THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 16

V. CHÍN MƯƠI PHÁP BA DẬT ĐỀ (Tiếp Theo)

60. Giới Nửa Tháng Tắm Một Lần

Phật tại thành Vương xá, lúc đó trong thành có ba ao nước tắm, ao nước thứ nhất dành cho vua và phu nhân tắm, ao nước thứ hai dành cho vương tử và đại thần tắm, ao nước thứ ba dành cho nhân dân tắm. Vua Bình sa vốn tin sâu Phật giáo nên nói với các đại thần: “Các bậc thượng nhơn nên tắm trong ao nước dành cho ta tắm”, do đó nên các Tỳ kheo thường thường đến tắm trong ao nước này. Một hôm vua Bình sa muốn tắm nên bảo người giữ ao: “Nên đuổi hết mọi người đi, ta muốn đến tắm”, người giữ ao đuổi hết mọi người đi, chỉ còn có Tỳ kheo ở lại vì người giữ ao nghĩ rằng: “Vua vốn kính Tỳ kheo, nếu đuổi đi thì vua sẽ nổi giận”, nghĩ rồi liền đến bạch vua: “Đã đuổi hết mọi người đi, chỉ còn Tỳ kheo”, vua nói: “Lành thay, cứ để các thượng nhơn tắm trước”. Sau khi các Tỳ kheo tắm xong đi hết, người giữ ao mới đến bạch vua, vua liền đến tắm, khi vua tắm xong thì trời sáng, lúc đó vua nghĩ: “Ta nay ra thành không nên không gặp Phật mà trở vào trong thành”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên , Phật liền thăm hỏi: “Đại vương, mới sáng sớm vì sao đến”, vua đem việc trên bạch Phật, Phật thuyết pháp cho vua được lợi hỉ rồi yên lặng, vua đứng dậy đảnh lễ Phật, hữu nhiễu rồi ra về. Không bao lâu sau Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi quở trách các Tỳ kheo: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại thường thường đến tắm khiến cho vua dòng Sát-đế-lỵ đã quán đảnh ở trong ao nước của mình mà không được tắm”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo chưa đủ nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề , đủ nửa tháng hoặc hơn thì không phạm.

Lúc đó vào một tháng cuối của mùa xuân và một tháng đầu của mùa hạ, trời rất nóng bức, do các Tỳ kheo không thường tắm nên thân dơ ngứa, bức rức khó chịu liền bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn, trời móng bức như thế nên cho các Tỳ kheo tắm rửa”, Phật nói: “Cho tắm, từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là vào tháng cuối của mùa xuân và vào tháng đầu của mùa ha, trời nóng bức.

Tướng phạm trong giới này là nếu trời chưa đến nổi nóng bức mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, trời nóng bức tắm thì không phạm.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có nhiều Tỳ kheo bịnh dùng tô dầu thoa thân, do không tắm nên thân dơ ngứa, bức rứt khó chịu liền bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn, cho nhân duyên bịnh được tắm”, Phật nói: “Từ nay cho nhân duyên bịnh đuợc tắm, vì lợi ích cho người bịnh như thức ăn không khác. Từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là trời nóng bức, khi bịnh. Bịnh là bịnh lạnh, bịnh nóng, bịnh phong nếu được tắm thì bịnh lành.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo không bịnh, chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, nếu bịnh thì không phạm.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các Tỳ kheo trước giờ ngọ đắp y mang bát vào thành khất thực, bỗng có gió bão nổi lên thổi y rời khỏi thân, bụi đất dính đầy người, không được tắm nên ngứa ngáy khó chịu liền bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn cho nhân duyên bị gió thổi được tắm”, Phật nói: Từ nay cho nhân duyên bị gió thổi được tắm, từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là khi trời nóng bức, khi bịnh, khi bị gió thổi.

Tướng phạm trong giới này là nếu không bị gió thổi mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, bị gió thổi tắm thì không phạm.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các Tỳ kheo mặc y mới nhuộm vào thành khất thực gặp mưa to, bị ướt y, nước nhuộm thấm vào thân sanh ghẻ lở, không được tắm nên bức rứt khó chịu liền bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn cho nhân duyên gặp mưa to được tắm”, Phật nói: Cho nhân duyên gặp trời mưa được tắm, từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là khi trời nóng bức, khi bịnh, khi bị thổi, khi gặp trời mưa.

