THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 34

PHÁP PHÒNG XÁ NGỌA CỤ THỨ BẢY

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các Tỳ kheo khinh mạn nhau, không cung kính nhau, Phật biết rõ việc này nên nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo : “Ý các thầy thế nào, Tỳ kheo nào nên làm Thượng tòa ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước ?”, có Tỳ kheo bạch Phật: “Thế tôn, nếu Tỳ kheo thuộc dòng Sát-đế-lỵ tín tâm xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y thì Tỳ kheo này nên ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước”. Lại có Tỳ kheo bạch Phật: “Thế tôn, nếu Tỳ kheo thuộc dòng Bà-la-môn tín tâm xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y thì Tỳ kheo này nên ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước”. Lại có Tỳ kheo bạch Phật: “Thế tôn, nếu Tỳ kheo thuộc dòng Tỳ xá tín tâm xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y thì Tỳ kheo này nên ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước”. Lại có Tỳ kheo bạch Phật: “Thế tôn, nếu Tỳ kheo chứng quả A-la-hán, được lậu tận, việc làm đã xong, xả bỏ gánh nặng, diệt hết các Hữu kiết sử, đầy đủ chánh trí, tâm được giải thoát thì Tỳ kheo này nên ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước”. Lại có Tỳ kheo bạch Phật: “Thế tôn, nếu Tỳ kheo chứng quả A-na-hàm đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, không sanh trở lại cõi này thì Tỳ kheo này nên ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước”. Lại có Tỳ kheo bạch Phật: “Thế tôn, nếu Tỳ kheo chứng quả Tư-đà-hàm đã đoạn trừ ba kiết sử, làm nhẹ bớt ba độc, chỉ sanh lại cõi này một lần nữa sẽ dứt hết mé khổ thì Tỳ kheo này nên ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước”. Lại có Tỳ kheo bạch Phật: “Nếu Tỳ kheo chứng quả Tu-đà-hoàn đã đoạn trừ ba kiết sử, không đọa trong đường ác, được trí Tuệ thanh tịnh, qua lại cõi trời người bảy lần sanh tử nữa sẽ dứt hết mé khổ thì Tỳ kheo này nên ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước”. Các Tỳ kheo trên đều đáp không hợp ý Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Các thầy hãy lắng nghe, Tỳ kheo nào nên ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước”, Phật liền nói nhân duyên bổn sanh cho các Tỳ kheo nghe:

Quá khứ, ở gần dưới tuyết sơn có ba loài cầm thú ở chung, đó là loài chim, loài khỉ và loài voi; ba loài thú này tuy sống chung nhưng khinh mạn nhau và không kính nhường nhau. Lúc đó chúng suy nghĩ: “Tại sao chúng ta không kính nhường nhau, nếu ai sanh trước thì vị ấy sẽ giáo hóa chúng ta và chúng ta sẽ cúng dường tôn trong vị ấy”, nghĩ rồi con chim hỏi khỉ và voi rằng: “Anh nhớ việc gì trong quá khứ ?”, ở chỗ này có một cây Tất-bạt cao lớn, voi chỉ cây này nói rằng: “Tôi nhớ lúc nhỏ khi tôi đến đây, cây này chỉ ở dưới bụng của tôi’, voi và chim hỏi khỉ: “Anh nhớ việc gì trong quá khứ ?”, khỉ nói: “Tôi nhớ lúc nhỏ đến đây ngồi dưới đất nắm đọt cây đè xuống chạm đất”, voi liền nói với khỉ: “Nếu như vậy thì anh lớn tuổi hơn tôi, tôi sẽ cung kính tôn trọng anh, anh phải giảng pháp cho tôi nghe”, khỉ và voi hỏi chim: “Anh nhớ việc gì trong quá khứ?”, chim đáp: “Tôi nhớ lúc nhỏ đến ăn hạt của cây Tất-bạt cao lớn ở chỗ kia rồi đại tiện ra, hạt này sau đó nẩy mầm và dần dần cao lớn như thế”, khỉ liền nói với chim: “Nếu như vậy thì anh lớn tuổi hơn tôi, tôi sẽ cung kính tôn trọng anh, anh phải giảng pháp cho tôi nghe”. Lúc đó voi cung kính khỉ và theo khỉ nghe pháp, sau đó nói pháp lại cho các con khỉ khác nghe. Khỉ lại cung kính chim và theo chim nghe pháp, sau đó nói pháp lại cho các chim khác nghe. Ba loại cầm thú này trước kia thích sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ nhưng sau khi nghe pháp xong, chúng suy nghĩ: “Tại sao chúng ta không bỏ nghiệp ác sát sanh…”, nghĩ rồi liền bỏ nghiệp ác không làm nữa. Trong loài cầm thú không có uống rượu nên chúng chỉ hành bốn pháp này, mang chung được sanh lên cõi trời.

Phật bảo các Tỳ kheo: “Thuở đó do chim nói pháp rộng khắp cõi trời người nên họ suy nghĩ: Loài súc sanh còn biết làm việc lành, không xâm phạm lúa của người, chúng còn biết tôn trong nhau, huống chi chúng ta”, nghi rồi họ liền tôn trọng nhau và tu theo pháp mà chim đã nói, thọ trì năm giới, mạng chung được sanh lên cõi trời. Chim thuở xưa, nay chính là ta; khỉ thuở xưa, nay chính là Xá-lợi-phất; voi thuở xưa, nay chính là Đại Mục-kiền-liên. Loài cầm thú vô tri còn biết cung kính nhau, hành pháp tôn trọng nhau để được lợi mình lợi người, huống chi chúng ta tín tâm xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y càng phải tôn kính lẫn nhau. Có ba hạng người:

Một là tất cả người chưa thọ Đại giới đều không bằng người đã thọ đại giới.

Hai là tất cả các Hạ tòa đều không bằng bậc Thượng tòa .

Ba là tất cả người thọ sự thuyết giảng phi pháp dù làm bậc Thượng tòa cũng không bằng bậc Hạ tòa, người thọ sự thuyết giảng như pháp.

Tất cả người thọ Đại giới phải hơn người không thọ đại giới, tất cả bậc Thượng tòa phải hơn bậc Hạ tòa, Phật phải hơn Thánh chúng”.

Phật liền nói kệ:

“Nếu người không kính Phật,
Và đệ tử của Phật,
Hiện đời bị quở trách,
Đời sau đọa ác đao.
Nếu người biết kính Phật,
Và đệ tử của Phật,
Hiện đời được khen ngợi,
Đời sau sanh cõi trời”.

Phật nói nhân duyên bổn sanh khen ngợi pháp cung kính rồi bảo các Tỳ kheo : “Từ nay người thọ Đại giới trước dù chỉ trong chốc lát cũng được ngồi trên, thọ thức ăn cúng dường trước”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có cư sĩ thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời, cư sĩ biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”, Phật cùng Thánh chúng đi đến nhà cư sĩ. Do Bạt-nan-đà thường ra vào nhà người khác nên sáng hôm đó đắp y mang bát đi đến nhà người khác, lúc đó tăng ở nhà cư sĩ theo thứ lớp ngồi đến chỗ của Bạt-nan-đà, Tỳ kheo Hạ tòa thấy Bạt-nanđà không đến liền hỏi đệ tử của Bạt-nan-đà là Đạt-ma: “Bổn sư của thầy có đến hay không?”, Đạt-ma đáp: “Hòa thượng của tôi nhiều việc nhiều duyên thích ra vào nhà người khác, sáng hôm nay đã đắp y mang bát đến nhà người khác rồi, không biết có đây đây hay không nữa”, Tỳ kheo Hạ tòa này nghe rồi liền ngồi vào chỗ của Bạt-nan-đà. Thấy Phật và Tăng đã ngồi xong, cư sĩ tự tay dâng thức ăn lên cúng dường, lúc đang dâng cúng thì Bạt-nan-đà đến, theo thứ lớp đến chỗ của mình muốn ngồi, Tỳ kheo Hạ tòa này phải đứng lên và lùi xuống trả chỗ lại cho Bạt-nan-đà, khiến cho các Hạ tòa ngồi ở dưới đều phải đứng lên và lùi xuống, Tăng trở nên tán loạn. Cư sĩ thấy rồi liền quở trách Bạt-nanđà: “Thức ăn rất nhiều sẽ cúng dường đồng đều cho tất cả, cần gì phải ngồi theo thứ lớp. Nếu thầy thích ngồi theo thứ lớp thì sao không đến sớm một chút. Hôm nay tôi không biết ai đã được, ai chưa được, ai được nhiều, ai được ít”, lúc đó Phật nghe cư sĩ quở trách và thấy tăng tán loạn như vậy nên im lặng. Sau khi thọ thực xong trở về, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi quở trách Bạt-nan-đà: “Tại sao gọi là Tỳ kheo đang khi thọ thực lại cậy mình là Thượng tòa khiến cho các Hạ tòa phải đứng dậy như thế”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay Tỳ kheo đang thọ thực, nếu thức ăn đã dọn đưa xong thì không nên khiến cho các Hạ tòa phải đứng dậy, nếu khiến cho Hạ tòa phải đứng dậy thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo vì tâm cung kính Hòa thượng, A-xà-lê mà đứng dậy thì cũng không được khiến cho Hạ tòa thứ hai phải đứng dậy, nếu khiến cho Hạ tòa thứ hai phải đứng dậy thì phạm Đột-kiếtla. Từ nay cho Tỳ kheo trong khoảng ba tuổi hạ được ngồi chung một giường, cho ba-Tỳ kheo ngồi chung trên giường lớn, cho hai Tỳ kheo ngồi chung trên giường nhỏ hơn, còn giường độc tọa thì chỉ được một người ngồi”.

