THẾ NÀO LÀ NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO

Sa môn Thích Hải Quang

 

Trả lời chung cho một số Phật-tử tại Lanscaster, York, Lebanon, Harrisburgh và một số các nơi khác đồng có chung một số nghi-vấn như sau:
Bạch thầy, trong đạo Phật của mình, việc cúng sao giải-hạn, đoán ngày tốt, xấu, bàn quẻ, giải-xâm, xem tay, nhắm tướng có nên không, chúng đệ-tử nghe một số người nói đó là “bàng-môn tả-đạo”, mê-tín dị-đoan, … chẳng hay việc ấy như thế nào?
Trả lời:
Xin gởi lời đến quý đạo-hữu, Phật-tử có cùng chung nghi-vấn như trên được rõ.

Trong kinh Phật có dạy rằng:

Nhất-thiết duy tâm tạo…

Nghĩa là:

Tất-cả đều do tâm tạo…
Như vậy thì tất-cả mọi việc chánh tà, tốt xấu, vv… chi đều do trong tâm của mình gây-tạo ra hết chớ chẳng phải là từ bên ngoài hay ở nơi đâu mà đến cả.
Các việc như cúng sao giải-hạn, vv… đó không phải là tà-pháp, tà-đạo như một số người vẫn thường lầm tưởng.

Bởi phần đông các hàng thiện-tín tu theo Phật-pháp hiện nay, thường thì do nơi sở học chưa được thấu-đáo, nên phần kiến-giải (thấy biết) nông-cạn, đối với giáo-lý của Phật dạy trong kinh-văn thường có sự hiểu-lầm tai-hại, rồi từ đó chánh mà nói tà, tà mà nói chánh, kinh gọi đó là Tà-Kiến (tức là sự thấy biết không đúng như thật), cho nên pháp mà nói thành phi-pháp[1], phi-pháp mà nói thành pháp, dần-dần rớt vào trong các sự điên-đảo mê-lầm……

Trước hết tôi xin nói về các sao, hạn tốt xấu, hầu đánh tan các sự bài-báng Trời Phật, thánh-thần để người học đạo tránh được những điều sai-quấy, tội-lỗi.

Trong kinh “Phật thuyết thất tinh chơn-ngôn” có dạy rằng:

…Bảy vì sao sau đây là bảy vị tinh-tú hung-dữ (hung-tinh) đó là:
  • Sao Tham-lang (Tham-lang tinh).
  • Sao Cự-môn (Cự-môn tinh).
  • Sao Lộc-tồn (Lộc-tồn tinh)
  • Sao Văn-khúc (Văn-khúc tinh).
  • Sao Liêm-trinh (Liêm-trinh tinh).
  • Sao Vũ-khúc (Vũ-khúc tinh).
  • Sao Phá-quân (Phá-quân tinh).

(Bảy vì sao nầy thống-thuộc sao TINH trong hàng “Thất Tinh Bắc-đẩu” của bộ sao Nhị Thập Bát Tú [2].

Ðể rõ hơn phần nào về bảy vị hung-tinh nầy. Tôi xin y theo lời kinh tham-chiếu nơi trên mà lược-thuật lại như sau:
1/- Tham-lang tinh:
Như người sanh nhằm giờ Tý, hướng nơi vị tinh-tú nầy mà hạ sanh. Nếu khi gặp hoạn-nạn, nên dùng món ăn gạo, lúa mạch cúng-dường kinh nầy (tức là kinh tham-chiếu ở trước) và đeo bổn tinh-phù thì sẽ gặp được đại-kiết (tốt đẹp).

2/- Cự-môn tinh:

Như người sanh nhằm giờ Sửu, hướng nơi vị tinh-tú nầy mà hạ sanh. Nếu khi gặp hoạn-nạn, nên dùng món ăn lúa tẻ mà cúng-dường kinh nầy và đeo bổn tinh-phù thì sẽ gặp được đại-kiết (tốt đẹp).

