THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 20

VII. MỘT TRĂM LẺ BẢY PHÁP CHÚNG HỌC (Tiếp Theo)

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó vua Ba-tư-nặc lập pháp như sau: “Nếu Phật ở Kỳ hoàn, ta sẽ hằng ngày đến viếng thăm”; cho nên khi nghe Phật ở Kỳ hoàn, vua liền bảo người đánh xe chuẩn bị xa giá, người đánh xe vâng lịnh lo chuẩn bị xa giá rồi đến bạch vua tự biết thời, vua liền lên xe ra khỏi thành đến Kỳ hoàn. Lúc đó vua ngồi trên xe, Lục quần nói pháp cho vua nghe về sắc vô thường, thọ tưởng hành thức đều vô thường. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo đi bộ ở dưới lại nói pháp cho người ngồi trên xe nghe”, quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo:

85. Từ nay người không bịnh đi xe, Tỳ kheo không nên vì nói pháp, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người không bịnh đi xe nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Lúc đó vua đi phía trước, Lục quần đi ở phía sau nói pháp cho vua nghe về sắc vô thường, thọ tưởng hành thức đều vô thường. Phật bảo các Tỳ kheo:

86. Từ nay người không bịnh đi phía trước, Tỳ kheo không được đi ở phía sau vì nói pháp, cần nên học. Nếu Tỳ kheo đi ở phía sau nói pháp cho người không bịnh đi phía trước nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh đi phía trước nghe thì không phạm.

Lúc đó vua đi đường giữa, Lục quần Tỳ kheo đi trên lề đường nói pháp cho vua nghe về sắc vô thường, thọ tưởng hành thức đều vô thường. Phật bảo các Tỳ kheo:

87. Từ nay người không bịnh đi ở đường giữa, Tỳ kheo không được đi trên lề đường nói pháp cho nghe, cần nên học. Nếu Tỳ kheo đi trên lề đường nói pháp cho người không bịnh đi ở đường giữa nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Hành pháp của vua là đi đâu, thị vệ thường mang theo giường chõng để tùy dùng, lúc đó vua ngồi trên giường, Lục quần đứng nói pháp cho vua nghe về sắc vô thường, thọ tưởng hành thức đều vô thường. Phật bảo các Tỳ kheo:

88. Từ nay người không bịnh ngồi, Tỳ kheo không được đứng nói pháp cho nghe, cần nên học. Nếu Tỳ kheo đứng nói pháp cho người không bịnh ngồi nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Vua đối với Lục quần Tỳ kheo không có tâm cung kính nhiều nên để Lục quần ngồi ở tòa thấp, mình ngồi trên tòa cao. Lục quần ngồi ở tòa thấp nói pháp cho vua nghe về sắc vô thường, thọ tưởng hành thức đều vô thường. Phật bảo các Tỳ kheo:

89. Từ nay người không bịnh ngồi ở tòa cao, Tỳ kheo ngồi ở tòa thấp không được vì nói pháp, cần nên học. Nếu Tỳ kheo ngồi ở tòa thấp nói pháp cho người không bịnh ngồi ở tòa cao nghe thì phạm Đột-kiếtla; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Thân vua vốn to lớn nên ngồi lâu liền nằm, lúc đó Lục quần ngồi nói pháp cho vua nghe về sắc vô thường … Phật bảo các Tỳ kheo:

90. Từ nay người không bịnh nằm, Tỳ kheo ngồi không nên vì nói pháp, cần nên học. Nếu Tỳ kheo ngồi nói pháp cho người không bịnh nằm nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Có lúc vua trùm đầu, Lục quần lại nói pháp cho vua nghe về sắc vô thường… Phật bảo các Tỳ kheo:

91. Từ nay không được nói pháp cho người trùm đầu nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người không bịnh trùm đầu nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Có lúc vua quấn khăn trên đầu, Lục quần lại vì nói pháp nên Phật bảo:

92. Từ nay không được nói pháp cho người quấn khăn trên đầu nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người không bịnh quấn khăn trên đầu nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Có lúc vua đang choàng vai người khác, Lục quần lại vì nói pháp nên Phật bảo:

93. Từ nay không được nói pháp cho người đang choàng vai người khác nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người đang choàng vai người khác nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Có lúc vua đang chống nạnh, Lục quần lại vì nói pháp nên Phật bảo:

94. Từ nay không được nói pháp cho người đang chống nạnh nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người không bịnh đang chống nạnh nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Có lúc vua mặc y lật ngược sang hai bên, Lục quần lại vì nói pháp nên Phật bảo:

95. Từ nay không được nó pháp cho người mặc y lật ngược sáng hai bên, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người không bịnh mặc y lật ngược sang hai bên thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Có lúc vua mặc y vắt qua một bên, Lục quần lại vì nói pháp nên Phật bảo:

96. Từ nay không được nói pháp cho người mặc y vắt qua một bên, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người không bịnh mặc y vắt qua một bên thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Có lúc vua dùng y phủ qua vai phải rồi phủ choàng qua vai trái, Lục quần lại vì nói pháp nên Phật bảo:

97. Từ nay không được nói pháp cho người lấy y phủ qua vai phải rồi phủ choàng qua vai trái nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người không bịnh lấy y phủ qua vai phải rồi phủ choàng qua vai trái nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Có lúc vua đang mang giày da, Lục quần lại vì nói pháp nên Phật bảo:

98. Từ nay không được nói pháp cho người đang mang giày da nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người không bịnh đang mang giày da nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Có lúc vua đang mang guốc, Lục quần lại vì nói pháp nên Phật bảo:

99. Từ nay không được nói pháp cho người đang mang guốc nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người không bịnh đang mang guốc nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho nguời bịnh nghe thì không phạm.

Lúc đó Phật đang thuyết pháp cho trăm ngàn vạn chúng đang cung kính vây quanh, các quyến thuộc của vua Ba-tư-nặc có người đang cầm trượng, có người cầm dao, có người cầm mâu, có người cầm thuẩn, có người cầm cung tên, có người cầm lọng…, Lục quần Tỳ kheo nói pháp riêng cho từng người nghe. Trong chúng hội này có người đáng lẽ có thể đắc đạo, vì chúng hội chia làm hai nhóm khiến tâm tán loạn nên không thể đắc đạo. Thường pháp của Phật là nếu người nghe không nhất tâm thì không nói pháp cho nghe, Phật tùy duyên thuyết pháp cho vua nghe được lợi hỉ rồi im lặng, vua được lợi hỉ rồi liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi đi. Không bao lâu sau, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi quở trách Lục quần Tỳ kheo: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại nói pháp cho người cầm trượng… các loại binh khí”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo:

100. Không được nói pháp cho người cầm trượng nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người cầm trượng nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

101. Không được nói pháp cho người cầm lọng nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người cầm lọng nghe thì phạm Độtkiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