Phật tại nước Ba-la-nại, lúc đó có năm Tỳ kheo đến bạch Phật: “Thế tôn, chúng con nay nên ở đâu ?”, Phật nói: “Các thầy nên ở dưới gốc cây trong Trúc lâm trên sườn núi”, các Tỳ kheo này ở dưới gốc cây trong Trúc lâm trên sườn núi ngủ đêm, sáng sớm liền đi đến chỗ Hòa thượng, A-xà-lê để thọ đọc tụng kinh và hỏi điều nghi. Lúc đó cư sĩ Bạt đề ra khỏi thành Vương xá muốn đến trong Trúc lâm yết kiến Phật thì thấy các Tỳ kheo này đi đến, liền hỏi là từ đâu đến, đáp: “Từ ở dưới gốc cây trong Trúc lâm trên sườn núi đến”, cư sĩ hỏi vì sao lại ở đó, liền đáp là vì không có trú xứ khác, cư sĩ nói: “Tôi sẽ xây phòng xá cho các thầy ở”, các Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chúng tôi ở trong phòng xá”, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho các Tỳ kheo được ở trong phòng xá”. Cư sĩ liền xây phòng xá cho các Tỳ kheo ở, cao rông đẹp đẽ, họa vẽ đủ màu sắc nhưng không có ngọa cụ và vật phủ chỗ nằm. Các Tỳ kheo bạch Phật, Phật nói: “Cho trải cỏ, lá cây làm ngọa cụ để nằm, cho làm y khác để đắp và vật phủ chỗ nằm”. Ở nước đó trời nóng, cỏ lá dễ sanh trùng nên Phật cho làm đệm cỏ và chiếu tre, vẫn sanh trùng nên Phật lại cho nằm giường chõng. Các Tỳ kheo lấy cây đóng thành giường chõng nên thân khổ não, Phật lại cho làm nệm. Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, nên dùng vật gì làm nệm”, Phật nói: “Nên dùng bã mía, dây bầu bí, lông thú, cỏ Sô-ma, cỏ Kiếp-bối, cỏ Văn xa… để dồn làm nệm. Lúc đó các Tỳ kheo nằm không có gối, Phật lại cho làm gối bằng cỏ, đầu của các Tỳ kheo bị gối cỏ đâm đau, Phật lại cho dồn bằng lông thú. Lúc đó phòng xá không có cửa nên chó, bò, ngựa, nai, khỉ vào trong nhà, Phật lại cho làm cửa, cửa không có then cài nên bị giặc cướp vào lấy trộm y bát của các Tỳ kheo, Phật lại cho lấy dây cột cửa, các Tỳ kheo không biết cách cột, Phật bảo hạ cửa xuống đục một lỗ rồi xỏ dây qua để cột cửa, cột cửa rồi lại không mở ra được, Phật bảo nên làm móc để mở cửa. Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật nên dùng vật gì làm móc, Phật bảo nên dùng sắt, đồng hoặc cây gỗ. Các Tỳ kheo làm xong lại không mở ra được, Phật lại bảo đục bên trong cửa một lỗ để móc cửa lại, các Tỳ kheo làm xong khi đóng cửa không có chỗ tay cầm, Phật lại bảo nên làm quai nắm trên cánh cửa để cầm nắm. Trưởng lão Ưu-ba-ly lại hỏi nên dùng vật gì làm quai nắm, Phật bảo nên dùng sắt, đồng, cây gỗ, cây Sô-ma, kiếp-bối… để làm. Lúc đó phòng xá không có lỗ thông ánh sáng nên tối, Phật bảo nên làm lỗ thông ánh sáng, sau khi làm lỗ thông ánh sáng thì chim nhạn, anh vũ, xá lợi… bay vào kêu hót, làm xúc não các Tỳ kheo tọa thiền hoặc đọc kinh trong phòng. Các Tỳ kheo bạch Phật, Phật bảo nên làm chấn song, làm chấn song rồi chim vẫn bay vào được, Phật lại bảo nên làm lưới ngăn. Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật nên dùng vật gì làm lưới, Phật bảo nên lấy cỏ Sô-ma, kiếp-bối… đan làm lưới. Lưới bị mục, Phật lại bảo nên làm tấm sáo phủ, phủ che rồi trong phọng lại tối, Phật lại bảo nên làm một lỗ hỗng như mắt chim, làm rồi vẫn tối, Phật lại bảo nên làm nhiều lỗ. Lúc đó mùa nóng đã qua, mùa đông lại đến, lỗ thông ánh sáng không có cánh cửa nên hơi lạnh tràn vào, Phật lại bảo nên làm cánh cửa, làm cửa xong, gió vừa thổi dộng, cánh cửa liền mở, Phật lại bảo nên làm then cài trên dưới, làm rồi ở giữa vẫn hở, Phật lại bảo làm then cài ở giữa, làm xong cửa vẫn bị lay động, Phật lại bảo làm chốt cài then ở trên cao, làm xong không đóng được, Phật bảo dùng dây để kéo đóng lại, đóng rồi lại mở không được, Phật lại bảo đục lỗ xỏ hai sợi dây qua, một dây để kéo đóng lại, một dây để kéo mở ra.

Lúc đó các phòng xá không có trét bùn nên giữa các khe hở của gạch có trùng sanh như rắn rít bò ra cắn Tỳ kheo, Phật bảo nên trét bùn, trét xong tường thô nhám làm y bị vướng rách, Phật lại bảo dùng bùn mịn để tô trét. Phòng xá lâu ngày bị mưa dột, Phật bảo nên dùng cỏ che lợp, che lợp rôi vẫn bị dột, Phật lại bảo nên lợp dày, lợp rồi lại bị gió lật ngược lên, Phật lại bảo cột ở hai đầu. Nước mưa lại làm cho bùn ra ra rơi xuống, Phật lại bảo nên lợp ngói, gió thổi làm ngói rơi xuống bể, Phật lại bảo đục lỗ trên miếng ngói rồi cột vào cọc đinh, nước mưa lại theo lỗ đó chảy xuống, Phật lại bảo trám lỗ trên miếng ngói.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Trưởng giả Cấp-cô-độc ở nước Xá-vệ vì có chút duyên nên đến thành Vương xá, ngủ đêm ở nhà một cư sĩ. Do cư sĩ này thỉnh Phật và Tăng sáng ngày mai đến nhà thọ thực nên đêm đó thức dậy, đánh thức mọi người trong nhà, trừ trẻ con, hoặc chẻ củi hoặc lấy nước đổ vào trong nồi để nấu cơm, canh, thức ăn; cư sĩ còn tự mình trang hoàng nhà cửa, trải tọa cụ… các việc. Cấp-cô-độcthấy rồi liền suy nghĩ: “Cư sĩ này sắp cưới vợ hay thỉnh vua quan đến hay làm hội thí lớn”, nghĩ rồi liền hỏi cư sĩ, cư sĩ đáp: “Tôi không có cưới vợ, cũng không thỉnh vua quan, mà là sáng ngày mai thỉnh Phật và Tăng đến thọ thực làm hội thí lớn”, Cấp-cô-độcvừa nghe đến tên Phật liền hỏi Phật là ai, cư sĩ nói: “Có thái tử con vua dòng họ Thích, tín tâm xuất gia chứng được Vô thượng đạo, hiệu là Phật”, lại hỏi Tăng là ai, cư sĩ nói: “Có nhiều hạng người, đủ các dòng họ tín tâm xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, theo phật xuất gia đều gọi là Tăng”, lại hỏi: “Phật nay đang ở đâu ?”, đáp: “Phật đang ở gần Hàn lâm, nếu ông muốn gặp thì tùy ý”. Cấp-cô-độc dốc lòng muốn gặp Phật nên ra khỏi nhà men theo tướng sáng đến cổng lớn, cổng tự nhiên mở. Theo thường lệ thì đầu đêm nghe thổi còi thì khách vào, cuối đêm nghe thổi còi thì khách ra, cho nên Cấp-cô-độc thầy cửa mở liền cho là cuối đêm đã qua. Ra khỏi cổng không xa mới biết là trời chưa sáng, chung quanh tối tăm khiến Cấp-cô-độcrợn người nghĩ là có phi nhơn nhiễu loạn nên muốn quay trở về. Lúc đó vị Đại thế môn thần hiện ánh sáng chiếu soi đến tận Hàn lâm rồi bảo Cấp cô độc: “Ông hãy đi đi, chớ sợ. Đời trước ta là bạn của ông, là Bà-la-môn Mật kiên, do ta khi đến thành Vương xá gặp được hai tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên, được nghe thuyết pháp và được lợi hỉ nên ta đã thọ Tam quy và Ngũ giới. Do nhân duyên này mạng chung được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương làm thần giữ cửa ở đây. Ông hãy đi đi, sẽ được lợi ích lớn, đi thẳng về phía trước, chớ có nghi hối”. Thiên thần liền nói kệ:

“Dù người được trăm thốt ngựa,
Trăm đồ anh lạc trang nghiêm,
Và một trăm cỗ xe ngựa,
Không bằng tới trước một bước.
Dù trăm thớt voi núi Tuyết,
Với ngà lớn trang nghiêm thân,
Lại dùng vàng ròng trang sức,
Làm cho thân càng thêm đẹp,
Không bằng tới trước một bước.
Trăm mỹ nữ ở phương Bắc,
Với chuỗi anh lạc vòng vàng,
Dùng đồ trang nghiêm như thế,
Tuổi trẻ đẹp lại đoan trang,
Không bằng tới trước một bước.
Cho đến Chuyển luân thánh vương,
Có ngọc nữ báu bậc nhất,
So với ông thẳng tới trước,
Không bằng một phần mười sáu,
Ông thẳng tới trước một bước,
Chớ có nghi hối trở về”.

Ca-chiên-diên nghe rồi liền nghĩ Phật pháp Tăng một là vĩ đại mới khiến cho Thiên thần ân cần chỉ giáo, liền noi theo ánh sáng đi đến trong Hàn lâm. Lúc đó trời đã sáng, Phật đang kinh hành ở ngoài đất trống chờ trưởng giả đến, trưởng giả Cấp-cô-độc theo pháp bạch y hỏi Phật ngủ có ngon không, Phật liền nói kệ:

“Ta đã trừ Dục lậu,
Giải thoát lìa thế gian,
Đã đoạn tất cả Lậu,
Tâm diệt các Nhiệt não,
Đạt đến chỗ Tịch diệt,
Ta ngủ thường an ổn”.

