THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 21

TỤNG THỨ TƯ

(Có Pháp)

PHÁP THỌ GIỚI CỤ TÚC THỨ NHẤT

Phật-Bà-già-bà ở ngoài thành Vương xá, lúc đó Phật chưa cho các Tỳ kheo làm Hòa thượng, A-xà-lê cũng chưa cho Bạch-tứ-yết-ma truyền thọ giới cụ túc. Các Tỳ kheo do ban đầu chưa có Hòa thượng, A-xà-lê nên may y ca sa không như pháp, đắp y cũng không như pháp, thân oai nghi cũng không như pháp. Lại nữa các Tỳ kheo từ tụ lạc này đến tụ lạc khác, từ thành này đến thành khác, từ nước này đến nước khác, lúc du hành, lúc khất thực, lúc thọ thực ăn cơm canh… năm loại Khư-đà-ni, hoặc có người thỉnh thực xin cơm canh… năm loại Khư-đà-ni, ăn khua lớn tiếng giống như Bà-la-môn. Các Tỳ kheo Ma ha lư lúc bịnh hoạn đau đớn không có bạn cũng không có người khán bịnh chăm sóc. Các ngoại đạo dị học thấy những việc này rồi liền cơ hiềm rằng: “Samôn Thích tử không khéo dạy bảo, không được dạy bảo, không có điều thuận, không có pháp điều ngự nên may y ca sa không như pháp, đắp y cũng không như pháp, thân oai nghi cũng không như pháp… ăn khua lớn tiếng giống như Bà-la-môn”, có các Tỳ kheo thiểu dục tri túc, hành hạnh đầu đà nghe được lời này trong lòng hổ thẹn, đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng. Thường pháp của chư Phật là có việc biết mà vẫn hỏi, có việc biết mà không hỏi, đúng thời mới hỏi, không đúng thời thì không hỏi; có ích mới hỏi, không có ích thì không hỏi, có nhân duyên mới hỏi nên nay Phật hỏi các Tỳ kheo: “Các thầy thật có như vậy không?”, đáp: “Thật có thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Vì sao gọi là Tỳ kheo không có Hòa thượng, A-xà-lê lại may y không như pháp… ăn khua lớn tiếng giống như Bà-la-môn”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho làm Hòa thượng, A-xà-lê; cho hiện tiền mười tăng Bạch-tứ-yết-ma truyền thọ giới cụ túc. Sao gọi là Bạch-tứ-yết-ma truyền thọ giới cụ túc?: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng xướng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, người này tên ……….. theo Tỳ kheo ……… thọ giới cụ túc. Người này theo Tăng xin thọ giới cụ túc, Tỳ kheo ………. làm Hòa thượng. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cho người này thọ giới cụ túc, Tỳ kheo ………. làm Hòa thượng. Bạch như vậy. Như thế Bạch-tứ-yết-ma…

Từ nay cho Hòa thượng và đệ tử cùng hành: Nếu đệ tử bịnh nên chăm sóc, sắp chết nên cứu, nếu bịnh nên cho thức ăn uống ứng theo bịnh, cho uống thuốc ứng theo bịnh, cung cấp món cần dùng ứng theo bịnh. Nếu đệ tử không có tiền thì Hòa thượng nên cho, nếu Hòa thượng không có thì nên theo người khác xin để cho, nếu ít người quen biết không thể xin được thì khất thực được thức ăn ngon nên cho đệ tử. Ngược lại nếu Hòa thượng bịnh, đệ tử cũng nên chăm sóc… giống như vậy. A-xà-le đối với đệ tử cận trụ và đệ tử cận trụ đối với A-xà-lê cũng giống như Hòa thượng đối với đệ tử và đệ tử đối với Hòa thượng như trên. Từ nay Hòa thượng đối với đệ tử cọng trụ và A-xà-lê đối với đệ tử cận trụ nên nuôi dưỡng tưởng như con; ngược lại đệ tử cọng trụ đối với Hòa thượng và đệ tử cận trụ đối với A-xà-lê nên cung kính tưởng như cha, như thế nương tựa giúp đỡ lẫn nhau thì ở trong pháp ta sẽ tăng trưởng thiện pháp”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các Tỳ kheo trẻ suy nghĩ: “Phật đã cho chúng ta được làm Hòa thượng, A-xà-lê; cho mười tăng hiện tiền truyền thọ giới cụ túc”, nghĩ rồi liền làm Hòa thượng nên các Tỳ kheo hoặc một, hai cho đến năm tuổi hạ đều là tiểu Trưởng lão Tỳ kheo làm thầy. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm như thế phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại suy nghĩ Phật đã cho chúng ta làm Hòa thượng… đều là tiểu Trưởng lão Tỳ kheo làm thầy”, nhưng Phật chỉ quở trách chứ chưa kết giới.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo Ưu-ba-tư-na đàn đề tử mới có một tuổi hạ liền trao giới cụ túc cho đệ tử cọng trụ, Hòa thượng một tuổi hạ này cùng đệ tử không tuổi hạ đi đến nước Kiều-tát-la hạ an cư một chỗ. Pháp thường của chư Phật là một năm có hai kỳ đại hội vào tháng sau của cuối mùa xuân và vào tháng sau của cuối mùa hạ. Vào tháng cuối của mùa xuân, Tỳ kheo các nơi suy nghĩ: “Phật đã dạy chúng ta nên an cư, trong ba tháng an cư tu tập sẽ được an lạc trụ”, đây là đại hội thứ nhất. Vào tháng cuối của mùa hạ, các Tỳ kheo an cư ba tháng đã xong nghĩ rằng: “Đã lâu chúng ta không gặp Phật”, nghĩ rồi liền đắp y mang bát đi đến chỗ Thế tôn, đây là đại hội thứ hai. Lúc đó Ưu-ba-tưna an cư xong làm lễ tự tứ được hai tuổi ha và may y rồi liền mang y bát cùng đệ tử một tuổi hạ du hành đến nước Xá-vệ yết kiến Phật, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên. Pháp thường của Phật là khi có khách Tỳ kheo đến đều hỏi thăm hạ an cư có nhẫn đủ không, khất thực có dễ không, đi đường có nhọc mệt không; Ưu-ba-tư-na đáp là nhẫn đủ được an lạc trụ, khất thực không khó, đi đường không nhọc mệt. Lúc đó Phật biết mà vẫn hỏi Ưu-ba-tư-na: “Thiện nam tử này là ai?”, đáp: “Đây là đệ tử cọng trụ của con”, lại hỏi: “Thầy được bao nhiêu tuổi hạ?”, đáp là hai tuổi ha, lại hỏi: “Thiện nam tử này bao nhiêu tuổi hạ?”, đáp là một tuổi hạ. Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi quở trách Ưuba-tư-na: “Thầy là người ngu si, cớ gì Tỳ kheo mới hai tuổi ha lại chứa nuôi đệ tử cọng trụ một tuổi hạ. Tại sao gọi là Tỳ kheo lại suy nghĩ Phật cho chúng ta được làm Hòa thượng… giống như đoạn văn trên cho đến câu đều là tiểu Trưởng lão Tỳ kheo làm thầy”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Các Tỳ kheo từ nay không đủ mười tuổi hạ thì không được trao giới cụ túc cho đệ tử cọng trụ, nếu truyền trao thì phạm Đột-kiết-la”.

Lúc đó các Tỳ kheo suy nghĩ: “Phật tuy cho chúng ta làm Hòa thượng, A-xà-lê; cho mười tăng hiện tiền Bạch-tứ-yết-ma trao giới cụ túc nhưng nếu không đủ mười hạ thì không được truyền trao”, nghĩ như vậy nên các Tỳ kheo đủ mười hạ liền truyền trao giới cụ túc cho đệ tử cọng trụ, người biết pháp truyền trao, người không biết pháp cũng truyền trao; người tốt chứa nuôi, người không tốt cũng chứa nuôi; người trụ giới độ đã đành, người không trụ giới cũng độ. Do đây nảy sinh Hòa thượng không biết pháp, đệ tử cũng không biết pháp; Hòa thượng không tốt lành, đệ tử cũng không tốt lành; Hòa thượng không trụ giới, đệ tử cũng không trụ giới. Các Tỳ kheo không biết pháp, bất thiện và không trụ giới này lại cho người khác xuất gia và thọ giới cụ túc và làm thầy y chỉ chứa nuôi Sa di. Có một Tỳ kheo Ma-ha-lư không biết pháp, bất thiện, không trụ giới, không đủ mười hạ lại truyện trao giới cụ túc cho đệ tử cọng trụ, sau đó vì một việc nhỏ liền cùng đệ tử tranh cải khiến cho đệ tử này xả giới hoàn tục. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại suy nghĩ Phật tuy cho chúng ta làm Hòa thượng… giống như đoạn văn trên cho đến câu làm thầy y chỉ chứa nuôi Sa di”, Phật quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Các Tỳ kheo từ nay phải thành tựu năm pháp và đủ mười hạ hoặc hơn mười hạ mới được truyền trao giới cụ túc cho đệ tử cọng trụ. Năm pháp đó là:

– Một là đủ mười hạ hay hơn mười hạ.