102. Không được nói pháp cho người cầm đao nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người cầm đao nghe thì phạm Độtkiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

103. Không được nói pháp cho người cầm mâu thuẩn, cung tên nghe, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo nói pháp cho người cầm mâu thuẩn, cung tên nghe thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói pháp cho người bịnh nghe thì không phạm.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo đến nói với người giữ vườn rau: “Hãy cho chúng tôi rau”, hỏi có tiền trả không, đáp là xin chứ không có tiền trả, người giữ vườn rau nói: “Nếu xin không có tiền trả thì chúng tôi làm sao sinh sống được”, Lục quần liền nói: “Không cho phải không?”, đáp là không cho. Lục quần vào một lúc khác lén đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau, mùi hôi thúi làm cho rau chết, người giữ vườn rau thấy việc này rồi liền tự hỏi không biết là ai đã làm, Lục quần đến hỏi người giữ vườn rau: “Ông có biết ai đã làm dơ vườn rau và làm cho rau của ông chết không?”, đáp là không biết, liền nói: “Chính chúng tôi đã làm, vì theo ông xin rau nhưng ông không cho nên chúng tôi cố ý làm như thế”. Lục quần là người mạnh khỏe, có nhiều sức lực lại không sợ tội nên người giữ vườn rau không thể làm gì được; các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích tử tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại đại tiểu tiện, khạc nhổ trên rau cỏ tươi như thế”, Phật nghe rồi liền bảo các Tỳ kheo:

104. Từ nay không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trên rau cỏ tươi, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo không bịnh mà đại tiểu tiện, khạc nhổ trên rau cỏ tươi thì phạm Đột-kiết-la; nếu bịnh thì không phạm.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo đến nói với người giặt y: “Hãy giặt y giùm tôi”, hỏi có trả tiền không, đáp là không, người giặt y nói: “Nếu chỉ giặt không, không có trả tiền thì chúng tôi làm sao sinh sống”, Lục quần liền hỏi: “Không chịu giặt phải không?”, đáp là không. Lục quần liền đến chỗ nước sạch để giặt y đại tiểu tiện và khạc nhổ trong đó làm cho dơ, những người giặt y lấy nước này giặt, nước dơ thấm vào có mùi hôi thúi và bị mất màu, họ tự hỏi không biết là ai đã làm việc này. Vào một lúc khác Lục quần đến hỏi người giặt y: “Ông có biết ai đã làm dơ nước sạch để giặt y này không?”, đáp là không biết, liền nói: “Chính chúng ta đã làm, vì ông không chiu giặt y cho chúng tôi nên chúng tôi cố ý làm như vậy”. Lục quần Tỳ kheo là người mạnh khỏe, có nhiều sức lực lại không sợ tội nên họ không thể làm gì được, các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích tử tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước sạch như thế”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi quở trách Lục quần: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước sạch như thế”, nhưng Phật chỉ quở trách chứ chưa kết giới.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó trong thành có một ao lớn tên là Tuma-na, nhiều người đến lấy nước trong ao này về dùng. Khi Lục quần Tỳ kheo đến trong ao này liền đại tiểu tiện và khạc nhổ làm cho ao nước dơ, các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích tử tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại đại tiểu tiện, khạc nhổ trong ao nước sạch như thế”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng quở trách Lục quần rồi bảo các Tỳ kheo:

105. Từ nay không được đại tiểu tiện và khạc nhổ trong nước sạch để dùng, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo không bịnh mà đại tiểu tiện và khạc nhổ trong nước sạch để dùng thì phạm Đột-kiết-la; nếu bịnh thì không phạm.

Phật tại nước Xá-vệ, Lúc đó Lục quần Tỳ kheo đứng đại tiểu tiện, Phật liền bảo các Tỳ kheo:

106. Từ nay không được đứng đại tiểu tiện, trừ bịnh, cần nên học. Nếu Tỳ kheo không bịnh mà đứng đại tiểu tiện thì phạm Đột-kiết-la; nếu bịnh thì không phạm.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có cư sĩ thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời, cư sĩ biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”. Do Lục quần Tỳ kheo và Thập thất quần Tỳ kheo thường hay cải nhau nên sáng hôm đó tới phiên Thập thất quần giữ Tăng phường, Lục quần Tỳ kheo tới phiên đưa thức ăn đến cho Thập thất quần liền nói với nhau: “Hôm nay chúng ta cố ý làm cho Thập thất quần phải đoạn thực”, một người hỏi làm như thế nào, đáp là rồi sẽ biết. Lục quần đến chỗ Thập thất quần lấy bát để lấy phần ăn cho Thập thất quần, lấy bát rồi theo Phật và Tăng đến chỗ thỉnh thực, ăn xong liền nhận phần thức ăn của Thập thất quần rồi đi, nhưng lại không mang thức ăn đến cho Thập thất quần mà đi đến các chỗ khác, người thì đến nhà thân quen, người thì ra khỏi thành, người thì ngồi dưới gốc cây… Lúc đó Thập thất quần vì tuổi trẻ sung sức nên mau đói, chờ lâu không thấy mang thức ăn đến nên nói với nhau: “Sao mang thức ăn đến chậm như thế”, một người nói: “Hãy leo lên cây cao ở trước cửa Kỳ hoàn, nhìn ra xa xem người mang thức ăn đến chưa”, nói rồi một người leo lên cây cao nhìn ra xa xem rồi nói: “Có một Tỳ kheo ngồi dưới gốc cây, có người ngồi bên giếng…”. Đến lúc quá ngọ, Lục quần Tỳ kheo trên mặt đầy mồ hôi mới chịu mang thức ăn về đến đưa cho Thập thất quần, liền hỏi: “Cớ sao mang cơm về chậm như thế?”, đáp: “Chúng tôi ăn xong nhận lấy phần thức ăn mang về liền”, Thập thất quần nói: “Chúng tôi thấy các thầy có người ngồi dưới gốc cây, có người ngồi bên giếng… mà nói là ăn xong nhận lấy phần thức ăn mang về liền”, liền hỏi là ai nói, đáp: “Là tôi leo lên cây cao nhìn thấy”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại leo lên cây cao như thế”, quở trách rồi bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm các Tỳ kheo bảo rằng:

107. Không được leo lên cây cao quá đầu người, trừ nhân duyên gấp, cần nên học. Nếu Tỳ kheo không có nhân duyên gấp mà leo lên cây cao quá đầu người thì phạm Đột-kiết-la; nếu có nhân duyên gấp thì không phạm.