Tướng phạm trong giới này là nếu không gặp trời mưa mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, gặp trời mưa tắm thì không phạm.

Phật tại nước A-la-tỳ, lúc đó các Tỳ kheo làm chùa mới do gánh đất, bùn, ngói, gạch… để xây cất mà không được tắm nên thân dơ ngưa khó chịu và mệt mõi, liền đem việc này bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn do nhân duyên làm việc được tắm”, Phật nói: “Cho nhân duyên làm việc được tắm, từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là khi trời nóng bức, khi bịnh, khi bị gió thổi, khi trời mưa, khi làm việc. Làm việc là cho đến quét một thước đất trong Tăng phường.

Tướng phạm trong giới này là nếu không có nhân duyên làm việc mà tắm thì phạm Ba-dật-đề; nếu có làm việc, tắm thì không phạm.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có các Tỳ kheo từ nước Kiều-tát-la du hành đến nước Xá-vệ, do bụi đất ở vùng đất này nhiều nên khi đi đường bụi đất bám dính người, không được tắm nên thân dơ ngứa, bức rứt khó chịu liền bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn cho nhân duyên đi đường được tắm”, Phật nói: “Cho nhân duyên đi đường được tắm, từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là khi trời nóng bức, khi bịnh, khi bị gió thổi, khi trời mưa, khi làm việc, khi đi đường. Đi đường là cho đến đi nửa do tuần, hoặc đến hoặc đi.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo đến ngày hôm qua mà ngày nay tắm thì phạm Ba-dật-đề; ngày mai mới đi mà ngày nay tắm thì phạm Ba-dật-đề; nếu đi nửa do tuần dù đến hay đi mà tắm thì không phạm. Nếu Tỳ kheo không có sáu nhân duyên kể trên, chưa tới nửa tháng mà tắm thì phạm Ba-dật-đề; nếu có nhân duyên không nói với các tk mà liền tắm thì phạm Đột-kiết-la.

61. Giới Đoạn Mạng Súc Sanh

Phật tại nước Duy-na-ly, lúc đó các vương tử nước Duy-na-ly vào trong vườn rừng học bắn cung, Ca-lưu-đà-di trước giờ ngọ đắp y mang bát vào thành khất thực, từ xa thấy các vương tử học cách bắn cung như thế liền cười, các vương tử hỏi: “Vì sao cười, chúng tôi bắn không hay sao”, đáp là hay, lại hỏi: “Thầy có bắn được không?” Đáp là được, các vương tử nói: “Nếu được thì bắn thử đi”, đáp: “Pháp của chúng tôi không có cung tên thì không bắn”, các vương tử nói: “Đây có cung tên bằng cây có thể dùng được”, nói rồi đưa cung tên bằng cây. Khi Ca-lưuđà-di giương cung có chim bay trong hư không rồi bay vòng trở lại, liền buông tên vờn quanh không cho chim bay thoát ra, các vương tử nói: “Cớ gì bắn không trúng”, đáp: “Bắn trúng đâu có khó gì”, các vương tử nói: “Không đúng như thế, nếu trúng được thì nên bắn cho trúng, chớ nên nói suông”, Tỳ kheo kiêu mạn nói: “Các người muốn trúng chỗ nào”, các vương tử nói: “Muốn trúng vào mắt phải”, liền bắn trúng vào mắt phải, chim liền chết. Lúc đó các vương tử đều hổ thẹn, sanh tật đố và nổi sân nói rằng: “Sa-môn Thích tử sao có thể đoạt mạng súc sanh”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Ca-lưu-đà-di: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cố ý đoạt mạng súc sanh”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo cố ý đoạt mạng súc sanh thì phạm Ba-dật-đề.

