THẾ NÀO LÀ TÁC ĐỘNG THUẬN CHIỀU

Sa môn Thích Hải Quang

 

  1. Vì sao trái đất được gọi là cõi Ta Bà?
  2. Thập nhị nhân duyên
  3. Thế nào là thiện tri thức? ý nghĩa chính của thiện tri thức…

*********

Trả lời đạo hữu Trần Hữu Thành, Ohio:

(Ðạo hữu nầy nguyên là một tín đồ Công giáo nghiên cứu kinh Phật và có ý định là sẽ quy y theo Phật pháp, làm người Phật tử…)

Hỏi:

…Tôi có hai câu hỏi sau đây:
1. Vì sao mà bên đạo Phật của quý giáo gọi trái đất nầy là cõi Ta Bà mà không kêu bằng một tên nào khác?
Lúc trước nhân có lần đàm đạo với một vài vị đại đức bên quý giáo, tôi có hỏi về “thập nhị nhân duyên” mà tôi đã được đọc từ nơi kinh Phật… Ðại đức ấy nói tất cả các khổ não đều do từ vô minh mà ra, tôi có hỏi nếu tất cả từ vô minh mà sanh ra thì cái gì sanh ra Vô Minh hay nói cách khác hơn là nguồn gốc của vô minh từ đâu mà có… thì Ðại đức ấy không trả lời được rõ ràng…
Nay tôi xin hỏi lại thầy câu hỏi trên, mong thầy giải đáp cho tôi được tỏ tường vì tuy tôi là một người Công giáo, nhưng vẫn hâm mộ triết lý cao minh của đạo Phật, …

Xin cám ơn thầy trước.

Trả Lời:

Ðạo hữu “đã không phải là người trong đạo Phật” mà lại hay có lòng để tâm nghiên cứu các “giáo điển” của tôn giáo chúng tôi như thế, riêng tôi rất cảm động và tôi nghĩ chắc có lẽ các Phật tử khác cũng có cảm nghĩ tương tợ vì nay “dấu bèo đã được đài gương soi đến” chăng?

Tôi là một vị tăng quê hèn, bất tiếu, phần tu học cũng như giáo lý thảy đều nông cạn, kém cõi so với các bậc tôn túc và đàn anh trong cùng cửa đạo, vì thế nên hằng luôn hổ thẹn phận mình có danh mà không thực, có tiếng mà không miếng, há đâu dám nghĩ đến phận cao vời.

Lẽ ra tôi chỉ lo lúc thúc phần mình trong câu niệm Phật, cầu mong giải thoát nơi kiếp lai sinh chớ đâu dám mang danh là người đứng ra đảm đương việc hoằng pháp, cứu đời, … như đạo hữu đã nói trong thơ.

Nếu có thật đi chăng nữa, bất quá chỉ là đối với những người chưa từng học hiểu và nghiên cứu Phật kinh, giáo điển mà thôi. Chớ như đạo hữu là người đã từng gặp gở đàm luận với nhiều vị danh tăng cũng như đã có nghiên cứu kinh sách trong Ðạo Phật của chúng tôi rồi, nay nếu như tôi lạm bàn đến nữa, e rằng làm bẩn mắt xanh cho người “trí giả” chăng?

Nhưng nay đạo hữu đã có lời hỏi đến, nên “bất đắc dĩ” phải biên lên đây đôi lời giải đáp thô sơ nầy, nếu đạo hữu không chê bỏ lời nói quê dốt thì xin hãy tạm quan tâm nơi nó, bằng như vẫn còn thấy chưa được minh bạch, rõ ràng, hãy cứ tiếp tục tham cầu ở nơi các bậc cao minh hơn nữa, ắt sẽ hiểu được nhiều hơn.

Vậy xin lần lượt trả lời các câu hỏi của đạo hữu

1/- Về cõi Ta Bà:
Trong kinh Phật dạy rằng:

Quả đất mà ta đang ở đây tên gọi là “Nam Thiện Bộ châu”, nằm về hướng nam của núi Tu Di, vốn là một phần nhỏ nhít nhất trong hệ thống Ðại Thiên thế giới của cõi Ta Bà mà đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Thế tôn làm giáo chủ.