– Hai là trì giới, không phá giới.

– Ba là đa văn có trí tuệ.

– Bốn là có năng lực như pháp trừ nghi hối cho đệ tử.

– Năm là có thể bạt trừ ác tà cho đệ tử.

Lại có năm pháp thành tựu và đủ mười hạ mới được truyền trao giới cụ túc cho đệ tử cọng trụ, đó là: Tín, giới, văn, xả và huệ thành tựu. Đủ năm pháp thành tựu này mới có thể dạy bảo đệ tử trụ trong tín, giới, văn, xả và huệ.

Lại có năm pháp thành tựu và đủ mười hạ mới được truyền trao giới cụ túc cho đệ tử cọng trụ, đó là: Chứng vô học giới, chứng vô học định, chứng vô học huệ, chứng vô học giải thoát và chứng vô học giải thoát tri kiến. Đủ năm pháp thành tựu này mới có thể dạy bảo đệ tử chứng nhập giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Lại có năm pháp thành tựu…, đó là: Biết phạm, biết không phạm, biết tội khinh, biết tội trọng và biết tụng Ba-la-đề-mộc-xoa, thông lợi rộng nói.

Lại có năm pháp thành tựu…, đó là: Biết pháp xuất gia, có thể làm giáo sư, có thể làm giới sư, biết pháp của y chỉ sư và có thể biết điều chướng ngại đạo pháp hay không chướng ngại đạo pháp.

Lại có năm pháp thành tựu…, đó là:

1. Có thể dạy đệ tử thanh tịnh giới.

2. Có thể dạy đệ tử A-tỳ đàm.

3. Có thể dạy đệ tử Tỳ-ni.

4. Đệ tử ở nơi khác sầu khổ không vui, có thể khiến đệ tử trở về; nếu tự không thể thì có thể nhờ sức người khác giúp cho đệ tử trở về.

5. Đệ tử có bịnh có thể chăm sóc cung cấp; nếu tự không thể thì có thể nhờ người khác giúp đỡ cho đệ tử.

Tỳ kheo đủ năm pháp thành tựu như thế và đủ mười hạ hay hơn mười hạ mới được truyền trao giới cụ túc cho đệ tử cọng trụ. Nếu không thành tựu năm pháp trên, dù đủ mười hạ hay hơn mười hạ mà truyền trao giới cụ túc cho đệ tử cọng trụ thì mắc tội. Lại nữa-Tỳ kheo đủ năm pháp thành tựu trên và đủ mười hạ hay hơn mười hạ được làm thầy y chỉ cho người.

Pháp cho y chỉ như thế nào?: Tỳ kheo muốn cầu y chỉ nên đứng dậy trịch bày vai hữu, quỳ gối chắp tay bạch rằng:

Con tên ………. nay theo Trưởng lão cầu y chỉ, xin Trưởng lão cho con y chỉ, con nương tựa theo Trưởng lão. (3 lần). Trưởng lão đáp là được.

Lại nữa-Tỳ kheo đủ năm pháp thành tựu như trên và đủ mười hạ hay hơn mười hạ được chứa nuôi Sa di.

Pháp chứa nuôi Sa di như thế nào?: Nếu chưa cạo tóc thì nên cho cạo tóc, nếu tự có ca sa thì bảo lấy đắp, nếu tự không có thì Hòa thượng nên cho y để đắp. Nên dạy bảo quỳ gối chắp tay và giới sư dạy nói theo như sau:

Con tên ……….. nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. (3 lần). Con đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng rồi, từ nay cho đến trọn đời là Ưu-bà-tắc của Phật. Cúi xin nhớ nghĩ. (3 lần). Giới sư nói:

Thiện nam tử tên ……….. lắng nghe, đây là tri kiến của Phật Bàgià -bà, Thích ca Mâu-ni-Đa-đà-a-già-độ-A-la-ha-tam-miệu-tam-Phật đà nói ra năm giới của Ưu-bà-tắc. Hễ là Ưu-bà-tắc thì phải trọn đời thọ trì:

Một là trọn đời lìa sát sanh là giới của Ưu-bà-tắc, trong giới này trọn đời lìa sát sanh, nếu thọ trì được thì nói là được.

Hai là trọn đời lìa không cho mà lấy là giới của Ưu-bà-tắc, trong giới này trọn đời lìa không cho mà lấy, nếu thọ trì được thì nói là được.

Ba là trọn đời lìa tà dâm là giới của Ưu-bà-tắc, trong giới này trọn đời lìa tà dâm, nếu thọ trì được thì nói là được.

Bốn là trọn đời lìa vọng ngữ là giới của Ưu-bà-tắc, trong giới này trọn đời lìa vọng ngữ, nếu thọ trì được thì nói là được.

Năm là trọn đời lìa uống rượu là giới của Ưu-bà-tắc, trong giới này trọn đời lìa uống rượu, các loại rượu như rượu nếp, rượu nho… có thể làm cho say sưa phóng dật, nếu thọ trì được thì nói là được. Kế dạy nói rằng:

Con tên ………. đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng, đã xuất gia. Phật Bà-già bà, Thích ca Mâu-ni Đa-đà-a-già-độ-A-la-hatam- miệu-tam-Phật đà đã xuất gia, con nay cũng theo Phật xuất gia, Hòa thượng là ………. (3 lần).

Kế giới sư nên hỏi: “Con bao nhiêu tuổi?”, đáp tùy theo tuổi; lại hỏi: “Xuất gia vào lúc nào”, tùy theo mùa xuân, hạ hay đông, có nhuần hay không nhuần mà đáp; việc này trọn đời nên nhớ giữ. Kế giới sư nên nói:

Thiện nam tử tên ……….. lắng nghe, đây là tri kiến của Phật-Bà -già-bà, Thích ca Mâu ni-Đa-đà-a-gia-độ-A-la-ha-tam-miệu-tam-Phật đà nói ra mười giới của Sa di, hễ là Sa di thì phải trọn đời thọ trì:

Một là trọn đời lìa sát sanh là giới của Sa di, trong giới này trọn đời lìa sát sanh, nếu giữ được thì nói là được.

Hai là trọn đời lìa không cho mà lấy là giới của Sa di, trong giới này trọn đời lìa không cho mà lấy, nếu giữ được thì nói là được.

Ba là trọn đời lìa phi phạm hạnh là giới của Sa di, trong giới này trọn đời lìa phi phạm hạnh, nếu giữ được thì nói là được.

Bốn là trọn đời lìa vọng ngữ là iới của Sa di, trong giới này trọn đời lìa vọng ngữ, nếu giữ được thì nói là được.

Năm là trọn đời lìa uống rượu là giới của Sa di, trong đây trọn đời lìa uống rượu, các loại rượu như rượu nếp, rượu nho… có thể làm cho say sưa phóng dật, nếu giữ được thì nói là được.

Sáu là trọn đời lìa nằm giường cao rộng lớn là giới của Sa di, trong giới này trọn đời lìa nằm giường cao rộng lớn, nếu giữ được thì nói là được.

Bảy là trọn đời lìa đeo tràng hoa, chuỗi anh lạc và lấy hương thơm thoa thân là giới của Sa di, trong giới này trọn đời lìa đeo tràng hoa…, nếu giữ được thì nói là được.

Tám là trọn đời lìa ca múa hát xướng và không đi xem nghe tấu các nhạc cụ là giới của Sa di, trong giới này trọn đời lìa ca múa…, nếu giữ được thì nói là được.

Chín là trọn đời lìa cất chứa vàng bạc, tiền và vật báu là giới của Sa di, trong giới này trọn đời lìa cất chứa vàng…, nếu giữ được thì nói là được.

Mười là trọn đời lìa ăn phi thời là giới của Sa di, trong giới này trọn đời lìa ăn phi thời, nếu giữ được thì nói là được.

Như thế Tỳ kheo thành tựu năm pháp và đủ mười hạ được chứa nuôi Sa di, nếu không thành tựu năm pháp và không đủ mười hạ mà chứa nuôi Sa di đều mắc tội”.