Đoạt mạng là tự làm hay bảo người làm. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo tự tay đoạt mạng súc sanh thì phạm Ba-dật-đề; nếu Tỳ kheo bảo người khác rằng: “Hãy bắt trói súc sanh này rồi đập chết”, nếu người kia nghe lời đập chết nó thì Tỳ kheo này phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo sai sứ đến nói với người khác rằng: “Ngươi biết súc sanh đó không?” Đáp là biết, sứ nói: “Ngươi hãy đến bắt trói và đập chết nó”, nếu người kia nghe lời đập chết nó thì Tỳ kheo này phạm Ba-dậtđề. Lại nữa-tỳ kheo có ba cách đoạt mạng súc sanh phạm Ba-dật-đề: Một là dùng thọ sắc, Hai là dùng không phải thọ sắc, Ba là dùng cả thọ sắc và không phải thọ sắc. Thọ sắc là nếu Tỳ kheo dùng tay hoặc chân hoặc thân phần khác đập chết súc sanh, nghĩ rằng: “Muốn cho nó chết”, nếu nó chết thì Tỳ kheo phạm Ba-dật-đề; nếu nó không chết liền, về sau cũng do nhân duyên này mà chết thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-dậtđề; nếu không chết liền, về sau cũng không phải do nhân duyên này mà chết thì phạm Đột-kiết-la. Không phải thọ sắc là nếu Tỳ kheo dùng cây, ngói đá, dao gậy, cung tên… từ xa ném, bắn muốn cho nó chết, nếu nó chết thì Tỳ kheo phạm Ba-dật-đề; nếu nó không chết liền… cho đến phạm Đột-kiết-la giống như đoạn văn trên. Thọ sắc và không phải thọ sắc là nếu Tỳ kheo dùng tay cầm cây, ngói đá dao gậy, cung tên… đập đánh nó, muốn cho nó chết; nếu nó chết thì Tỳ kheo phạm Ba-dật-đề; nếu nó không chết liền… cho đến phạm Đột-kiết-la giống như đoạn văn trên.

Nếu Tỳ kheo không dùng thọ sắc, bất thọ sắc, thọ sắc và bất thọ sắc như đã kể trên, vì muốn giết nó nên để thuốc độc vào trong miệng nó hoặc trong thức ăn uống của nó, nếu nó chết thì Tỳ kheo phạm Badật-đề; nếu nó không chết liền… cho đến phạm Đột-kiết-la giống như đoạn văn trên.

Nếu Tỳ kheo không dùng thọ sắc… cũng không dùng thuốc độc, vì muốn giết nó nên xúc não làm cho nó buồn phiền… cho đến làm cho nó bị đọa thai hoặc xô xuống nước hay xô vào trong lửa, xô xuống hầm, hoặc đuổi ra đường muốn cho nó chết. Cho đến súc sanh còn trong thai mẹ mới thọ hai căn là thân căn và mạng căn mà khởi phương tiện làm cho nó chết, nếu nó chết thì Tỳ kheo phạm Ba-dật-đề; nếu nó không chết liền… cho đến phạm Đột-kiết-la giống như đoạn văn trên.

62. Giới Cố Ý Làm Cho Tỳ Kheo Khác Nghi Hối

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo tranh cải với Thất thập quần Tỳ kheo, muốn làm cho chúng Tỳ kheo này sanh nghi hối nên nói rằng: “Các thầy không đủ hai mươi tuổi mà thọ giới cụ túc. Nếu người chưa đủ hai mươi tuổi thọ giới cụ túc thì không gọi là đác giới cụ túc, nếu không đắc giới cụ túc thì không phải là Tỳ kheo, không phải là Sa-môn Thích tử ”, chúng Tỳ kheo này nghe rồi ưu sầu nghi hối kêu khóc, các Tỳ kheo hỏi rõ nguyên do”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cố ý làm cho Tỳ kheo khác nghi hối”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau: Nếu Tỳ kheo cố ý làm cho Tỳ kheo khác nghi hối, khiến cho trong chốc lát tâm không an ổn, do nhân duyên này không gì khác thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này có sáu: Một là sanh, Hai là thọ giới cụ túc, Ba là phạm, Bốn là hỏi, Năm là vật, sáu là pháp.

Sanh là Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác sanh vào lúc nào, đáp là sanh vào đời vua ……… có đại thần …….., hoặc vào năm được mùa sung túc hoặc vào năm thất mùa đói kém…; Tỳ kheo nói: “Nếu thầy sanh vào lúc đó thì không đủ hai mươi tuổi, nếu không đủ hai mươi thì không đắc giới cụ túc… không phải Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề. Lại có Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác: “Dưới nách của thầy lúc nào mọc lông, bên miệng lúc nào mọc râu, yết hầu ở cổ lúc nào hiện”, đáp là vào lúc ……… như đoạn văn trên; Tỳ kheo nói: “Nếu mọc râu vào lúc đó thì thầy chưa được hai mươi tuổi … không phải là Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề.