Như vậy thì cõi Ta Bà mà đạo hữu thường nghe nói đến trong kinh điển, không phải là chỉ cho quả địa cầu này thôi đâu mà nó gồm cả một đại thiên thế giới bao la vô tận.

Sao gọi là cõi Ta Bà?

Ta Bà có nghĩa là khổ não, lại có nghĩa là phiền lụy, trói buộc, chẳng được tự tại, ung dung, … Ðể nói về thế giới Ta Bà xin đạo hữu hãy chí tâm nghe một đoạn kinh sau đây:

“…Về phương đông có một cõi Phật tên là Bất Ðộng, trong nước đó có Phật tên là Mãn Nguyệt Quang Minh làm giáo chủ, đức Thế tôn ấy bảo với đệ tử lớn của Ngài tên là Lưu Ly Quang Ðại Bồ tát rằng:

Thiện nam tử, về phương tây của cõi nước Bất Ðộng nầy, cách hai mươi hằng hà sa [1] cõi nước Phật, có một thế giới tên gọi là Ta Bà.

Cõi Ta Bà ấy đầy những đất, đá, gai, gai chông, hầm hố, gò nổng, thường có những mối khổ về đói, khát, lạnh, nóng. Nhơn dân nơi cõi Ta Bà chẳng biết cung kính Sa môn, Bà la môn, cha mẹ, sư trưởng, phần nhiều tham đắm nơi phi pháp, tà pháp, chẳng tin chánh pháp, thọ số của họ ngắn ngủi, nhiều kẻ gian trá bị vương pháp trừng trị.

Dầu đã có nước để cai trị, nhưng các bậc vua quan chẳng biết vừa đủ, sanh lòng tham lam, kéo binh đánh chiếm nước khác, khiến cho những người vô tội lại bị chết oan. Bởi vì các nhà lãnh đạo thực hành những điều phi pháp như vậy, cho nên Tứ thiên vương cùng các thiện thần hộ đời không hoan hỷ, thường giáng xuống các tai họa như: hạn hán, bão lụt, mất mùa, đói khát, nhân dân nhiều bịnh, sự khổ sở như thế có đến vô lượng…

Cõi ấy có đức Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, đầy đủ mười hiệu [2], vì thương chúng sanh mà thuyết pháp nhiệm mầu… Ông nên mau qua cõi đó để được nghe….”

Bởi thế, nên đạo hữu phải biết:

Gọi cõi Ta Bà chính là vì các nguyên nhân như vậy.

Nay tất cả chúng ta [3] hiện đang sống ở trong cõi Ta Bà nầy, hỏi ai là người không phải bị gánh chịu ít nhiều đau khổ.

Cứ bình tâm ngẫm nghĩ và quán xét lại cuộc đời mình đã, đang và sẽ còn phải chịu thêm bao nhiêu cay đắng, thăng trầm khác nữa trong cuộc sống… Các khổ não (riêng cho ta và các sanh loại khác) nhiều như vậy, há không đủ để chứng minh rằng lời dạy trên của Phật là đúng hay sao?

2/ Thập Nhị Nhân Duyên:

“Mười hai nhân duyên” nầy nghĩa lý rất nhiệm mầu, thâm diệu. Ðó là cửa chánh để bước chân vào trong vòng thánh quả, thoát khỏi sanh tử, trói buộc, khổ não trong ba cõi, sáu đường, chứng thành quả vị (Trung thừa) Duyên Giác, Bồ Tát (Ðại thừa) ngay…

Nếu như ai mà biết rõ, cùng thực hành được mười hai nhơn duyên ấy đến mức thâm sâu rồi, thời liền đắc đạo, giải thoát.

Ðạo hữu (tuy là người ngoài đạo) nhưng lại đã từng có học hỏi Phật kinh và nghiên cứu mười hai nhân duyên nầy rồi thì chắc không lạ gì cho lắm. Mười hai nhân duyên nầy có hai chiều tác động, một là thuận chiều, hai là nghịch chiều.

– Hễ thuận chiều thì chìm đắm, làm một chúng sanh trôi lăn trong ba cõi, sáu đường.