Phật tại thành Vương xá, Trưởng lão Đại Mục-kiền-liên truyền trao giới cụ túc cho mười bảy thiếu niên ở trong thành Vương xá. Các thiếu niên này vào lúc xế chiều bị đói bức bách nên lớn tiếng khóc la trong Tăng phường, Phật nghe rồi liền hỏi A-nan nguyên do, sau đó do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Mục-liên: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Thầy không biết thời, không biết lượng, không biết giới hạn độ người. Người chưa đủ hai mươi tuổi thì không thể chịu đựng được lạnh nóng, đói khát, muỗi mòng rắn rít… cho đến nghe người khác nói lời ác thì trong lòng đau đớn không chịu nổi”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay người chưa đủ hai mươi tuổi thì không được cho thọ giới cụ túc, nếu cho thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Phật bảo các Tỳ kheo: “Nếu có ngoại đạo khác tin theo thiện pháp muốn xuất gia thì nên cho người này hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng, đủ bốn tháng làm cho các Tỳ kheo vừa ý thì nên cho xuất gia”. Pháp cho Ba-lợi-bà-sa như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, ngoại đạo này nên đứng dậy trịch bày vai hữu, quỳ gối chắp tay bạch Tăng rằng:

Các Trưởng lão nhớ nghĩ, con tên ……….. vốn là dị đạo (người theo đạo khác) do tin theo thiện pháp nên muốn xuất gia. Con tên ………. vốn là dị đạo nay theo Tăng xin hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng, xin Tăng cho con tên ……….. vốn là dị đạo được hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng, nếu làm cho các Tỳ kheo vừa ý thì Tăng sẽ cho con xuất gia thọ giới cụ túc (3 lần). một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, người này tên ……….. vốn là dị đạo, do tin theo thiện pháp nên muốn xuất gia. Nay dị đạo này theo Tăng xin hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng, nếu làm cho các Tỳ kheo vừa ý thì Tăng sẽ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cho dị đạo này hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng đã cho dị đạo này hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Trong đây sao gọi là làm cho vừa ý, sao gọi là không làm cho vừa ý? Ở trước dị đạo này nên khen ngợi Phật pháp tăng và giới đồng thời chê trách dị đạo, nếu khi nghe khen ngợi Phật pháp tăng và giới mà dị đạo này sanh tâm không vui cho đến chỉ trong chốc lát; còn khi nghe chê trách dị đạo thì lại ưu sầu nổi sân tranh cải thì đây gọi là không làm cho vừa ý. Ngược lại nếu khi nghe khen ngợi Phật pháp tăng và giới mà sanh tâm vui mừng, còn khi nghe chê trách dị đạo thì không có ưu sầu và không có nổi sân tranh cải thì đây gọi là làm cho vừa ý. Xét thấy dị đạo này được như thế thì nên cho xuất gia thọ giới cụ túc. Pháp cho xuất gia như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, dị đạo này đứng dậy trịch bày vai hữu, quỳ gối chắp tay bạch tăng rằng:

Đại-đức Tăng nhớ nghĩ, con tên ………. vốn là dị đạo do tin theo thiện pháp nên muốn xuất gia. Con trước đã theo Tăng xin hành Ba-lợibà-sa trong bốn tháng, Tăng đã cho con được hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng. Con tên ……….. vốn là dị đạo hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng đã xong, con nay theo Tăng xin xuất gia thọ giới cụ túc, xin Tăng cho con tên ……….. vốn là dị đạo đã hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng đã xong và đã làm cho các Tỳ kheo vừa ý, nay được xuất gia thọ giới cụ túc (3 lần). Một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức Tăng già lắng nghe, dị đạo này tên ………. do tin theo thiện pháp nên muốn xuất gia, đã theo Tăng xin hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng, Tăng đã cho hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng. Dị đạo này hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng đã xong, nay theo Tăng xin xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, dị đạo này hành Ba-lợi-bà-sa trong bốn tháng đã xong và đã làm cho các Tỳ kheo vừa ý, Tăng nay cho dị đạo này xuất gia thọ giới cụ túc. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng đã cho dị đạo này xuất gia thọ giớ cụ túc xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Phật tại thành Vương xá, tự tứ xong Phật muốn du hành đến nước Nam sơn trong hai tháng nên bảo A-nan: “Thầy đi thông báo cho các Tỳ kheo: Phật ở thành Vương xá tự tứ xong muốn du hành đến nước Nam sơn trong hai tháng, ai muốn đi theo thì nên nhóm lại đợi Phật”, A-nan vâng lời Phật dạy đi thông báo cho các Tỳ kheo biết. Lúc đó ở trong thành Vương xá có nhiều Tỳ kheo trẻ tuổi từ một tuổi hạ cho đến năm tuổi hạ, ít có Tỳ kheo hạ lạp cao. Các Tỳ kheo trẻ này suy nghĩ: “Nếu đi theo Phật, đến đâu cũng đều không trụ lâu, những lợi dưỡng cúng dường thường thọ từ y chỉ sư, đi rồi trở về lại mau; Hòa thượng, A-xà-lê của ta không đi, chúng ta vì sao lại đi”, nghĩ như thế nên không đi theo Phật. Lúc đó chỉ có số ít Tỳ kheo trẻ đi theo Phật; khi trở về lại thành Vương xá, Phật hỏi A-nan nguyên do, A-nan nói rõ nguyên do, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho các Tỳ kheo có năm pháp thành tựu và đủ năm tuổi hạ được lìa y chỉ, đó là: Biết phạm, biết không phạm, biết khinh, biết trọng và tụng Ba-la-đề-mộc-xoa thông lợi, rộng nói. Dù thọ giới nhiều năm mà không biết năm pháp này, vẫn phải trọn đời y chỉ nương ở với người khác”. Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Đại Tỳ kheo có nên y chỉ tiểu Tỳ kheo nương ở không?”, Phật nói nên, lại hỏi: “Đại Tỳ kheo có nên thừa sự cúng dường tiểu Tỳ kheo không?”, Phật nói: “Trừ lễ bái dưới chân, những việc khác đều nên làm”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó trong thành Xá-vệ có một cư sĩ bị vô thường ập đến, tài sản không còn, vợ con quyến thuộc đều ly tán, chỉ còn lại ba cha con. Cư sĩ suy nghĩ: “Trong các đạo chỉ có Sa-môn Thích tử được nhiều cúng dường, an lạc không có buồn khổ. Nếu ta xuất gia trong đạo này thì không có gì là không được”, nghĩ rồi liền dẫn hai con đến trong Kỳ viên cầu xuất gia, các Tỳ kheo không biết được mục đích của cư sĩ nên cho xuất gia. Trải qua vài ngày, Tỳ kheo Ma-ha-lư này đắp y mang bát dẫn hai con vào thành khất thực, đi đến các cửa hàng bán cơm, bánh, bún… hai đứa con này thấy đói nên đòi ăn, nói với cha rằng: “A phụ, con muốn ăn cơm, ăn bánh”, liền đáp: “Cha chỉ đi xin chứ không có tiền mua”, hai đứa con khóc lóc đi theo cha. Các cư sĩ thầy rồi liền quở trách: “Sa-môn Thích tử không đoạn dục, ở trong Tăng phường cùng Tỳ kheo ni sanh con”, một người truyền nói cho một người dần dần lan ra khắp trong thành Xá-vệ. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Ma-ha-lư: “Thầy thật có như thế phải không?”, đáp: “Thật như thế thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cho người chưa đủ mười lăm tuổi làm Sa di”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay người không đủ mười lăm tuổi không cho làm Sa di, nếu cho làm Sa di thì mắc tội Đột-kiết-la”