 

Nói kệ xong Phật liền ngồi xuống chỗ kinh hành, Cấp-cô-độcđảnh lễ Phật rồi ngồi một bên nghe Phật thuyết pháp. Pháp đầu tiên là Phật nói về bố thí trì giới là quả báo sanh Thiên, kế phân biệt cấu tịnh giữa lỗi của năm dục là khổ não của thế gian và xuất gia là an lạc. Lúc đó Phật biết tâm người này đã thuần thục điều nhu, có thể thọ được pháp tối thượng liền nói bốn đế: Khổ tập diệt đạo. Như miếng vải trắng sạch dẽ nhuộm màu sắc, người này cũng vậy, vừa nghe pháp tâm liền khai ngộ, ngay nơi chỗ ngồi được pháp nhãn thanh tịnh vô cấu. Sau khi thấy pháp, biết pháp, được tịnh pháp, vượt khỏi nghi hối, bất tín, không từ nơi người khác mà ở trong đạo quả được vô sở úy. Trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ bạch Phật: “Thế tôn, tâm con mến mộ Phật pháp, con nguyện trọn đời làm Ưu-bà-tắc, xin Phật và Tăng thọ con thỉnh đến nước Xá-vệ hạ an cư”. Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi trưởng giả tên gì, đáp: “Con tên Tu-đạt, do hay cung cấp cho những người cô độc nên người trong nước gọi con là Cấp cô độc”, Phật lại hỏi: “Ở nước Xávệ có Tăng phường không?”, đáp là chưa có, Phật nói: “Nếu ở đó không có Tăng phường thì các Tỳ kheo không thể đến đó được, dù chỉ trong chốc lát”, Cấp-cô-độc bạch Phật: “Thế tôn, xin Phật thọ con thỉnh, con sẽ lo xây Tăng phường để các Tỳ kheo có thể đến đó ở. Xin Thế tôn cử tôn giả Xá-lợi-phất làm Tăng phường sư giúp con trông coi việc xây cất Tăng phường”, Phật liền bảo Xá-lợi-phất làm Tăng phường sư giúp Cấp-cô-độc trông coi việc xây cất Tăng phường. Cấp-cô-độc đến trong Trúc lâm xem giảng đường, nhà ấm, nhà ăn, nhà bếp, nhà thiền, nhà vệ sinh… các nơi rồi ghi nhớ kỹ. Sau khi làm xong việc ở thành Vương xá, ông liền trở về nước Xá-vệ, trên đường ông đều nói cho những người thân quen biết việc mà ông sắp làm. Về đến nơi, ông lại không vào thành cũng không về nhà mà đi khắp nơi quanh thành để tìm nơi chốn thích hợp, có thể xây cất tinh xá. Vừa đi ông vừa nghĩ: “Ở đâu có vườn đẹp, qua lại thuận tiện, cây côi sum suê, có nước chảy trong sạch, không có các loài trùng độc như rắn rít, muỗi mòng, cũng không có gió nóng, ngày đêm đều yên tĩnh. Ta sẽ ở nơi đó xây cất tinh xá cúng cho Phật và Tăng”, bỗng nhiên lúc đó ông nhìn thấy khu vườn của thái tử Kỳ đà có đầy đủ các điều kiện trên, thấy rồi ông liền trở vào thành, không về nhà mà đến chỗ Thái tử bạch rằng: “Tôi muốn mua vườn của Thái tử, xin hãy bán cho tôi”, Thái tử nói: “Tôi không muốn bán, cho dù ông có đem tiền vàng lót đầy trong vườn, tôi cũng không bán”, Cấp-cô-độc nói: “Giá vườn đã quyết đoán rồi”, Thái tử nói: “Tôi không có quyết đoán”. Do nhân duyên này cả hai cùng tranh cải và cùng đến chỗ quan đoán sự để xử đoán, Cấp-cô-độc kể lại đầy đủ việc trên, quan đoán sự nghe rồi liền nói: “Thái tử đã bán rồi, hãy nên đúng thời nhận vàng, vì sao Thái tử lại nói là dù ông có đem tiền vàng lót đầy trong vườn tôi cũng không bán”. Cấp-cô-độc liền trở về nhà cho xe voi xe ngựa chở tiền vàng đến trong vườn của Thái tử để lót, nhưng còn thiếu một ít chưa lót đầy vườn, ông đang suy nghĩ không biết nên lấy thêm vàng trong kho nào để lót đầy chỗ này mà không thiếu không dư. Thái tử thấy vậy liên nói: “Nếu ông hối tiếc thì tùy ý, ông mang vàng về, trả vườn lại cho tôi”, Cấp-cô-độc nói: “Tôi không hối tiếc, chỉ là tôi đang suy nghĩ nên lấy thêm vàng trong kho nào để lót cho đầy chỗ này mà không thiếu không dư”, Thái tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Phật pháp Tăng chắc là vĩ đại nên khiến ông ta xả vật báu mà không hối tiếc như thế”, nghĩ rồi liền nói với Cấp cô độc: “Ông khỏi phải lót thêm tiền vàng nữa, chỗ đất trống đó hãy để cho tôi xây cửa cổng cúng cho Phật và Tăng”, Cấp-cô-độc bằng lòng nên tinh xá sau khi xây xong, vườn là của trưởng giả Cấp-cô-độc còn cửa cổng là của Thái tử Kỳ đà; Tôn giả Xá-lợi-phất trông coi việc xây cất tinh xá, có tất cả mười sáu dãy lầu với sáu mươi phòng xá. Lúc đó Phật biết ở nước Xá-vệ, tinh xá đã xây cất xong, liền nhóm Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo rằng: “Như lai muốn du hành đến nước Xá-vệ, các thầy hãy cùng đi”, nói rồi Phật cùng đại chúng gồm năm trăm Tỳ kheo đi đến nước Xá-vệ. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo biết chỗ Phật và Tăng sẽ đến, liền bảo các đệ tử rằng: “Các thầy hãy đến chỗ đó trước, dành một phòng tốt cho Phật, còn các phòng tốt khác thì chiếm hết cho ta”, các đệ tử vâng lời làm theo. Vì thế nên khi Phật và Tăng đến nơi, trừ phòng của Phật, các vị Thượng tòa như Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên… theo thứ lớp nhận phòng thì phòng đã có Tỳ kheo nhận trước rồi, như thế đến phòng thứ hai, thứ ba cũng đều đã có người nhận trước rồi, các Thượng tòa đành phải nhận phòng bên ngoài (phòng bậc trung, không tốt lắm cũng không xấu lắm) để ở. Lúc đó Phật hỏi A-nan: “Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên hiện ở phòng nào ?”, đáp là ở phòng bên ngoài, Phật bảo A-nan gọi đến để hỏi nguyên do. Sau khi biết rõ nguyên do, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay cho từ bậc Thượng tòa theo thứ lớp nhận phòng để ở”.

Lúc đó Lục quần Tỳ kheo đuổi Tỳ kheo bịnh ra khỏi phòng, Tỳ kheo bịnh và Tỳ kheo khán bịnh cầm bô đại tiểu tiện, khac nhổ và chiếu cỏ của người bịnh đi trải qua các phòng khác nên bịnh càng nặng thêm. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được dựa theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa mà đuổi Tỳ kheo bịnh ra khỏi phòng, nếu đuổi thì phạm Đột-kiết-la”. Lục quần Tỳ kheo nghe Phật chế điều này nên khi có khách Tỳ kheo đến liền giả bịnh, không cho khách Tỳ kheo vào phòng, Tỳ kheo khách hỏi: “Thầy mắc bịnh gì?”, đáp: “Tôi bị nhọt ở trong miệng và giữa các ngón chân rất đau đớn”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Nếu người này giả bịnh thì nên theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa mà đuổi ra khỏi phòng”. Lúc đó các Tỳ kheo bịnh nghe Phật chế không được đuổi người bịnh ra khỏi phòng, liền vào ở trong các phòng thượng hạng, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Tuy là người có bịnh thật cũng không được ở trong phòng tốt thượng hạng, nên cho ở phòng bậc trung, tức là phòng mà người bịnh và người khán bịnh cùng ngọa cụ có thể nằm ngồi trong đó”.

Phật đến nước Xá-vệ hạ an cư, trước khi an cư các Tỳ kheo phải quét dọn và tu bổ các nơi, sắp xếp lại giường chõng, đập giũ mền nệm gối… các việc. Lục quần Tỳ kheo tánh lười biếng không thích làm việc nên chỉ đứng từ xa, nghĩ rằng: “Đợi họ làm xong, đến lúc nhận phòng xá ngọa cụ sẽ dựa vào thứ lớp từ bậc Thượng tòa mà nhận phòng xá ngọa cụ”, nghĩ rồi liền đợi đến lúc nhận phòng liền hỏi các Tỳ kheo này: “Các thầy bao nhiêu tuổi hạ ?”, đáp xong liền nói: “Nếu vậy các thầy hãy ra khỏi đây vì chúng tôi là bậc Thượng tòa”, các Tỳ kheo này hỏi: “Các thầy có cùng đến với chúng tôi không ?”, đáp là có, các Tỳ kheo này nói: “Nếu có cùng đến mà không cùng làm các việc, thì chúng tôi không rời khỏi đây”, Lục quần Tỳ kheo nói: “Phật không có nói là nếu không cùng làm các việc thì không được theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa nhận phòng. Chúng tôi là bậc Thượng tòa thì theo thứ lớp nên nhận phòng này, tại sao các thầy không rời khỏi đây”, nói rồi liền dùng sức mạnh kéo lôi các Tỳ kheo này ra khỏi phòng. Các Tỳ kheo này trên thân bị thương, y bị rách, bát bị bể đến bạch Phật, Phật nói: “Từ nay nên cử người trông coi việc phân chia phòng xá ngọa cụ”.