Còn:

– Nghịch chiều thì giải thoát ra khỏi ba cõi, sáu đường, thành một bậc thánh nhơn ngoài vòng sanh tử.

a/- Thế nào là tác động thuận chiều?
Tác dụng thuận chiều là như thế nầy:
  1. Vô minh duyên Hành (tức là từ nơi u tối, ngu si, mê muội mà phát sanh ra các hành động điên đảo, mê lầm, …)
  2. Hành duyên Thức (tức là do nơi các hành động của thân, khẩu, ý hành xử sái quấy, sai lầm mà sanh ra cái THỨC tánh phân biệt, phải quấy, rộn ràng, …)
  3. Thức duyên Danh sắc (tức là do nơi THỨC (phân biệt sái quấy) mà cảm thọ thành thân (thể) tứ đại (tức là thân danh sắc))
  4. Danh sắc duyên Lục nhập (tức là từ nơi thân “danh sắc” mà sanh ra 6 căn (tức là lục nhập))
  5. Lục nhập duyên Xúc (tức là do từ nơi thân lục căn bất tịnh kia mà sanh ra các sự xúc cảm, va chạm Ðây ý nói giữa hai giống nam, nữ, và lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) vv…)
  6. Xúc duyên Thọ (tức là do từ nơi những cảm xúc đó mà sanh ra các sự thọ lãnh, thọ dụng, …)
  7. Thọ duyên Ái (tức là do từ nơi các sự thọ nhận kia mà cảm ra những sự yêu ái, say mê, …)
  8. Ái duyên Thủ (tức là do từ nơi yêu ái mà sanh ra sự chấp chặt, giữ lấy kia, đây không chịu buông bỏ)
  9. Thủ duyên Hữu (tức là do từ nơi cái chấp giữ kia mà sanh cái tánh tư hữu, nghĩa là cái của ta, cái không phải của ta, hoặc tất cả phải là của ta chớ không phải của mi, …)
  10. Hữu duyên Sanh (tức là do nơi tư hữu ấy mà phải đọa vào sự sanh lại (tái sanh), tức là đầu thai, chuyễn kiếp, trôi lăn trong ba cõi, sáu đường, làm một chúng sanh, …)
  11. 12. Sanh duyên Lão, Tử, Ưu bi, Khổ não (tức là hễ có sanh ra ắt phải thọ thân tứ đại vô thường, tất nhiên phải có các sự già, chết, ưu sầu, khổ não, …)
Trên đây là 12 nhân duyên sanh khởi theo chiều thuận, nghĩa là từ nơi cái không có gì hết mà giả lập ra vô minh, vọng tưởng, rồi lại từ nơi cái vô minh, vọng tưởng sai lầm ấy mà sanh ra các món điên đảo, vọng chấp, … kết cuộc cái tánh bổn lai tức là cái Phật tánh sẵn có của mình bị một đám mây đen tối (vô minh) phủ che đi, quên mất đường chơn, sanh tâm điên đảo, sa vào mê lộ, chìm đắm mãi mãi trong sanh tử luân hồi, chẳng biết bao giờ mới được giải thoát.
Trong kinh gọi (sự thuận chiều tác dụng nầy) là:
MỘT KHỐI ĐẠI KHỔ NÃO PHÁT SANH vậy.
Cho nên nói rằng:

Mười hai nhân duyên kia nếu sanh khởi và tác động theo chiều thuận ở trong ta, thì làm một chúng sanh có đầy đủ vô lượng các thứ đại khổ não.
Là ý như vậy.