Phật tại nước Ca-tỳ-la-vệ, lúc đó Tỳ-lưu-ly ngu si giết hại dòng họ Thích ở nước Ca-tỳ-la-ve, có hai đứa trẻ là bà con quyến thuộc của Anan chạy đến chỗ A-nan, A-nan liền đem thức ăn dư nuôi dưỡng chúng, Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan: “Hai đứa trẻ này là ai?”, đáp: “Là thân thuộc của con”, Phật nói: “Vì sao không cho xuất gia”, đáp: “Phật chế người chưa đủ mười lăm tuổi không cho làm Sa di, hai đứa trẻ này chưa đủ mười lăm tuổi”, Phật hỏi: “Hai đứa trẻ này có thể xua đuổi chim quạ vào bữa ăn của Tăng không?”, đáp là có thể, Phật nói: “Từ nay đứa trẻ nào có thể xua đuổi chim quạ thì cho làm Sa di, ít nhất là bảy tuổi”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Bạt-nan-đà Thích tử có nuôi hai Sa di tên là Ty-đà và Ma-già, hai Sa di này ở trong Tăng phường cùng làm việc dâm dục, các cư sĩ thầy rồi liền chê trách: “Sa-môn Thích tử không có hạnh thanh tịnh, cùng làm việc dâm dục”, một người nói cho hai người dần dần lan ra khắp trong thành Xá-vệ. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại chứa nuôi hai Sa di”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không cho chứa nuôi hai Sa di, nếu chúa nuôi thì phạm Đột-kiết-la; nếu nuôi hai Sa di mà một Sa di sắp thọ cụ túc thì không tội”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có nô bộc của một đại gia không phóng thích mà Bạt-nan-đà lại độ cho xuất gia. Xuất gia không bao lâu sau, người này đắp y mang bát vào thành khất thực, vị đại gia trước kia vừa nhìn thấy liền bắt giữ, người này lớn tiếng kêu, mọi người nhóm lại hỏi nguyên do, vị đại gia nói: “Người này là nô bộc của tôi, tôi không phóng thích mà tự xuất gia”, mọi người hỏi: “Xuất gia trong đạo nào?”, đáp là Sa-môn Thích tử, mọi người nói: “Đừng làm như thế vì vua Bình sa có lịnh, nô bộc mà đại gia không phóng thích nếu xuất gia trong Sa-môn Thích tử thì đại gia không được ngăn, vì sao, vì Sa-môn Thích tử hành khổ hạnh là khó, bỏ thế sự hướng tới niết bàn là khó”, vị đại gia tức giận mắng rằng: “Sa-môn Thích tử là chỗ vô úy, nô bộc mà đại gia không phóng thích nếu xuất gia trong Sa-môn Thích tử thì không được nói”, một người nói cho hai người dần dần lan ra khắp trong thành Vương xá. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại độ nô bộc mà đại gia không phóng thích cho xuất gia”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay nô bộc mà đại gia không phóng thích thì không được độ cho xuất gia, nếu độ thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có người mắc nợ mà chủ nợ chưa phóng thích, Bạt-nan-đà liền độ cho xuất gia. Vài ngày sau, người này đắp y mang bát vào thành khất thực, chủ nợ vừa nhìn thấy liền bắt giữ, người này lớn tiếng kêu, mọi người nhóm lại hỏi nguyên do, chủ nợ nói: “Người này mắc nợ tôi, chưa trả nợ mà đi xuất gia”, lại hỏi: “Xuất gia trong đạo nào?”, đáp là Sa-môn Thích tử, mọi người nói: “Đừng làm như thế vì vua Bình sa có lịnh, người mắc nợ mà chủ nợ không phóng thích nếu xuất gia trong Sa-môn Thích tử thì chủ nợ không được ngăn, vì sao, vì… giống như trên”, chủ nợ tức giận mắng giống như trên, một người nói cho hai người dần dần lan ra khắp trong thành Vương xá. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại độ người mắc nợ mà chủ nợ không phóng thích cho xuất gia”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay người mắc nợ mà chủ nợ không phóng thích, không được độ cho xuất gia, nếu độ thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có con của ông thợ rèn đến trong Tăng phường ở Trúc lâm cầu xuất gia, các Tỳ kheo liền độ cho xuất gia. Cha mẹ tông thân của người con này đi tìm khắp nơi, kế đến trong Trúc lâm hỏi các Tỳ kheo: “Các thầy có thấy một đứa trẻ như thế, như thế đến đây không?”, trong đấy có Tỳ kheo nói: “Không thấy thì nói là không thấy, không nghe thì nói là không nghe”, cha mẹ tìm con thời gian lâu không được liền bỏ không tìm nữa. Thời gian sau người con này đắp y mang bát vào thành khất thực, tông thân nhìn thấy liền hỏi: “Con đã xuất gia rồi ư?”, đáp là đã xuất gia, lại hỏi: “Xuất gia trong đạo nào?”, đáp là Sa-môn Thích tử, lại hỏi ở gần hay xa, đáp là ở trong Trúc lâm, tông thân liền tức giận mắng rằng: “Sa-môn Thích tử cố ý vọng ngữ, thấy nói là không thấy, nghe nói là không nghe”, một người nói cho hai người dần dần lan ra khắp trong thành Vương xá. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay người cầu xuất gia có hai việc nên bạch Tăng: Một là xuất gia, hai là cạo tóc. Dù Tăng nhóm hay không nhóm, hai việc này đều nên bạch Tăng như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, người này tên ……… cầu xuất gia, cạo tóc. Xin Tăng nhớ nghĩ.

Nếu đã cạo tóc, dù Tăng nhóm hay không cũng nên bạch một việc như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, người này tên ………. cầu xuất gia, xin Tăng nhớ nghĩ.

Nếu Tăng không nhóm nên dẫn đi đến từng phòng bạch rằng: “Trưởng lão, người này tên ………. cầu xuất gia, xin Trưởng lão nhớ nghĩ”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Kỳ-bà dược sư chỉ trị bịnh cho hai hạng người: Một là vua Bình sa, hai là Phật và Tỳ kheo tăng. Vì sao trị cho vua Bình sa, vì y thực; vì sao trị bịnh cho Phật và Tăng, vì lòng tin, kính ái và tự thanh tịnh. Vì thế các cư sĩ mắc bịnh nặng khó trị như ung thư… đến cầu xin chữa trị với một trăm tiền vàng, ông cũng không chịu chữa; dù họ trả tăng dần lên đến năm trăm tiền vàng ông cũng vẫn không chịu chữa. Họ sầu khổ suy nghĩ: “Kỳ-bà chỉ trị bịnh cho hai hạng người…, nay chúng ta trả đến năm trăm tiền vàng, ông ta cũng không chịu chữa trị. Các Sa-môn Thích tử này phước đức thành tựu, nếu chúng ta xuất gia trong đây, Kỳ-bà ắt sẽ chữa trị cho chúng ta”, nghĩ rồi họ liền đến chỗ các Tỳ kheo cầu xuất gia, các Tỳ kheo liền độ cho xuất gia. Những người này đều mắc bịnh nặng thường phải nấu cơm, canh, thịt và sắc thuốc để trị bịnh, cho đến đổ đồ đại tiểu tiện và khạc nhổ, ra vào nhiều việc nhiều duyên nên bỏ phế việc tụng kinh ngồi thiền. Do những người bịnh này nhiều nên Kỳ-bà không thể trị hết được nên trễ nãi trong việc phục vụ cho vua; còn những người bịnh này sau khi lành bịnh, trở lại mạnh khỏe được sắc lực liền xả giới hoàn tục. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại độ những người mắc bịnh nặng khó trị như ung thư… giống như đoạn văn trên cho đến câu được sắc lực liền xả giới hoàn tục”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay những người mắc bịnh nặng khó trị như ung thư… không nên độ xuất gia và cho thọ giới cụ túc, nếu cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Ca-tỳ-la-vệ, lúc đó vua Tịnh phạn đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch Phật: “Đại-đức, cho tôi nguyện”, Phật nói: “Kiều đàm, Phật không cho vua nguyện quá”, vua nói: “Nếu được thì cho tôi như nguyện”, Phật nói: “Nếu được thì sẽ cho vua như nguyện, vua muốn nguyện điều gì?”, vua nói: “Khi Phật xuất gia tâm tôi ưu sầu không vui, không chịu nổi; Nan-đà, La-hầu-la và các con sau khi xuất gia tôi cũng ưu sầu không vui, không chịu nổi. Nay Phật cho tôi nguyện, nếu cha mẹ không cho phép thì Tăng không được độ cho xuất gia, vì sao, vì cha mẹ dựa vào con để được vẻ vang”, Phật nói: “Kiều đàm, Phật vốn cũng muốn kết giới cho các Tỳ kheo: Cha mẹ nếu không cho phép thì Tăng không được độ cho xuất gia”. Lúc đó Phật thuyết pháp cho vua Tịnh phạn, chỉ dạy cho được lợi hỉ rồi im lặng, vua được lợi hỉ rồi đứng dậy đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi đi. Không bao lâu sau Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cha mẹ không cho phép thì Tăng không được độ cho xuất gia, nếu độ cho xuất gia thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni từ nước Kiều-tát-la du hành đến nước Xá-vệ, trong rừng Tát-la có giặc phá pháp bắt Tỳ kheo ni làm nhục, tiếng xấu lan ra khắp thành ấp. Thế lực của vua và của tụ lạc bao vây bắt hết bọn cướp, chỉ có một tên chạy thoát trốn qua nước Bà-kỳ-đà, đến chỗ các Tỳ kheo cầu xuất gia, các Tỳ kheo liền độ cho xuất gia. Pháp thường của chư Phật là một năm có hai kỳ đại hội vào tháng sau của cuối mùa xuân và vào tháng sau của cuối mùa hạ. Vào tháng cuối của mùa xuân, Tỳ kheo các nơi suy nghĩ: “Phật đã dạy chúng ta nên an cư, trong ba tháng an cư tu tập sẽ được an lạc trụ”, đây là đại hội thứ nhất. Vào tháng cuối của mùa hạ, các Tỳ kheo an cư ba tháng đã xong nghĩ rằng: “Đã lâu chúng ta không gặp Phật”, nghĩ rồi liền đắp y mang bát đi đến chỗ Thế tôn, đây là đại hội thứ hai. Lúc đó các Tỳ kheo nước Bà kỳ đà sau khi tự tứ và may y xong liền đắp y mang bát du hành đến nước Xá-vệ, Tỳ kheo là tên cướp trước kia cũng xin được đi theo. Các Tỳ kheo đi đến giữa đường nhìn thấy rừng Tát la liền nhớ lại chuyện trước kia nên nói rằng: “Trước kia trong rừng này có bọn giặc phá pháp đã bắt các Tỳ kheo ni làm nhục”, Tỳ kheo này liền nói: “Các Trưởng lão, bọn ác tặc đó là thân hữu đồng nghiệp của tôi trước kia, tôi đã cùng làm việc ác đó”, các Tỳ kheo nghe rồi không biết làm sao, khi đến nước Xá-vệ đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên. Pháp thường của Phật là khi có khách Tỳ kheo đến đều hỏi thăm có nhẫn đủ không, có an lạc không, khất thực có dễ không, đi đường có nhọc mệt không. Lúc đó các Tỳ kheo đều đáp là nhẫn đủ, được an lạc trụ, khất thực không khó, đi đường không nhọc mệt, rồi đem việc trên bạch Phật. Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Trong rừng Tát la này trước đây có ác tặc, làm việc đại ác là bắt các Tỳ kheo ni làm nhục. Kẻ giặc này phạm đại tội, vì sao, vì các Tỳ kheo ni này phần nhiều là A-la-hán, người đã làm ô nhục Tỳ kheo ni thì không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc; nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc rồi thì nên diệt tẫn, vì sao, vì làm ô nhục Tỳ kheo ni thì không thể sanh được thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, trong thành này có một cư sĩ bị vô thường ập đến, tất cả tài sản không còn, vợ con quyến thuộc đều ly tán. Lúc đó cư sĩ suy nghĩ: “Sa-môn Thích tử phước đức thành tựu, ta phải bắt chước Sa-môn Thích tử may y Tăng-già-le, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội, sắm đủ bát, đãy lượt nước, tích trượng…; làm như thế giống như tặc trụ thì có khổ gì đâu”, nghĩ rồi liền lo liệu đầy đủ mọi thứ, sau đó lẻn vào ở trong Tăng. Các Tỳ kheo có nhóm hay không nhóm từ từ gạn hỏi: “Trưởng lão được mấy tuổi hạ, vào thời tiết gì, nhuần hay không nhuần”, người này không biết vào thời tiết gì nên không trả lời được, các Tỳ kheo dịu dàng gạn hỏi tới, liền đáp: “Tôi trộm làm Tỳ kheo lén vào ở giống như Tặc trụ”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi : “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo có đầy đủ Hòa thượng, A-xà-le, giáo thọ sư được vi diệu thiện pháp Tỳ-ni lại để cho kẻ trộm làm Tỳ kheo vào ở giống như Tặc trụ”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Người này gọi là Tặc trụ, không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc; nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn, vì sao, vì Tặc trụ không sanh thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Bạt-nan-đà độ cho bất năng nam xuất gia, người này ban đêm sờ mó các Tỳ kheo, các Tỳ kheo đuổi ra; sau đó lại đến sờ mó các Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni đều bị các vị này đuổi ra; sau đó lại đi sờ mó các cư sĩ vào ngủ trong Tăng phường, các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử cho bất năng nam xuất gia thọ giới cụ túc”, một người nói cho hai người dần dần lan ra khắp trong thành Vương xá. ”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại độ bất năng nam cho xuất gia”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được độ bất năng nam cho xuất gia và thọ giới cụ túc, nếu cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phạm Đột-kiết-la”.

