thế thân

Phật Quang Đại Từ Điển

(世親) Phạm: Vasubandhu. Hán âm: Bà tẩu bàn đậu, Phiệt tô bạn đồ, Bà tẩu bàn đầu, Bà tu bàn đầu.I. Thế Thân. Tổ thứ 21 được phó pháp tạng, người ở thành La duyệt, họ Tì xá khư, cha tên là Quang cái; mẹ tên là Nghiêm nhất; ông bà nhà rất giàu nhưng chưa có con, nên đến tháp Phật cầu xin. Đêm kia, mẹ sư nằm mộng thấy mình nuốt 2 viên ngọc một sáng một tối, khi tỉnh dậy liền mang thai, sau sinh ramột người con, đó là tôn giả Bà tu bàn đầu. Năm 15 tuổi, sư lễ La hán Quang độ cầu xuất gia, cảm đượcbồ tát Tì bà ha trao cho giới pháp. Khi chưa thờ ngài Xà dạ đa làm thầy, sư thường ăn một bữa mỗi ngày và không nằm, ngày đêm 6 thời lễ Phật, thanh tịnh vô dục, làm chỗ nương tựa cho mọi người. Tôn giả Xà dạ đa muốn độ sư, nên nói với mọi người rằng (Đại 51, 213 thượng): Ta không cầu đạo, cũng không điên đảo; ta không lễ Phật, cũng không khinh mạn; ta không ngồi hoài, cũng không biếng nhác; ta không biết đủ, cũng không tham muốn; ta không ăn một bữa, cũng không ăn tạp. Tâm không mong cầu, đó gọi là Đạo. Bà tu bàn đầu nghe những điều ngài Xà dạ đa nói liền phát sinh trí vô lậu, sau được thừa kế y bát của ngài, rộng truyền tạng kinh, độ khắp chúng sinh. Khi hành hóa đến nước Hậu na đề, sư phó pháp cho ngài Ma nô la rồi ngồi kết già thị tịch. II. Thế Thân. Cũng gọi Thiên thân. Đại luận sư người Ấn độ, sống vào thế kỉ IV, V người ở thành Phú lâu sa phú la, nước Kiện đà la, Bắc Ấn độ, là con thứ 2 của Quốc sư Bà la môn Kiều thi ca. Mới đầu, sư cùng với anh là Vô trước (Phạm: Asaíga) xuất gia theo Tát bà đa bộ (Hữu bộ). Sau, ngài Vô trước chuyển sang Đại thừa còn sư thì theo Kinh lượng bộ, lập chí cải thiện giáo nghĩa Hữu bộ, nên sư đến nước Ca thấp di la nghiên cứu luận Đại tì bà sa. Bốn năm sau, sư trở về nước, giảng dạy luận Đại tì bà sacho đại chúng, đồng thời, soạn luận A tì đạt ma câu xá. Ban đầu, sư công kích Phật giáo Đại thừa, cho rằng Đại thừa chẳng phải là pháp do Phật nói. Sau, được ngài Vô trước mở bày, sư mới ngộ lí Đại thừa và chuyển sang tin thờ và hoằng dươnggiáo pháp Đại thừa. Sư soạn rất nhiều luận và sách chú thích, đặt nền tảng vững chắc cho phái Du già trong Phật giáo Đại thừa. Tác phẩm quan trọng của sư gồm hơn 40 loại như: -Luận Câu xá, 30 quyển. -Nhiếp đại thừa luận thích, 15 quyển. -Thập địa kinh luận, 12 quyển. -Kim cương bát nhã ba la mật kinh luận. -Quảng bách luận. -Bồ đề tâm luận. Thế Thân Thiên Thân-Tam thập duy thức luận tụng. -Luận Đại thừa bách pháp minh môn. -Vô lượng thọ kinh ưu ba đề xá. Theo sự khảo chứng của các học giả hiện đại thì Thế thân tác giả luận Câu xá và Thế thân em ngài Vô trước là 2 người cùng tên. Ngài Thế thân tác giả luận Câu xá là Luận sư (Thế thân mới) của Thuyết nhất thiếthữu bộ, còn ngài Thế thân em của ngài Vô trước là Luận sư (Thế thân cũ) của Du già hành phái. Nguyên nhân chính khiến xưa nay xem 2 người là một là vì bộ Bà tẩu bàn đậu pháp sư truyện do ngài Chân đế dịch; sách này cho rằng 2 người là một,phần chủ yếu ở giữa sách là tư liệu về ngài Thế thân mới, còn phần trước và sau là tư liệu về ngài Thế thân cũ. Thế thân cũ là con của Quốc sư Kiều thi ca, em ngài Vô trước ở thành Phú lâu sa phú la, sau khi xuất gia học giáo nghĩa của Thuyết nhất thiết hữu bộ, về sau, chuyển sang học giáo pháp Đại thừa, niên đại của sư ở khoảng từ 320-380. Còn Thế thân mới thì thờ ngài Phật đà mật đa la làm thầy, thuộc Hữu bộ, nhưng lại có khuynh hướng Kinh lượng bộ. Theo truyền thuyết, sư rất được vua Chính cần nhật và Thái tử Bà la dật để dã (Phạm:Bàlàditya) kính trọng. Sư sống và hoạt động vào khoảng 400-480. Luận Câu xá, luận Thất thập chân thực… đều là những tác phẩm của ngài Thế thân mới này.