thập nhị khẩu truyện

Phật Quang Đại Từ Điển

(十二口傳) Chỉ cho 12 thức truyền miệng khi học các kinh, luận, chương, sớ của Mật giáo, nhất là khi sớ giải nghĩa sâu kín của kinh Đại nhật. Đó là: 1. Vị hội: Loại sách chưa được sửa chữa. 2. Lạn thoát: Kinh văn ghi lại những điều trước sau lầm lẫn. 3. Dẫn điệp: Trước giải thích, sau dẫn văn kinh để hợp. 4. Tổng điệp: Ghi lại các đoạn văn kinh dài đã trích dẫn. Điệp là ghi lại. 5. Biệt điệp: Lần lượt giải thích văn Tổng điệp. 6. Giáo điệp: Đọc chung phần văn kinh đã được sửa chữa và văn giải thích. 7. Thủ ý: Văn kinh không có giải thích thì chỉ ghi đại ý của đoạn văn kinh. 8. Hồi văn: Tức ghi văn kinh không theo thứ tự mà chuyển đổi, lúc trước lúc sau.9. Hồi văn hướng thượng: Chuyển câu văn ở trên xuống dưới, trước giải thích, sau lại dẫn văn kinh. 10. Hồi văn hướng hạ: Đưa câu văn ở dưới lên trên, trước dẫn văn kinh, sau mới giải thích. 11. Trị định: Chỉ cho văn kinh đã được sửa chữa. 12. Ngữ lược: Chọn lựa văn kinh để trích dẫn, có 2 thứ tiền lược, hậu lược. Xưa nay Mật giáo lấy khẩu truyền làm giáo quyền, nếu khi nghi quỉ khác với kinh chính thì y cứ theo nghi quĩ; nếu khi nghi quĩ khác với khẩu truyền thì chọn lấy khẩu truyền.