thật tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(實相) Phạm: Dharmatà bhùta-tathatà. Vốn có nghĩa là bản thể, thực thể, chân tướng, bản tính…; từ đó được khai triển để chỉ cho thể tướng chân thực bất hư của tất cả muôn pháp, hoặc lí pháp chân thực, lí bất biến, chân như, pháp tính… Đây là nội dung giác ngộ của đức Phật, hàm ý là chân thực bản nhiên; tất cả danh từ: Nhất như, thực tính, thực tế, chân tính, Niết bàn, vô vi, vô tướng… đều là tên khác của Thực tướng. Vì hết thảy hiện tượng mà thếtục nhận biết đều là giả tướng, chỉ khi nào thoát khỏi sự nhận biết của thế tục mới hiển bày được cái tướng trạng chân thực thường trụ bất biến của các pháp, cho nên gọi là Thực tướng. Cứ theo kinh Đại bát niết bàn quyển 36 (bản Nam) và luận Đại trí độ quyển 32 thì tất cả tướng sai biệt của các pháp(như tướng cứng của đất, tướng ướt của nước, tướng nóng của lửa) đều là hư giả, tất cả đều có thể phá hoại; trái lại, Thực tướng mà trí vô lậu chứng được thì lìa các tướng hư giả và bình đẳng nhất như. Nếu còn vọng tâm thì không thể nào thấy được thực tướng. Trong các dịch phẩm của ngài Cưu ma la thập, Thực tướng cũng bao hàm ý nghĩa Không, từ ngài Long thụ về sau thì Thực tướng được xem là nội dung Chân đế của Phật giáo. Còn thuyết Chư pháp thực tướng là tiêu biểu(tức pháp ấn) của Phật giáo Đại thừa cũng chính là đối lại với Tam pháp ấn(Vô thường, Vô ngã, Niết bàn) của Phật giáo Tiểu thừa mà được thành lập và được gọi là Thực tướng ấn. Tướng trạng chân thực của tất cả các pháp gọi là Chư pháp thực tướng, tuy nội dung chư pháp thực tướng tùy theo các tông mà có khác nhau, nhưng phán đoán theo lập trường của mỗi tông, bất cứ pháp nào hễ được xem là tối hậu và rốt ráo thì đều dùng từ Thực tướng để biểu thị. Tướng trạng của thực tướng thông thường cho rằng không thể dùng lời nói để diễn đạt, hay tâm trí để suy lường được. Từ sự phát triển của lập trường này, đến tông Thiên Thai thì lấy việc phát hiện ra tự ngã hoàn toàn nhất, gọi là Chư pháp thực tướng, cũng tức là dứt bặt sự sai khác giữa bản chất(Lí) và hiện thực(Sự), một thế giới trong đó tất cả các pháp hoàn toàn dung hợp, điều hòa, phàm phu trong cõi mê cũng có khả năng thể hiện cảnh giới Phật giác ngộ cao siêu, nêu tỏ tinh thần hiện tượng tức thực tại, sai biệt tức bình đẳng.Thiền tông cho rằng Chư pháp thực tướng là sự hiện thành của Phật Tổ hoặc bản lai diện mục; tông Tịnh độ thì lấy danh hiệu của Phật A di đà làm Thực tướng pháp; Mật tông thì có thuyết Thanh tự thực tướng. Còn tông Nhật liên của Nhật bản thì giải thích thực tướng là đề mục của Bản môn, dẫn thực tướng của chân như đến hiện thực, bàn về sự dung hợp tương tức của cả 2, đây chính là từ mặt lí luận mà nói rõ thái độ khẳng định hiện thực của Phật giáo Đại thừa. [X. Trung luận Q.3; Đại bát niết bàn kinh sớ Q.33; Chú duy ma cật kinh Q.3; Đại nhật kinh sớ Q.1; Vãng sinh luận chú Q. hạ; Duy ma kinh nghĩa kí Q.4, phần cuối; Pháp hoa kinh văn cú kí Q.4 trung].