VIII. BẢY PHÁP DIỆT TRÁNH

1. Pháp Thứ Nhất: Tự Ngôn Diệt Tránh

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo khuyên đàn việt lo liệu áo tắm để tắm, có một khách Tỳ kheo đến cởi y để đó rồi mặc áo tắm vào tắm, tắm rồi trở ra lấy y mặc, ra bên ngoài mới biết là mặc lộn y của người khác bèn suy nghĩ: “Phải đem y này trả lại chỗ cũ rồi tìm lại y của mình”, nghĩ rồi liền trở vào chỗ để y. Lục quần Tỳ kheo vốn hay chống trái với Tỳ kheo thiện, thấy khách Tỳ kheo trở vào liền hỏi nguyên do, khách Tỳ kheo liền kể rõ sự việc trên, Lục quần Tỳ kheo nghe rồi liền nói: “Không đúng như lời thầy nói, thầy đã dùng tâm trộm để lấy, lấy rồi hối hận nên đem trả lại chỗ cũ, thầy có thấy tội không?”, đáp là không thấy tội, Lục quần nói với nhau: “Người này một mực nói không thấy tội, chúng ta phải làm yết ma tẫn về không thấy tội”, nói rồi liền cùng nhau làm yết ma tẫn Tỳ kheo khách, Tỳ kheo khách suy nghĩ: “Lục quần Tỳ kheo vì ta làm yết ma tẫn về không thấy tội là không có nhân duyên gốc ngọn, ta tự không thấy tội, sao ta không đến chỗ Phật tại nước Xá-vệ “, nghĩ rồi liền du hành đến nước Xá-vệ yết kiến Phật. Thường pháp của Phật là khi có khách Tỳ kheo đến đều hỏi thăm có nhẫn đủ không, khất thực có dễ không, đi đường có nhọc mệt không. Lúc đó Tỳ kheo khách đáp là nhẫn đủ, khất thực không khó, đi đường không nhọc mệt, rồi đem việc trên bạch Phật, Phật hỏi khách Tỳ kheo: “Lục quần Tỳ kheo vì sao làm yết ma tẫn thầy về không thấy tội”, đáp: “Thế tôn, họ làm yết ma tẫn là không có nhân duyên gốc ngọn, con tự không thấy tội, nhưng họ vẫn gượng làm yết ma tẫn con về không thấy tội”, Phật nói: “Nếu Lục quần Tỳ kheo làm yết ma tẫn là không có nhân duyên gốc ngọn, thầy tự không thấy tội mà vẫn gượng làm yết ma tẫn về không thấy tội. Thầy chớ lo buồn, ta sẽ cho tác pháp làm bạn trợ giúp thầy”, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay ta chế pháp Tự ngôn diệt tránh, dùng pháp Tự ngôn diệt tránh này thì những việc đã khởi trong Tăng đều sẽ được dứt diệt”.

Tự ngôn diệt tránh có mười loại phi pháp và mười loại như pháp. Mười loại phi pháp là:

1. Nếu Tỳ kheo phạm Ba-la-di, tự nói không phạm, chúng tăng hỏi: “Thầy tự nói là không phạm phải không?”, đáp: “Không phạm”.

Đây gọi là phi pháp.

2-5: Nếu Tỳ kheo phạm Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề,Ba-la-đềđề-xá-ni, Đột-kiết-la mà tự nói là không phạm; chúng tăng hỏi: “Thầy tự nói là không phạm phải không?”, đáp: “Không phạm”. Đây gọi là phi pháp.

6. Lại có Tỳ kheo không phạm Ba-la-di mà tự nói là tôi phạm, chúng tăng hỏi: “Thầy tự nói là phạm Ba-la-di phải không?”, đáp là tôi phạm. Đây gọi là phi pháp.

7-10. Lại có Tỳ kheo không phạm Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la mà tự nói là tôi phạm, chúng tăng hỏi: “Thầy tự nói là phạm phải không?”, đáp là tôi phạm. Đây gọi là phi pháp.

Mười loại như pháp là:

1. Nếu có Tỳ kheo phạm Ba-la-di, tự nói là tôi phạm Ba-la-di, chúng tăng hỏi: “Thầy tự nói là phạm phải không?”, đáp là tôi phạm.

Đây gọi là như pháp.

2-5: Lại có Tỳ kheo phạm Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề,Ba-lađề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la; tự nói là tôi phạm, chúng tăng hỏi: “Thầy tự nói là phạm phải không?”, đáp là tôi phạm. Đây gọi là như pháp.

6. Lại có Tỳ kheo không phạm Ba-la-di, tự nói là không phạm, chúng tăng hỏi: “Thầy tự nói là không phạm phải không?”, đáp là không phạm. Đây gọi là như pháp.

7-10. Lại có Tỳ kheo không phạm Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dậtđề,Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la; tự nói là không phạm, chúng tăng hỏi: “Thầy tự nói là không phạm phải không?”, đáp là không phạm. Đây gọi là như pháp.

2. Pháp Thứ Hai: Hiện Tiền Diệt Tránh

Lúc đó Lục quần Tỳ kheo nghe biết việc này bèn nói với nhau: “Chúng ta tại thành Vương xá đã làm yết ma tẫn Tỳ kheo khách về không thấy tội, nhưng đến nước Xá-vệ các Tỳ kheo lại cùng Tỳ kheo ấy cọng sự cọng trụ, chúng ta phải đến nước Xá-vệ”, nói rồi cùng nhau đi đến nước Xá-vệ yết kiến Phật, gặp các Tỳ kheo đang kinh hành nơi chỗ đất trống ở ngoài cửa Kỳ hoàn bèn hỏi: “Chúng ta ở thành Vương xá làm yết ma tẫn khách Tỳ kheo về không thấy tội, nhưng đến nước Xá-vệ các thầy lại cùng Tỳ kheo kia cọng sự cọng trụ phải không?”, các Tỳ kheo nói: “Phật đã dùng pháp Tự ngôn diệt tránh để diệt trừ việc này rồi”, Lục quần nói: “Việc này không thể diệt trừ đuợc vì chúng ta không hiện tiền”. Lục quần lúc đó chống trái việc Phật cho pháp Tự ngôn diệt tránh nên không vâng theo và phỉ báng việc thấy biết của Phật. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi quở trách Lục quần Tỳ kheo: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại chống trái không vâng theo pháp Tự ngôn diệt tránh mà ta đã cho tác pháp, còn phỉ báng việc thấy biết của Như lai”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho tác pháp Hiện tiền diệt tránh, dùng pháp Hiện tiền diệt tránh này sẽ khiến cho những việc đã khởi trong Tăng đều được dứt diệt”.

Hiện tiền Tỳ-ni có hai loại phi pháp và hai loại như pháp. Hai loại phi pháp là:

1. Có Tăng phi pháp dạy bảo Tăng phi pháp, muốn kiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có Tăng phi pháp dạy bảo ba người phi pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có Tăng không như pháp dạy bảo hai, một người không như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có ba người không như pháp dạy bảo ba người không như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có ba người không như pháp dạy bảo hai, một người và Tăng không như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có hai người không như pháp dạy bảo hai, một, ba người và Tăng không như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có một người không như pháp dạy bảo một, ba, hai người và Tăng không như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Đây là loại phi pháp thứ nhất.