Có năm loại bất năng nam:

– Một là Sanh bất năng nam: Người này từ khi sanh ra đã không thể làm việc dâm dục.

– Hai là nửa tháng bất năng nam: Người này nửa tháng có thể làm việc dâm, nửa tháng không thể.

– Ba là Đố bất năng nam: Người này khi thấy người khác hành dâm thì thân phần dụng.

– Bốn là Tinh bất năng nam: Nhơn người khác dâm thân thì thân phần dụng.

– Năm là Bịnh bất năng nam: Nam căn của người này bị hư hoại hoặc bị thiến mất hoặc bị trùng cắn.

Trong năm loại này thì bốn loại đầu không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn, vì sao, vì bốn loại bất năng nam này không sanh thiện pháp Tỳ-ni. Còn Bịnh bất năng nam nếu xuất gia thọ giới cụ túc trước rồi mới bị thiến mất hoặc bị trùng cắn, bị hư hoại hoặc bất động thì cho ở; nhưng nếu xả giới mà muốn xuất gia thọ giới cụ túc trở lại thì không nên cho, nếu cho thì nên diệt tẫn, vì sao, vì Bịnh bất năng nam không sanh thiện pháp Tỳ-ni.

Phật tại thành Vương xá, có Tỳ kheo cho dị đạo xuất gia, dị đạo này vì chút nhân duyên liền cùng thầy tranh cải, không xả giới mà trở về với dị đạo trước kia. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Ví như chó đói ốm được cho thức ăn ngon lại không chịu ăn, trở lại ăn chất bất tịnh. Người ngu si này cũng thế, bỏ thiện pháp trở lại với dị đạo trước kia”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Người bỏ qua sự cứu giúp này không nên độ cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu đã cho thì nên diệt tẫn, vì sao, vì người bỏ qua sự cứu giúp này không sanh thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, có một Bà-la-môn giết mẹ rồi suy nghĩ: “Ta gây đại tội giết mẹ, chỗ nào có thể trừ được tội ác này. Ta nghe nói Sa-môn Thích tử có thể trừ diệt được tội ác này”, nghĩ rồi liền đến chỗ các Tỳ kheo cầu xuất gia, các Tỳ kheo hỏi: “Ngươi là Bà-la-môn bất tín khinh mạn, đêm dài ác tà là oan gia của Phật pháp, do đâu mà có òng tin xuất gia?”, liền đáp: “Đại-đức, tôi gây đại tội giết mẹ nên tôi suy nghĩ … giống như đoạn văn trên, vì thế tôi muốn xuất gia”. Các Tỳ kheo nghe rồi không biết làm sao liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Người này có tội giết mẹ, không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu đã cho thì nên diệt tẫn, vì sao, vì người có tội giết mẹ thì không sanh thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có các Tỳ kheo từ nước Kiều-tát-la du hành đến nước Xá-vệ, trong rừng Tát la có bọn giặc phá pháp cướp đoạt y vật và giết chết các Tỳ kheo này, tiếng xấu lan ra khắp trong các thành ấp. Thế lực của vua và của tụ lạc bao vây bắt hết bọn cướp, chỉ còn một tên chạy thoát trốn đến trong Kỳ hoàn, ở chỗ các Tỳ kheo cầu xuất gia, các Tỳ kheo liền cho xuất gia. Lúc đó bọn giặc cướp bị đem ra hành hình, các Tỳ kheo nói với nhau: “Hãy cùng đi xem tội báo thế gian”, Tỳ kheo là tên cướp trước kia xin được cùng đi. Khi thấy bọn cướp bị chặt đầu máu chảy, Tỳ kheo này liền suy nghĩ: “Nếu ta không xuất gia cũng sẽ như thế”, nghĩ rồi kinh hãi té ngã xuống đất. Các Tỳ kheo lấy nước rưới cho tỉnh lại rồi hỏi: “Thầy không phải là người của bọn cướp đã làm nghiệp ác đó và cũng không phải suy nghĩ về nghiệp ác đó thì cớ sao lo sợ như thế?”, liền đáp: “Bọn giặc trong rừng Tát la cướp y vật và giết chết các Tỳ kheo là thân hữu đồng nghiệp của tôi, trước kia tôi cũng đã làm việc ác đó nên tôi suy nghĩ: Nếu tôi không xuất gia cũng sẽ như thế, vì thế tôi kinh hãi té ngã xuống đất”. Các Tỳ kheo nghe rồi không biết làm sao liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Bọn giặc trong rừng Tát-la phóng dật điên đảo đã giết chết các Tỳ kheo, làm nhiều nghiệp ác. Các Tỳ kheo đó phần nhiều là A-la-hán, người giết A-la-hán không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu đã cho thì nên diệt tẫn, vì sao, vì người giết A-la-hán thì không sanh thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một con rồng tín tâm thanh tịnh, nhàm chán thân rồng, ra khỏi cung rồng biến thành người đi đến chỗ các Tỳ kheo cầu xin xuất gia, các Tỳ kheo liền cho xuất gia. Rồng nay được ở chung phòng với một Tỳ kheo khác, sáng hôm sau đi khất thực, do có phước nên khất thực mau được, liền về cung của mình ăn, ăn xong trở về ở trong phòng trước, đóng cửa ngồi kiết già, do trời nóng nên rồng nằm lăn ra ngủ. Có năm nhân duyên thân rồng không biến: Một là khi sanh, hai là khi chết, Ba là khi hành dâm, bốn là khi sân, năm là khi ngủ. Lúc đó do ngủ say nên hiện trở lại thân rồng, thân to lớn đầy chật cả phòng, Tỳ kheo cùng phòng về sau nhìn thấy kinh hãi la lớn. Rồng nghe tiếng la liền tỉnh giấc, trở lại hình người ngồi kiết già. Các Tỳ kheo nghe la liền nhóm lại hỏi nguyên do, liền đáp: “Người này là rắn”. Các Tỳ kheo nghe rồi không biết làm sao liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Người nay không phải là rắn mà là rồng”, Phật bảo kêu đến, rồng đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật thuyết pháp cho được lợi hỉ rồi bảo rồng: “Ngươi hãy trở về cung trước kia của ngươi đi”, rồng nghe rồi khóc, gạt lệ đứng dậy đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi đi. Sau khi rồng đi rồi, Phật do nhân duyên này bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được cho rồng xuất gia và thọ giới cụ túc, nếu cho thì phạm Đột-kiết-la; tất cả loài phi nhơn cũng như thế”.