3/- Lộc-tồn tinh:

Như người sanh nhằm giờ Dần, giờ Tuất…
(Tất-cả là bảy vì sao dữ, nhưng nơi đây chỉ xin lược sơ qua về tính-chất và tác-dụng của hai vì sao đầu để làm tiêu-biểu và tín-chứng mà thôi, các sao còn lại trong hàng thất-tinh nầy mỗi sao đều có tính-chất và tác-dụng đặc-thù khác nhau cả, mỗi khi bị lâm đại-nạn thì cúng-dường kinh và đeo bổn tinh phù của các sao vào mình, tất sẽ được đại-kiết…)

Như vậy thì -các vì sao tốt, xấu chẳng phải là không có đâu, chớ nên luận-bàn theo các sự hiểu biết nông-cạn của riêng mình rồi sanh tâm phỉ-báng, phủ-nhận sự hiện-diện của thánh-thần, trời đất mà mang tội, không nên.

Kinh BỬU-TRÀNG cũng có nói về 28 vì tinh-tú nầy như sau:
……28 vì tinh-tú ấy chia ra mằm ở bốn phương trời, mặt nhựt, mặt nguyệt tuần (đi) theo, tất-cả chúng-sanh ngày, tháng, năm tuổi đều hệ-thuộc vào (28 vị sao nầy).

1/- Phương Ðông có 7 vì tinh-tú là: Giác, Can, Ðê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.

(Nếu như ngày sanh thuộc về sao GIÁC thì người đó có tướng-mạo như sau:
  • Miệng rộng bốn ngón tay.
  • Trán cao bốn ngón tay.
  • Thân phía bên hữu có nhiều nốt ruồi đen, trên mỗi nốt ruồi đều có 1 sợi lông.
  • Người nầy nhiều của-cải, giàu-sang, nếu có được thêm trán rộng như trán voi thì có trí thông-minh.
  • Quyến-thuộc đông và mạnh.
  • Cổ ngắn.
  • Nếu có hai ngón chân cái dài cong lại như vết dao (giao chỉ) thì có vợ con đông.
  • Tánh-tình ác-hiểm, khinh-tháo.
  • Thọ 80 tuổi.
  • Ðến năm 40 tuổi bị khổ tâm và suy-kém dần-dần.
  • Con trai trưởng (của người nầy) chết sớm.
  • Từ năm 41 tuổi trở lên mới phát-tâm tu.
  • Gia-sản về sau bị hỏa-hoạn đốt cháy……vv…………..).

2/- Các Phương Nam, Tây, Bắc còn lại mỗi phương đều có 7 vì sao (xem phần chú-giải).

  • Mỗi sao đều có một đặc-tánh riêng.
  • Người sanh nhằm vào ngày (tên) của các sao nầy đều có riêng tướng-mạo và các sự hưng, suy, thọ, yểu, sang, hèn, tánh-tình, con-cái, quyến-thuộc, tai-nạn vv…..(khác biệt nhau cả).

Ví-dụ: Người sanh nhằm ngày của sao GIÁC ở phương ÐÔNG thì có tướng-mạo (như vừa kể trên).

vv…………….

Tóm lại:
Người đời đều có một chứng bệnh chung ít ai tránh khỏi, đó là chứng bệnh tự-cao, tự-đại, cho nên bất cứ việc gì cũng phải nói đúng theo ý của ta (kẻ đó) thì mới là chánh, bằng như ngược lại là tà!
Ðây là bệnh “chấp ngã” vậy.

Không riêng gì một số Phật-tử tại-gia thôi đâu, mà tôi cũng đã từng có nghe, thấy một số quý vị xuất-gia cũng bị vướng phải sự hiểu-lầm nầy (tức là phủ-nhận sự hiện-diện của “Nhị thập bát-tú”).

Xin kể ra đây một trường-hợp mà tự thân tôi đã nghe, thấy lúc còn ở bên quê nhà.

Như sau:

– Có một Ðại-đức tu cũng khá lâu nói lời bài-bác một vị Thượng-tọa (tu mật-tông) rằng:

– “Ổng thì bất cứ việc gì cũng nói về Ðà-ra-ni (thần chú) hết, niệm Phật, tụng kinh không lo, cứ tối ngày lo tu theo cách trì-chú, bắt ấn hoài, làm giống như thầy bùa, thầy pháp,”….

Tôi nghe như vậy rất lấy làm lạ, mới đem lời bài-bác ấy trình-bạch lên một vị Thượng-Tọa cao đức khác và hỏi:

– Chẳng hay lời nói ấy đúng hay sai ?