2. Lại có Tăng không như pháp dạy bảo Tăng như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có Tăng không như pháp dạy bảo ba, hai, một người như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có ba người không như pháp dạy bảo ba, hai, một người và Tăng như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳni. Lại có hai người không như pháp dạy bảo hai, một, ba người và Tăng như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có một người không như pháp dạy bảo một, hai, ba người và Tăng như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Đây là loại phi pháp thứ hai.

Hai loại Hiện tiền diệt tránh như pháp là:

1. Có Tăng như pháp dạy bảo Tăng như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có Tăng như pháp dạy bảo ba, hai, một người như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có ba người như pháp dạy bảo ba, hai, một người và Tăng như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có hai người như pháp dạy bảo hai, một, ba người và Tăng như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có một người như pháp dạy bảo một, ba, hai và Tăng như pháp, muốn khiến cho chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Đây là loại như pháp thứ nhất.

2. Có Tăng như pháp dạy bảo Tăng không như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có Tăng như pháp dạy bảo ba, hai, một người không như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có ba người như pháp dạy bảo ba, hai, một và Tăng không như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có hai người như pháp dạy bảo hai, một, ba người và Tăng không như pháp, muốn khiến chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Lại có một người như pháp dạy bảo một, ba, hai và Tăng không như pháp, muốn khiến cho chiết phục mà cho Hiện tiền Tỳ-ni. Đây là loại như pháp thứ hai.

3. Pháp Thứ Ba: Ức Niệm Diệt Tránh

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Trưởng lão Đà-phiêu lực sĩ tử bị Tỳ kheo ni Di-đa-la đem pháp Ba-la-di không căn cứ vu báng, khiến cho Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói việc này. Trưởng lão vì việc này nên bảo các Tỳ kheo: “Tỳ kheo ni Di-đa-la đem pháp Bala-di không căn cứ vu báng tôi khiến cho Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói việc này, tôi phải làm sao đây”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Đà-phiêu: “Thầy thật bị Tỳ kheo ni đem pháp Ba-la-di không căn cứ vu báng khiến cho Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói việc này nên thầy đến nói với các Tỳ kheo là tôi phải làm sao đây, có thật như thế không?”, đáp: “Thật vậy thưa Thế tôn”, Phật nói: “Từ nay cho làm pháp Ức niệm diệt tránh, dùng pháp Ức niệm diệt tránh này sẽ khiến cho những việc đã khởi trong Tăng đều được dứt diệt”.

Ức niệm diệt tránh có ba loại phi pháp và ba loại như pháp. Ba loại phi pháp là:

1. Có Tỳ kheo phạm tội Vô tàn, tự nói là phạm tội Hữu tàn. Tỳ kheo này theo Tăng xin Ức niệm Tỳ-ni, nếu Tăng cho Ức niệm Tỳ-ni thì gọi là phi pháp, vì sao, vì người này nên diệt tẫn.

2. Lại như Tỳ kheo Thi-việt do tâm cuồng si điên đảo mà làm nhiều việc không thanh tịnh, phi pháp, không phải đạo tùy thuận, không phải pháp Sa-môn. Người này sau khi trở lại bổn tâm, những tội đã làm trước kia nếu Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói việc này; người này theo Tăng xin Ức niệm Tỳ-ni, nếu Tăng cho người này Ức niệm Tỳ-ni thì gọi là phi pháp, vì sao, vì người này nên cho Bất si Tỳni.

3. Lại như Tỳ kheo Ha-đa không có tàm quý phá giới, có tội thấy nghe nghi; người này tự nói là tôi có tội này, nhưng sau lại nói là tôi không có tội này. Người này theo Tăng xin Ức niệm Tỳ-ni, nếu Tăng cho người này Ức niệm Tỳ-ni thì gọi là phi pháp, vì sao, vì người này nên cho Thật mích Tỳ-ni. Đây là ba loại phi pháp Ức niệm Tỳ-ni.

Ba loại như pháp Ức niệm Tỳ-ni là:

1. Như Tỳ kheo Đà-phiêu bị Tỳ kheo ni Di-đa-la đem pháp Ba-ladi không căn cứ vu báng, do Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói việc này nên Tỳ kheo này theo Tăng xin Ức niệm Tỳ-ni, nếu Tăng cho người này Ức niệm Tỳ-ni thì gọi là như pháp, vì sao, vì người này nên cho Ức niệm Tỳ-ni.

2. Lại như có một Tỳ kheo phạm tội nhưng đã phát lồ như pháp sám hối trừ diệt, nếu Tăng hoặc ba, hai, một người vẫn còn bàn nói việc này. Tỳ kheo này theo Tăng xin Ức niệm Tỳ-ni, nếu Tăng cho người này Ức niệm Tỳ-ni thì gọi la như pháp, vì sao, vì người này nên cho Ức niệm Tỳ-ni.

3. Lại như có Tỳ kheo tuy chưa phạm tội này nhưng ắt sẽ phạm, nếu Tăng hoặc ba, hai, một người vì việc này mà nói là phạm tội nên Tỳ kheo này theo tăng xin Ức niệm Tỳ-ni; nếu Tăng cho người này Ức niệm Tỳ-ni thì gọi là như pháp, vì sao, vì người này nên cho Ức niệm Tỳ-ni. Đây là ba loại như pháp Ức niệm Tỳ-ni.

Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy nên cho Tỳ kheo Đà-phiêu Ức niệm Tỳ-ni, nếu có người nào giống như Đà-phiêu cũng nên cho Ức niệm Tỳ-ni. Pháp cho Ức niệm Tỳ-ni là: Tỳ kheo Đà-phiêu nên đứng dậy trịch bày vai hữu, quỳ gối chắp tay bạch Tăng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, tôi là Tỳ kheo Đà-phiêu bị Tỳ kheo ni Di-đa-la đem pháp Ba-la-di không căn cứ vu báng. Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói việc này nên tôi nay theo Tăng xin Ức niệm Tỳ-ni, Tăng hoặc ba, hai, một người đừng bàn nói việc này nữa. Xin Tăng thương xót cho tôi Ức niệm Tỳ-ni. (Ba-lần).

Lúc đó một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo Đà-phiêu này bị Tỳ kheo ni Di- đa-la đem pháp Ba-la-di không căn cứ vu báng. Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói việc này nên Tỳ kheo Đà-phiêu theo Tăng xin Ức niệm Tỳ-ni để Tăng hoặc ba, hai, một người đừng bàn nói việc này nữa. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cho Đà-phiêu Ức niệm Tỳ-ni, từ nay Tăng hoặc ba, hai, một người đừng bàn nói việc này nữa. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng đã cho Tỳ kheo Đàphiêu Ức niệm Tỳ-ni xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Hành pháp của-Tỳ kheo được Ức niệm Tỳ-ni là các Tỳ kheo không được bàn nói về tội của-Tỳ kheo kia nữa, không được bảo nhớ nghĩ, không được theo hỏi về việc ấy, cũng không nghe Tỳ kheo khác nói về việc ấy nữa. Nếu Tỳ kheo nào theo hỏi về việc ấy thì phạm Độtkiết-la, nghe người khác nói về việc ấy cũng phạm Đột-kiết-la; nếu còn bàn nói về việc ấy hoặc bảo nhớ nghĩ thì phạm Ba-dật-đề”.