b/- Thế nào là tác động nghịch chiều:
Tác động nghịch chiều là như thế nầy:
  1. Vô minh diệt thời Hành diệt (tức là nếu cái vô minh kia không sanh khởi thì các hành động sai lầm cũng không do đâu mà có được).
  2. Hành diệt thời Thức diệt (tức là các hành động sai quấy (của thân, khẩu, ý) đã không có rồi thì thức tánh phân biệt cũng không sao sanh khởi ra được)
  3. Thức diệt thời Danh sắc diệt (tức là cái thức phân biệt, phải quấy không sanh thì không có thân danh sắc (tức là không có các cảnh đầu thai, luân hồi và chuyển kiếp nữa).
  4. Danh sắc diệt thời Lục nhập diệt (tức là đã không có thân danh sắc rồi thời lục căn cũng không thành).
  5. Lục nhập diệt thời Xúc diệt (tức là thân lục căn bất tịnh đã không có rồi thì sự tiếp giao, cảm xúc với lục trần cũng không có).
  6. Xúc diệt thời Thọ diệt (tức là sự tiếp xúc với nhau đã không thì sự thọ lãnh cũng không có)
  7. Thọ diệt thời Ái diệt (tức là sự thọ dụng đã không rồi thì cũng không có yêu ái, thương mến, …)
  8. Ái diệt thời Thủ diệt (tức là sự yêu ái đã không sanh ra thì sự chiếm hữu, chấp giữ cũng không do đâu mà sanh khởi được).
  9. Thủ diệt thời Hữu diệt (tức là sự tư hữu, chấp giữ đã không rồi thì sẽ không có cái của ta, của mi, …)
  10. Hữu diệt thời Sanh diệt (tức là cái có của ta, của mi đã diệt rồi thời không còn tái sanh nữa)
  11. -12. Sanh diệt thời lão, tử, ưu bi, khổ não cũng diệt (đây ý nghĩa rất rõ ràng là hễ không có sanh, tức là không thọ thân tứ đại vô thường thì không có già, có chết, có sầu lo, khổ não nữa)

Nếu người nào mà không có nhập vào (hoặc đã xuất ra khỏi) 12 nhân duyên đó rồi thì lập tức chứng đạo, trở thành bậc thánh nhơn, giải thoát ra khỏi vòng luân hồi, sanh tử.

Ðây là thập nhị nhân duyên khởi theo chiều nghịch. Hễ vô minh mà không sanh thì các Hành trực thuộc khác cũng không có luôn. Ví như hột giống mà không có mộng thì chồi không sanh. Chồi đã không sanh rồi thì không có thân cây, thân cây đã không thì nhánh nhóc, cành lá hoa quả làm sao có được ?

Nơi đây (trong ví dụ nầy) thì:

– Hột là dụ cho tự tánh (tức là cái Phật tánh sẵn có trong tâm).

– Còn mộng đây là dụ cho mầm vô minh.

Cho nên một khi mà mầm mống vô minh đã diệt rồi thì các Hành kia cũng không phát khởi, dựa nương, vì vậy mà các tội lỗi (cành, lá, hoa quả) cũng không còn môi trường phát lộ.

Ðây gọi bằng một tên là TU  CHỨNG vậy.

Cho nên nói rằng nếu 12 nhân duyên kia nghịch khởi (tác dụng nghịch chiều) ở trong ta thì trở thành bậc thánh nhơn ngay chính là ý như vậy.

Trong kinh gọi (sự nghịch chiều tác dụng nầy) là:

– MỘT KHỐI ĐẠI KHỔ NÃO DIỆT.

Trên đây, tôi đã vì đạo hữu mà lược qua ý nghĩa của 12 nhân duyên theo thứ lớp thuận và nghịch rồi.

Bây giờ đạo hữu lại hỏi tiếp rằng:
– Cái gì sanh ra vô minh hay nói cách khác hơn là vô minh lấy chi làm nguồn gốc ?

Xin đáp lời cho đạo hữu rõ:

– Chính cái ngu si (tức là cái si mê) sanh ra vô minh hay nói cách khác hơn là vô minh lấy cái ngu si làm gốc vậy.

Vậy thì cái SI MÊ kia thế nào và từ đâu sanh khởi ra mà nó lại làm nguồn gốc cho vô minh như vậy được?

Nay tôi y theo lời Phật dạy, dùng “Ðệ nhất nghĩa” để giải đáp cho đạo hữu rõ. Trông mong đạo hữu lắng nghe và khéo suy gẫm:

– Tất cả phàm phu chúng sanh từ khi mới chào đời với tâm đồng tử, chưa biết phân biệt trước mọi pháp trần nên tâm ấy (tạm) gọi là tâm Không. Ðến khi lớn lên, bước vào trong đường Ðạo rồi [4] thì lại khởi sanh ra cái “tánh Nghi đối với mọi pháp” (đây là nguồn gốc của VÔ MINH).