Thượng-Tọa giảng rằng:

– Câu nói ấy sai lầm, bởi vì trong tam-tạng kinh-điển của Phật có dạy rất nhiều pháp-môn tu-tập khác nhau, mỗi pháp-môn đều có một sắc-thái đặc-thù riêng-biệt cả.

– Như bên Giáo-tông thì lấy việc tụng kinh làm chánh, y theo nghĩa-lý của kinh mà vào đạo.

– Bên Tịnh-độ tông thì lấy câu niệm Phật cho già dặn làm đầu, nương nơi Phật-lực mà đới nghiệp vãng-sanh.

– Bên Mật-tông thì lấy việc chuyên trì chú ấn làm thời khóa, tôn-chỉ và kết-quả là “Tam-mật tương-ưng, tức Thân thành Phật”, mà làm cứu-cánh, vv…

Pháp-môn tu-tập nào của Phật thuyết-dạy ra cũng đều có những nét đặc-biệt riêng như thế, nhưng cuối cùng rồi cũng lấy một sự giải-thoát chung làm nơi quy-hướng, đâu nên nói rằng pháp-môn nầy hay, pháp-môn kia dở, pháp-môn nầy trọng, pháp-môn kia khinh theo ý-kiến riêng tư của mình, bởi lẽ pháp-môn nào cũng đều do từ nơi Phật mà lưu-xuất ra hết. Vả-lại “Mật-tông tâm-pháp” (của Phật-giáo) cũng từ nơi kim-khẩu của Phật, hoặc Bồ-tát thuyết-dạy ra, nào có phải là của thần-tiên, quỷ-mị chi đâu mà gọi là tà, hay bùa, pháp ngoại-đạo được. Nói như vậy thì hóa ra là vô-tình mang vào mình trọng-tội “khinh-báng Tam-bảo” rồi.

Còn như vị tu-sĩ kia nói như vậy tức là ý cho rằng việc tụng kinh, niệm Phật hay hơn việc gia-trì ấn-chú. Chuyện ấy cũng không có chi là lạ lắm, bởi vì căn-cơ của vị ấy thuộc về Giáo-tông (tức là ưa-thích tụng-kinh). Chẳng những trong kiếp hiện-tại nầy vị ấy chỉ ưa-thích tụng-kinh, niệm-Phật không thôi đâu, mà trong các kiếp quá khứ cũng đã từng chuyên về niệm-Phật, tụng-kinh rồi. Do vì nhiều kiếp đã gieo trồng nhân-duyên tu-hành đối với Giáo-tông, cho nên kiếp nầy vẫn còn tiếp-tục tu theo như vậy, đối với các giáo-môn khác lại không sanh lòng kính, tin, nên mới thốt ra lời nhẹ, nặng, đã-phá các pháp-môn tu-tập khác.

Lời nói và ý-nghĩ sai lầm ấy cần phải nên sửa đổi và sám-hối, ăn-năn, bởi vì như vậy là lạc vào trong tội “Báng Pháp” (khinh dễ pháp Phật) vậy…

Bây giờ trở lại việc “cúng sao giải-hạn”… hỏi là  hay Chánh 

Y theo lời Phật dạy (trong các kinh tham-chiếu ở trên), và cũng như trước đã có nói,  hay Chánh đều do ở nơi tâm mình (mà ra) cả. Nếu là Tà, ấy là tại tâm của mình Tà, nếu là Chánh đó là vì tâm của mình Chánh.

Ðối với các việc sao, hạn tốt xấu Phật cũng đã có dạy trong một số kinh-điển rồi, vậy thì đâu phải là không? Cả đến Trời đất, Thánh-thần cũng thế, nào phải là chuyện hoang-đường!

Trong các hội thuyết-pháp của Phật, ngoài các vị Bồ-tát, thánh-nhơn giải-thoát khắp mười phương vân-tập về dự-thính ra, lại còn có thêm biết bao nhiêu các vị thần, tiên khác trong khắp ba cõi cũng đến nghe pháp nữa.