4. Pháp Thứ Tư: Bất Si Tỳ-Ni

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo tên là Thi-việt do cuồng si tâm trí điên đảo nên làm nhiều điều phi pháp, không thanh tịnh, không phải đạo tùy thuận, không phải pháp Sa-môn. Người này sau được trở lại bổn tâm, những tội đã làm trước đó, Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói việc này nên Thi-việt nói với các Tỳ kheo rằng: “Tôi trước kia do cuồng si… không phải pháp Sa-môn. Tôi nay được trở lại bổn tâm, Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói về những tội mà tôi đã làm trước kia, tôi nay phải làm sao”. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật hỏi Thi-việt: “Thầy thật do cuồng si… không phải pháp Sa-môn. Tuy thầy nay được trở lại bổn tâm nhưng Tăng hoặc ba, hai, một người thường bàn nói về những tội mà thầy đã làm trước kia nên thầy đến nói với các Tỳ kheo là tôi nay phải làm sao, có thật như thế không?”, đáp: “Thật vậy thưa Thế tôn”, Phật nói: “Từ nay cho Bất si Tỳ-ni , dùng pháp Bất si Tỳ-ni này sẽ khiến cho những việc đã khởi trong Tăng đều được dứt diệt”.

Bất si Tỳ-ni có bốn loại phi pháp và bốn loại như pháp. Bốn loại phi pháp là: Có Tỳ kheo không cuồng si điên đảo mà hiện tướng cuồng si, các Tỳ kheo trong Tăng hỏi: “Lúc cuồng si thầy đã làm những gì, nay thầy còn nhớ không?”, đáp: “Trưởng lão, tôi nhớ vì cuồng si nên tôi làm, người khác sai khiến tôi làm, tôi nhớ việc đã làm trong mộng, nhớ mình khỏa thân chạy khắp đông tây và đứng đại tiểu tiện”. Người này theo Tăng xin Bất si Tỳ-ni, nếu Tăng cho người này Bất si Tỳ-ni thì gọi là bốn loại phi pháp. Bốn loại như pháp là: Nếu Tỳ kheo thật sự cuồng si tâm trí điên đảo nên hiện tướng cuồng si, các Tỳ kheo hỏi: “Thầy có nhớ được những việc mà mình đã làm trong lúc cuồng si hay không?”, đáp: “Không nhớ, người khác không sai khiến tôi làm, tôi không nhớ việc đã làm trong mộng, không nhớ mình đã khỏa thân chạy khắp đông tây và đứng đại tiểu tiện”. Người này theo Tăng xin Bất si Tỳ-ni, nếu Tăng cho người này Bất si Tỳ-ni thì gọi là bốn loại như pháp.

Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy cho Tỳ kheo Thi-việt pháp Bất si Tỳ-ni, nếu có người nào giống như Thi-việt, Tăng cũng nên cho Bất si Tỳ-ni. Pháp cho như sau: Tỳ kheo Thi-việt đứng dậy trịch bày vai hữu, quỳ gối chắp tay bạch Tăng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, tôi là Tỳ kheo Thi-việt trước kia do cuồng si tâm trí điên đảo nên đã làm nhiều việc phi pháp… không phải pháp Sa-môn. Tôi nay tuy được trở lại bổn tâm nhưng Tăng hoặc ba, hai, một người thường nói về những việc mà tôi đã làm trước kia. Tôi nay theo Tăng xin pháp Bất si Tỳ-ni để Tăng hoặc ba, hai, một người đừng bàn nói việc này nữa. Xin Tăng thương xót cho tôi pháp Bất si Tỳ-ni. (Ba-lần)

Một Tỳ kheo trong Tăng xướng như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo Thi-việt này trước kia cuồng si… không phải pháp Sa-môn. Nay tuy đã được trở lại bổn tâm nhưng Tăng… thường bàn nói việc đã làm trước kia nên Tỳ kheo Thi-việt theo Tăng xin pháp Bất si Tỳ-ni để Tăng… đừng bàn nói việc này nữa. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cho Tỳ kheo Thi-việt pháp Bất si Tỳ-ni để Tăng… đừng bàn nói việc này nữa. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng đã cho Tỳ kheo Thiviệt pháp Bất si Tỳ-ni xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Hành pháp của-Tỳ kheo được Bất si Tỳ-ni là các Tỳ kheo khác không được bàn nói tội lỗi của-Tỳ kheo ấy nữa, không được bảo nhớ nghĩ, không được theo hỏi, cũng không được Tỳ kheo khác nói tội lỗi trước kia của-Tỳ kheo ấy. Nếu theo hỏi thì phạm Đột-kiết-la, nghe Tỳ kheo khác nói cũng phạm Đột-kiết-la; nếu còn bàn nói những việc trước kia hoặc bảo nhớ nghĩ đều phạm Ba-dật-đề”.

5. Pháp Thứ Năm: Thật Mích Tỳ-Ni.

Phật tại nước Ca-tỳ-la-vệ, lúc đó có Tỳ kheo tên Ha-đa không có hổ thẹn, ác dục có tội đủ căn cứ thấy nghe nghi. Tỳ kheo này trước tự nói tôi phạm, sau lại nói là không phạm; các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho pháp Thật mích diệt tránh, dùng Thật mích Tỳ-ni này sẽ khiến cho những việc đã khởi trong Tăng đều được dứt diệt”.

Thật mích Tỳ-ni có năm loại phi pháp và năm loại như pháp. Năm loại phi pháp là nếu có Tỳ kheo phạm tội Ba-la-di, truớc tự nói không phạm, sau lại nói là phạm. Nếu Tăng cho người này Thật mích Tỳ-ni thì gọi là phi pháp, vì sao, vì người này nên cho pháp diệt tẫn. Lại có Tỳ kheo phạm Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề,Ba-la-đề-đề-xá-ni, Độtkiết-la trước tự nói không phạm, sau lại nói là phạm. Nếu Tăng cho người này Thật mích Tỳ-ni thì gọi là phi pháp, vì sao, vì người này nên tùy tội đã phạm mà cho pháp trị tội. Năm loại như pháp là nếu có Tỳ kheo phạm Ba-la-di, trước tự nói tôi phạm, sau lại nói là không phạm. Nếu Tăng cho người này Thật mích Tỳ-ni thì gọi là như pháp, vì sao, vì người nay nên cho Thật mích Tỳ-ni. Lại có Tỳ kheo phạm Tăng-già-bàthi-sa, Ba-dật-đề,Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la trước tự nói tôi phạm, sau lại nói là không phạm. Nếu Tăng cho người này Thật mích Tỳ-ni thì gọi là như pháp, vì sao, vì người này nên cho Thật mích Tỳ-ni.

Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy cho Tỳ kheo Ha-đa pháp Thật mích Tỳ-ni, nếu có Tỳ kheo nào giống như Ha-đa, Tăng cũng nên cho pháp Thật mích Tỳ-ni. Pháp cho như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo Ha-đa này không có hổ thẹn, ác dục, có tội đủa căn cứ thấy nghe nghi, trước tự nói tôi phạm, sau lại nói là không phạm nên Tăng cho Tỳ kheo này pháp Thật mích Tỳ-ni. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cho Tỳ kheo Ha-đa pháp Thật mích Tỳ-ni. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng đã cho Tỳ kheo Ha-đa pháp Thật mích Tỳ-ni xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Hành pháp của-Tỳ kheo được pháp Thật mích Tỳ-ni là Tỳ kheo nay không được cho người khác thọ đại giới, không được thọ người khác y chỉ, không được chưa nuôi Sa di, không được thọ giáo giới Tỳ kheo ni, nếu được Tăng sai cũng không được thọ giáo giới Tỳ kheo ni. Tăng đã cho pháp Thật mích Tỳ-ni thì không được tái phạm tội này hoặc tội tương tợ với tội này hoặc tội nặng hơn tội này. Tỳ kheo này không được quở Tăng yết ma, không được quở người làm yết ma, không được cử tội Tỳ kheo thanh tịnh, không được bảo người khác nhớ nghĩ, không được gạn hỏi cũng không được nghe người khác nói tội của-Tỳ kheo khác, không được ngăn thuyết giới, không được ngăn thọ giới, không được ngăn tự tứ, không được bàn nói lỗi lầm của-Tỳ kheo thanh tịnh. Tỳ kheo này thường phải tự khiêm tốn, điều phục tâm hạnh, tùy thuận chúng tăng. Nếu không tuân theo những hành pháp này thì trọn đời không được giải yết ma này”.

6. Pháp Thứ Sáu: Hiện Tiền Đa Mích Diệt Tránh

Phật tại nước Câu-xá-di, lúc đó các Tỳ kheo Câu-xá-di ưa thích gây gổ khiến cho nhiều việc tranh chấp khởi lên, họ suy nghĩ: “Nếu Trưởng lão Xá-lợi-phất làm chủ quyết đoán việc này thì việc tranh chấp sẽ được giải quyết”. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật hỏi Anan: “Tỳ kheo làm Thát lại tra có thể thọ làm chủ quyết đoán không?”, đáp: “Thế tôn, Tỳ kheo làm Thát lại tra có thể thọ làm chủ quyết đoán”, Phật liền nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho Tỳ kheo làm Thát lại tra thọ làm chủ đoán sự, thọ pháp đoán sự này rồi phải như pháp như Tỳ-ni như lời Phật dạy mà hiện tiền trừ diệt. Tỳ kheo làm Thát lại tra có ba loại: Một là thân thiện, khẩu bất thiện; hai là khẩu thiện, thân bất thiện; Ba là thân thiện, khẩu thiện. Thân thiện, khẩu bất thiện là Thác lại tra không đi đến chỗ nguyên cáo và bị cáo nói rằng: “Việc này dù đúng hay không đúng đều nên làm như thế; dù ông thắng kia thua hay kia thắng ông thua đều không nên làm như thế”. Người này tuy không đến nói nhưng lại sai sứ đến nói như trên thì gọi là Thân thiện nhưng khẩu bất thiện. Khẩu thiện, thân bất thiện là Thác lại tra tự đi đến chỗ nguyên cáo và bị cáo nhưng lại không nói những lời trên; cũng không sai sứ đến nói những lời trên thì gọi là Khẩu thiện nhưng thân bất thiện.Thân thiện, khẩu thiện là Thác lại tra không đi đến chỗ nguyên cáo và bị cáo, cũng không nói những lời trên, cũng không sai sứ đến nói những lời trên thì gọi là Thân và khẩu đều thiện.

Từ nay Tỳ kheo làm Thác lại tra nên học như sau: Không nên cùng nguyên cáo và bị cáo đi chung một đường, cũng không riêng cùng với một người nào đi chung đường, cũng không cùng ước hẹn; nếu trước kia có chút nhân duyên ước hẹn với nhau thì nên hủy bỏ ước hẹn này. Ước hẹn là hẹn trước giờ ngọ hay sau giờ ngọ, hoặc ban ngày hoặc ban đêm, hoặc nơi A-lan-nhã hoặc nơi tụ lạc, Tăng phường. Tỳ kheo làm Thác lại tra nhận xử đoán việc này nên như pháp như Tỳ-ni, như lời Phật dạy mà hiện tiền trừ diệt, nên dùng một pháp gọi là Hiện tiền Tỳni. Sao gọi là Hiện tiền? Có hai là nhơn hiện tiền và Tỳ-ni hiện tiền. Nhơn hiện tiền là người theo trợ giúp nguyên cáo và bị cáo cùng nhóm lại một chỗ. Tỳ-ni hiện tiền là như pháp, như Tỳ-ni, nhu lời Phật dạy mà xử đoán việc này.

Nếu Tỳ kheo làm Thác lại tra không thể như pháp, như Tỳ-ni, như lời Phật dạy mà xử đoán việc này thì nên giao lại cho Tăng; Tăng nhận lại việc này nên như pháp, như Tỳ-ni, như lời Phật dạy mà xử đoán việc này. Nếu Tăng có thể như pháp, như Tỳ-ni, như lời Phật dạy xử đoán được việc này thì gọi là dùng một pháp Hiện tiền Tỳ-ni để diệt tránh.

Hiện tiền Tỳ-ni là Tăng hiện tiền, nhơn hiện tiền và Tỳ-ni hiện tiền. Tăng hiện tiền là những Tỳ kheo có mặt trong đây đều có thể cùng làm yết ma, cùng đồng tâm hòa hợp một chỗ, người thọ dục nên mang dục đến, Tỳ kheo có mặt có thể ngăn thì không ngăn. Đây gọi là Tăng hiện tiền. Nhơn hiện tiền là người theo trợ giúp nguyên cáo và bị cáo cùng nhóm lại một chỗ. Tỳ-ni hiện hiền là như pháp, như Tỳ-ni, như lời Phật dạy mà xử đoán việc này”.