Phật tại nước Xá-vệ trong vườn Chiêm-bặc, có một trưởng giả tử xuất gia rồi bị bịnh triền miên, tông thân sai sứ kêu về để trị bịnh. Người này có thân tộc đông, mỗi người thỉnh thực một ngày và cho nhiều tài vật, nhưng vẫn không trị hết bịnh, cuối cùng mạng chung. Tỳ kheo bịnh này tên là Ba là đà, có một Sa di ở trong chúng này vừa mới thọ giới cụ túc; trong chúng nqỳ có Lục quần Tỳ kheo nói rằng: “Tỳ kheo mới thọ giới không được chia phần đồng với đại Tỳ kheo, nên chia phần theo Sa di”, liền hỏi vì sao, đáp là thọ giới yết ma không đủ. Tỳ kheo này không biết làm sao liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nên hỏi các Tỳ kheo trong yết ma là đủ hay không đủ”, liền đi hỏi các Tỳ kheo, các Tỳ kheo đáp: “Tôi tuy ở trong yết ma nhưng không nhớ không biết”, Tỳ kheo này trở về bạch Phật, Phật nói: “Từ nay các Tỳ kheo khi cho yết ma phải nhất tâm lắng nghe, chớ nghĩ đến việc khác, phải chuyên tâm kính trọng, tư duy tâm tâm nhớ nghĩ. Nên cho yết ma như thế và người làm yết ma nên nói rõ ràng đấy là yết ma lần thứ nhất, đây là yết ma lần thứ hai, đây là yết ma lần thứ ba; nếu không nói rõ ràng như thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Phật bảo các Tỳ kheo: “Nếu có người ác tâm làm cho Phật bị thương chảy máu thì không nên cho xuất gia, nếu đã cho xuất gia thì nên diệt tẫn, vì sao, vì người ác tâm làm cho Phật bị thương chảy máu thì không sanh thiện pháp Tỳ-ni. Có người phi pháp tưởng là phi pháp, đã phá tăng rồi khởi phi pháp kiến, người này sau mắc tội; nếu phi pháp tưởng là pháp, phá tăng rồi khởi phi pháp kiến, người này sau mắc tội. Nếu phi pháp tưởng là phi pháp, phá tăng rồi nghi, người này sau mắc tội. Người này không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu cho rồi thì nên diệt tẫn, vì sao, vì người phá tăng không sanh thiện pháp Tỳ-ni. Có người khi xuất gia vốn đã phạm dâm nhẫn đến cùng với súc sanh, người này không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc; nếu đã cho thì nên diệt tẫn, vì sao, vì người vốn đã phạm giới thì không sanh thiện pháp Tỳ-ni. Có người khi xuất gia vốn đã phạm trộm, cho đến trộm năm tiền hoặc vật trị giá năm tiền. Người này không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu đã cho thì nên diệt tẫn, vì sao, vì người vốn đã phạm giới thì không sanh thiện pháp Tỳ-ni. Có người khi xuất gia vốn đã tự tay giết người, lại không có tưởng khác, không có phương tiện khác. Người nay không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu đã cho thì nên diệt tẫn, vì sao, vì nguời vốn đã phạm giới thì không sanh thiện pháp Tỳ-ni. Có người khi xuất gia vốn đã rỗng không, không có pháp hơn người mà tự khen ngợi rằng tôi có pháp hơn người. Người nay không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu đã cho thì nên diệt tẫn, vì sao, vì người vốn đã phạm giới thì không sanh thiện pháp Tỳ-ni. Có người không bị tẫn, xả giới rồi sau đó muốn xuất gia trở lại, đến chỗ các

Tỳ kheo nói rằng: “Đại-đức cho tôi xuất gia, xuất gia xong tôi sẽ thấy tội”. Các Tỳ kheo hỏi Phật có nên cho người này xuất gia không, Phật nói nên cho, cho xuất gia rồi liền nói: “Tôi không thấy tội này. Đại-đức cho tôi thọ giới cụ túc, thọ cụ túc rồi tôi sẽ thấy tội này”. Các Tỳ kheo hỏi Phật có nên cho thọ không, Phật nói nên cho, thọ giới cụ túc rồi lại nói là không thấy tội này. Các Tỳ kheo hỏi Phật có nên tẫn không, Phật nói: “Nếu Tăng nhất tâm hòa hợp thì nên tẫn, Tăng không hòa hợp thì không nên tẫn”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó vợ của các tướng quân, chồng đi chinh phạt lâu không về nên ở nhà tư thông với phi nhơn. Các phi nhơn này hình thể không đầy đủ hoặc đầu voi, hoặc đầu ngựa, đầu trâu, đầu khỉ… nên khi họ sanh ra con cũng có hình thể giống như vậy. Vì thương con nên các bà mẹ này nuôi chúng đến khôn lớn, nhưng vì chúng không làm việc được nên họ đuổi đi, những người con này đi khắp nơi xin ăn dần dần đi đến Trúc viên. Trong Trúc viên Lục quần Tỳ kheo ưa gây ra tội nên người thiện không thích ở chung, nếu người nào cùng ở chung thì bị các Tỳ kheo chê trách là thân gần với người ác; cho đến đệ tử cọng trụ thấy thầy làm hạnh xấu cũng tự bỏ đi. Lúc đó Lục quần thấy những người con của loài phi nhơn này liền suy nghĩ: “Ta nếu chứa nuôi đệ tử tốt thì các Tỳ kheo khác chê trách và khuyên chúng bỏ đi, nay ta nên chứa nuôi những người này thì còn ai khuyên chúng bỏ đi nữa; nếu có khuyên bỏ đi thì người xấu xa như thế ai mà ưa thích”, nghĩ rồi liền nói với chúng: “Các ngươi vì sao không xuất gia”, đáp: “Chúng con xấu xí, ai sẽ độ cho chúng con xuất gia”, Lục quần nói: “Các ngươi có thể thay ta thứ lớp giữ phòng hoặc đưa thức ăn cho người giữ phòng giùm ta, hoặc có thể thay ta gánh y bát thì ta sẽ cho các ngươi xuất gia”, liền đáp là xin vâng theo, Lục quần Tỳ kheo liền độ cho xuất gia. Lúc đó có người thỉnh Phật và Tăng, Lục quần Tỳ kheo do hai nguyên nhân nên sai đệ tử gánh y bát đi trước: Một là vì đi chậm, hai là nếu đi cùng thì hổ thẹn. Các cư sĩ này tin Phật nên tâm thanh tịnh, nhưng các đệ tử của dị đạo thì cười chê rằng: “Đây là phước điền mà các vị cúng dường hay sao, người đi trước thì đến ăn trước”, các cư sĩ nghe rồi liền hổ thẹn, đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm như thế phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại độ người đầu voi, đầu ngựa, đầu trâu… cho xuất gia”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay những người đầu voi, đầu ngựa, đầu trâu… đều không nên cho xuất gia; nếu cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phạm Đột-kiết-la. Lại nữa, người tóc vàng, người tóc xanh, tóc đỏ, tóc bạc trắng… cho đến người không tóc, tất cả đều không nên cho xuất gia; nếu cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phạm Đột-kiết-la. Lại nữa người mắt đỏ, mắt sâu, mắt lồi, mắt thủy tinh… cho đến người một mắt cũng đều không nên cho xuất gia; nếu cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phạm Đột-kiết-la. Lại nữa người lỗ tai voi, lỗ tai ngựa, lỗ tai dê… cho đến người không có lỗ tai; người mũi chó, mũi trâu, mũi khỉ…; người môi lớn, môi trề, người sứt môi…; người răng voi, răng ngựa… cho đến người không răng; người cổ dài, cổ ngắn…; người quá cao, quá lùn, quá đen, quá trắng, người tật nguyền, người đoạn âm, bất năng nam, người bị chặt tay, người bị chặt chân, người bị móc mắt, người bị xẻo tai, xẻo mũi…, người điên cuồng, người tợ quỷ, người mù, người điếc, người câm, người ngọng, người tuổi quá nhỏ, người tuổi quá già, người không đi được, không ngồi được, không đứng được, không nằm được… tất cả loại người kể trên làm ô nhiễm chúng tăng đều không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc; nếu cho thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật lại bảo các Tỳ kheo: “Pháp thọ cụ túc có ba việc hiện tiền được thọ cụ túc: Một là có Tăng, hai là có người muốn thọ cụ túc, Ba là có yết ma”.