Thọ giới cụ túc là nếu Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác: “Thầy thọ giới vào lúc nào?” Đáp là vào đời vua …….. có đại thần ……… như đoạn văn trên; Tỳ kheo nói: “Nếu thầy thọ giới cụ túc vào lúc đó thì không đắc giới cụ túc… không phải là Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề. Lại có Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác: “Ai làm hòa thương truyền trao giới cụ túc cho thầy, ai làm A-xà-lê, ai làm giáo thọ sư?” Đáp: “Vị …….. làm hòa thượng, vị ……… làm A-xà-lê, vị ……… làm giáo thọ sư”; Tỳ kheo nói: “Nếu như thế thì thầy không đắc giới cụ túc… không phải là Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề. Lại có Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác: “Thầy ở trong thập sư thọ giới cụ túc hay là ở trong ngũ sư?”, đáp là ở trong thập sư, đó là ………; Tỳ kheo nói: “Nếu ở trong thập sư như thế thì thầy không đắc giới cụ túc… không phải Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề. Lại có Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác: “Thầy ở trong giới thọ cụ túc hay ở ngoài giới?” Đáp là ở trong giới ……… Tỳ kheo nói: “Nếu ở trong giới này thọ giới thì thầy không đắc giới cụ túc… không phải Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề.

Phạm là nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo khác rằng: “Thầy phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề,Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo phạm Tăng-già-bà-thi-sa… thì người này không phải là Tỳ kheo, không phải là Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề.

Hỏi là nếu Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác: “Thầy vào trong tụ lạc …….., đi đường ……… đến nhà của ……… ngồi ở chỗ ……… nói chuyện cùng với người nữ tên …….., đến chùa ni ………. ngồi nói chuyện với Tỳ kheo ni tên …….. phải không?” Đáp là có, liền nói: “Nếu thầy vào tụ lạc đó… ngồi nói chuyện với Tỳ kheo ni đó thì thầy không phải là Tỳ kheo, không phải Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề.

Vật là nếu Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác: “Thầy đồng tâm với ai dùng bát, y… cho đến bốn loại dược?” Đáp là đồng tâm với Tỳ kheo tên…….., liền nói: “Nếu thầy đồng tâm với Tỳ kheo đó thì thầy không phải là Tỳ kheo, không phải Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề.

Pháp là nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo khác rằng: “Chớ chứa nhiều y, chớ thường thường ăn, chớ ăn riêng chúng…”, đáp: “Tôi có thọ y Cahi-na”, liền nói: “Nếu thầy chứa nhiều y , thường thường ăn… thì thầy không phải là Tỳ kheo, không phải Sa-môn Thích tử”, dù Tỳ kheo kia có nghi hối hay không Tỳ kheo này vẫn phạm Ba-dật-đề.

Nếu Tỳ kheo dùng sáu cách trên khiến cho Tỳ kheo khác nghi hối thì phạm Ba-dật-đề , ngoài sáu cách trên dùng cách khác làm cho Tỳ kheo khác nghi hối thì phạm Đột-kiết-la hoặc dùng sáu cách trên nhưng với nhân duyên khác làm cho Tỳ kheo khác nghi hối cũng phạm Đột-kiết-la.

63. Giới Dùng Tay Chọc Lét

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có một trẻ con bạch y vua đùa với Thập thất quần Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo này vì muốn chọc cho nó cười nên dùng tay chọc lét nó, đứa bé này do cười nhiều quá nên đứt hơi mà chết. Thập thất quần Tỳ kheo sanh nghi không biết mình có phạm Ba-la-di hay không, đem việc này bạch Phật, Phật hỏi: “Các thầy dùng tâm gì mà làm việc đó?” Đáp: “Chúng con muốn chọc cho nó cười nên làm việc đó”, Phật nói: “Nếu như vậy thì không phạm sát”, Phật bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo dùng tay chọc lét người khác thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo dùng một ngón tay chọc lét người khác thì phạm một tội Ba-dật-đề, dùng hai ngón tay cho đến mười ngón tay thì phạm mười tội Ba-dật-đề; nếu dùng cây, gậy… chọc lét người khác thì phạm Đột-kiết-la.