Pháp cử người trông coi việc phân chia phòng xá ngọa cụ như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng nên hỏi: “Ai có thể vì Tăng làm người trông coi việc phân chia phòng xá ngọa cụ?”, nếu có người đáp là tôi có thể thì Tăng nên xét kỹ nếu người này có đủ có năm pháp: Tùy ái, tùy sân, tùy sợ, tùy si, không biết nên chia hay không nên chia; thì không nên cử người này. Ngược lại nếu thành tựu có năm pháp: Không tùy ái, không tùy sân, không tùy sợ, không tùy si, biết nên chia hay không nên chia; thì nên cử người này. Một Tỳ kheo trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo này tên ……… có thể vì Tăng làm người trông coi việc phân chia phòng xá ngọa cụ. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cử Tỳ kheo ……… làm người trông coi việc phân chia phòng xá ngọa cụ. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã sai Tỳ kheo ………làm người trông coi việc phân chia phòng xá ngọa cụ xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Người trông coi việc phân chia phòng xá ngọa cụ này nên hỏi các cựu Tỳ kheo thiện hảo chơn thật để phân biệt phòng xá ngọa cụ và các món cùng dường ở trong các phòng như thế nào, sau khi đếm biết được số lượng phòng xá ngọa cụ và số lượng Tỳ kheo rồi, nếu mỗi Tỳ kheo được một phòng thì nên chia cho một phòng. Nên theo thứ lớp từ Thượng tòa trước, nói rằng: “Đại-đức, phòng này có các món cúng dường như vậy như vậy, phòng thứ hai có các món cúng dường như vậy như vậy, Đại-đức tùy ý chọn lấy một phòng ”, Thượng tòa thứ 1 tùy ý nhận phòng rồi, kế nói với Thượng tòa thứ hai, thứ ba cũng giống như trên, nếu Thượng tòa thứ nhất nói rằng: “Tôi muốn nhận phòng của Thượng tòa thứ ba ”, Phật bảo không nên cho, vị Thượng tòa thứ nh này nên sám tội Đột-kiết-la, như thế theo thứ lớp tất cả nhận phòng rồi mới phân chia ngọa cụ, cũng theo thứ lớp giống như trên.

Lúc đó Bạt-nan-đà Thích tử ở trong Kỳ hoàn nhận phần ngọa cụ rồi, lại đến chỗ khác nhận thêm phần ngọa cụ nữa. Các Tỳ kheo nói: “Thầy đã nhận phần ở nơi này, tại sao lại đến chỗ khác nhận thêm phần nữa”, Bạt-nan-đà nói: “Tôi không có nhận nữa”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Tỳ kheo nhận thêm phần ở chỗ khác thì phần ở chỗ này được xem là bỏ, nếu nói không có nhận nữa thì được xem là bỏ phần ở nơi đó”. Như trong kinh Bổn sanh nói về người vợ của Bà-la-môn chăn cừu:

Thuở xưa có vợ của Bà-la-môn chăn cừu bảo tên giặc cướp giết chết chồng mình rồi lấy hết tài vật bỏ đi cùng tên giặc cướp. Khi đi đến một dòng nước chảy xiết, tên giặc cướp nói với người vợ này rằng: “Nàng hãy đứng bên bờ này đợi tôi, tôi mang tài vật qua bờ kia trước, sẽ quay trở lại đưa nàng qua”, nói rồi mang hết tài vật lội qua bờ kia. Người vợ nay vội gọi tên giặc cướp: “Hãy đưa tôi qua”, tên giặc cướp nói vọng qua: “Nàng là người tệ ác, chồng nàng còn không yêu huống chi là yêu ta”, nói rồi liền bỏ đi. Người vợ này chỉ còn biết đứng trơ ra nhìn bóng mình dưới nước.

Bạt-nan-đà cũng vậy, nhận ngọa cụ ở chỗ này, đến chỗ khác nhận nữa thì phần ở chỗ này bị mất, lại nói là không có nhận nữa thì phần ở chỗ đó cũng mất.

Lại nữa, xưa có một con dã can miệng ngậm miếng thịt đứng ở bờ sông, nó bỗng thấy có con cá ngữa bụng bơi trong nước, nó liền nhả miếng thịt chạy đến đớp con cá. Ngay lúc đó có một con chim bay đến ngậm miếng thịt mang đi.

Bạt-nan-đà cũng vậy, mất phần chỗ này, phần ở chỗ khác cũng mất luôn”. Phật quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay Tỳ kheo nào đã nhận một phần ngọa cụ rồi thì không được nhận thêm phần nữa, nếu nhận thêm thì phạm Đột-kiết-la”. Phật tại nước Kiều-tát-la cùng chúng đại Tỳ kheo an cư một chỗ, lúc đó ở Kỳ hoàn các Tỳ kheo an cư thì ít mà ngọa cụ lại nhiều, các Tỳ kheo được chia một phần rồi mà ngọa cụ vẫn còn dư nhiều. Cư sĩ xây cất Tăng phòng đến hỏi: “Phòng xá ngọa cụ mà tôi đã làm xong, có Tỳ kheo đến nhận ở không?, đáp là không có, cư sĩ hỏi vì sao, các Tỳ kheo đáp: “Vì các Tỳ kheo ở đây an cư thì ít mà ngọa cụ lại nhiều, Phật chỉ cho chúng tôi nhận một phần ngọa cụ nên vẫn còn dư”, cư sĩ nói: “Những vật dụng mà tôi cúng dường trong các phòng xá như phu cụ, mền gối, bữa ăn sáng, bữa ăn trưa, Tỳ kheo nhận ở thọ dụng rất tốt”. Các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu như thế thì các thầy nên chia trước một phần, nếu còn dư thì nên chia thêm một phần nữa để cho hết, nếu vẫn không hết thì nên chia thêm một phần nữa để cho hết, vì để giữ gìn và tu bổ, không để cho hư hoại”.

Lúc đó ở nước Kiều-tát-la gặp loạn, vì sợ hãi nên rất đông Tỳ kheo tập trung lại một chỗ kiết hạ an cư, kiết hạ vừa xong thì có nhiều khách Tỳ kheo đắp y mang bát đến, hoặc đứng ở chỗ rửa chân, hoặc đứng ở trong giảng đường, hoặc đứng ở chỗ kinh hành để đợi phân chia ngọa cụ. Phật nhìn thấy rồi, tuy biết mà vẫn hỏi A-nan nguyên do, ANan đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho các Tỳ kheo được hai loại an cư là tiền an cư và hậu an cư. Nên để dành phòng xá ngọa cụ chia cho các Tỳ kheo hậu an cư”. Các Tỳ kheo hậu an cư này nghe Phật chế rồi liền muốn theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa để nhận phòng xá ngọa cụ của các Tỳ kheo tiền an cư. Do nhân duyên này phát sanh tranh cải, Phật nói: “Các vị Thượng tòa hậu an cư không được giành lấy phòng xá ngọa của của các Thượng tòa tiền an cư. Nếu các Thượng tòa tiền an cư được chia hai phần thì nên nhường lại một phần cho các Thượng tòa hậu an cư”.

Lúc đó ở nước Kiều-tát-la gặp loạn, vì sợ hãi nên rất đông Tỳ kheo tập trung lại một chỗ kiết hạ an cư, kiết hạ vừa xong thì có nhiều khách Tỳ kheo đắp y mang bát đến, hoặc đứng ở chỗ rửa chân, hoặc đứng ở trong giảng đường, hoặc đứng ở chỗ kinh hành để đợi phân chia ngọa cụ. Phật nhìn thấy rồi, tuy biết mà vẫn hỏi A-nan nguyên do, ANan đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “Nếu ngọa cụ còn dư chưa chia thì nên đem chia cho họ, nếu ngọa cụ đã chia hết rồi thì nên cho họ ở chung”.

Lúc đó ở nước Kiều-tát-la gặp loạn, vì sợ hãi nên rất đông Tỳ kheo tập trung lại một chỗ kiết hạ an cư, kiết hạ vừa xong thì có nhiều khách Tỳ kheo đắp y mang bát đến, hoặc đứng ở chỗ rửa chân, hoặc đứng ở trong giảng đường, hoặc đứng ở chỗ kinh hành để đợi phân chia ngọa cụ. Phật nhìn thấy rồi, tuy biết mà vẫn hỏi A-nan nguyên do, ANan đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “Nếu còn phòng trống thì nên chia cho họ, nếu không còn thì nên cho họ ở chung, nên cho hò phòng suởi ấm để họ cất y bát, nên cho họ theo Tăng thọ thực. Nếu trong Tăng có cựu Tỳ kheo thiện hảo thích phước đức thì nên xin y vật cho khách Tỳ kheo, chớ để họ vì thiếu thốn, không được gì mà bỏ đi”.

Lúc đó có Tỳ kheo A-lan-nhã theo cựu Tỳ kheo xin phòng để cất y bát, cựu Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chúng tôi chia phòng cho Tỳ kheo A-lan-nhã để cất y bát”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay cho Tỳ kheo A-lan-nhã được thọ nhận phòng để cất y bát”. Lúc đó bỗng có khách Tỳ kheo đến vì không có chỗ ở nên mệt nhọc khổ não, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Nên tạm cho phòng xá và ngọa cụ”.Lúc đó có khách Tỳ kheo đến xin ngủ lại đêm, sáng sớm hôm sau liền bỏ đi, những vật dụng cúng dường ở trong phòng, cựu Tỳ kheo không biết làm thế nào nên bạch Phật, Phật nói: “Tỳ kheo khách dù có ngủ đêm lại trong phòng đó, nhưng cựu Tỳ kheo ở trong phòng đó vẫn được thọ dụng”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo bỏ học Tỳ-ni, chỉ học Tuđa-la và A-tỳ-đàm mà xa lìa-ty ni. Phật thấy việc này rồi liền khen ngợi các Tỳ kheo thông suốt Tỳ-ni và hiện tiền khen ngợi Trưởng lão Ưu-baly là người trì luật bậc nhất trong các vị thọ trì Tỳ-ni. Các Tỳ kheo này nghe rồi liền suy nghĩ: “Phật khen ngợi các Tỳ kheo thông suốt Tỳ-ni và hiện tiền khen ngợi Trưởng lão Ưu-ba-ly là người trì luật bậc nhất trong các vị thọ trì Tỳ-ni, tại sao chúng ta lại không học Tỳ-ni”, nghĩ rồi các Tỳ kheo Thượng tòa theo Trưởng lão Ưu-ba-ly thọ học Tỳ-ni. Ưu-ba-ly không ngồi trên tòa cao để dạy họ vì cung kính các Tỳ kheo Thượng tòa; cũng không ngồi ở tòa thấp vì tôn trọng pháp. Trưởng lão Ưu-baly hoặc đi kinh hành hoặc đứng để dạy họ, vì đi đứng như vậy quá lâu nên bàn chân, gót chân, đầu gối đều đau và mõi; eo lưng và xương sườn xương sống cũng đều đau. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Trưởng lão Ưu-ba-ly: “Có phải các Thượng tòa theo thầy thọ học Tỳ-ni, thầy không ngồi trên tòa cao… cho đến xương sườn xương sống cũng đều đau, thầy thật như thế phải không?”, Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thật như thế thưa Thế tôn”, Phật đủ lời khen ngợi giới, khen ngợi người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho Tỳ kheo Hạ tòa muốn dạy pháp cho Tỳ kheo Thượng tòa được ngồi trên tòa cao dạy họ vì tôn trọng pháp; nếu Tỳ kheo Thượng tòa muốn thọ học giáo pháp từ Tỳ kheo Hạ tòa thì nên ngồi ở tòa thấp vì tôn trọng pháp. Từ nay cho Tỳ kheo Hạ tòa dạy pháp cho Tỳ kheo Thượng tòa được cùng ngồi chung giường làm Thượng tòa”.