Như là:

– Sơn-thần (thần núi), Lâm-thần (thần rừng), Thọ-thần (thần cây), Thảo-thần (thần rong cỏ), Giang-thần (thần sông), Tuyền-thần (thần suối), Hải-thần (thần biển), Ðịa-thần (thần đất), Thạch-thần (thần đá), vv… (cùng vô-lượng, vô-số thần-tiên khác từ khắp các nơi, các phương-hướng… về tham-dự để nghe Phật-pháp nữa).

Như vậy (nếu theo như ý của các vị đó nói) thì ngoài chư Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, A-la-hán, vv….ra thì trời-đất, thánh-thần đều là không có hết cả hay sao?

Hỏi tức là đã trả lời rồi vậy.

Vả-lại, phép cúng sao, giải-hạn mà đạo Phật ta lễ-bái từ trước đến nay, trên thì lấy đức Phật Dược-sư Lưu-ly Quang Như-Lai là đấng tối-cao trong chín giới để cầu-nguyện và quy-hướng, bởi đức Như-Lai ấy có những đại-nguyện nhiệm-mầu, hay giải-trừ tai-nạn và bệnh-khổ cho chúng-sanh trong khắp mười phương, ba cõi. Cho nên mỗi khi khai lễ cúng sao thì trước hết là tụng chú Tiêu-tai Duyên-Thọ Ðại-bi Tâm Ðà-ra-ni (tức là thần-chú Ðại-Bi của đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát), kế đến trong phần xưng tán và lễ-kính thì niệm thánh-hiệu của đức Phật Dược-sư.

Niệm rằng:

Nam-mô Tiêu Tai Diên Thọ Ðông-phương Giáo-chủ Dược-sư Lưu-ly Quang Vương Phật.

Rồi các nghi thức kế-tiếp là y theo phần lễ “Dược-sư sám pháp” mà Phật đã dạy ở trong kinh dược-sư cho thiện-nam, tín-nữ lễ-kính chư Phật và các vị đại Bồ-tát để được tăng thêm phần công-đức, tiêu-trừ tai-nạn. Sau cùng mới đem các công-đức ấy mà cầu-nguyện cho “bổn mạng, người-thân” của mình (tựa như tụng-kinh cầu- an vậy), và hồi-hướng khắp đến cho tứ-ân, tam-hữu…

Như vậy nếu nói là Tà, thì Tà ở chỗ nào?

Cũng bởi sự hiểu-biết chưa được thấu-đáo, lại thêm căn bệnh chấp Ngã quá cao, không năng (và không mốn) gần-gũi các bậc “thiện tri-thức”, cho nên không học hỏi được những điều chân-chánh (không có chánh-kiến), trái lại chỉ ưa-thích thân-cận với “ác tri-thức” vì thế mà sự hiểu biết càng ngày càng bị lạc thêm vào trong các chỗ tà-kiến, sai-lầm, do-đó cho nên khởi-tâm xem thường, khinh-báng, đôi khi còn hủy-nhục đến cả các bậc thánh-thần, trời, Phật…

Ðến như các việc xem ngày tốt xấu, bói toán, đoán quẻ, bàn xăm, vv… Trong kinh Phật tuy là không có dạy, nhưng các việc tốt xấu, may rủi của vận-mạng con người đâu phải là không có. Từ xưa đến nay, ức triệu người đều tin-tưởng, trên từ vua-chúa, quan-quyền, dưới đến các hàng lê-thứ, thậm-chí đến cả ông-bà, cha-mẹ ta thảy đều thuận-hành… như vậy thì té ra tất-cả các người ấy cũng đều là ngu-si, dốt-nát, mê-tín, dị-đoan hết cả hay sao?

Tổ-sư dạy:
Tà nhơn thuyết chánh-pháp,
Chánh-pháp biến vi tà.
Chánh nhơn thuyết tà-pháp,
Tà-pháp xu bội chánh.
Nghĩa là:
Người tà thuyết chánh-pháp sai,
Chánh-pháp vì đó biến ngay ra tà.
Chánh nhơn giảng thuyết pháp-tà,
Tà-pháp kia lại biến ra chánh liền.

Do nơi lời và ý của bài kệ trên đây mà suy rộng ra thì:

Các sự bói toán, tốt xấu, bàn xâm… đó, nếu:

– Ở nơi “tà nhơn” thì nó làm tà

Còn như:

– Ở nơi “chánh-nhơn” thì nó làm chánh.