64. Giới Đùa Giỡn Trong Nước

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Thập thất quần Tỳ kheo rũ nhau đến sông A-chỉ-la tắm, trong Thập thất quần có một Tỳ kheo đã được thiền định vốn không muốn đi, nhưng vì muốn hộ mười sáu Tỳ kheo kia nên đi cùng. Chúng Tỳ kheo này đến nơi cởi bỏ y phục vào trong sông tắm, làm đủ cách chơi giỡn như vỗ nước ra tiếng hoặc lặn hụp dưới nước hoặc bơi lội như cá chuyển mình… Cách đó không xa vua Ba-tư-nặc đang cùng phu nhân Mạt-lợiở trên lầu gác vui hưởng năm dục lạc, có cung nữ ca múa hát để tự vui. Vua từ xa nhìn thấy các Tỳ kheo đủ cách chơi đùa giỡn trong sông như thế liền nói với phu nhân: “Đó là những người mà nàng tôn trọng, sao lại đủ cách chơi đùa giỡn thô tháo ở trong nước như thế”, phu nhân nói: “Vì sao vua lại nói như thế, họ chỉ là những người còn trẻ tuổi; vua hãy nên ngưỡng vọng những vị như Ma-ha Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, A-na-luật…”. Lúc đó Tỳ kheo đã được thiền định không tắm mà ngồi thiền gần đó, nghe được những lời này của vua và phu nhân nên bảo các Tỳ kheo: “Các thầy tắm như thế đủ rồi, hãy lên bờ mặc lại y phục, tất cả cầm bình đựng đầy nước để trước mặt rồi ngồi kiết già”, tất cả đều lên bờ và làm theo như lời dạy, Tỳ kheo được thiền định liền dùng sức thần thông làm cho các bình nước bay trong hư không, các Tỳ kheo ngồi kiết già bay theo sau các bình nước. Phu nhân Mạt-lợinhìn thấy cảnh này liền nói với vua: “Vua xem đây là những người mà thiếp tôn trọng, tuy họ có hành động mà vua thấy như thế nhưng lại có sức thần thông định lực mà vua không thấy được”. Sau đó phu nhân sai sứ đến bạch Phật: “Nhà vua thường nêu ra những lỗi lầm của các Tỳ kheo, do các Tỳ kheo đã chơi đùa giỡn trong nước, cúi xin Thế tôn bảo các Tỳ kheo chớ tắm trong sông này nữa”. Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng hỏi Thập thất quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại đủ cách chơi đùa giỡn trong nước như thế”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo đùa giỡn trong nước thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này có tám cách: Một là làm cho mình vui, Hai là làm cho mình sướng thích, Ba là làm cho mình cười, Bốn là làm trò chơi giỡn, Năm là vỗ đập nước, sáu là khiến cho người khác vui, bảy là khiến cho người khác sướng thích, tám là khiến cho người khác cười. Nếu Tỳ kheo muốn làm cho mình vui dùng tay vỗ đập nước thì phạm Ba-dật-đề; hoặc ở trong nước lặn hụp, bợi lội qua lại như ca xoay chuyển… đều phạm Ba-dật-đề; cho đến dùng tay vẻ nước trên bàn cũng phạm Đột-kiết-la. Không phạm là nếu học bơi hoặc bơi thẳng qua thì không phạm.

