thật tại luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(實在論) Chỉ cho kiến giải triết học về Bản thể luận. Luận thuyết này chủ trương tính chất trừu tượng hoặc mối quan hệ(cộng tướng) do những danh từ trừu tượng biểu đạt, chính là sự tồn tại chân thực. Đứng về phương diện Siêu hình học và Nhận thức luận mà nhận xét thì lập trường của Thực tại luận và Duy tâm luận tương phản nhau. Duy tâm luận cho rằng chỉ có tâm(ý thức) là sự tồn tại duy nhất, tất cả vật chất khách quan(vạn hữu) đều tùy thuộc vào các tác dụng tinh thần, tư tưởng, quan niệm… của con người mới tồn tại được, vì thế, Duy tâm luận còn được gọi là Quan niệm luận. Thực tại luận thì trái lại chủ trương thế giới khách quan vốn tự tồn tại mà không cần nhờ đến nhận thức của con người. Về lập trường của Phật giáo thì Phật giáo Tiểu thừa đối với các yếu tố(pháp) cấu thành muôn vật có tính thực tại hay không, cũng có nhiều thuyết khác nhau. Như hệ thống Thuyết nhất thiết hữu bộ chủ trương ba đời có thật, pháp thể hằng có; hệ thống Đại chúng bộ thì cho rằng hiện tại có thật, quá khứ không có thực thể. Đến Phật giáo Đại thừa thì như tông Duy thức và tông Hoa nghiêm chủ trương Muôn pháp chỉ do tâm hiện, chỉ có thức không có cảnh, chẳng những chủ trương muôn pháp do tâm biến hiện, mà còn cho rằng ngay cả tâm thức cũng là không, vô tự tính. Do đó biết cái gọi là Thực tại luận của Phật giáo, không những chẳng phải Duy tâm luận, cũng chẳng phải Duy vật luận, mà chỉ là 1 thứ Không luận, Vô tự tính luận.Đối lại với quan điểm Duy thức và Hoa nghiêm, tông Thiên thai đứng trên lập trường Sắc tâm song cụ(Vật, tâm đầy đủ), cho nên các ngài Trạmnhiên và Tri lễ chủ trương: Tư tưởng duy tâm đã thành lập được thì tư tưởng Duy sắc cũng thành lập được. Chẳng hạn như Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết quyển 7, phần 4 của ngài Trạmnhiên (Đại 46, 388 thượng) nói: Cho nên, nếu đã nói là viên mãn thì cũng nói được là duy sắc, duy thanh, duy hương, duy vị, duy xúc… chứ tại sao lại chỉ nói được là Duy thức? Nếu nói chung lại thì cái duy nào cũng đều phải có đầy đủ pháp giới. Lại nữa, nếu nói theo ngọn thì tất cả chúng sinh có 2 loại khác nhau, chúng sinh các cõi trên phần nhiều đắm trước thức, chúng sinh cõi dưới phần nhiều đắm trước sắc. Nếu thu tóm bên ngoài hướng vào bên trong, khiến quán xét nội thứcthìđều là 1 thức. Thức đã không rồi thì 10 cõi đều không, nếu thức là giả thì 10 cõi đều giả, nếu thức là trung thì 10 cõi đều trung, chỉ dùng nội tâm quán xét tất cả pháp, quán 10 cõi bên ngoài thì liền thấy nội tâm. Vì thế nên biết, dù thức dù sắc, đều là Duy sắc.