùng đang giãy giụa trên luống đất mới cày; cũng trong lúc ấy người thợ săn trong bụi rậm nhắm bắn những con chim kia;và trong khu rừng gần đấy, bọn hổ báo đang rình bắt người thợ săn. Thật là cảnh tương sát tương tàn không phút giây nào ngừng (Tr.28-29 Sách “Bổn phận của Phật tử tại gia” NXB Tôn giáo 2009)

[5] Năm Ngài 19 tuổi

[6] Năm Ngài 24 tuổi

[7] Nhập định chiến đấu giặc phiền não nội tâm và giặc Thiên ma Ba tuần,đêm thứ 49 vào canh hai đắc Túc mệnh minh, canh ba đắc Thiên nhãn minh và canh tư chứng quả Lậu tận minh. Đó là sáng mồng 8 /12, năm Ngài tròn 30 tuổi

[8] Kiều Trần Như, Vappa, Bhaddhiya, Mahanama, Assiji, Yasa, Vimala, Subaha, Tunnaji, Baranpati

[9] Ba anh em Ca Diếp (Kassapa) thờ Thần Lửa đắc thần thông, đồng quy y Phật Thích Ca

[10] Bạn với Mục Kiền Liên, gia đình giàu có danh tiếng, đệ tử Trí tuệ bậc nhất, Trưởng tử của Thích Ca

[11] Bạn với Xá lợi Phất, cùng có 500 đệ tử đồng thọ giáo Thế Tôn, đệ tử Thần thông đệ nhất, đại đệ tử II

[12] Lúc bấy giờ có 6 thanh niên hoàng tộc thành Ca-tỳ-la-vệ xin xuất gia đầu Phật là: A-na-luật, A-nan, Bhagu, Kimbia, Bhaddiya và Đề-bà-đạt-đa (Tr. 186 Sách Thập đại đệ tử Phật Thích Ca NXB Tôn giáo 2007)

[13] Tiểu tăng đầu tiên của Phật giáo, con trai một của Phật, Mật hạnh đệ nhất trong Thập đại đệ tử của Phật

[14] Tỳ kheo ni (Tkhn) : -phải y chỉ Tỳ kheo (Tkh) mà thọ Cụ túc giả -mỗi nửa tháng đến trụ xứ Tkh làm lễ thỉnh Thầy giáo thọ -mỗi năm một lần đến kỳ Kiết hạ an cư, nhưng nếu trong vùng không có chúng Tkh thì không được phép lập kiết hạ riêng –không được cử tội hay nói lỗi lầm Tkh; ngược lại Tkh có quyền nói lỗi lầm của Tkhn –nếu phạm lỗi Tăng tàn phải tự mình xin sám hối trước hai bộ chúng Tkh và Tkhn trong kỳ Bố tát gần nhất –dù đã thọ giới Cụ túc lâu một trăm năm nhưng với Tkh mới thọ giới vẫn phải đảnh lễ cung cúng vái chào –sau mùa an cư phải đứng trước Tkh xin chỉ những việc bất xứng ý qua mắt thấy tai nghe hoặc nghi ngờ -có điều gì cần hỏi Tkh mà nếu vì một cớ nào đó Tkh không đáp thì không được gạn hỏi.

[15] Nhà buôn vàng rất giàu, đã trải vàng lót sân để mua khu vườn của Thái tử Kỳ Đà (con vua Ba-tư-nặc) để cúng dường Phật. Nơi đây Phật nhập hạ 19 lần và thuyết pháp

[16] Visakha là con dâu nhà giàu đã xây tinh xá Đông viên Trùng các (Pubbatama) ở phía đông thành Vương xá thuộc xứ Ma-kiệt-đà; Phật đã an cư kiết hạ tại đây 6 lần.

[17] Tên là Tu Bạt Đà La

[18] Một phần cho Thiên cung, một phần cho Long cung và phần còn lại chia cho 8 vị Quốc vương ở Ấn độ

[19] Ngày rằm tháng 2 năm 544 TCN, năm Ngài tròn 80 tuổi; năm này làm mốc cho Phật lịch.