thê hà tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(栖霞寺) Chùa nằm về phía tây dưới chân ngọn Trung phong thuộc Nhiếp sơn, cách huyện Nam kinh, tỉnh Giang tô 23 km về mạn đông bắc, là 1 trong các ngôi chùa cổ nổi tiếng ở vùng Giang nam. Chùa này cùng với chùa Ngọc tuyền ở Kinh châu, chùa Linh nham ở Tế nam và chùa Quốc thanh ở Thiên thai được gọi chung là Tứ đại tùng lâm.Cứ theo Pháp độ truyện trong Lương cao tăng truyện quyển 8 thì chùa vốn là ngôi am tranh của ẩn sĩ Minh tăng thiệu (tức Minh trưng quân). Sau khi Minh tăng thiệu qua đời, ngài Pháp độ sửa thành chùa, đặt tên là tinh xá Thê hà, đây chính là nguồn gốc chùa Thê hà. Mới đầu, Tăng thiệu mộng thấy trong hang núi có hào quang nhiều màu của đức Như lai, định tạo lập động thờ Phật, nhưng chưa thực hiện được thì ông qua đời. Người con thứ của Tăng thiệu là Trọng chương nối chí cha, bắt đầu đục vách đá của ngọn núi phía tây làm động thờ Phật, rồi cùng với ngài Pháp độ đúc tượng Phật Vô lượng thọ ngồi, cao 3 trượng, 1 thước, 5 tấc, kể cả tòa ngồi thì cao 4 trượng, đồng thời, đúc tượng 2 vị Bồ tát, cao 3 trượng, 3 tấc. Ngài Pháp độ tiếp tục đục mở hơn 10 hang khám và đúc tượng Phật Thích ca, Thái tử Văn huệ nhà Nam Tề và Văn hiến vương Dự chương cũng góp công hoàn thành phúc nghiệp. Rồi Thái tể Giang hạ là Vương hoắc cơ, Tuệ tĩnh vương Lâm xuyên… cũng tham gia và khắc ức vạn hóa thân Phật, đó chính là Thiên Phật Động lừng danh. Lúc ấy, có ngài Tăng lãng, người Liêu đông, Cao li, đến đây, thờ ngài Pháp độ làm thầy, sau kế thừa chùa Thê hà. Ngài tinh thông Hoa nghiêm, Tam luận, được tôn làm Sơ tổ tông Tam luận tại Giang nam, Lương vũ đế rất tôn kính ngài. Thời vua Cao tổ nhà Đường, chùa được xây dựng thêm 49 tòa đường vũ, đổi tên là chùa Công đức, thời vua Cao tông, chùa lại được đổi tên là chùa Ẩn quân thê hà. Trong pháp nạn Hội xương (848), chùa bị phá hủy, sau được làm lại và đổi tên là chùa Diệu nhân. Về sau, tên chùa được đổi đi đổi lại nhiều lần, đến năm Hồng vũ 25 (1392) đời Minh, chùa lại được gọi là Thê hà tự. Vào cuối đời Thanh bị quân Thái bình thiên quốc phá hủy. Đến đầu năm Dân quốc (1912), Thiền sư Trung ương xây dựng lại, qui mô hoành tráng, tuy không bằng thời xưa nhưng vẫn là ngôi chùa nổi tiếng ở Nam kinh. Trong chùa hiện có tòa tháp bằng đá cao 5 tầng, hình bát giác, Thiên Phật động, Thiên khai động… là những danh thắng. Tháp 5 tầng là 1 trong các tháp xá lợi do vua Văn đế nhà Tùy xây dựng đầu tiên vào niên hiệu Nhân thọ năm đầu (601), sau được xây dựng lại vào đời Hậu Đường.Từ nền tháp đến thân tháp đều được chạm trổ rất tinh xảo đẹp đẽ, đặc biệt bứcphù điêu khắc Thích ca bát tướng thành đạo nét khắc cực kì mĩ lệ. Thiên Phật động nằm về phía sau chùa, khám thờ Đại Phật ở trong có pho tượng Phật bằng đá rất lớn, tức là tượng đức Phật Vô lượng thọ do ngài Pháp độ và cư sĩ Trọng chương cùng tạo lập. Tất cả có hơn 200 khám thờ Phật, La hán, Nhân vương, Thiên bộ… phần lớn được đục mở vào đời Đường. Về qui mô các hang động và khám thờ ở đây, so với các hang động ở Đại đồng và Long môn thì nhỏ hơn, nét tinh vi cũng không bằng, nhưng đây là những hang động duy nhất của thời Nam triều, cho nên rất quí giá về mặt lịch sử nghệ thuật của Phật giáo. Ngoài cửa chùa có tấm bia Minh trưng quân được tạo lập vào năm Thượng nguyên thứ 3 (676) đời Đường, bài minh do vua Cao tông ngự chế, văn bia do nhà thư pháp trứ danh đời Đường là Cao chính thần viết, là 1 trong các tấm bia xưa ở Giang nam.