Kinh gọi là:

TÁC Ý GIẢ LẬP BẤT CHÁNH.

Nghĩa là:

khi không [5] mà khởi sanh ra cái “tâm nghi ngờ không đúng” đối với pháp trần.

Hay còn gọi là:

Tác ý sai lầm không đúng theo chơn lý.

(Chú giải:

– Hể có “Tác ý giả lập bất chánh” rồi, thì lập tức có ngay:

Vô minh giả lập (bất chánh) sanh khởi ra liền…)

– Và các HÀNH trực thuộc khác cũng lập tức “GIẢ LẬP sanh khởi” ra ngay.

Chỉ trong một niệm (tức là 1/36 cái chớp mắt) thời trong tâm tưởng của ta có đầy đủ hết cả 12 hành nầy liền).
Ðại khái có bốn loại nghi là:
  • Nghi về thân,
  • Nghi về mạng,
  • Nghi về ngã,
  • Nghi về tội.

A/- NGHI VỀ THÂN LÀ THẾ NÀO?

Nghi rằng:

  • Trong quá khứ thân ta vốn đã là có hay không có ?
  • Trong hiện tại đây thân nầy có hay không có?
  • Trong thời vị lai ta sẽ có thân hay không có ?
  • Trong thời quá khứ và thời vị lai thân ta là nam hay là nữ ?
    Ðây là bốn mối nghi lớn thuộc về Thân.

B/- NGHI VỀ MẠNG LÀ THẾ NÀO?

Nghi rằng:

(nghi là nếu thân không do cát bụi tạo ra, thì tại sao khi tan rã rồi thì thân ấy lại hoàn về cát bụi).
Ðây là ba mối Nghi lớn thuộc về mạng.
  • Có mạng có thân hay là có thân mà không có mạng ?
  • Thân cùng mạng nầy là thường hay là vô thường ?
  • Thân cùng mạng nầy là do ai tạo ra, hoặc là:
    • Trời Tự tại tạo ra ?
    • Thời tiết tạo ra ?
    • Tự nhiên sanh ra ?
    • Tánh đời tạo ra ?
    • Cát bụi tạo ra ?
    • Pháp cùng chẳng phải pháp tạo ra ?
    • Sĩ phu tạo ra ?
    • Phiền não tạo ra ?
    • Cha mẹ tạo ra ?

C/- NGHI VỀ NGÃ LÀ THẾ NÀO ?

Nghi rằng:

  • Ngã từ đâu sanh ra và sẽ đi về đâu ?
  • Nếu có Ngã thì Ngã ấy là sắc hay chẳng phải là sắc ?
  • Nếu có Ngã thì Ngã ấy là tướng hay chẳng phải là tướng ?
  • Ngã ở trong thân hay ở ngoài thân ?
  • Ngã ở trong tâm hay ở trong mắt ?
  • Ngã ở đời quá khứ thuộc giống nào ?
  • Ngã ở đời vị lai thuộc giống nào?
    Ðây là bảy mối Nghi lớn thuộc về Ngã.

D/- NGHI VỀ TỘI LÀ NHƯ THẾ NÀO ?

Nghi rằng:

  • Sát sanh có phạm tội không ?
  • Uống rượu có phạm tội không ?
  • Tội ta tự gây tạo ra hay vì người khác mà gây tạo ra ?
  • Hễ gây tạo tội rồi thì “Thân” thọ báo hay là “Ngã” thọ báo ? vv…
    Ðây là bốn mối Nghi lớn về Tội.

Ngoài ra còn có vô lượng, vô số các điều nghi khác nhau nữa, cho nên Tâm sanh ra điên đảo, si mê, phiền não.

Ðây chính là cội gốc của vô minh vậy.

Tóm lại:

  • Từ nơi Nghi mà sanh ra Phiền não (giả lập tiên khởi).
  • Từ nơi Phiền não mà sanh ra Vô minh (giả lập hậu khởi).
  • Từ nơi Vô minh mà sanh ra 11 nhân duyên trực thuộc (thọ báo).

