thập lục huyền môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(十六玄門) Chỉ cho 16 phương pháp do tông Chân ngôn sử dụng để giải thích ý nghĩa các chữ trong những chân ngôn tiếng Phạm. Đó là: 1. Già tình: Ngăn mê tình của phàm phu, biết rõ pháp tính là vô tướng, không vướng một pháp, không dính một tướng, không chấp không trước, tu hành Phật đạo.2. Biểu đức: Đối với tất cả các pháp, bất luận tà, chính đều biết rõ lí vốn chẳng sinh, đối với cảnh giới sở kiến, biểu hiển công đức chân ngôn. 3. Thiển lược: Ý nghĩa nông cạn, nội dung giản lược. 4. Thâm bí: Ngoài lời nói còn bao hàm ý nghĩa sâu kín, căn cơ không thích hợp thì không được truyền trao. 5. Tự tướng: Bản thân văn tự không có ý nghĩa, giữa văn tự và ý nghĩa nó biểu hiển có khác nhau. 6. Tự nghĩa: Không lìa văn tự mà quán ý nghĩa của mỗi chữ đều bất khả đắc. 7. Nhất tự nhiếp đa: Trong một chữ hàm chứa vô lượng ý nghĩa của nhiều chữ. 8. Đa tự nhiếp nhất: Nghĩa của nhiều chữ được thu nhiếp vào một chữ. 9. Nhất tự thích đa: Dùng một chữ giải thích nhiều chữ. 10. Đa tự thích nhất: Dùng nhiều chữ giải thích ý nghĩa một chữ. 11. Nhất tự thành đa: Dùng một chữ thành lập tất cả nghĩa các chữ. 12. Đa tự thành nhất: Kết hợp nhiều chữ thành một chữ. 13. Nhất tự phá đa: Dùng một chữ phá trừ nghi hoặc của nhiều chữ. 14. Đa tự phá nhất: Tức hợp nhiều chữ lại để phá trừ nghi hoặc của một chữ. 15. Thuận quán toàn chuyển(gọi tắt: Thuận toàn chuyển): Khi quán nghĩa chữ của chữ Phạm thì bắt đầu quán từ chữ A đầu tiên, cứ thế theo thứ tự quán đến chữ Hạ cuối cùng. 16. Nghịch quán toàn chuyển(gọi tắt: Nghịch toàn chuyển): Trái với Thuận quán toàn chuyển, theo thứ tự nghịch quán tự môn, nghĩa là quán từ chữ Hạ cuối cùng ngược lên đến chữ A đầu tiên. [X. Tam chủng tất địa phá địa ngục chuyển nghiệp chướng xuất tam giới bí mật đà la ni pháp; Đại nhật kinh sớ Q.7; Pháp hoa kinh khai đề (Không hải)].