Ví như thanh-gươm báu, nếu nằm nhằm tay của kẻ ác-nhơn, háo-sát… thì biết bao nhiêu người vô-tội phải bị chết oan, thây phơi, máu đổ…

Còn nếu như ở nơi tay của người hiền-đức thì sẽ được nhiều diệu-dụng biết bao.

Cho nên:

Phàm bất-cứ việc gì cũng vậy, hễ thấy ngọn thì phải tưởng đến gốc, lý đâu chỉ biết có ngọn thôi mà quên gốc bao giờ. Hễ ta khinh-hủy các bậc trên, trước của ta, cho các người ấy là ngu-si, dốt-nát tức là ta đã khinh-hủy các bậc tiền-bối cùng ông-bà, cha-mẹ của ta vậy. Không lẽ sự hiểu-biết của tất-cả các vị ấy đều thua kém ta hết hay sao ‌
(Vả-lại xưa nay, sử-sách chứng-minh cũng đã nhiều, các việc cúng-tế, tội- phước, vận-mạng, rủi may đâu phải là không có. Muốn biết xin hãy xem lại các sách xưa sẽ hiểu rõ hơn)…

Trong nghi-thức Sám-hối, Phật có dạy rằng:

… “Cho hay tất-cả các pháp đều là Phật-pháp, mà con không rõ, lại theo dòng vô-minh, vì thế trong trí bồ-đề mà không thấy thanh-tịnh…”

Tại sao gọi các pháp đều là Phật-pháp ‌

Các pháp đều là Phật-pháp là như thế nầy:
(Nơi đây chỉ giảng thiên một ít phần về việc lành, dữ, xấu, tốt mà thôi, chớ không luận đến các nghĩa-lý cao-siêu khác.)

Bởi tất-cả các việc thiện chi dù nhỏ hay lớn cũng đáng nên làm, nên học. Ðâu nên trọng việc thiện lớn mà bỏ việc lành nhỏ ư ‌? Phải biết một giọt nước tuy là nhỏ-nhít, nhưng nếu nó cứ nhiễu mãi, lâu ngày tất cũng đầy bình. Cũng vậy, việc lành kia tuy nhỏ, nhưng nhiều việc nhỏ tích góp lại ắt cũng thành nên việc lành lớn, kết-quả là sẽ được sanh về nơi cõi nhơn, thiên (trời, người).

Còn việc ác, lý ưng cũng y như vậy (nhưng khác hơn trên là bị đọa vào nơi ba ác-đạo – địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh).

Xưa nay chư Phật, Bồ-tát,… cùng các vị thánh trước, hiền sau ứng-thế, giáng-trần đâu ngoài chủ-đích là dẫn-dắt và dạy-dỗ cho chúng-sanh bỏ ác, tu thiện. Lại nữa tất cả các việc giáo-hóa ấy đều vì để khiến cho chúng-sanh bỏ mê về giác, bỏ ác theo lành, dần-dần phát-lộ ra được cái tánh “thiên chơn” (đạo Nho gọi là “tánh bổn-thiện”, đạo Phật gọi là Phật tánh, đạo Tiên gọi là Vô-vi) vậy.

Ba giáo Nho, Thích, Lão tuy khác nhau mà tôn-chỉ vẫn đồng.

Các chúng-sanh đời nay (tức là đời mạt-pháp nầy), căn-cơ không phải như những người xưa trong các thời chánh-pháp và tượng-pháp, phần đông dữ nhiều, lành ít, cho nên việc tu-học và thực-hành theo các đạo-lý cao-siêu, mầu-nhiệm thì rất ít có người, mà đa-số thì lại chỉ hay ưa hỏi đến các điều tốt, xấu, lành, dữ, được, thua, đắc, thất mà thôi.

Cho nên các bậc thánh trước hiền sau (là ứng, hóa thân của Phật, Bồ-tát,…) giáng xuống dương-trần cũng vì để tùy-thuận theo tâm ham-muốn, cùng những sở-thích, mong-cầu của chúng-sanh mà bày ra các cơ-nghi hóa-độ. Chẳng hạn như người nầy chỉ ham ưa biết về việc lành dữ, đắc thất mà thôi chớ không cần biết đến điều chi khác nữa, thì cứ phương-tiện nói các việc ấy ra cho họ biết.