Ðạo hữu đã hỏi tôi về giáo nghĩa Ðại thừa của 12 nhân duyên thì nay tôi cũng xin y theo giáo lý đại thừa mà tạm giải đáp lên đây một ít, còn như muốn luận ra cho đầy đủ ắt ngoài ngàn trang giấy e cũng chưa cùng.

Mong đạo hữu khéo léo suy gẫm (nhiều lần) ắt sẽ hiểu rõ ràng hơn.

Có một điều mà tôi cũng cần lưu ý đạo hữu rằng:

Trong kinh Phật dạy:

Thế gian có hai hạng người rất dễ gây tạo tội lỗi, ấy là:

  • Một là hạng người học rộng, nghe nhiều mà lại không bao giờ biết chịu y theo các điều đã nghe học đó mà tu sửa và thực hành (cũng như đạo hữu vậy).
  • Hai là hạng người ngu dốt, tối tăm.

Tại sao thế ?

a/- Bởi vì người học rộng nghe nhiều (nhưng trong tâm không có đạo) thì tất nhiên kiến văn quảng bác, do đó mà sanh khởi ra tánh tự cao, xem thường những kẻ khác có sự hiểu biết chẳng bằng mình. Dần dần kết thành cái tội “Khinh mạn” rồi đưa đến việc bài bác hết tất cả luận lý nào trái ngược lại với sở kiến của mình, do đó mà sanh ra tâm “Tăng thượng mạn” nghĩa là không hay mà cho mình là hay, không giỏi mà cứ cho mình là giỏi, không tu sửa mà nói rằng mình có tu sửa, không chứng mà lại cho là chứng, vv…

Vì thế mà phạm nhằm đại tội “tăng thượng mạn”.

Tội nầy rất nặng, cả chư Phật cũng không sao cứu được nữa.

b/- Còn đối với người ngu dốt, tối tăm tạo tội thì việc ấy khỏi cần bàn đến rồi, vì họ tạo tội mà họ đâu có biết, cứ nói rằng mình làm như thế là đúng, là phải, đến chừng quả báo đáo đầu rồi thì mới hay biết, khi đó dầu cho có ăn năn thì cũng đã muộn.

Qua văn từ và lời lẽ biện luận trong bức thơ gởi đến, tôi nhận thấy đạo hữu quả là một người (tuy không phải là Phật tử mà lại) có kiến thức về Phật pháp rất rộng rãi, sâu sắc vô cùng. Nếu như đạo hữu nghiên cứu giáo lý của đạo Phật tôi với mục đích học hỏi để hướng thượng và hồi tâm tu hành theo Phật pháp, nguyện có ngày xa lìa được bể khổ, sông mê, bước lên bờ giác, thì quý hoá vô cùng, tôi rất lấy làm hân hạnh, vì trong đạo sẽ có thêm được một vị “Phật ở tương lai.”

Còn nếu như đạo hữu chỉ muốn nghiên cứu giáo lý của Phật giáo với mục đích “để biết chơi”, hoặc là đem những sự hiểu biết mà mình đã thu thập được đi vấn nạn người nầy, kẻ kia, làm cho người học chưa tới lúng túng chẳng thể trả lời được tự mãn rồi để mà cười chê, nhạo báng và tự cho mình là tài giỏi (trên đầu môi, chót lưỡi), hay nói ta là người tu hành đắc đạo… thì ngàn muôn lần việc ấy rất “chẳng nên” và tội “trộm pháp” là một điều vô cùng cấm kỵ ở trong đường đạo.

Trong kinh Phật có dạy rằng :

“Dù cho có học thuộc lòng hết tất cả 12 bộ kinh của ta để cầu được kiến văn quảng bác, thì cái kiến thức ấy so với biển pháp vô biên của chư Phật cũng chỉ như là một hớp nước của con muỗi so với nước của đại dương mà thôi.”

 người trí huệ có học hỏi đạo pháp phải nên biết thực hành đúng theo lời Phật dạy, luôn luôn nhìn xét lại phận mình là một kẻ phàm phu đầy dẫy Tham, Sân, Si cùng với vô số tội lỗi (hoặc quá khứ, hoặc hiện tại) chất chồng, mà sanh lòng tàm quý [6] rồi phát nguyện tu tâm sửa tánh, sám hối, ăn năn, (y theo lời Phật, Tổ dạy mà) tích cực hành trì, tu tập, như là tụng kinh, niệm Phật, vv… cầu cho nghiệp chướng chóng được tiêu trừ, mau bước lên bờ giác.