Nếu Tăng không thể như pháp… xử đoán việc này thì ở trong Tăng nên cử hai Tỳ kheo làm Ô-hồi-cưu-la rồi yết ma sai Tỳ kheo làm Ô-hồi -cưu-la thứ nhất xử đoán việc này. Pháp yết ma sai là Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng hỏi: “Vị nào có thể làm Ô-hồi-cưu-la như pháp, như Tỳ-ni xử đoán việc này?”, nếu trong Tăng có người đáp là có thể thì nên xét xem người này, nếu có đủ năm pháp: Tùy ái hành, tỳ sân hành, tùy bố hành, tùy si hành, không biết xử đoán hay không xử đoán thì không nên sai. Ngược lại nếu thành tựu năm pháp: Không tùy ái hành, không tùy sân hành, không tùy bố hành, không tùy si hành, có thể biết rõ xử đoán hay không xử đoán thì nên sai. Lúc đó một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo tên ………… có thể làm Ô-hồi -cưu-la, như pháp như Tỳ-ni xử đoán sự việc trong Tăng. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay sai Tỳ kheo ………… làm Ô-hồi-cưu-la có thể như pháp xử đoán sự việc trong Tăng. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã sai Tỳ kheo ……… làm Ô-hồi-cưu-la xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Tỳ kheo làm O-hồi-cưu-la này nếu là Thượng tòa, các Tỳ kheo Hạ tòa nên gởi dục cho vị này rồi mới đi xa; nếu vị này là Hạ tòa thì phải đến chỗ các Thượng tòa lấy dục để các vị này đi xa. Tỳ kheo làm Ô-hồi- cưu-la phải như pháp… xử đoán việc này, nếu có thể như pháp… xử đoán được việc này thì gọi là dùng một pháp Hiện tiền Tỳ-ni để diệt tránh. Hiện tiền Tỳ-ni giải thích giống như đoạn văn trên.

Nếu Tỳ kheo làm Ô-hồi-cưu-la thứ nhất không thể như pháp… xử

đoán việc này thì nên giao lại cho Tỳ kheo làm Ô-hồi-cưu-la thứ hai, vị thứ hai này nên nhận và như pháp… xử đoán việc này. Nếu vị thứ hai này có thể như pháp… xử đoán được việc này thì gọi là dùng một pháp Hiện tiền Tỳ-ni để diệt tránh. Hiện tiền Tỳ-ni giải thích giống như trên.

Nếu vị Ô-hồi-cưu-la thứ hai này vẫn không thể như pháp… xử đoán việc này thì nên giao lại cho Tăng gần trú xứ, Tăng gần trú xứ nên nhận và như pháp… xử đoán việc này. Nếu Tăng gần trú xứ này có thể như pháp… xử đoán được việc này thì gọi là dùng một pháp Hiện tiền Tỳ-ni để diệt tránh. Hiện tiền Tỳ-ni giải thích giống như trên.

Nếu Tăng gần trú xứ này vẫn không thể như pháp… xử đoán việc này, nghe Tăng ở một trú xứ khác có đại chúng tốt, thương tòa trong chúng này biết Ba-la-đề-mộc-xoa; trong chúng tăng này lại có nhiều Tỳ kheo trì Tu-đa-la, trì Tỳ-ni, trì Ma-đa-la-già thì Tăng gần trú xứ này nên sai sứ đến chỗ Tăng trú xứ đó. Trong Tăng nên cử người đi tuyên truyền sự việc, nên ở ngoài giới với đủ túc số tăng, nhất tâm hòa hợp hỏi: “Trong đây ai có thể làm người đi tuyên truyền sự việc, từ nơi này đến Tăng trú xứ kia nói rõ sự việc, nếu giữa đường có thể xử đoán được việc này thì tốt”, nếu có người đáp là có thể thì nên xem xét người này, nếu có đủ năm phápkể trên thì không nên sai, ngược lại nếu thành tựu năm phápkể trên thì nên sai. Người được sai truyền sự này nên đến chỗ Tăng trú xứ kia nói rõ sự việc, nếu giữa đường có thể như pháp… xử đoán được việc này thì tốt, đây gọi là dùng một pháp Hiện tiền Tỳni để diệt tránh. Nếu người truyền sự này không thể giữa đường như pháp… xử đoán thì nên đến chỗ Tăng trú xứ kia. Trong Tăng ở trú xứ kia nếu có Thượng tòa quen biết được nhiều Trưởng lão Tỳ kheo thì người truyền sự này nên kể rõ sự việc trên cho vị Thượng tòa này nghe: “Việc này khởi ra như thế như thế…, nhân duyên như thế như thế… Thác lại tra không xử đoán được, chúng tăng không xử đoán được, Ô-hồi-cưula thứ một không xử đoán được, Ô-hồi-cưu-la thứ hai cũng không xử đoán được nên giao lại cho Tăng, Tăng vẫn không xử đoán được, Tăng gần trú xứ cũng không xử đoán được… cho đến người truyền sự ở giữa đường cũng không xử đoán được, cuối cùng đến trong Tăng của trú xứ này. Trưởng lão có thể nhận xử đoán giúp việc này được không?”. Nếu Thượng tòa này đáp là có thể thì người truyền sự nên cùng ước hẹn, nếu không ước hẹn thì không nên giao. Ước hẹn là hẹn cho đến chín tháng. Việc tranh cải có năm điều khó xử đoán: Một là cứng nhắc, tức là cố chấp việc này; hai là thế lực mạnh, tức là nguyên cáo và bị cáo đều có thế lực mạnh; Ba là hung dữ, tức là nguyên cáo và bị cáo đều có tánh ác ưa sân hận; Bốn là lan truyền qua lại, tức là sự việc này lan truyền rọng ra từ nơi này đến nơi khác; năm là nghi sợ, tức là các Tỳ kheo nghi sợ khi xử đoán xong sự việc, Tăng nhất tâm hòa hợp sẽ bị phá thành hai phe.

Trong Tăng ở trú xứ này nên cử người hành trù (phát thẻ), Tăng nhất tâm hòa hợp hỏi rằng: “Vị nào có thể làm người hành trù?”, nếu có người đáp là có thể thì nên xem xét người này, nếu có đủ năm pháp: Tùy ái, tùy sân, tùy sợ, tùy si, không biết phát thẻ hay không phát thẻ thì không nên sai; ngược lại nếu thành tựu năm pháp: Không tùy ái, không tù sân, không tùy sợ, không tùy si, biết phát thẻ hay không phát thẻ thì nên sai. Một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo tên ………. có thể làm người phát thẻ. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay sai Tỳ kheo ……….. làm người phát thẻ. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã sai Tỳ kheo ……….làm người phát thẻ xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Tỳ kheo hành trù nên tùy theo số Tăng nhiều ít mà làm hai loại thẻ: Loại thẻ dài, trắng và loại thẻ ngắn, đen. Người nói như pháp thì lấy thẻ dài trắng, người nói phi pháp thì lấy thẻ ngắn đen; người nói như pháp thì lấy thẻ bằng tay phải và lấy từ từ, người nói phi pháp thì lấy thẻ bằng tay trái và lấy vội vàng. Tỳ kheo hành trù nên phát thẻ cho người nói như pháp trước, phát thẻ cho người nói phi pháp sau, khi phát thẻ nên nói rằng: “Đây là thẻ của người nói như pháp, đấy là thẻ của người nói phi pháp”. Phát thẻ xong nếu đếm thấy thẻ của người nói như pháp nhiều hơn cho đến một thẻ thì đây gọi là dùng hai pháp Hiện tiền Tỳ-ni và Đa mích Tỳ-ni xử đoán. Hiện tiền Tỳ-ni giải thích giống như trên; Đa mích Tỳ-ni là xuôi ngược tìm người như pháp để diệt tránh. Nếu đếm thấy thẻ của người nói phi pháp nhiều hơn cho đến một thẻ thì đây cũng gọi là dùng hai pháp Hiện tiền Tỳ-ni và Đa mích Tỳ-ni để diệt tránh, nhưng Hiện tiền Tỳ-ni trong đây là phi pháp phi Tỳ-ni, không như lời Phật dạy mà dứt diệt.

