thập nhất lực

Phật Quang Đại Từ Điển

(十一力) Chỉ cho 11 lực dụng mà đức Phật A di đà gia trì hành giả niệm Phật. Đó là: Sức đại từ bi, sức đại thệ nguyện, sức đại trí tuệ, sức đại tam muội, sức đại uy thần, sức đại tồi tà, sức đại hàng ma, sức thiên nhãn thấy xa, sức thiên nhĩ nghe xa, sức tha tâm thấu suốt và sức quang minh chiếu khắp nhiếp thủ chúng sinh. Nhờ 11 năng lực này mà tất cả ma sự đều bị trừ diệt hết. Trong đó, sức đại từ bi và đại thệ nguyện là Nhân lực…… của Phật A di đà. Khi bồ tát Pháp tạng còn ở địa vị tu nhân, đã dùng đại từ bi phát khởi 48 đại nguyện. Nhờ nhân lực đại từ bi và đại thệ nguyện này mà hành giả lúc mệnh chung được lợi ích hộ trì và không bị chướng ngại. Sức đại trí tuệ và đại tam muội là quả lực của Phật A di đà, tức là sức định và tuệ của Phật. Vì 2 đức thiền định và trí tuệ của Phật rốt ráo viên mãn, đối với tất cả các pháp tự tại không chướng ngại, cho nên gọi là Đại trí tuệ, Đại tam muội. Sức đại uy thần chính là thần lực tự tại của quả Phật; sức đại tồi tà là năng lực phá dẹp các ngoại đạo tà ác bằng thần lực tự tại của Phật; sức đại hàng ma là năng lực hàng phục ma chướng bằng thần lực đồng với thần lực tự tại của quả Phật. Sức thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm là từ Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông và Tha tâm thông trong 6 thần thông mà ra. Năng lực của thiên nhãn là quán xét được các việc khác lạ ở phương xa, năng lực của thiên nhĩ là nghe được bất cứ một âm thanh nhỏ nhiệm nào ở phương xa, năng lực của tha tâm thông là soi xét được ma lực, vì thế, nhờ 3 năng lực này mà thấy biết trước được các ma sự, không để bị chúng gây ra chướng hại. Còn như sức quang minh chiếu khắp nhiếp thủchúng sinh là năng lực thu lấy chúng sinh không bỏ, đây là đức riêng của Phật A di đà; các Phật khác tuy cũng có ánh sáng này nhưng chẳng phải là năng lực thu lấy hành giả, cho nên mới nói là năng lực riêng của đức Phật A di đà. [X. Quán vô lượng thọ Phật kinh nghĩa sớ Q.thượng (Nguyên chiếu)].