Lúc đó Phật cùng chúng đại Tỳ kheo du hành đến nước Kiều-tátla, các Trưởng lão như Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, A-na-luật, Nanđe, Kim-tỳ-la đều đi theo Phật, lời nói của các Trưởng lão này đều là lời chơn thật, thiết tha có thể điều phục được người khác. Các Trưởng lão này đã từng làm các yết ma như yết ma Khổ-thiết, yết ma Y chỉ, yết ma

Hạ-ý, yết ma Khu-xuất cho các Tỳ kheo phạm tội. Ở nước Kiều-tát-la có một trú xứ có nhiều Tỳ kheo, các Tỳ kheo này nghe tin Phật và Tăng du hành sắp đến nước Kiều-tát-la, các Trưởng lão như Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, A-na-luật, Nan-đề, Kim-tỳ-la đều đi theo Phật, lời nói của các Trưởng lão này đều là lời chơn thật, thiết tha có thể điều phục được người khác. Các Trưởng lão này đã từng làm các yết ma như yết ma Khổ-thiết, yết ma Y chỉ, yết ma Hạ-ý, yết ma Khu-xuất cho các Tỳ kheo phạm tội. Các Tỳ kheo này liền suy nghĩ: “Các Trưởng lão ấy sắp đến đây, ắt sẽ làm các yết ma trị phạt cho chúng ta, tại sao chúng ta không làm yết ma trú xứ này giao cho một Tỳ kheo”, nghĩ rồi liền làm yết ma đem trú xứ giao cho một Tỳ kheo rồi đi. Khi Phật và Tăng đến, Tỳ kheo này trải tọa cụ và dọn phòng tốt cho Phật ở rồi tránh đi chỗ khác, nghĩ rằng: “Nếu ta ở đó, Phật ắt sẽ sai ta phân chia phòng xá ngọa cụ cho các Tỳ kheo khách”. Lúc đó Phật ở trong phòng còn các Tỳ kheo khách đều hoặc đứng ở chỗ rửa chân, hoặc đứng ở trong giảng đường, hoặc đứng ở chỗ kinh hành để đợi phân chia ngọa cụ. Phật nhìn thấy rồi, tuy biết mà vẫn hỏi A-nan nguyên do, A-Nan đem việc trên bạch Phật, Phật bảo A-nan: “Thầy hãy đến bảo cựu Tỳ kheo mở cửa phòng lấy ngọa cụ chia cho khách Tỳ kheo”, A-nan vâng lời Phật dạy đến nói với cựu Tỳ kheo, cựu Tỳ kheo nói: “Thầy biết không, trú xứ này không phải là Tăng phường, các cựu Tỳ kheo đã làm yết ma đem trú xứ này giao cho một Tỳ kheo rồi”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi quở trách cựu Tỳ kheo: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại làm yết ma đem Tăng phường giao cho một Tỳ kheo ”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không cho làm yết ma đem Tăng phường giao cho một Tỳ kheo, nếu làm thì phạm Độtkiết-la, Tăng phường dù có yết ma cho cũng không thành cho”.

Phật cùng chúng đại Tỳ kheo du hành đến các nước, lúc đến nơi đó vì không có Tăng phường nên phải vào trong rừng nghỉ qua đêm. Lục quần Tỳ kheo liền bảo các đệ tử rằng: “Các thầy hãy đến chỗ đó trước, dành một gốc cây tốt cho Phật, còn các gốc cây tốt khác thì chiếm hết cho ta”, các đệ tử vâng lời làm theo. Vì thế nên khi Phật và Tăng đến nơi, trừ gốc cây tốt dành cho Phật; các vị Thượng tòa như Xá-lợiphất, Đại Mục-kiền-liên… theo thứ lớp nhận gốc cây thì các gốc cây tốt đều đã có Tỳ kheo nhận trước rồi, như thế đến gốc cây thứ hai, thứ ba cũng đều đã có người nhận trước rồi, các Thượng tòa đành phải nhận gốc cây ngoài bìa rừng để ở. Lúc đó Phật hỏi A-nan: “Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên hiện ở phòng nào ?”, đáp là ở dưới gốc cây ngoài bìa rừng, Phật bảo A-nan gọi đến để hỏi nguyên do. Sau khi biết rõ nguyên do, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay cho từ bậc Thượng tòa theo thứ lớp nhận gốc cây để ở”. Các Tỳ kheo Hạ tòa nghe Phật chế như vậy rồi liền lấy cỏ lá đã trải dưới các gốc cây tốt mang đi hết, các Tỳ kheo Thượng tòa theo đòi nhưng không đưa lại, do nhân duyên này sanh tranh cải, Phật nói: “Không được lấy mang đi”. Các Tỳ kheo Thượng tòa nghe Phật chế như vầy rồi liền đến ở dưới những gốc cây mà Tỳ kheo Hạ tòa đã tự trải cỏ sẵn và không cho họ lấy mang đi, Phật nói: “Những cỏ đã trải sẵn trước thì để lại không cho lấy mang đi, còn những cỏ mới tự trải thì được lấy mang đi”.

Phật cùng đại chúng du hành đến nước Ca-thi, các Trưởng lão như Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, A-na-luật, Nan-đề, Kim-tỳ-la đều đi theo Phật, lời nói của các Trưởng lão này đều là lời chơn thật, thiết tha có thể điều phục được người khác. Các Trưởng lão này đã từng làm các yết ma như yết ma Khổ-thiết, yết ma Y chỉ, yết ma Hạ-ý, yết ma Khuxuất cho các Tỳ kheo phạm tội. Lúc đó trên núi Ca-la có các Tỳ kheo không nghĩ đến việc hộ giới, nghe tin Phật và Tăng du hành sắp đến nước Ca thi, các Trưởng lão như Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, A-naluật, Nan-đề, Kim-tỳ-la đều đi theo Phật, lời nói của các Trưởng lão này đều là lời chơn thật, thiết tha có thể điều phục được người khác. Các Trưởng lão này đã từng làm các yết ma như yết ma Khổ-thiết, yết ma Y chỉ, yết ma Hạ-ý, yết ma Khu-xuất cho các Tỳ kheo phạm tội. Các Tỳ kheo này suy nghĩ: “Các Trưởng lão đó đến đây ắt sẽ làm các yết ma trị phạt cho chúng ta, Phật đã chế không cho làm yết ma đem tăng phường giao cho một Tỳ kheo, nay chúng ta làm yết ma chia Tăng phường làm bốn phần chia cho bốn Tỳ kheo”, nghĩ rồi liền đem Tăng phường gồm có đất đai, vườn cây, phòng xá… đều chia đều làm bốn phần giao cho bốn Tỳ kheo rồi đi. Khi Phật và Tăng đến, cựu Tỳ kheo này trải tọa cụ và dọn phòng tốt cho Phật ở rồi tránh đi chỗ khác, nghĩ rằng: “Nếu ta ở đó, Phật ắt sẽ sai ta phân chia phòng xá ngọa cụ cho các Tỳ kheo khách”. Lúc đó Phật ở trong phòng còn các Tỳ kheo khách đều hoặc đứng ở chỗ rửa chân, hoặc đứng ở trong giảng đường, hoặc đứng ở chỗ kinh hành để đợi phân chia ngọa cụ. Phật nhìn thấy rồi, tuy biết mà vẫn hỏi A-nan nguyên do, A-Nan đem việc trên bạch Phật, Phật bảo A-nan: “Thầy hãy đến bảo cựu Tỳ kheo mở cửa phòng lấy ngọa cụ chia cho khách Tỳ kheo ”, A-nan vâng lời Phật dạy đến nói với cựu Tỳ kheo, cựu Tỳ kheo nói: “Thầy biết không, trú xứ này không phải là Tăng phường, các cựu Tỳ kheo đã làm yết ma đem trú xứ này chia đều làm bốn phần giao cho bốn Tỳ kheo rồi”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi quở trách cựu Tỳ kheo : “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại làm yết ma đem Tăng phường chia đều làm bốn phần giao cho bốn Tỳ kheo ”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không cho làm yết ma đem Tăng phường chia đều làm bốn phần giao cho bốn Tỳ kheo, nếu làm thì phạm Đột-kiết-la, Tăng phường dù có yết ma chia cũng không thành chia”.