Có bốn cách phát thẻ: Một là bí mật phát thẻ, tức là phát thẻ trong tồi hay ở chỗ có vách ngăn; hai là Điên đảo phát thẻ, tức là đưa thẻ của người nói như pháp cho người nói phi pháp, hoặc đưa thẻ của người nói phi pháp cho người nói như pháp; Ba là ước hẹn phát thẻ, tức là người phát thẻ ước hẹn với Hòa thượng, A-xà-lê hoặc đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê hoặc thiện tri thức đồng tâm tùy theo quốc độ, tụ lạc, nhà cửa mà ước hẹn rằng: “Chúng ta sẽ lấy thẻ như thế như thế, các vị chớ cách xa chúng tôi, chớ có riêng khác, hãy cùng nói chuyện và cùng đồng sự”; Bốn là tất cả Tăng lấy thẻ, tức là tất cả Tăng họp lại một chỗ, không được lấy dục, vì sao, vì sợ có nhiều Tỳ kheo nói phi pháp.

Nếu chúng tăng này phần lớn là Thượng tòa biết Ba-la-đề-mộcxoa có thể xử đoán được việc này thì gọi là dùng một pháp Hiện tiền Tỳ-ni để diệt tránh. Nếu chúng tăng này phần lớn là Thượng tòa biết Ba-la-đề-mộc-xoa vẫn không thể xử đoán việc này thì nên giao lại cho người truyền sự, người truyền sự nên nhận lại việc này, nếu giữa đường có thể xử đoán được việc này thì gọi là dùng một pháp Hiện tiền Tỳ-ni để diệt tránh. Nếu người truyền sự này vẫn không thể xử đoán việc thì ở giữa đường nghe ở trong Tăng phường nào có ba, hai, một Tỳ kheo hoặc trì Tu-đa-la hoặc trì Tỳ-ni hoặc trì Ma-đa-la-già được bốn chúng cung kính tôn trọng, người truyền sự này nên đến trong tăng phường đó nói với Tỳ kheo đó rằng: “Đại-đức, sự việc này nhân duyên khởi lên như thế như thế, Thác lại tra không xử đoán được, chúng tăng không xử đoán được, Ô-hồi-cưu-la thứ nhất không xử đoán được, Ô-hồi-cưula thứ hai cũng không xử đoán được, Tăng cũng không xử đoán được, Tăng gần trú xứ cũng không xử đoán được… người truyền sự giữa đưỡng cũng không xử đoán được, Tỳ kheo tăng đại Thượng tòa cũng không xử đoán được… Đại-đức nay nên nhận việc này như pháp… xử đoán, nếu được thì tốt”, Tỳ kheo được bốn chúng tôn trọng này nên đáp: “Không thể hai bên cùng nói mà đều được thắng, phải có một bên thắng, một bên thua”. Nếu nói như thế thì gọi là nói như pháp, nếu không nói như thế thì gọi là nói phi pháp, các Tỳ kheo nên nói với nhau rằng: “Nếu như pháp xử đoán được việc này mà còn phát khởi trở lại thì phạm Ba-dật-đề, nếu quở trách việc này xử đoán không như pháp thì phạm Đột-kiết-la”.

7. Pháp Thứ Bảy: Bố Thảo Tỳ Ni

Phật tại nước Câu-xá-di, lúc đó các Tỳ kheo Câu-xá-di ưa gây gổ, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho pháp Bố thảo Tỳ-ni, dùng pháp Bố thảo Tỳ-ni này sẽ khiến những việc đã khởi trong Tăng đều được dứt diệt”. Sao gọi là Bố thảo Tỳ-ni? Như có một trú xứ, các Tỳ kheo trong đây ưa gây gổ nhau, các Tỳ kheo này nên hòa hợp lại một chỗ nói với nhau: “Các Trưởng lão, chúng ta mất mát lớn, không được gì cả, suy hao lớn không có lợi ích, là đại ác bất thiện.

Chúng ta do lòng tin cầu đạo nên xuất gia trong Phật pháp, nay lại ưa gây gổ nhau; nếu chúng ta truy tìm nguồn gốc của sự việc thì trong Tăng những việc chưa khởi sẽ khởi, những việc đã khởi sẽ không thể dứt diệt”, nói rồi cùng tác bạch:

Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay dùng pháp Bố thảo Tỳ-ni để dứt diệt việc này. Bạch như vậy.

Ngay lúc đó các Tỳ kheo phân làm hai bộ, mỗi bộ nhóm lại một chỗ, trong hai bộ chúng này, nếu có vị Trưởng lão đại Thượng tòa, vị này nên nói với bộ chúng thứ nhất rằng: “Chúng ta mất mát lớn, không được gì cả, suy hao lớn không có lợi ích, là đại ác bất thiện… giống như đoạn văn trên cho đến câu việc đã khởi không thể dứt diệt được. Chúng ta nay phải tự khuất ý, những tội mà chúng ta đã làm trừ tội Thâu-langiá và tội tương ưng Bạch y, những tội khác chúng ta nên hiện tiền phát lồ sám hối không có che dấu”. Nếu trong bộ chúng này không có Tỳ kheo nào ngăn việc này thì vị Trưởng lão Thượng tòa này nên đến nói với bộ chúng thứ hai rằng: “Chúng ta mất mát lớn, không được gì cả… giống như đoạn văn trên cho đến câu trừ tội tương ưng Bạch y, những tội khác chúng ta nên tự vì mình vì người hiện tiền phát lồ sám hối không có che dấu”. Các Tỳ kheo trong bộ chúng thứ nhất nói: “Các thầy tự thấy tội không?”, đáp: “Thấy tội, như pháp sám hối không khởi lại nữa”, bộ chúng thứ hai cũng nói như thế. Đây gọi là pháp Bố thảo Tỳ-ni.