Người muốn thọ cụ túc mới đến nên bảo theo thứ lớp đảnh lễ Tăng, kế dạy pháp thọ y, nên hỏi: “Y này có phải là của con có hay không?”, đáp là của con có, nên nói: “Con hãy theo theo ta”:

Con tên là ……….. y Tăng-già-lê này có chín điều là y cắt rọc (chưa cắt rọc), y này nay con xin thọ trì. (3 lần)

Kế hỏi: “Y này có phải là của con có hay không?”, đáp là của con có, nên nói: “Con hãy nói theo ta”:

Con tên là ……….. y Uất-đa-la-tăng này có bảy điều là y cắt rọc

(chưa cắt rọc), y này nay con xin thọ trì.(3 lần)

Kế hỏi giống như trên và bảo: “Con hãy nói theo ta”:

Con tên là ……….. y An-đà-hội này có năm điều là y cắt rọc (chưa cắt rọc), y này nay con xin thọ trì. (3 lần)

Kế hỏi: “Bát-đa-la này có phải là của con có hay không?”, đáp là của con có, nên bảo: “Con hãy nói theo ta”:

Con tên là ……….. Bát-đa-la ứng lượng khí này nay con xin thọ để dùng lâu dài. (3 lần)

Dạy thọ y bát rồi, kế dạy cầu Hòa thượng:

Con tên là ……….. nay cầu Trưởng lão làm Hòa thượng, Trưởng lão vì con làm Hòa thượng, con nương theo Trưởng lão Hòa thượng để được thọ giới cụ túc. (3 lần)

Giới sư nên hỏi Hòa thượng: “Thầy có thể làm Hòa thượng cho giới tử này không?”, đáp là có thể, giới sư nên dẫn người thọ giới đến chỗ chỉ thấy mà không nghe ở trong giới tràng, rồi trở lại trong Tăng xướng: “Chúng tăng hòa hợp nhóm, ai có thể là giáo thọ sư cho giới tử này?”, nếu trong Tăng có người đáp là có thể thì Tăng nên xét người này nếu có đủ năm pháp thì không nên cử làm giáo thọ sư, đó là vì yêu mà dạy, vì sân mà dạy, vì sợ mà dạy, vì si mà dạy và không biết day hay không dạy. Ngược lại nếu có năm pháp thành tựu thì nên cử làm giáo thọ sư, đó là không vì yêu mà dạy, không vì sân mà dạy, không vì sợ mà dạy, không vì si mà dạy và biết dạy hay không dạy. Kế xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, giới tử này tên ………. theo Hòa thượng ……….. cầu thọ giới cụ túc, Tỳ kheo ……….. làm giáo thọ sư. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cử Tỳ kheo ……… làm giáo thọ sư để dạy giới tử tên ……….. Bạch như thế.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã chấp thuận cử Tỳ kheo ………. làm giáo thọ sư để dạy cho giới tử ……….. xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Lúc đó Giáo thọ sư đến chỗ giới tử bảo quỳ gối chắp tay rồi nói: “Giới tử tên ………… lắng nghe, nay là giờ phút chí thành, là giờ phút nói thật, sau ở trong Tăng cũng sẽ hỏi như thế, nếu thật thì con nên nói là thật, nếu không thật thì nên nói là không thật. Ta nay hỏi con:

  1. Con có phải là trượng phu không?
  2. Tuổi có đủ hai mươi không?
  3. Con không phải là nô tỳ phải không?
  4. Con không phải là người làm thuê cho người phải không?
  5. Con không phải do mua mà được phải không?
  6. Con không phải do quân binh đánh phá mà bắt được phải không?
  7. Con không phải là quan nhân phải không?
  8. Con không phạm việc quan phải không?
  9. Con không có âm mưu với vương gia phải không?
  10. Con không có mắc nợ người phải không?
  11. Trượng phu có những bịnh như bịnh lại, bịnh lậu, ung thư, càn tiêu, điên cuồng…, gần đây con có mắc những bịnh như thế không?
  12. Cha mẹ của con còn không, họ có cho phép con xuất gia không?
  13. Trước kia con có làm Tỳ kheo không?, nếu đáp là có làm thì nên hỏi: “Con có thanh tịnh trì giới không, khi xả giới con có nhất tâm như pháp hoàn giới không?”
  14. Con có đủ ba y và bát không?
  15. Tên của con là gì?
  16. Hòa thượng là ai?

Giáo thọ sư hỏi xong nên trở lại trong Tăng bạch rằng: “Con đã hỏi giới tử ………… xong rồi”, Giới sư nói: “Nếu thanh tịnh thì nên dẫn đến”, liền dẫn đến rổi bảo đảnh lễ Tăng và dạy pháp theo Tăng xin thọ giới cụ túc:

Con tên là ……… theo Hòa thượng ………. thọ giới cụ túc, con nay theo Tăng xin thọ giới cụ túc, Tỳ kheo ………. là Hòa thượng của con.

Xin Tăng tế độ cho con được thọ giới cụ túc. Xin thương xót (3 lần).

Giới sư ở trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, giới tử tên ……….. theo Hòa thượng ………… thọ giới cụ túc, nay theo Tăng xin thọ giới cụ túc, Hòa thượng là __. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận cho tôi nay ở trong Tăng hỏi giới tử tên ……….. các pháp chướng ngăn đạo. Bạch như vậy.

Giới tử tên ……….. lắng nghe, nay là giờ phút chí thành… giống như đoạn văn trên cho đến câu nếu không thật thì nói là không thật. Nay ta hỏi con:

17. Con là trượng phu phải không?… giống như trên cho đến mười sáu Hòa thượng là ai?

Tăng còn có điều gì chưa hỏi nữa không, nếu chưa hỏi thì nên hỏi, nếu đã hỏi hết rồi thì im lặng.

Đại-đức Tăng lắng nghe, giới tử này tên ……….. theo Hòa thượng ………. thọ giới cụ túc, nay theo Tăng xin thọ giới cụ túc, Hòa thượng là ……….. Giới tử này tự nói thanh tịnh, không có các pháp chướng ngăn đạo, ba y và bát đều đu, Hòa thượng là …………. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng sẽ cho giới tử này tên ……….. thọ giới cụ túc, Hòa thượng là ………… Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng đã cho giới tử tên ……….. thọ giới cụ túc xong rồi, Hòa thượng là ………… Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Này giới tử, nếu có ai hỏi thầy được mấy tuổi hạ, nên đáp là chưa có tuổi hạ; nếu hỏi thọ giới vào lúc nào, nên đáp là mùa đông hoặc mùa xuân, mùa hạ, có nhuần hay không nhuần. Đây là thời tiết, giới tử nên trọn đời ghi nhớ.

Kế nói về pháp Tứ y:

Giới tử tên ………… lắng nghe, đây là tri kiến của Phật Bà-già-bà, Thích ca-Mâu-ni-Đa-đà-a-già-độ-A-la-ha-tam-miệu-tam-Phật-đà nói ra pháp Tứ y cho người thọ giới cụ túc. Tỳ kheo nương theo pháp Tứ y này được xuất gia thọ giới cụ túc thành pháp Tỳ kheo:

1. Nương y phấn tảo, Tỳ kheo được xuất gia thọ giới cụ túc thành pháp Tỳ kheo. Nếu thọ thêm y bằng vải gai trắng, hoặc gai đỏ hoặc y Kiều-thi-na, Súy-di-la, Khâm-bạt-la, Kiếp-bối… các loại y thanh tịnh khác thì con có thể nương y phấn tảo thọ dụng trọn đời hay không?. Nếu được thì đáp là được.

2. Nương pháp khất thực, Tỳ kheo được xuất gia thọ giới cụ túc thành pháp Tỳ kheo. Nếu thọ thêm thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn ngon vào những ngày trai như mồng tám, hai ba, mười bốn, mười lăm, hai mươi chín, ba mươi, mồng một, hoặc thức ăn của tăng, hoặc ăn trong phòng riêng hoặc thọ người thỉnh thực… những thức ăn thanh tịnh như thế thì con có thể nương pháp khất thực thọ dụng trọn đời hay không?. Nếu được thì đáp là được.

3. Nương dưới gốc cây dừng nghỉ, Tỳ kheo được xuất gia thọ giới cụ túc thành pháp Tỳ kheo. Nếu thọ thêm nhà ấm, giảng đường… cho đến hang động trong núi; ngọa cụ Yên-đầu-lặc-ca, Man-đầu-lặc-ca… cho đến đệm cỏ, tất cả phòng xá ngọa cụ thanh tịnh như thế thì con có thể nương duới gốc cây dừng nghỉ thọ dụng trọn đời hay không?. Nếu được thì đáp là được.