Phật tại nước A-la-tỳ, Tăng phường ở nước đó hư sụp, Phật hỏi A-nan: “Dãy lầu của Tăng phường cớ sao hư sụp?”, A-nan bạch Phật: “Việc tu sữa là người của Tăng phường, nhưng có người đã chết, có người bị bịnh, có người phạm giới, một số khác bỏ đi đến nước khác”, Phật nói: “Nếu việc tu sữa là việc của người đã chết và người phạm giới thì Tăng nên yết ma lập người khác trông coi việc này”. Nếu là việc của người bị bịnh thì nên hỏi người bịnh rằng: “Thầy có thể tu sữa Tăng thường bị hư hoại hay không?”, nếu đáp là có thể thì nên đợi người ấy lành bịnh; nếu đáp là không thể thì Tăng nên yết ma lập người khác. Nếu là việc của người đã bỏ đi đến nước khác thì có hai trường hợp: Nếu nghi họ sẽ trở về thì Tăng nên đợi, nếu biết chắc họ sẽ không trở về thì Tăng nên yết ma lập người khác”. Nghe Phật dạy như thế, các Tỳ kheo liền yết ma lập người trông coi việc tu sữa Tăng phường, có người chỉ quét dọn chút ít cũng được lập, hoặc người bít một lỗ hỗng cũng được lập, hoặc người lấy ít cỏ lợp lại mái cũng được lập. Phật nói: “Người chỉ làm chút ít việc thì không nên lập, phải là người làm được việc lớn mới lập làm người trông coi việc tu sữa Tăng phường”. Lúc đó có Tỳ kheo có nhiều tài vật có thể làm được việc lớn, Tăng liền lập làm người trông coi suốt đời. Phật nói: “Không nên làm như vậy, nếu Tăng phường hư hoại thì nên lập làm người trông coi việc tu sữa trong sáu năm; nếu Tăng phường còn mới thì nên lập làm người trông coi Tăng phường trong mười hai năm”. Từ nay người trông coi Tăng phường được tùy ý chọn lựa một trong ba loại phòng: Phòng mùa Đông, phòng mùa Hạ và phòng mùa Xuân. Tăng nên hỏi: “Thầy muốn chọn lấy phòng nào”; nếu người này chọn lấy phòng mùa Đông thì các loại phòng mùa Hạ, mùa Xuân chia cho các Thượng tòa theo thứ lớp. Các loại phòng khác cũng như thế”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó cư sĩ Bạt-đề xây cất Tăng phường có lầu gác cao rộng trang nghiêm, nhiều thiện nam tín nữ đến xem đều cho là tháp Phật hoặc là tháp A-la-hán. Do Tăng phường có nhiều người đến tham quan lễ bái, lại thêm tiếng voi ngưa, tiếng cười nói nên làm trở ngại việc tụng kinh tọa thiền của các Tỳ kheo nên các Tỳ kheo Thượng tòa liền bỏ lầu gác xuống ở trong các phòng nhỏ ở dưới. Lúc đó có khách Tỳ kheo đến cho là các Thượng tòa ở trên lầu gác nên đến các phòng nhỏ xin ở, khi gõ cửa hỏi thăm mới biết các vị ở trong các phòng nhỏ cũng là bậc Thượng tòa, liền suy nghĩ: “Các Tỳ kheo ở trong phòng nhỏ còn lớn tuổi hạ như thế huống gì là các vị ở trên lầu cao”, nghĩ rồi liền đến chỗ rửa chân hoặc trong giảng đường… để ngủ qua đêm. Sáng sớm thức dậy muốn lên lầu để vấn an lễ bái các Thượng tòa thì thấy có các Tỳ kheo trẻ và Sa di từ trên lầu gác đi xuống. Các vị này hỏi Tỳ kheo khách muốn làm gì, đáp là muốn lân vấn an lễ bái các Thượng tòa, các vị này nói: “Trên đó không có Thượng tòa, chỉ có chúng tôi”, nói rồi hỏi lại Tỳ kheo khách: “Các thầy đã ngủ đêm ở đâu ?”, lúc đó người ngủ ở chỗ rửa chân thì đáp là đã ngủ ở chỗ rửa chân, người ngủ trong giảng đường thì đáp là đã ngủ trong giảng đường… Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nên lập người trông coi việc phân chia phòng xá ngọa cụ, vị này nên theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa mà phân chia, nên nói rằng: “Đây là phòng xá ngọa cụ dành cho bậc Thượng tòa theo thứ lớp được nhận ở”.

Phật tại nước ca thi cùng các đại Tỳ kheo an cư một chỗ, lúc đó các cư sĩ cùng làm ước lịnh: Hôm nay anh cúng, ngày mai tôi cúng… để luân phiên nhau làm thức ăn thức uống cúng dường Phật và Tăng. Trong số người làm thức ăn cúng dường này, có người nấu thức ăn sớm, có người nấu thức ăn trễ, có người ở chỗ rất xa, có người ở chỗ rất gần, có người nấu rất ngon, có người nấu rất dỡ… Lúc đó trong Tăng chưa lập người trông coi việc phân phó Tỳ kheo đến nhà cư sĩ nhận phần thức ăn cúng, nên các Tỳ kheo thường đến nhà người nấu thức ăn sớm hoặc nhà người nấu thức ăn ở chỗ gần hoặc nhà người nấu ăn ngon. Lục quần Tỳ kheo thường đến nhận lấy thức ăn ở những nhà này, họ hỏi: “Vì sao các thầy cứ đến hoài vậy, các Trưởng lão khác sao không tới ?”, đáp: “Trong Tăng chưa lập người trông coi việc phân phó Tỳ kheo đến nhà cư sĩ nhận phần thức ăn cúng, nên chúng tôi tự ước định với nhau là đến nhà người nấu ăn sớm và nhà người nấu ăn ngon”, cư sĩ nói: “Chúng tôi nấu thức ăn cúng dường cho tất cà Trưởng lão, không chỉ cúng riêng cho các thầy, tại sao các thầy cứ đến hoài vậy ?”. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Nên lập người trông coi việc phân phó Tỳ kheo đến nhà cư sĩ nhận phần thức ăn cúng”. Tác pháp yết ma lập người như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng hỏi rằng: “Ai có thể vì Tăng làm người trông coi việc phân phó Tỳ kheo đến nhà cư sĩ nhận phần thức ăn cúng”, nếu có người đáp là có thể thì Tăng nên xét người này, nếu có đủ có năm pháp: Tùy ái, tùy sân, tùy sợ, tùy si, không biết nên phân phó hay không nên phân phó thì không nên lập. Ngược lại nếu người này thành tựu có năm pháp: Không tùy ái, không tùy sân, không tùy sợ, không tùy si, biết nên phân phó hay không nên phân phó thì nên lập. Một Tỳ kheo trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại-đức tăng lắng nghe, Tỳ kheo này tên ……… có thể vì Tăng làm người trông coi việc phân phó Tỳ kheo đến nhà cư sĩ nhận phần thức ăn cúng. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay lập Tỳ kheo tên ……… làm người trông coi việc phân phó Tỳ kheo đến nhà cư sĩ nhận phần thức ăn cúng. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã lập Tỳ kheo tên ……… làm người trông coi việc phân phó Tỳ kheo đến nhà cư sĩ nhận phần thức ăn cúng xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Người trông coi việc phân phó này nên phân phó các Tỳ kheo theo thứ lớp: Tỳ kheo tên ……… nay đến nhà cư sĩ ……… nhận lấy phần thức ăn cúng. Trong số các Tỳ kheo này, có người đến nhà người nấu thức ăn sớm, có người đến nhà nấu thức ăn trễ, có người đến nhà người nấu ăn ở chỗ rất xa, có người đến nhà người nấu ăn ở chỗ rất gần, có người đến nhà người nấu ăn rất ngon, có người đến nhà người nấu ăn rất dỡ. Người được phân phó đến nhà người nấu ăn trễ thì nói: “Hãy cho tôi đến nhà khác”, người được phân phó đến nhà người nấu ăn ở chỗ xa thì nói: “Hãy cho tôi đến nhà khác”, người được phân phó đến nhà người nấu ăn dỡ thì nói: “Hãy cho tôi đến nhà khác”…, Phật bảo nên nói rõ tên người được phân phó nên đến nhà cư sĩ tên ……… để nhận lấy thức ăn cúng. Lúc đó có Tỳ kheo được phân phó đến chỗ xấu liền đổi tên để được đến chỗ tốt hơn, Phật bảo: “Nên viết tên nhà cư sĩ trên bảng, Tăng hòa hợp theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa phân phó đến”. Lúc đó người được phân phó đến nhà người nấu ăn trễ và người nấu ăn ở chỗ xa, mới sáng sớm đã đến nhà thí chủ, vì đứng đợi lâu nên hiện vẻ không vui. Cư sĩ bước ra thấy vậy liền nói: “Chúng tôi ở bên trong, các thầy hãy vào trong ngồi chờ”, Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chúng tôi vào trong nhà bạch y ngồi chờ lấy phần thức ăn cúng”, Phật nói cho vào trong ngồi đợi, khi vào trong nhà ngồi đợi thì bị các tiếng cười nói, tiếng chó sủa… làm trở ngại, Phật nói nếu cảm thấy trở ngại thì trở ra ngoài cửa đứng.

Khi trở ra ngoài cửa đứng thì bị mọi người đến nhìn và chỉ trỏ cười nói, Phật bảo nên đến đứng ở chỗ vắng; đến đứng ở chỗ vắng lại bị mưa gió làm trở ngại, Phật bảo nên lấy lá cây che; lấy lá mỏng che lại bị mưa làm ướt, Phật bảo nên lấy lá dầy che. Tỳ kheo đứng đơi lâu muốn ngồi, Phật bảo nên lấy tấm ván lót ngồi; lấy tấm ván lót ngồi lại bị lấy cắp, Phật bảo nên cất giấu dưới đất; cất giấu rồi vẫn bị lấy cắp, Phật bảo nên đắp đất thành gò để giấu. Đắp đất thành gò không có trét bùn lại bị rắn rít cắn, Phật bảo nên trét bùn; trét bun rồi vì bùn thô nhám nên làm rách y, Phật bảo nên trét bùn mịn. Lúc đó các Tỳ kheo cần dùng nước, Phật bảo nên đào giếng, đào giếng xong, dùng bát hay bình lấy nước khó nên Phật bảo dùng thùng lấy nước; lấy nước không tới, Phật bảo nên dùng dây cột thùng thả xuống để lấy nước. Các Tỳ kheo tay mềm yếu kéo lấy nước nên bị thương, Phật bảo nên làm cái ròng rọc để kéo lấy nước lên. Lúc đó có người té xuống giếng, Phật bảo nên làm thành giếng, Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật lấy vật gì làm thành giếng, Phật nói nên dùng gạch đá làm thành giếng. Làm thành giếng rồi có phụ nữ đến lấy nước, Tỳ kheo đến lấy nước, hai bên chạm tay nhau liền bạch Phật, Phật bảo nên ngăn làm hai bên, mỗi người ở mỗi bên lấy nước.