65. Giới Cùng Người Nữ Ngủ Chung Nhà

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão A-na-luật từ nước Kiềutát-la du hành đến nước Xá-vệ, đi đến một tụ lạc không có tăng phường muốn nghỉ qua đêm. A-na-luật vốn là vương tử, tánh chất cao quý không thích hỏi những việc nhỏ nhặt, lại không biết người nào nên hỏi, người nào không nên hỏi. Lúc đó Trưởng lão thấy những người trẻ tuổi trong tụ lạc liền đến hỏi rằng: “Trong tụ lạc này ai có thể cho người xuất gia ngủ qua đêm”, trong tụ lạc này có một dâm nữ, những người trẻ tuổi này muốn trêu đùa-Tỳ kheo nên chỉ đến nhà dâm nữ đó. A-na-luật tình thật không biết nên đến nhà dâm nữ đó gõ cửa, dâm nữ ra mở cửa thấy Tỳ kheo đoan chánh có oai nghi, dung mạo dễ mến nên tâm dâm phát khởi liền hỏi: “Thầy cần điều gì”, đáp là muốn ngủ nhờ một đêm, dâm nữ bằng lòng mời vào nhà , sau khi thăm hỏi nhau xong dâm nữ bảo người nhà sửa soạn các món ăn ngon cúng dường rồi trải chăn nệm gối tốt đẹp trên chiếc giường lớn cho Tỳ kheo bên canh giường của mình. Đến đêm dâm nữ muốn cùng Tỳ kheo làm việc bất tịnh nói rằng: “Tôi xoa chân cho thầy”, liền đáp: “Tôi là người đoạn dục, xin chớ nói đến việc này”, dâm nữ suy nghĩ: “Người này ắt có dục, chỉ là vì mới đến mõi mệt, ta nên đợi đến giữa đêm”, đến giữa đêm dâm nữ yêu cầu lần nữa, cũng đáp như trước, đến cuối đêm dâm nữ lại yêu cầu vẫn đáp như trước, đến sáng dâm nữ nói: “Quốc vương đại thần mang đến một trăm cho đến năm trăm kim tiền tôi còn không chịu nhận lời, đếm hôm tôi đã yêu cầu Ba-lần mà thầy vẫn không chịu, thầy đối với pháp nên được của-Tỳ kheo ắt sẽ chứng đắc được. Nếu thầy không muốn như thế thì xin vì thương xót tôi mà thọ tôi thí thực”, A-na-luật suy nghĩ: “Ta đi đường xa cần phải ăn”, nghĩ rồi liền yên lặng nhận lời. Dâm nữ sửa soạn đầy đủ thức ăn ngon tự tay dâng cúng Tỳ kheo , đợi Tỳ kheo thọ thực xong liền lấy ghế nhỏ ngồi phía trước nghe thuyết pháp. Lúc đó A-na-luật quán tâm và cơ duyên của dâm nữ mà nói pháp, khiến cho dâm nữ ngay nơi chỗ ngồi xa lìa trần cấu chứng được pháp nhãn tịnh. Dâm nữ nghe pháp biết pháp và nhập pháp, không còn nghi hối, ở trong Phật pháp được tâm tự tại vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ A-na-luật bạch rằng: “Con từ ngày nay xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, trọn đời làm Ưu-bà-di”, A-na-luật lại vì nói diệu pháp cho được lợi hỉ rồi đi. Dâm nữ tiễn đưa A-na-luật đi rồi từ đó trở đi, dâm nữ thường cung cấp cho Sa-môn Thích tử y phục và thức ăn uống. A-na-luật dần dần đến nước Xá-vệ, cất y bát rồi đến chỗ Phật, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, pháp thường của Phật là khi có khách Tỳ kheo đến đều hỏi thăm có nhẫn đủ không, khất thực có dễ không, đi đường có nhọc mệt không. A-na-luật đều đáp là nhẫn đủ, khất thực không khó, đi đường không nhọc mệt, rồi đem việc trên bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “A-na-luật dù đã lìa dục chứng được quả A-la-hán, cũng không nên cùng người nữ ngủ chung một nhà. Như sở dục của người nấu ăn, người nữ đối với người nam cũng vậy”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo cùng người nữ ngủ chung một nhà thì phạm Ba-dậtđề.

Người nữ là bao gồm nữ loài người, nữ phi nhơn, nữ súc sanh. Người nữ dù ngồi hay nằm đều gọi là ngủ; voi dù dựa hay đứng cũng gọi là ngủ; lạc đà, trâu, dê dù nằm hay đứng cũng gọi là ngủ; chim, ngỗng, nhạn, khổng tước… dù đứng một chân hay gục đầu cũng gọi là ngủ. Nhà có bốn loại như đã giải trong giới trên.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo ở trong bốn loại nhà kể trên mà cùng người nữ ngủ qua đêm thì phạm Ba-dật-đề , nếu đứng dậy rồi trở lại nằm tùy nằm lại bao nhiêu phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu. Không phạm là suốt đêm ngồi không nằm, cho đến trong nhà đó có người nữ ngủ hoặc có lỗ hổng mà mèo chui qua lọt, Tỳ kheo ngủ qua đêm trong đây thì phạm Ba-dật-đề.

