Thập Mục Ngưu đồ

Từ Điển Đạo Uyển

十牧牛圖; J: jūgyū-no-zu;
Mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông, tương ưng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt Giác ngộ. Mười bức tranh này có thể xem là biểu hiện cô đọng nhất, trình bày tinh hoa của Phật giáo Ðại thừa.
Các bức tranh chăn trâu được sáng tạo trong thời nhà Tống (960-1279) và ngay từ đầu đã được xem như những bức hoạ tiêu biểu, trình bày tinh hoa, cốt tuỷ của Thiền Trung Quốc. Có nhiều bộ tranh – có thuyết nói là bốn, thuyết khác nói là 5, 6 chăn trâu khác nhau – nhưng có lẽ nổi danh nhất và cũng bao hàm ý nghĩa nhiều nhất là bộ với mười bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (廓庵師遠; c: kuòān shīyuǎn; j: kakuan shion; ~ 1150), được lưu lại trong bản sao của hoạ sĩ người Nhật tên Châu Văn (周文; shūbun; ?-1460). Một bộ khác với sáu bức tranh cũng thường được nhắc đến. Ban đầu, Thiền sư Thanh Cư (清居; c: qīngjū; j: seikyo) chỉ vẽ có năm bức nhưng sau, Thiền sư Tự Ðắc (自得; c: zìdé; j: jitoku; tk. 12) vẽ thêm bức tranh thứ sáu. Trong bộ này, con trâu dần dần trắng ra và cuối cùng thì trắng hoàn toàn, một biểu tượng cho chân tâm thanh tịnh, vô cấu.
Mười bức tranh sau được xem là của Thiền sư Khuếch Am, được trích từ tác phẩm Thiền nhục, Thiền cốt (Zen flesch, Zen bones) của Paul Reps. Những bức tranh này cũng được chú thích rất rõ, rất hay trong Thiền luận của Dai-setz Tei-ta-ro Su-zu-ki, bản dịch của Trúc Thiên và Tuệ Sĩ. Bài tụng của Thiền sư Khuếch Am được Thích Thanh Từ dịch.

H 53: Tìm trâu (tầm ngưu 尋牛, 1)
Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Chỉ nghe réo rắt giọng ve sầu.

H 54: Thấy dấu (kiến tích 見跡, 2)
Ven rừng bến nước dấu liên hồi
Vạch cỏ ruồng cây thấy được thôi
Ví phải non sâu lại sâu thẳm
Ngất trời lỗ mũi hiện ra rồi.

H 55: Thấy trâu (kiến ngưu 見牛, 3)
Hoàng anh cất tiếng hót trên cành
Nắng ấm gió hoà bờ liễu xanh
Chỉ thế không nơi xoay trở lại
Ðầu sừng rành rõ vẽ khôn thành

H 56: Bắt trâu (đắc ngưu 得牛, 4)
Dùng hết thần công bắt được y
Tâm hùng sức mạnh khó khăn ghì
Có khi vừa hướng cao nguyên tiến
Lại xuống khói mây mãi nằm ì

H 57: Chăn trâu (mục ngưu 牧牛, 5)
Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân
Ngại y chạy sổng vào bụi trần
Chăm chăm chăn dữ thuần hoà dã
Dây mũi buông rồi vẫn theo gần

H 58: Cỡi trâu về nhà (kị ngưu quy gia 騎牛歸家, 6)
Cỡi trâu thong thả trở về nhà
Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà
Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm nào phải động môi à

H 59: Quên trâu còn người (vong ngưu tồn nhân 忘牛存人, 7)
Cỡi trâu về thẳng đến gia san
Trâu đã không rồi người cũng nhàn
Mặt nhật ba sào vẫn say mộng
Dây roi dẹp bỏ bên cạnh sàng

H 60: Người, trâu đều quên (nhân ngưu câu vong 人牛俱忘, 8)
Roi gậy, người trâu thảy đều không
Trời xanh thăm thẳm tin chẳng thông
Lò hồng rừng rực nào dung tuyết
Ðến đó mới hay hiệp Tổ Tông

H 61: Trở về nguồn cội (phản bản hoàn nguyên 返本還源, 9)
Phản bản hoàn nguyên đã phí công
Ðâu bằng thẳng đó tợ mù câm
Trong am chẳng thấy ngoài vật khác
Nước tự mênh mông hoa tự hồng

H 62: Thõng tay vào chợ (nhập triền thuỳ thủ 入廛垂手, 10)
Chân trần bày ngực thẳng vào thành
Tô đất trét bùn nụ cười thanh
Bí quyết thần tiên đâu cần đến
Cây khô cũng khiến nở hoa lành
… Lúc còn trụ tại Quy Sơn, sư Trường Khánh Ðại An dạy chúng: “… Sở dĩ, Ðại An này ở tại Quy Sơn ba mươi năm, ăn cơm Quy Sơn, đại tiện Quy Sơn mà không học thiền Quy Sơn, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người liền dánh đập điều phục nó… Bây giờ nó đã trở thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi…”.
Mã Tổ hỏi sư Thạch Củng Huệ Tạng: “Làm việc gì?” Sư thưa: “Chăn trâu.” Tổ hỏi: “Làm sao chăn?” Sư đáp: “Một khi vào cỏ thì nắm mũi kéo lại.” Tổ nghe bảo: “Con thật là khéo chăn trâu.”