Tại sao ‌
Ðể trước hết làm thỏa-mãn điều mong-cầu (chánh-đáng) mà họ cần muốn biết cho họ vui tâm. Khi thấy họ đã được hoan-hỷ rồi, thì mới bày ra các thiện phương-cách khác nữa để từ-từ dẫn-dắt họ vào trong đường đạo.

Cho nên trong phẩm “Phương Tiện” ở kinh Pháp Hoa, Phật có dạy rằng:

“Xá Lợi Phất, các đức Phật tùy theo thời-nghi mà nói pháp, ý-thú khó hiểu. 
Vì sao ‌? 
Ta dùng vô-số phương-tiện, các món nhân-duyên, lời lẽ thí-dụ mà diễn nói các pháp…

Lại dạy nữa rằng:

“Ta biết rõ chúng-sanh có những điều ưa muốn, thân-tâm mê-chấp khác nhau, nên ta mới tùy theo bản-tánh kia, dùng các món nhơn-duyên, lời lẽ thí-dụ, cùng sức phương-tiện mà vì đó nói pháp. 
Xá-Lợi-Phất, như thế đều vì để (cho chúng-sanh) chứng được một Phật-thừa là ‘Nhứt-Thiết Chủng-Trí’.”

Y theo lời kinh dạy trên thì:

– Tất cả các pháp hoặc bàn xâm, đoán quẻ, bói toán, xem vận-hạn may rủi, ngó tướng, coi tay, vv… mà các người xưa đặt bày ra đến nay còn lưu-truyền lại, đều là những “Thiện-xảo phương tiện” [3] mà các bậc thánh-nhơn tùy-thuận nơi tâm mong-muốn cùng những sự mê-chấp, sở-cầu của chúng-sanh để cho chúng nó trước được vui tâm, sau rồi mới dẫn-dụ họ vào trong nẻo đạo mà thôi chớ không dị-ý nào khác cả.

Còn việc:

Mê-tín hoặc chánh tà hay không cũng do ở nơi mình (và người hành-sử) mà thôi.

Nói về phương-tiện thì có hai:

– Chánh phương-tiện (còn gọi là Thiện-xảo phương-tiện).

– Tà phương tiện (phương tiện xấu).

A/- Thế nào là Chánh phương tiện ‌

Như dùng các phương-tiện đó – chẳng-hạn nói về việc xấu tốt, dở hay, vận-mạng hạnh-thông hoặc trở ngại, vv… – để thỏa-mãn tâm ham-thích cùng sở-cầu của một người đang gặp nhiều sự buồn-rầu, đau-khổ, trước là khiến cho người ấy được an-tâm, rồi sau đó sẽ đem những lời dạy nói chánh-đáng, dịu-dàng ra an-ủi, khuyến-khích, khiến cho người ấy đổi tâm chán-nản, đau buồn, thành ra tâm yêu đời, tin-tưởng ở tương-lai, trở lại vui-vẻ như xưa, chẳng còn mang trong lòng những ý nghĩ quẩn-quanh không lối thoát (như lúc trước) nữa…
Khi thấy người đó đã hoàn-toàn bình-phục được rồi, mới khéo-léo giảng-giải thêm các điều diệu-lý khiến cho người ấy phát tâm tin-tưởng thêm vào nơi Trời, Phật, cùng các việc tội phước báo-ứng, nhân-quả xoay-vần trong sáu nẻo luân-hồi, vv… Rốt lại làm cho kẻ ấy phát-tâm vô-thượng bồ-đề, tu theo Phật-pháp…
Ðây gọi là chánh phương-tiện vậy.

