thập trọng duy thức

Phật Quang Đại Từ Điển

(十重唯識) Cũng gọi Thập môn duy thức. Chỉ cho 10 lớp Duy thức nói trong Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển 13 của ngài Pháp tạng. Đó là: 1. Kiến tướng câu tồn duy thức: Tuy có chủ quan(Kiến phần) và khách quan (Tướng phần) khác nhau, nhưng cả hai đều do tâmbiến hiện, vì thế chủ quan và khách quan đều tồn tại trongmột tâm. 2. Nhiếp tướng qui kiến duy thức: Khách quan tùy theo tác dụng của chủ quan màhiển hiện, do đó được bao nhiếp trong tâm, tâm sở của chủ quan. 3. Nhiếp số qui vương duy thức: Trong tâm và tâm sở thì tâm sở nương vào tâm vương mà sinh khởi chứ không có tự thể độc lập, vì thế tâm sở do tâm vương biến ra; nghĩa là tất cả đều thu nhiếp về tâm vương. 4. Dĩ mạt qui bản duy thức: Trong tâm vương thì ngoài bản thức ra(thức thứ 8), 7 chuyển thức không có thể riêng biệt, cho nên tất cả đều qui về bản thức. 5. Nhiếp tướng qui tính duy thức: Bốn lớp duy thức trình bày trên đây là nói theo tướng của thức, nhưng tướng của thức này là do chân như tùy duyên mà biến hiện, cho nên nếunói theo bản tính thì không ngoài Như lai tạng của bản giác. 6. Chuyển chân thành sự duy thức: Trở lên là lấy chân như làm bản tính mà bàn, còn bây giờ thì lấy lí chân như theo duyên nhiễm tịnh mà nói về các pháp hữu vi được hiển hiện như thế nào. 7. Lí sự câu dung duy thức: Lí của chân như bản thể và sự của các pháp hiện tượng dung hợp lẫn nhau. 8. Dung sự tương nhập duy thức: Tức các hiện tượng(Sự) dung hợp lẫn nhau một cách vô ngại. 9. Toàn sự tương tức duy thức: Ở trên là nói về tác dụng của các hiện tượng hòa nhập vào nhau, còn ở đây thì bàn về thể của các hiện tượng là một, một tức tất cả. 10. Đế võng vô ngại duy thức: Như các hạt châu trên mành lưới của trời Đế thích, từng lớp từng lớp chiếu rọi phản ánh lẫn nhau, trong một có tất cả, trong tất cả có một, trùng trùng vô tận. Trong Ngũ giáo thì Tiểu thừa không bàn về Duy thức, còn giáo thuyết của Đại thừa nói về Duy thức cũng có sâu cạn khác nhau, cho nên các lớp thứ 1, 2, 3 là Thủy giáo; các lớp 4, 5, 6, 7 là Chung giáo và Đốn giáo; các lớp 8, 9, 10 là Biệt giáo trong Viên giáo; còn gom chung cả 10 lớp lại là biểu thị nghĩa Đồng giáo trong Viên giáo.