4. Nương loại dược cũ bỏ (Trần khí dược), Tỳ kheo được xuất gia thọ giới cụ túc thành pháp Tỳ kheo. Nếu thọ thêm bốn loại dược hàm tiêu là tô, dầu, mật, thạch mật; bốn loại mỡ tịnh là mỡ gấu, mỡ lừa, mỡ heo, mỡ cá; năm loại dược từ củ như củ gừng, xích phu tử, ba đề, bệ sa, xương bồ; năm loại dược từ quả như Ha-lê-lặc, Tỳ-diêm-lặc, A-malặc, hồ tiêu, Tất-bạt-la; năm loại muối là muối đen, muối trắng, muối tía, muối đò, muối đất; năm loại thuốc thang nấu từ củ, cọng, lá, hoa, quả; năm loại thuốc từ nhựa cây là hưng cừ, tát xà la tát đế, dịch đế, dịch đề đế, dịch bà na… các loại dược thanh tịnh như thế thì con có thể nương loại dược cũ bỏ thọ dụng trọn đời hay không?. Nếu được thì đáp là được.

Giới tử tên ………… lắng nghe, đây là tri kiến của Phật Bà-già bà, Thích-ca-Mâu-ni-Đa-đà-a-già-độ-A-la-ha-tam-miệu-tam-Phật-đà nói ra bốn pháp Đọa cho Tỳ kheo thọ giới cụ túc. Tỳ kheo đối với bốn pháp Đọa này nếu phạm một pháp nào thì không phải là Tỳ kheo, không phải là Sa-môn, không phải là Thích tử mất pháp Tỳ kheo. Như cây Đa la bị chặt ngọn thì không thể sanh trưởng, không tươi tốt, không cao lớn, không rộng mát. Tỳ kheo cũng như thế, đối với bốn pháp Đọa này nếu phạm một pháp nào thì không phải là Tỳ kheo… mất pháp Tỳ kheo. Bốn pháp Đọa là :

1. Phật dùng đủ cách quở trách dục, dục tưởng, dục giác, dục nhiệt; khen ngợi đoạn dục, trừ dục tưởng, diệt dục nhiệt. Nếu Tỳ kheo đã thọ giới pháp rồi, không xả giới, giới suy kém, không phát lồ mà làm pháp dâm dục cho đến cùng với súc sanh thì người này không phải là Tỳ kheo… mất pháp Tỳ kheo. Đối với pháp Đọa thứ nhất này trọn đời không được làm, con có thể giữ được không?. Nếu được thì đáp là được.

2. Phật dùng đủ cách quở trách không cho mà lấy, khen ngợi không trộm cắp từ một sợi chỉ, một cây kim… cho đến năm tiền hoặc vật trị giá năm tiền. Tỳ kheo nếu không cho mà lấy, vì việc này hoặc bị bắt, bị trói hoặc bị đuổi ra khỏi nước và bị mắng là kẻ giặc thì người này không phải là Tỳ kheo… mất pháp Tỳ kheo. Đối với pháp Đọa thứ hai này trọn đời không được làm, con có thể giữ được không?. Nếu được thì đáp là được.

3. Phật dùng đủ cách quở trách đoạn mạng người, khen ngợi không đoạn mạng cho đến một con kiến cũng không cố ý đoạn mạng huống chi là người. Nếu Tỳ kheo tự tay cố ý đoạn mạng người, hoặc sai người cầm dao giết, hoặc khuyên chết, khen chết nói rằng: “Chao ôi trượng phu, sống tồi tệ như thế thì sống làm gì, thà chết còn hơn”, tùy tâm suy nghĩ mà dùng đủ cách khuyến khích xúi giục hoặc khen ngợi cái chết hoặc đào hầm, đặt bẩy… làm cho chết; hoặc dùng cách Tỳ-đà-la, bán Tỳ-đà-la để giết; hoặc làm đọa thai, hoặc đẩy vào lửa, hoặc xô xuống nước hoặc đẩy từ trên cao xuống cho chết… cho đến thai trong bụng mẹ mới được hai căn là thân căn và mạng căn cũng muốn làm cho chết thì người này không phải là Tỳ kheo… mất pháp Tỳ kheo. Đối với pháp Đọa thứ ba này trọn đời không được làm, con có thể giữ được không?. Nếu được thì đáp là được.

4. Phật đủ cách quở trách vọng ngữ, khen ngợi không vọng ngữ, cho đến đùa giỡn cũng không được vọng ngữ huống chi là cố ý vọng ngữ. Nếu Tỳ kheo tự biết mình không có pháp hơn người mà tự khen mình là được quả A-la-hán, A-la-hán hướng… Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hoàn hướng; hoặc tự khen mình chứng được Sơ thiền… tứ thiền; hoặc tự khen mình đã được pháp Từ bi hỷ xả, được định Không vô biên xứ…; được pháp quán bất tịnh, A-na-ban-na-niệm; chư thiên đến chỗ tôi, trời rồng… đến chỗ tôi, tôi nói chuyện với họ … những việc như thế vốn không có mà cố ý vọng ngữ thì người này không phải là Tỳ kheo… mất pháp Tỳ kheo. Đối với pháp Đọa thứ tư này trọn đời không được làm, con có thể giữ được không?. Nếu được thì đáp là được.

Giới tử tên ………… lắng nghe, tội trong thiên đầu không thể sám hối; tọi trong thiên thứ hai tuy có thể sám hối, nhưng tùy thời che dấu bao nhiêu mà cho hành Ba-lợi-bà-sa bấy nhiêu, hành Ba-lợi-bà-sa rồi mới cho hành sáu đêm Ma-na-đỏa, hành Ma-na-đỏa xong mới ở trong chúng hai mươi Tỳ kheo cho xuất tội. Những việc này ở trong chúng đáng hổ thẹn và bị người khinh chê, đó là:

1. Không được cố ý làm xuất tịnh, con có thể giữ được không? Nếu được thì đáp là được.

2. Không được cố ý xúc chạm thân người nữ, con có thể giữ được không? Nếu được thì đáp là được.

3. Không được đối trước người nữ nói lời thô tục, con có thể giữ được không? Nếu được thì đáp là được.

4. Không được đối trước người nữ khen ngợi việc cúng dường thân, con có thể giữ được không? Nếu được thì đáp là được.

5. Không được làm mai mối, con có thể giữ được không? Nếu được thì đáp là được.

6. Không được tự xây cất phòng xá, nếu Phật cho thì được làm, không cho thì không được làm. Con có thể giữ được không, nếu được thì đáp là được.

7. Không được xấy cất chùa lớn, Phật cho thì được làm, không cho thì không được làm.… như trên.

8. Không được đem tội không căn cứ vu báng người khác.… như trên.

9. Không được lấy chút tôi vu báng nói là đại tội.… như trên.

10. Không được phá Tăng.… như trên.

11. Không được trợ giúp việc phá Tăng.… như trên.

12. Không được ô tha gia.… như trên.

13. Không được tánh ngang ngạnh khó dạy. … như trên. Phải khéo khiêm hạ tâm mình, vui vẻ thuận theo lời dạy bảo. Này giới tử, con đã thọ giới xong, Hòa thượng, A-xà-lê, Tỳ kheo tăng đều đầy đủ, trong quốc độ tốt được chỗ hành đạo tốt. Như nguyện của Chuyển luân thánh vương, con nay đều đã đầy đủ. Con phải gia kính Tam bảo Phật pháp tăng, phải học ba môn học là chánh giới học, chánh tâm học và chánh huệ học. Con nên cầu ba môn giải thoát là không, vô tướng, vô nguyện; 32 phải siêng năng ba nghiệp tụng kinh, ngồi thiền và làm việc chúng. Hành pháp như thế mới mở cửa Cam lồ, chứng quả Tu-đà-hoàn, Tưđà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Phật Bích chi và quả Phật. Ví như hoa Thanh liên, Bạch liên, Hồng liên, Xích liên ở trong nước ngày một tăng trưởng; con cũng như thế, ở trong pháp Tỳ kheo ngày một tăng trưởng. Những giới còn lại, Hòa thượng và A-xà-lê sẽ dạy cho con, con nay đã thọ xong giới cụ túc.

Trong pháp Thích sư tử,
Tất cả diệu thiện tụ,
Sâu rộng không bờ mé.
Vào biển báu công đức,
Là nguyện của Luân vương,
Thiên vương, Thiện pháp vương,
Thường cầu làm Sa-môn,
Không được nhưng con được.
Siêng năng hành ba nghiệp,
Phật pháp vô lượng môn.
Người thường nhớ nghĩ pháp,
Đạt được trí vô ngại.
Như hoa sen trong nước,
Mỗi ngày một tăng trưởng,
Con cũng tin như thế,
Giới, văn, định, huệ tăng.
Những giới khác đã chế,
Hòa thượng sư sẽ dạy.
Trong chúng đảnh lễ xong,
Vui vì được như ý.