thị giáo lợi hỉ

Phật Quang Đại Từ Điển

(示教利喜) Cũng gọi Thị giáo tán hỉ, Thị giáo chiếu hỉ. Thị, giáo, lợi, hỉ là 4 việc theo thứ tự thuyếtpháp, giáo hóa của đức Phật. 1. Thị: Hiển bày, tức chỉ bày cho người ta thấy việc thiện, bất thiện, việc nào nên làm, việc nào không nên làm, hoặc phân biệt các ý nghĩa sinh tử và niết bàn, 3 Thừa và 6 Ba la mật. 2. Giáo: Dạy bảo dắt dẫn thực hành, như dạy bảo chúng sinh bỏ ác làm thiện. 3. Lợi: Đạt được lợi ích, tức khi chúng sinh chưa được mùi vị thiện pháp, sợ họ thoái tâm nên khuyên bảo họ siêng năng khổ hạnh tu hành để đạt được lợi ích lớn về pháp vị. 4. Hỉ: Vui mừng khi thành tựu, nghĩa là chúng sinh đã thành tựu các hạnh lành thì khen ngợi khiến họ sinh tâm vui mừng. Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí quyển hạ, phần đầu (Đại 44, 272 trung) nói: Khởi tâm chán khổ, tin có Niết bàn, tu tập thiện căn; do tu thiện căn thành thục mà được gặp thị giáo lợi hỉ của chư Phật và Bồ tát, nhờ đó có thể hướng tới đạo Niết bàn. Đại thừa khởi tín luận nghĩa sớ quyển hạ, phần đầu của ngài Tịnh ảnh có nêu ra 2 thuyết phối hợp Thị giáo lợi hỉ với Tứ đế và Tam chuyển pháp luân: 1. Thị tương đương với Thị chuyển, giáo tương đương với khuyến chuyển, lợi, hỉ tương đương với Chứng chuyển. 2. Thị tương đương với Thị khổ, giáo tương đương với Đoạn tập, lợi tương đương với Tu đạo và hỉ tương đương với Chứng diệt.