Lúc đó có cư sĩ từ trong nhà bước ra bạch các Tỳ kheo rằng: “Chúng con có làm thức ăn cúng dường cho Tăng phường ………, các thầy có bao nhiêu người hãy đến Tăng phường đó thọ thực”, các Tỳ kheo trên đường đi gặp các nạn như sư tử, cọp, sói…, liền bạch Phật, Phật bảo nên nói cho thí chủ biết để thí chủ mang thức ăn đến cúng dường.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các cư sĩ nấu các món cháo như cháo tô, cháo hồ ma, cháo dầu, cháo sữa, cháo đậu nhỏ, cháo đậu Ma sa, cháo lỏng… mang đến trong Trúc lâm cúng Tăng. Lục quần Tỳ kheo đứng ngoải cửa Tăng phường từ xa nhìn thấy liền đến hỏi là mang gì đến cúng, đáp là các món cháo như cháo tô, cháo hồ ma, cháo dầu, cháo sữa, cháo đậu nhỏ, cháo đậu Ma sa, cháo lỏng… Lục quần Tỳ kheo nói: “Hãy cúng cho chúng tôi trước các món cháo tô, cháo hồ ma, cháo dầu, cháo sữa… còn cháo lỏng thì mang vào trong Tăng phường cúng cho các Thượng tòa”. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay nên yết ma lập người chia cháo”. Người chia cháo lấy cái bát mang đi đựng cháo làm vật múc cháo để chia, các loại cháo tô, cháo hồ ma, cháo dầu, cháo sữa, cháo đậu nhỏ, cháo đậu Ma sa thì các bậc Thượng tòa được phần cháo ngon ở trên; còn các Hạ tòa thì được phần cháo cặn ở dưới. Chia cháo lỏng thì các Thượng tòa được phần nước, Hạ tòa được phần cặn nên các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật,

Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay được cất chứa chum lớn hay vại lớn, đổ hết cháo vào trong chum này rồi dùng cái bát lớn hay cái chen lớn múc cháo chia”. Khi dùng cái bát múc cháo chia thấy không tiện, Phật bảo nên dùng cái vá lớn múc cháo chia; khi dùng cái vá lớn múc cháo chia thì có người ăn dư, có người ăn không đủ, Phật bảo nên dùng cái vá nhỏ múc cháo chia.

Phật ở tại trúc lâm thành Vương xá, các cư sĩ làm các món bánh Đới-bát-na như viên Hồ-ma hoan hỉ, viên đường phèn hoan hỉ, viên mật hoan hỉ, bánh Xá-câu-lợi, bánh Ba-ba là, bánh Man đề la, bánh tai voi, bánh bao, bánh Diêm phù lợi mang đến trong Tăng phường cúng Tăng. Lục quần Tỳ kheo đứng bên cửa thầy liền hỏi mang gì đến cúng, đáp là các món bánh Đới bát na như viên Hồ ma hoan hỉ, viên đường phèn hoan hỉ, viên mật hoan hỉ, bánh Xá-câu-lợi, bánh Ba-ba là, bánh Man đề la, bánh tai voi, bánh bao, bánh Diêm phù lợi. Lục quần Tỳ kheo nói: “Hay cho chúng tôi trước các món bánh Đới bát na như viên Hồ ma hoan hỉ, viên đường phèn hoan hỉ, viên mật hoan hỉ, bánh Xá-câulợi, bánh Ba-ba-la, bánh Man-đề-la; còn bánh tai voi, bánh bao, bánh Diêm-phù-lợi thì mang vào trong Tăng phường cho các Thượng tòa”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Nên làm yết ma lập người chia bánh, người chia bánh nên hòa hợp chia đồng đều, nếu có người mang thức ăn ngon đến cúng, cũng phải chia đều theo thứ lớp; nếu hôm nay chia không đủ hết cho tất cả, ngày mai nếu có người mang đến cúng nữa thì chia tiếp tục cho đủ hết tất cả”.

Phật ở thành Vương xá, lúc đó các cư sĩ mang rất nhiều các loại dược bao gồm thực phẩm và thuốc như tô, dầu, đường, đường phèn, mật, gừng, tiêu, Tất bạt, muối đen, Ha-lê-lặc, Tỳ-ê-lặc, A-ma-lặc, Ba-lô-lộtỳ-chú, Mạn-đà-đa-da, Ma-na-già-đầu-lô-ế… đến trong Trúc lâm cúng Tăng. Lục quần Tỳ kheo đứng bên cửa nhìn thấy liền hỏi mang gì đến cúng, đáp là các loại dược bao gồm thực phẩm và thuốc như tô, dầu, đường, đường phèn, mật, gừng, tiêu, Tất-bạt, muối đen, Ha-lê-lặc, Tỳê-lặc, A-ma-lặc, Ba-lô-lộ-tỳ-chú, Mạn-đà-đa-da, Ma-na-già-đầu-lô-ế. Lục quần Tỳ kheo nói: “Hãy cho chúng tôi trước các loại dược bao gồm thực phẩm và thuốc như tô, dầu, đường, đường phèn, mật, gừng, tiêu, Tất bạt, muối đen; còn các loại dược như Ha-lê-lặc, Tỳ-ê-lặc, A-malặc, Ba-lô-lộ-tỳ-chu, Mạn-đà-đa-da, Ma-na-già-đầu-lô-ếthì mang đến trong Tăng phường cho các Thượng tòa”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay nên yết ma lập người chia các loại dược. Người chia các loại dược nên hòa hợp chia đồng đều; nếu có người cúng loại dược quý giá thì nên đem cất chỗ khác, khi nào có Tỳ kheo bịnh cần thuốc thì nên cho thuốc trị giá khoàng hai tiền rưỡi, nếu cần thêm thì nên cho theo yêu cầu”.

Phật tại nước A-la-tỳ, lúc đó có các Tỳ kheo ở nước này thường theo cư sĩ mượn khí cụ làm việc như búa, rìu, cưa…; các cư sĩ nói: “Chúng tôi làm sao có thể thường cung cấp cho các thầy được, sao các thầy không tự cất chứa khí cụ”, Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chúng tôi cất chứa khí cụ”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay cho cất chứa khí cụ”. Trong Tăng phường ở nước A-laty có thợ mộc làm thuê lấy tiền công, có người làm công nửa tháng, có người làm công một tháng, có người làm công một năm, tất cả đều làm ban ngày, còn ban đêm về nhà và để lại các khí cụ trong Tăng phường, không may bị mất hết. Phật nói nên lập người coi giữ khí cụ, người coi giữ khí cụ này mang các khí cụ cất một nơi, cũng bị lấy cắp mất hết. Phật nói nên yết ma kết một phòng làm nơi cất giử khí cụ. Tác pháp yết ma như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức tăng lắng nghe, Phòng ………. Tăng muốn kết làm nơi cất giữ khí cụ. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay kết phòng ………. làm nơi cất giữ khí cụ. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng nay kết phòng ……….làm nơi cất giữ khí cụ xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Có phòng cất giữ khí cụ rồi, Tỳ kheo coi giữ liền đem cất khí cụ ở hai nơi: Phòng trên và phòng dưới, Phật nói không nên cất ở hai nơi, nếu cất ở phòng trên thì phòng dưới để cho chúng tăng; nếu cất ở phòng dưới thì phòng trên để cho chúng tăng.

Lúc đó có các Tỳ kheo từ nước Kiều-tát-la đến nước Xá-vệ, giữa đường gặp Tăng phường trống không liền vào trong đó nghỉ lại đêm, sáng sớm hôm sau vào trong tụ lạc khất thực. Các cư sĩ thấy liền hỏi: “Các thầy đã ngủ đêm ở đâu ?”, đáp là ở trong Tăng phường ………., cư sĩ nói: “Đó là Tăng phường do chúng con xây cất, sao các thầy không cử người đến nói với chúng con, chúng con sẽ dâng cúng các vật cần dùng như thuốc men, dầu, đen, ngọa cụ”. Lúc đó các cư sĩ tùy theo các Tỳ kheo đã ngủ trong phòng nào liền mang đến đủ các vật cần dùng để cùng dường, sau đó trải tọa cụ, rót đưa nước và các món ăn ngon khiến cho các Tỳ kheo đều được no đủ. Sau khi nghe thuyết pháp xong, họ bạch rằng: “Trong Tăng phường này có đủ ngọa cụ và thức ăn sáng, thức ăn trưa, vì sao các thầy không ở lại đây để cho tăng phường được thọ dụng”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho các Tỳ kheo đã ở trước trong Tăng phường trống không, khi muốn bỏ đi đến nơi khác phải làm yết ma sai một Tỳ kheo thường trụ ở đó trông coi”. Tác pháp yết ma sai người trông coi Tăng phường như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng hỏi: “Ai có thể làm Tỳ kheo thường trụ trông coi Tăng phường trống không ?”, Nếu có người đáp là có thể thì Tăng nên xét người này, nếu có đủ có năm pháp: Tùy ái, tùy sân, tùy sợ, tùy si, không biết việc nên làm hay không nên làm thì không nên sai. Ngược lại nếu thành tựu có năm pháp: Không tùy ái, không tùy sân, không tùy sợ, không tùy si, biết rõ việc nên làm hay không nên làm thì nên sai. Một Tỳ kheo trong Tăng tác bạch yết ma sai như sau:

Đại-đức tăng lắng nghe, Tỳ kheo tên ………. có thể làm người thường trụ coi giữ Tăng phường trống không. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay sai Tỳ kheo tên ………. làm người thường trụ coi giữa Tăng phường trống không. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã chấp thuận sai Tỳ kheo ………. làm người thường trụ coi giữ Tăng phường trống không xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Tỳ kheo được sai này nên thường đi tuần tra xem xét Tăng phường, trước nên quét dọn tháp, kế làm việc của Tăng bốn phương, nên biết lo liệu việc ăn uống và việc của các Tỳ kheo Thượng tòa, Trung tòa, Hạ tòa. Có Tỳ kheo Đại-đức cao minh thì không nên sai làm người coi giữ Tăng phường. Tỳ kheo được sai nên phát nguyện: “Các Tỳ kheo chưa đến thì sẽ đến, nếu đã đến thì sẽ cung cấp y thực, ngọa cụ, thuốc men không để cho thiếu thốn”, nếu có thể phát nguyện hạnh này thì nên tùy ý cung cấp cho Tăng, cần thức ăn ngon thì tùy ý cho thức ăn ngon, cần phòng xá ngọa cụ thì cho phòng xá ngọa cụ.

