thập vô tận tạng

Phật Quang Đại Từ Điển

(十無盡藏) Gọi tắt: Thập tạng. Mười tạng vô tận, chỉ cho giáo nghĩa của tông Hoa nghiêm. Tông Hoa nghiêm chia giáo pháp của đức Phật thành 10 tạng để làm hành pháp tu tập cho Bồ tát. Mười tạng này mỗi tạng đều bao hàm vô hạn công đức. 1. Tín tạng: Tín là ưa muốn Thực, Đức, Năng, lấy tâm thanh tịnh làm tính, đối trị bất tín, lấy việc ưa thích điều thiện làm nghiệp. Do đó hàm nhiếp các đức xuất sinh, nên gọi là Tạng. 2. Giới tạng: Ngăn ngừa điều sai trái là giới, 3 nghiệp thiện là tính, dứt việc ác làm việc lành là nghiệp. 3. Tàm tạng: Tàm là nương vào pháp lực của mình, kính trọng bậc hiền thiện làm tính, đối trị tâm không biết hổ thẹn, ngăn dứt hành vi xấu ác làm nghiệp. 4. Quí tạng: Quí là nhờ vào năng lực thế gian, chống lại bạo ác làm tính, đối trị tâm không biết xấu hổ, ngăn dứt các việc xấu ác làm nghiệp. 5. Văn tạng: Pháp tạng rộng lớn, lấy văn tuệ làm tính, thông minh làm nghiệp. 6. Thí tạng: Xả bỏ tài vật của mình bố thí cho người, không tham lam làm tính, diệt bỏn sẻn làm nghiệp. 7. Tuệ tạng: Tuệ là cảnh sở quán, lựa chọn làm tính, dứt ngờ làm nghiệp. 8. Niệm tạng: Đối với cảnh từng tu tập, tâm sáng suốt ghi nhớ rõ không quên là tính, nương vào định làm nghiệp. 9. Trì tạng: Thụ trì giáo pháp của chư Phật, niệm tuệ làm tính, ghi nhớ là nghiệp. 10. Biệntạng: Khéo giảng nói Phật pháp,lấy tuệ làm tính, tùy cơ căn làm nghiệp. Về thứ tự sinh khởi 10 tạng thì Tín là bước đầu vào pháp nên trước nói về Tín; nương Tín khởi hạnh, trước phải xa lìa tội lỗi, cho nên kế nói về Giới; nếu giới có phạm thì sinh tâm hổ thẹn, trang nghiêm giới hạnh, khiến được trong sạch nên nói có 2 bạch pháp(tức Tàm và Quí tạng) cứu được tội lỗi của chúng sinh. Đã ngăn ngừa và xa lìa tội lỗi thì tăng thêm thiện phẩm, phải lấy việc nghe rộng(Văn tạng) làm đầu. Vì cầu được nghe pháp nên phải xả bỏ(Thí tạng). Đã quên mình vì pháp thì tuệ chân chính hiện tiền(Tuệ tạng). Tuệ đã hiện tiền thì chính niệm(Niệm tạng)chắc phải sáng thêm. Chính niệm đã sáng thì ghi nhớ (Trì tạng)được lâu. Ghi nhớ đã không quên thì ắt biện luận(Biện tạng)với người khác, khiến mình và người đều được lợi ích đầy đủ, rốt ráo. Thập tạng lấy nhất chân pháp giới làm tính. Còn theo Hoa nghiêm kinh khổng mục chương quyển 2 thì Biệt giáo Nhất thừa của Hoa nghiêm dùng Thập tạng này để phân loại giáo pháp mà đức Phật đã nói trong một đời. Ngoài ra, thuyết Thập vô tận tạng này là căn cứ của pháp Vô tận tạng trong Tam giai giáo. [X. kinh Hoa nghiêm Q.12 (bản dịch cũ); kinh Hoa nghiêm Q.21 (bản dịch mới); Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.6].