Chớ nên bao giờ đem tâm khinh mạn mà học đạo và trèo vói cao xa, quá bổn phận mình, như thế tất sớm muộn chi cũng sẽ bị rớt vào trong cảnh :

  • Tay cầm cái bánh vẽ thật đẹp ngon, nhưng lòng vẫn đói meo vì không sao ăn được.

Ðiều nầy trên thế gian (nhất là ở trong thời buổi mạt pháp nầy) không thiếu chi người mắc phải.

Việc ấy phải nên cẩn thận.

Chúc đạo hữu tăng tiến đạo tâm và sớm trở thành một người Phật tử, tinh tấn tu hành với đầy đủ cả hai phần Lý và sự. (Tức là ngôn, hành phải cố gắng làm sao cho được hợp nhất trên đường tu tâm, lập hạnh vậy.)

Trân trọng.

Trả lời đạo hữu Nguyễn Phước ở Philadelphia, PA:

(Phụ một đoạn nguyên thơ…)

Hỏi:

Thưa thầy đệ tử đọc rất nhiều kinh sách, và các tạp chí Phật giáo (có cả các số báo Chánh Ðạo của thầy nữa) thường thấy nói đến mấy chữ “Thiện tri thức”… Ðệ tử hiểu một cách đại khái rằng “thiện tri thức” là người hiền lành, người tốt, nhưng hiền thế nào và tốt ra sao thì đệ tử lại không rõ lắm. Ý của đệ tử muốn hỏi để biết ý nghĩa chánh của danh từ nầy…

Thiện tri thức chỉ có một loại thôi hay là nhiều loại…

Ðáp:

Ðạo hữu, thiện tri thức là như vầy:

  • Thiện là hiền,
  • Tri là hiểu biết (chơn chánh),
  • Thức là thức tỉnh, không còn mê muội và tham đắm (nơi các duyên đời nữa), vv…

Vậy thì trước hết, “thiện tri thức” hiểu theo nghĩa thông thường là người hiền, hiểu biết được ít nhiều đạo lý, có khả năng làm lợi ích cho mình, cho người.

Thiện tri thức có nhiều loại từ thấp lên đến cao, ví dụ như:

Ðây gọi là “nhơn gian thiện tri thức.”
Ðây gọi là “Thiên tiên thiện tri thức.”
  • Thầy Khổng tử, Mạnh tử, vv… là các bậc thiện tri thức bên đạo Nho, dạy dỗ cho con người hiểu biết được các điều, hiếu, trung, nhơn, nghĩa vv…
  • Ngoài ra còn có những bậc thiện tri thức khác ở tại gia hoặc ngoài xã hội, thì gọi là bậc “nhơn hiền”.
  • Ngài Lão tử, … là thiện tri thức bên Tiên đạo, dạy cho con người tu đắt được đạo quả thần tiên, thoát khỏi nhân gian, sanh về thiên giới (cõi trời), hiểu thấu rõ lẽ huyền vi, u tịch của trời đất…
  • Các bậc thiện tri thức ở trong Phật đạo mang hình tướng sa môn thì gọi là “Xuất gia thiện tri thức”, vv…
Nay đạo hữu muốn hiểu nghĩa chơn thật của bậc thiện tri thức theo Phật đạo, vậy xin hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, tôi sẽ y theo lời Phật, Tổ giảng dạy trong kinh điển mà bày tỏ lên đây một ít để cho đạo hữu tri tường.

Xin nghe một đoạn kinh nói về bậc thiện tri thức trong đạo Phật của ta sau đây :“… Nầy thiện nam tử, nói thiện tri thức đây tức là nói đến Phật, Bồ tát, Thanh văn và Bích chi Phật (Duyên giác, Ðộc giác Phật) cùng với những người kính tin giáo lý, kinh điển đại thừa.