B/- Thế nào là Tà phương tiện ‌

Như dùng các phương-tiện trên với mục-đích để mưu-lợi riêng tư, rúc-rỉa tiền-bạc của người, khiến cho kẻ đoạn-trường lại càng thêm đau-khổ, tâm-tư hốt-hoảng, bối-rối như rớt vào trong cõi mây mù hay hố thẳm, hang sâu, vv… không đường ra khỏi.
Chẳng những đã không có tâm từ-bi cứu-giúp, không mang các điều đạo-lý chơn-chánh ra an-ủi, khuyến-khích cho người, không đem lẽ báo-ứng trả vay, luân-hồi nhân-quả nối-tiếp không ngừng, không chỉ rõ đời là vô-thường giả tạm, hợp rồi tan, vui lại buồn, lúc vinh, khi nhục, vv… để chỉ bày ra cho người thấy thân là nguồn-gốc khổ, lại cũng chẳng biết khuyên bảo người ấy sám-hối, ăn-năn, phát-tâm tin-tưởng vào nơi Trời, Phật, tu-hành cầu giải-thoát nơi kiếp lai-sinh, vv…
Tóm-lại là không đem đến chút điều chi lợi-lạc cho người mà trái lại càng khiến cho người vốn đã cùng đường quẫn-trí lại càng thêm tuyệt-vọng, chẳng còn nẻo thoát-thân…rốt cuộc phải quyên-sinh, hủy mình xa lìa cuộc sống…
Dùng phương-tiện ác-độc như thế để mưu-cầu sự lợi-lộc cho riêng mình (trên khổ-đau của kẻ khác)
Ðây gọi là tà phương-tiện vậy.

Hễ chánh thì nên làm, mà tà thì phải tránh.

  • Chánh-tà chi cũng do ở tâm ta.
  • Liệu mà theo, liệu mà hành động.

Kết luận:

Những việc như cúng sao giải-hạn, xem đoán vận-mạng, bói quẻ, bàn xâm, chỉ rõ ngày giờ tốt xấu, nhắm tướng, coi tay, vv… nếu dùng nó trong mục-đích đem lại an-vui cho người, “cứu nhân độ thế”, mà không có ác-tâm mưu-cầu tư-lợi cho cá-nhân, thì gọi là Chánh, bằng như ngược lại thì gọi là .
Chánh hay Tà chính là do ở nơi tâm và hành động của mình vậy.

Làm một người thiện tri-thức, một bậc đạo-sư dẫn lối cho chúng-sanh ra khỏi đường mê, nẻo hiểm,… phải biết khéo-léo và có đầy-đủ thiện-xảo phương-tiện để tùy-thuận theo căn-tánh của mọi người mà tùy-nghi chỉ dạy. Như người thầy thuốc giỏi, biết khéo tùy theo chứng bệnh mà phục dược để cho bệnh-nhơn được chóng trở lại mạnh lành.

Ðó (tạm) gọi là:

– Trước thì tùy theo căn tánh sai khác mà lập ra pháp-môn “cơ nghi quyền biến”.

– Sau nữa là dẫn-dắt các “thiện-căn hữu tâm nhơn” thâm nhập vào trong chánh-đạo.

Chư Phật trong ba đời quá-khứ, hiện-tại, vị-lai cũng đều y theo như thế mà cứu-độ chúng-sanh.
Cho nên trong kinh Pháp Hoa, Phật có dạy rằng:

– “Xá Lợi Phất, đức Như-Lai chỉ dùng một Phật-thừa mà vì chúng-sanh nói pháp, không hai mà cũng không ba… 

– Thuở quá-khứ các đức Phật cũng dùng vô-lượng, vô-số phương-tiện, các món nhân-duyên, lời lẽ thí-dụ mà vì chúng-sanh diễn nói các pháp… 

– Thuở vị-lai, các đức Phật sẽ ra đời cũng lại dùng vô-lượng, vô-số phương-tiện, các món nhân-duyên, lời lẽ thí-dụ mà vì chúng-sanh diễn nói các pháp… vì pháp ấy đều là một Phật-thừa, nên các chúng-sanh ấy theo Phật, nghe pháp, rốt-ráo đều chứng được Nhất-thiết Chủng-trí”…

Tóm lại câu:

“Cho hay, tất cả các pháp đều là Phật-pháp mà con không rõ lại theo dòng vô-minh, vì thế trong trí Bồ-đề mà không thấy thanh tịnh, trong cảnh giải-thoát mà sanh ràng buộc…” chính là ý nghĩa đại-thừa vi-diệu mà tôi mới vừa lược nói ở trên.

