thập tín

Phật Quang Đại Từ Điển

(十信) Gọi đủ: Thập tín tâm. Gọi tắt: Thập tâm. Chỉ cho 10 tâm mà Bồ tát của 10 giai vị đầu tiên trong 52 giai vị tu hành. Mười tâm này thuộc Tín vị, có khả năng giúp cho hành giả thành tựu hạnh tín. Về tên gọi và thứ tự thì các kinh điển ghi có hơi khác nhau. Cứ theo phẩm Hiền thánh danh tự trong kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp quyển thượng thì 10 tâm là: 1. Tín tâm: Nhất tâm quyết định, mong muốn thành tựu. 2. Niệm tâm: Thường tu 6 niệm: Phật, Pháp, Tăng,giới,thí vàthiên. 3. Tinh tiến tâm: Nghe Bồ tát tạng, siêng năng tu tập thiện nghiệp không gián đoạn. 4. Định tâm: Tâm an trụ nơi sự và nghĩa, xa lìa tất cả hư ngụy, vọng tưởng phân biệt. 5. Tuệ tâm: Nghe Bồ tát tạng, tư duy quán sát, biết tất cả pháp vô ngã, vô nhân, tự tínhrỗng lặng. 6. Giới tâm: Thụ trì luật nghi thanh tịnh của Bồ tát, thân, khẩu, ý thanh tịnh, không phạm các lỗi, nếu có phạm thì sám hối trừ diệt. 7. Hồi hướng tâm: Đem các thiện căn đã tu được hồi hướng về bồ đề, không nguyện sinh vào các cõi hữu lậu, hồi thí cho chúng sinh,không vì riêng mình; hồi hướng cầu chứng được thực tế, không chấp danh tướng. 8. Hộ pháp tâm: Phòng ngừa tâm mình, không khởi phiền não, lại tu 5 hạnh: Mặc hộ, niệm hộ, trí hộ, tức tâm hộ và tha hộ. 9. Xả tâm: Không tiếc thân mệnh, tài vật, tất cả những gì có được đều buông bỏ.10. Nguyện tâm:Thường tu các nguyện thanh tịnh. Mười tâm được liệt kê trong phẩm Bồ tát giáo hóa kinh Nhân vương quyển thượng do ngài Cưu ma la thập dịch là: Tín tâm, Tinh tiến tâm, Niệm tâm, Tuệ tâm, Định tâm, Thí tâm, Giới tâm, Hộ tâm, Nguyện tâm và Hồi hướng tâm, cho đó là 10 tâm của Tập chủng tính. Kinh Phạm võng quyển thượng thì nêu 10 tâm là: Xả tâm, Giới tâm, Nhẫn tâm, Tiến tâm, Định tâm, Tuệ tâm, Nguyện tâm, Hộ tâm, Hỉ tâm, Đính tâm và cho đó là 10 tâm Phát thú trong Kiên tín nhẫn. Còn kinh Lăng nghiêm quyển 8 thì gọi đó là Thập tâm trụ, tức Tín tâm trụ, Niệm tâm trụ, Tinh tiến tâm trụ, Tuệ tâm trụ, Định tâm trụ, Bất thoái tâm trụ, Hộ pháp tâm trụ, Hồi hướng tâm trụ, Giới tâm trụ và Nguyện tâm trụ. Về việc phối hợp Thập tínvớinày các vị thứ của Bồ tát thì xưa nay cũng cócác thuyết khác nhau. Tứ giáo nghĩa quyển 5 phối Thập tín với 10 giai vị đầu tiên trong 52 giai vị của Biệt giáo; Viên giáo lại lập riêng Lục tức, phối Thập tín với Tương tự tức, là giai vị Nhu thuận nhẫn 6 căn thanh tịnh. Hoa nghiêm ngũ giáo chương dẫn dụngluậnNhiếp đại thừa (bản dịch đời Lương) cho rằng như trước Tu đà hoàn đạo có 4 giai vị là Noãn, Đính, Nhẫn, Thế đệ nhất pháp, đối với hàng Nguyện lạc hành thì có 4 loại là Thập tín, Thập giải, Thập hành, Thập hồi hướng; Thủy giáo thì cho rằng 4 giai vị Thập tín, Thập giải, Thập hành, Thập hồi hướng là Tư lương vị. Trong Chung giáo thì trước Sơ địa chỉ có Tam hiền (Thập giải, Thập hành, Thập hồi hướng), là vì Thập tín chưa đạt đến giai vị Bất thoái. Các nhà Duy thức cũng cho rằng trước Thập địa chỉ có 30 tâm, chứ không lập giai vị Thập tín. [X. Nhiếp đại thừa luận thích Q.11 (bản dịch đời Lương); Nhân vương kinh hợp sớ Q.trung; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1 hạ; Đại thừa nghĩa chương Q.17, phần cuối]. (xt. Bồ Tát Giai Vị).