Do đó nên gọi là thiện tri thức…
– Hàng thiện tri thức là người có thể chỉ dạy cho chúng sanh xa lìa mười điều ác (thập ác) và tu tập mười điều lành (thập thiện). Do nghĩa nầy nên gọi là thiện tri thức.
– Lại nữa hàng thiện tri thức có lời nói đúng như pháp, thật hành đúng như lời nói, chính là tự mình chẳng sát sanh cùng bảo người khác chẳng sát sanh, nhẫn đến tự mình có chánh kiến (sự thấy biết chơn thật), cũng đem chánh kiến đó ra mà chỉ dạy cho người…
– Lại nữa hàng thiện tri thức có thiện pháp, tức là những việc của mình thực hành ra chẳng mong cầu tự vui cho mình mà thường vì cầu vui cho tất cả chúng sanh, chẳng rao nói lỗi của người, mà nên nói các việc thuần thiện…
Gần gũi bậc thiện tri thức có rất nhiều điều lợi ích, ví như mặt trăng từ đêm mồng một cho đến đêm rằm, lần lần thêm lớn và đầy đủ. Cũng vậy, thiện tri thức làm cho những người học đạo lần lần xa lìa pháp ác, thêm lớn pháp lành…”
Ðây là lời giải đáp về thông nghĩa của bậc “Thiện tri thức” vậy.

Do vì các lời Phật dạy như trên, nên ta cần phải gần gũi và cầu tìm học hỏi ở nơi các bậc thiện tri thức để thâu đạt được nhiều sự lợi ích cho bản thân trên đường tu tập.

Nay đạo hữu đã hiểu phần nào ý nghĩa chơn thật của bậc thiện tri thức rồi. Vậy tôi xin chúc cho đạo hữu sớm được gặp gỡ bậc “thiện tri thức” để nương vào nơi các bậc thượng nhơn ấy mà tu học thêm những hạnh nghiệp lành…

Trân trọng.

Thơ…
KHUYÊN GẮNG TINH TẤN NIỆM PHẬT

Thiệt vì sanh tử phát Bồ đề?
TÍN phải thâm sâu mới được về.
NGUYỆN tâm quy hướng trời AN DƯỠNG,
HẠNH gắng chuyên cần bớt ngủ nghê.
Trưa, tối, sớm, khuya chuyên niệm PHẬT,
Ðừng ngại ngồi lâu mỏi với tê.
Khuyên ai đừng phụ ân sơn hải, (1)
Tay vàng dìu dắt thoát sông mê.

PHÁP HOA TỰ Tucson, Arizona
Trưởng ban Hoằng pháp
Bồ tát giới BẢO ÐĂNG
(Cảm đề)

(1) Ân sơn hải : là ơn tiếp độ giáo hóa cũa chư Phật (nói chung) và của đức A DI ÐÀ Như Lai lớn như núi cao, biển rộng vậy.
(Phụ chú: TÍN, NGUYỆN, HẠNH là tôn chỉ chánh yếu của Tịnh độ pháp môn. Người niệm Phật muốn được vãng sanh nhất định phải gồm đủ hết tất cả 3 phần nầy).


[1]– Hằng hà sa : số cát của một sông Hằng (là một con sông rất lớn ở Ấn Ðộ). Ðáy và hai bên bờ của con sông nầy có rất nhiều cát, số đến vô lượng.

Ở đây Phật lấy ví dụ rằng:
– Cứ 1 hột cát là dụ cho 1 thế giới. Cõi Ta bà và cõi Bất Ðộng cách nhau 1 số lượng thế giới bằng số cát của 20 sông Hằng.
[2]– Mười hiệu của Phật là: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn.
[3]- Kể chung tất cả mọi người (và mọi loại) chớ không có phân biệt riêng cho tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào hết đâu (đương nhiên là kể luôn cả Công giáo, tin lành nữa)….
[4] Ở đây chỉ nói riêng về đường ÐẠO mà thôi chớ không nói đến đường Ðời.
[5] Tức là không có gì hết, trống vắng như hư không vậy.
[6]- Tàm, quý : là hổ với mình và thẹn với người.