thập niệm

Phật Quang Đại Từ Điển

(十念) I. Thập Niệm. Cũng gọi Thập tùy niệm. Chỉ cho 10 pháp cần phải nhớ nghĩ ghi trong kinh Tăng nhất a hàm quyển 1, đó là: Niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm hưu tức(tức ngăn dứt các tư tưởng động loạn của tâm ý), niệm an ban(đếm hơi thở), niệm thân vô thường và niệm tử (nghĩ đến sự chết). II. Thập Niệm. Chỉ cho 10 niệm xưng danh. Nguyện thứ 18 trong kinh Vô lượng thọ quyển thượng có câu (Đại 12, 268 thượng): Dù chỉ 10 niệm, kinh Quán vô lượng thọ cũng nói (Đại 12, 346 thượng): Đầy đủ 10 niệm xưng Nam mô A di đà Phật, tức 2 kinh đều nói 10 niệm niệm Phật liền được sinh về cõi Tịnh độ của Phật A di đà. Đây là căn cứ quan trọng về giáo nghĩa của tông Tịnh độ. Về sự giải thích Thập niệm, các Luận sư cócácthuyết khác nhau. Cứ theo Vãng sinh luận chú quyển thượng của ngài Đàm loan thì 10 niệm nói trong Quán kinh (kinh Quán vô lượng thọ) là nhớ nghĩ tổng tướng và biệt tướng của đức Phật A di đà; lại khi xưng niệm danh hiệu Ngài, không xen lẫn tư tưởng khác, chỉ chuyên tâm trì niệm liên tục, thì có thể nhờ đó mà hoàn thành nhân vãng sinh, vì thế nên có thuyết Không cần phải đủ 10 niệm. Ngài Thiện đạo giải thích 10 niệm là 10 tiếng xưng danh, Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập của ngài Nguyên không, người Nhật, thừa kế thuyết này, cho rằng các vị Luận sư y cứ vào Thập niệm trong kinh Quán vô lượng thọ mà chủ trương phải đủ số 10 niệm mới có thể vãng sinh, đây là thuyết Thập niệm vãng sinh. Nhưng 10 niệm của ngài Thiện đạo là chỉ cho việc xưng danh hiệu Phật trong 1 đời cho đến xưng danh chỉ 1 tiếng cũng đều được vãng sinh, vì thế mới lập thuyết Niệm Phật vãng sinh. Lại niệm và thanh giống nhau, cho nên 10 niệm, 1 niệm cũng gọi là Thập thanh, nhất thanh. Các Luận sư khác đối với Thập niệm cũng có nhiều thuyết, như trong Vô lượng thọ kinh tông yếu của ngài Nguyên hiểu có các từ ngữ Hiển liễu thập niệm(10 niệm rõ ràng), Ẩn mật thập niệm(10 niệm kín đáo) và cho rằng 10 niệm trong Quán kinh là hiển liễu, 10 niệm như Từ… là ẩn mật; còn 10 niệm trong nguyện thứ 18 của kinh Vô lượng thọ thì vừa hiển liễu vừa ẩn mật. Ngài Nghĩa tịch cho rằng mỗi lần xưng niệm 6 chữ Nam mô A di đà Phật, gọi là 1 niệm; Thần triêu thập niệm pháp của ngài Tuân thức đời Tống có nói về thuyết 10 niệm hơi thở như sau (Đại 47, 210 trung): Người tu tịnh nghiệp hằng ngày vào buổi sáng sớm sau khi phục sức chỉnh tề, đứng chắp tay xoay mặt về hướng tây, niệm liên tiếp A di đà Phật, hết một hơi là một niệm, cứ như thế 10 hơi gọi là 10 niệm, nhưng tùy theo hơi dài ngắn, chứ không giới hạn ở số câu niệm Phật. Còn Bí tạng kí của ngài Không hải thì giải thích nghĩa Thập niệm là Thập ba la mật. III. Thập Niệm. Chỉ cho việc nhớ nghĩ 10 pháp Từ, Bi, Hộ pháp… để được vãng sinh Tịnh độ nói trong kinh Di lặc sở vấn. Kinh Đại bảo tích quyển 92 cũng có thuyết này và gọi là Niệm Phật thập chủng tâm. IV. Thập Niệm. Chỉ cho 10 niệm mà Bồ tát phải nhớ nghĩ được ghi trong kinh Bồ tát thụ trai, đó là: Niệm Phật quá khứ, niệm Phật vị lai, niệm Phật hiện tại ở tất cả 10 phương, niệm Thi la ba la mật(giới), niệm Thiền ba la mật, niệm Âu hòa câu xá la (phương tiện), niệm Bát nhã ba la mật, niệm Thiền tam muội lục vạn Bồ tát ở trụ xứ của Phật A di đà và niệm Hòa thượng A xà lê ở quá khứ, đương lai và hiện tại. Mười niệm này của Bồ tát là để đối lại với 10 niệm của pháp Thanh văn Tiểu thừa đã nói ở trên.