Lúc đó có nhiều vua quan đến trong Trúc lâm tham quan phòng xá, khi đòi ăn, củi lửa và đen đuốc; các Tỳ kheo sợ nếu cho họ thì phạm giới, nếu không cho thì họ làm hại, không biết phải làm sao nên bạch Phật, Phật nói: “Nên yết ma lập người phân xử, khi đã lập người phân xử rồi thì không bạch tăng cũng được dùng mười chín tiền cung cấp cho khách, nếu cần nhiều hơn thì nên bạch Tăng biết rồi mới được lấy cung cấp cho khách”.

Tại nước Kiều-tát-la có một trú xứ A-lan-nhã, lúc đó bọn giặc cướp vào đến A-lan-nhã đòi ăn, người nấu thức ăn nói: “Thức ăn này tôi không có quyền cho, các ông nên theo Sa di hỏi xin”, bọn giặc cướp liền đến hỏi xin Sa di, Sa di nói: “Tôi không có quyền cho, các ông nên theo vị Tỳ kheo coi giữ thức ăn hỏi xin”, bọn giặc cướp liền đến hỏi xin Tỳ kheo coi giữ thức ăn, vị này nói: “Tôi coi giữ thức ăn cho Tăng, không thể đem cho các ông được”. Bọn giặc liền nói với nhau: “Các Tỳ kheo này đâu chịu cho chúng ta thức ăn, cần gì phải hỏi xin họ”, nói rồi liền nắm tay chân của một Tỳ kheo chặt ra từng khúc, các Tỳ kheo không biết phải làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Nếu ở nơi có khủng bố như thế thì nếu họ đến xin ít, nên cho họ ít; nếu xin một nửa, nên cho họ một nửa; nếu xin hết, nên cho họ hết, chớ vì lý do này mà bị suy não lớn”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các Tỳ kheo được cúng nhiều y nhưng không có người coi giữ, Phật nói: “Nên yết ma lập người coi giữ y”. Tác pháp yết ma sai như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng hỏi rằng: “Ai có thể vì Tăng coi giữ y?”, nếu có người đáp là có thể thi Tăng nên xét người này, nếu có đủ có năm pháp thì không nên sai: Một là không biết y từ đâu có được, hai là không biết giá của y, Ba là không biết thọ y như thế nào, bốn là không biết số lượng y, năm là quên chỗ cất y. Ngược lại nếu thành tựu có năm pháp thì nên sai: Một là biết y từ đâu có được, hai là biết giá của y, Ba là biết thọ y như thế nào, bốn là biết số lượng y và năm là không quên chỗ cất y. Một Tỳ kheo trong Tăng tác bạch yết ma sai như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo tên ………. có thể vì Tăng coi giữ y. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay sai Tỳ kheo ………. làm người coi giữ y cho Tăng. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã sai Tỳ kheo ……….làm người coi giữ y cho Tăng xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Khi đã sai người coi giữ y rồi, lại không có người chia y, Phật bảo nên lập người chia y. Tác pháp yết ma sai như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng hỏi rằng: “Ai có thể vì Tăng làm người chia y?”, nếu có người đáp là có thể thì Tăng nên xét ngừoi này, nếu có đủ có năm pháp thì không nên sai: Một là không biết cắt rọc y, hai là không biết màu sắc y, ba là không biết giá của y, bốn là không biết số lượng y, năm là không biết đã chia hay chưa chia. Lại có đủ có năm pháp: Tùy ái, tùy sân, tùy sợ, tùy si, không biết nên chia hay không nên chia thì không nên sai người này. Ngược lại nếu thành tựu có năm pháp: Biết cắt rọc y, biết màu sắc y, biết giá của y, biết số lượng y, biết đã chia hay chưa chia; hoặc thành tựu có năm pháp: Không tùy ái, không tùy sân, không tùy sợ, không tùy si, biết nên chia hay không nên chia thì nên lập người này làm người chia y. Một Tỳ kheo trong Tăng tác bạch yết ma sai như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo tên ………. có thể vì Tăng làm người chia y. Nếu Tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay lập Tỳ kheo ………. làm người chia y cho Tăng. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã lập Tỳ kheo ……….làm người chia y cho Tăng xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó không có người chia y tắm, Phật bảo nên lập người chia y tắm, người chia y tắm nên chia theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa .

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó trong Tăng phường ở rừng Kỳ đà không có Tỳ kheo coi về giờ giấc để báo giờ cho Tăng biết, không có người đánh kiền chùy, không có người quét dọn lau chùi giảng đường nhà ăn…, không có người theo thứ lớp luân phiên trải giường tòa, không có người chỉ tác tịnh rau quả, không có người xem trùng trong rượu đắng, đến giờ ăn không có người rót đưa nước, trong chúng ồn ào náo loạn không có người nhắc nhở… Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Nên yết ma lập Duy na”. Tác pháp lập Duy na như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng hỏi rằng: “Ai có thể vì Tăng làm Duy na?”, nếu có người đáp là có thể thì Tăng nên xét người này, nếu có đủ có năm pháp: Tùy ái, tùy sân, tùy sợ, tùy si, không biết sạch hay không sạch thì không nên lập làm Duy na. Ngược lại nếu thành tựu có năm pháp: Không tùy ái, không tùy sân, không tùy sợ, không tùy si, biết sạch hay không sạch thì nên lập làm Duy na. Một Tỳ kheo trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo tên ………. có thể vì Tăng làm Duy na. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay lập Tỳ kheo tên ………. vì Tăng làm Duy na. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã lập Tỳ kheo tên ………. vì Tăng làm Duy na xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Vị Duy na này nên coi biết giờ giấc để báo giờ cho Tăng biết, nên cắt đặt người đánh kiền chùy, nên cắt đặt người quét dọn lau chùi giảng đường nhà ăn…, cắt đặt người theo thứ lớp luân phiên trải giường tòa, cắt đặt người chỉ tác tịnh rau quả, cắt đặt người xem trùng trong rượu đắng, đến giờ ăn cắt đặt người rót đưa nước, trong chúng ồn ào náo loạn nên nhắc nhở.

Lúc đó các Sa di cùng nói chuyện, cùng làm việc với Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê và những người quen biết dồng quê hương xứ sở; nhưng Tỳ kheo không có Sa di thấy vậy liền sanh phiền não. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Nên cử một người làm chủ để sai bảo, cắt đặt Sa di làm việc như sai quét dọn tháp, sai làm việc của Tăng bốn phương, sai phụ làm thức ăn, phụ chia vật dụng cho đến làm việc cùng các bậc Thượng, trung Hạ tòa. Cũng nên cử người phân xử Sa di”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó vua Bình sa đến tham quan Trúc lâm và hỏi các Tỳ kheo : “Trưởng lão Đại Ca diếp hiện đang ở đâu ?”, đáp: “Đại vương, Trưởng lão hiện đang nạo vét bùn trên núi Kỳ-xàquật”. Vua đến nơi nhìn thấy liền hỏi Đại Ca diếp vì sao tự làm, Trưởng lão nói: “Đại vương, ai sẽ làm cho tôi”, vua nói: “Tôi sẽ cho người làm”, nói rồi quay trở về. Lần thứ hai đến Trúc lâm cũng hỏi các Tỳ kheo như trên, gặp Trưởng lão Đại Ca diếp cũng hỏi đáp như trên, lúc đó Trưởng lão Đại Ca diếp nói: “Đại vương đã nói nhiều lần mà không cho người làm”, vua nghe rồi hổ thẹn đứng qua một bên hỏi các đại thần: “Trước đây Trẫm có nói lời này không?”, đáp: “Đại vương trước đây có nói lời này”, vua hỏi nói vào lúc nào, Đại-thần tính toan xong bạch vua, vua mới biết từ hôm nói tới đó đến nay đã được năm trăm ngày, vua liền trở về. Lúc đó vị Tướng quân của vua bắt được năm trăm tên giặc cướp giải đến chỗ vua, vua hỏi là người nào, đáp là giặc cướp, vua lại hỏi đáng tội gì, đáp là đáng tội chết. Vua liền hỏi bọn giặc cướp: “Các ngươi có chịu làm theo ý của ta không?”, bọn giặc cướp bạch vua: “Đại vương muốn chúng tôi làm gì ?”, vua nói: “Các ngươi có thể phục vụ cho các bậc thiện nhơn hay không?”, giặc đáp: “Nếu chúng tôi thọ đại ân của vua mà không theo lịnh vua thì nghe lời ai”. Lúc đó đại thần bạch vua: “Đại vương, nếu như vậy chúng sẽ cướp đoạt tài vật của các Tỳ kheo ”, vua nói: “Trẫm có thể tạo phương tiện cho họ không cướp đoạt”. Vua liên cung cấp cho bọn giặc cướp nhà cửa ruộng vườn và lúa gạo, cách Trúc lâm không xa cho lập một tụ lạc gọi là tụ lạc Tịnh nhơn để những người này đến trong Trúc lâm phục vụ cho Tăng. Lúc đó các tịnh nhơn này cùng nói chuyện, cùng làm việc với những người thân quen cùng quê hương xứ sở, họ có lo sợ gì, có nhân duyên gì đều cung cấp giúp đỡ còn người khác thì không, ngay cả chúng tăng. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Nên cử một người làm chủ để sai bảo các tịnh nhơn, nếu lập thì nên lập trở lại người trong số bạch y, người này sẽ sai bảo các tịnh nhơn làm việc như quét dọn tháp… cho đến làm việc trong Tăng. Cũng nên cử người phân xử Tịnh nhơn”.