Lại nữa, người có học Phật-pháp cũng phải nên luôn nhớ điều rằng:

– Pháp đây chính là pháp lành, pháp giải thoát cứu-cánh, dứt đường sanh-tử, đem lại sự chơn-chánh an-vui, làm lợi-ích cho tất-cả mọi loài chớ không phải là pháp sai-quấy của các hàng tà, ngoại chuyên làm não-hại chúng-sanh đâu.

Hàng phàm-phu bạt-địa chúng-ta đều bị vô-minh che-lấp, cho nên tâm luôn-luôn điên-đảo mê-lầm, vì thế mà bản-tánh thiên-chơn (tức là Phật-tánh) phải bị vùi sâu vào trong vô-minh tăm-tối, tĩnh mà không thấy tĩnh, thanh mà chẳng thấy thanh, nên mới bị lâm vào trong cảnh:

– Hiệp trần, bội giác(theo tà, bỏ chánh).

– Phụ lời thánh-huấn của Phật, Bồ-tát cùng chư vị Tổ-sư.

Tôi rất mong cho chư đạo-hữu và quý Phật-tử nhânn xem nơi lời giải-đáp chung nầy rồi, gắng dùng trí-huệ mà suy-xét rộng thêm ra rằng:

Tất-cả vạn-pháp đều do nơi Tâm của ta gây tạo ra hết vậy.
(Vạn pháp duy tâm tạo.)

Trân-trọng.

Thơ….
THẦY
(Cung Tặng Thượng-Tọa bổn-sư
THÍCH HẢI-QUANG)
THẦY đã nhập thất ẩn-tu lâu,
THẦY bỏ lợi-danh chẳng chút cầu.
THẦY khuyên bổn-đạo thường tu-tập,
THẦY dạy pháp- mầu Mật-Tịnh sâu.
THẦY vì tứ-chúng in kinh-luận,
THẦY giải nghĩa HUYỀN mỗi-mỗi câu.
THẦY chăm niệm PHẬT rèn tam-muội,
THẦY được trời Tây hứa đến thâu.
Bồ-Tát giới BẢO-ÐĂNG
(Cảm tặng)
——————————————————-
[1] Phi pháp:là không phải pháp chơn-chánh (chánh-pháp), tức là tà-pháp của các hàng ngoại-đạo, tà-giáo.

[2] Nhị thập bát-tú: là 28 vì sao. Theo “Khoa-học Thiên-văn” cổ-xưa ở bên Trung-hoa thì 28 vì sao nầy tên là:

a/- Phương Ðông, về phần Thương Long (rồng xanh), nằm trong ảnh-hưởng của bảy vì sao tên là : sao Giác, sao Can, sao Ðê sao Phòng, sao , sao , sao Tâm. (thuộc Mộc, màu xanh).
b/- Phương Tây, về phần Bạch-hổ (cọp trắng), nằm trong phạm-vi ảnh-hưởng của bảy vì sao tên là : sao Khuê, sao Lâu, sao Vị, sao Mão, sao Tất, sao Chủng, (còn gọi là sao Tuy) sao Sâm. (thuộc Kim (loại) màu trắng).
c/- Phương Nam, về phần Châu-Tước (con quạ lửa), nằm trong ảnh-hưởng của bảy vì sao tên là : sao Tỉnh, sao Quĩ, sao Liễu, sao Tinh (còn gọi là sao Thất-Tinh), sao Trương, sao Dực, sao Chẫn.(thuộc Hỏa, màu đỏ).
d/- Phương Bắc, về phần Huyền-Voõ (sao hộ-pháp) nằm trong ảnh-hưởng của bảy vì sao tên là : sao Ðẩu, sao Ngưu, sao Nữ, sao , sao Nguy, sao Thất, sao Bích.(thuộc Thủy, màu đen).
Tất-cả 28 vì sao nầy chia ra trấn đều khắp ở bốn phương trời.
[3] Thiện xảo phương-tiện:
– Thiện: là lành, tốt, đúng theo lẽ chánh chơn.
– Xảo: là tinh-xảo, khéo-léo.
– Phương: là phương-cách.
– Tiện: là tiện-nghi.
Ðây tức là:
– Dùng phương-pháp “lành-tốt, khéo-léo” để tùy- thuận theo sự ham-thích chơn-chánh của chúng-sanh – trước cho nó vui tâm – sau đó rồi mới khéo-léo dẫn vào trong con đường chánh-đạo.