thập trọng chướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(十重障) Gọi tắt: Thập Chướng. Chỉ cho 10 trọng chướng mà hàng Bồ tát Thập địa phải đoạn trừ, đó là: 1. Dị sinh tính chướng: Y cứ vào chủng tử do 2 chướng phiền não và sở tri phân biệt khởi lên mà lập Dị sinh tính, tính này làm chướng ngại Thánh tính vô lậu; khi vào Kiến đạo thuộcSơ địa mới đoạn được chướng này. 2. Tà hạnh chướng: Do một phần câu sinh trong sở tri chướng và 3 ác hạnh do nó khởi lên mà lầm phạm, gây chướng ngại cho giới cực thanh tịnh; khi vào Địa thứ 2 mới đoạn được chướng này. 3. Ám độn chướng: Do một phần câu sinh khởi trong sở tri chướng làm quên mất pháp văn tư tu, thường chướng ngại thắng định, tổng trì và Tam tuệ mà nó phát khởi; khi vào Địa thứ 3 thì đoạn trừ chướng này.4. Vi tế phiền não hiện hành chướng: Chấp trước các pháp có thật, từ vô thủy đến nay theo sát bên thân, thường gây chướng ngại cho pháp Bồ đề phần của Địa thứ 4, khi vào địa thứ 4 thì đoạn trừ chướng này.5. Ư hạ thừa ban niết bàn chướng: Nhàm chán sinh tử, ưa thích niết bàn, cản trở đạo vô sai biệt, khi vào Địa thứ 5 thì đoạn trừ chướng này. 6. Thô tướng hiện hành chướng: Chướng chấp các thô tướng như: Chấp khổ, tập có tướng nhiễm, diệt, đạo có tướng tịnh, thường chướng ngại đạo vô nhiễm tịnh; khi vào Địa thứ 6 thì đoạn trừ chướng này.7. Tế tướng hiện hành chướng: Chướng chấp tướng sinh diệt vi tế, thường trở ngại đạo vô tướng diệu không; khi vào Địa thứ 7 thì đoạn trừ chướng này. 8. Vô tướng trung tác gia hành chướng: Chướng khiến cho vô tướng quán không tự nhiên vận hành, vì còn có gia hành, thường chướng ngại đạo vô gia hành; khi vào Địa thứ 8 thì đoạn trừ chướng này.9. Lợi tha trung bất dục hành chướng: Không muốn siêng năng làm những việc lợi lạc cho hữu tình, mà chỉ muốn tu lợi mình, thường trở ngại cho Tứ vô ngại giải; khi vào Địa thứ 9 thì đoạn trừ chướng này.10. Ư chư pháp trung vị đắc tự tại chướng: Đối với các pháp không được tự tại, thường chướng ngại mây đại pháp trí; khi vào Địa thứ 10 thì đoạn trừ chướng này.Hàng Bồ tát Thập địa tu 10 thắng hạnh để đoạn trừ 10 trọng chướng này mà chứng được 10 chân như. Cho nên, Bồ tát đến Địa thứ 10, tuy đối với các pháp đã được tự tại nhưng vẫn còn sở tri chướng nhỏ nhiệm và chủng tử tự nhiên của phiền não chướng; có đoạn trừ hết chướng tàn dư này mới lên được địa vị Như lai. Bởi thế, thêm một trọng chướng này nữa mà gọi chung là Thập nhất trọng chướng. [X. kinh Giải thâm mật Q.4; luận Thành duy thức Q.9; luận Du già sư địa Q.78]. (xt. Thập Địa Đoạn Chướng Chứng Chân, Chân Như).