66. Giới Khủng Bố Tỳ Kheo Khác

Phật tại nước Duy-na-ly, lúc đó Phật cùng thị giả là Tỳ kheo Tượng thủ đang ở trong núi Ma-câu-la, pháp thị giả của Phật là Phật chưa vào phòng thì thị giả không được vào trước. Lúc đó vào đầu đêm Phật kinh hành nơi đất trống, trời đang mưa nhỏ, Thích đề hoàn nhơn suy nghĩ: “Phật đang kinh hành nơi đất trông gặp trời mưa nhỏ, ta sao không biến hóa một cái hang lưu ly để Phật kinh hành trong đó”, nghĩ rồi liền biến hóa một cáihang để Phật kinh hành trong đó, vua trời Đế thích đi theo sau. Phật kinh hành lâu, thị giả Tượng thủ bị gió mưa bức não nên suy nghĩ: “Ta nên dùng phương tiện gì để thúc Phật trở vào phòng thì ta mới được vào”. Thời đó nhân dân sống tại núi Ma câu la khi trẻ con khóc thì đem dạ xoa Bà câu la ra hù nhát cho nó nín khóc, thị giả tượng thủ liền đứng ở đầu đường chỗ Phật kinh hành, dùng hai tay bịt hai lỗ tai lại rồi la lớn: “Dạ xoa Bà-câu-la đến”, Thích đề hoàn nhơn nghe rồi liền bạch Phật: “Thế tôn, tại sao trong Phật pháp lại có người ngu si này”, Phật nói: “Kiều thi ca, nhà ta rộng lớn, người này hiện đời sẽ được lậu tận, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau nữa”, Phật chỉ dạy cho vua trời Đế thích được lợi hỉ rồi yên lặng, Thích đề hoàn nhơn sau khi được pháp hỉ liền đảnh lễ Phật, hữu nhiễu rồi đi. Không bao lâu sau, Phật trở vào phòng mình nghỉ, sáng hôm sau do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng quở trách thị giả Tượng thủ: “Thầy là người ngu si, tại sao lại khủng bố Như lai, Phật Thế tôn. Phật là người đã được vô bố úy, tóc lông không dựng đứng”, liền nói kệ:

“Phật ở trong pháp mình,
Trí thông đạt vô ngại,
Lại còn có người đem,
Dạ xoa Bà câu nhát.
Phật ở trong pháp mình,
Trí thông đạt vô ngại,
Nên đã vượt qua khỏi,
Khổ sanh lão bịnh tử.
Phật ở trong pháp mình,
Trí thông đạt vô ngại,
Nên đã diệt trừ hết,
Các kiết sử phiền não”.

Phật quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo tự khủng bố Tỳ kheo khác hoặc bảo người khủng bố, cho đến đùa giỡn cũng phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này có sáu cách là sắc, thanh, hương, vị và xúc. Sắc là nếu Tỳ kheo làm sắc tướng đáng sợ của voi, ngựa, trâu, dê… để khủng bố Tỳ kheo khác, dù Tỳ kheo kia có sợ hay không, đều phạm Ba-dật-đề. Thanh là nếu Tỳ kheo làm các tiếng đáng sợ của voi, ngựa, trâu, dê… để khủng bố Tỳ kheo khác, dù Tỳ kheo kia có sợ hay không, đều phạm Ba-dật-đề. Hương là nếu Tỳ kheo làm ra các mùi thơm hay thối để khủng bố Tỳ kheo khác, dù Tỳ kheo kia có sợ hay không, đều phạm Ba-dật-đề. Vị là nếu Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác: “Ngày nay ăn gì với cơm?” Đáp là ăn với lạc tô… , liền nói: “Nếu ăn lạc tô… với cơm thì người này sẽ mắc bịnh hủi”, dù Tỳ kheo kia có sợ hãi hay không, đều phạm Ba-dật-đề. Lại có Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo khác: “Ngày nay ăn gì với cơm?” Đáp là ăn tô và thịt heo với cơm, liền nói: “Nếu ăn tô và thịt heo với cơm thì người này sẽ mắc bịnh hủi”, dù Tỳ kheo kia có sợ hãi hay không, đều phạm Ba-dật-đề. Xúc là nếu Tỳ kheo làm cho thân mình cứng, thô hoặc mềm trơn hay rít… rồi chạm vào Tỳ kheo khác, dù có khiến Tỳ kheo kia sợ hãi hay không, đều phạm Ba-dật-đề. Pháp là nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo khác: “Thầy chớ đại tiểu tiện trên cỏ tươi, sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ súc sanh”, đáp: “Tôi tự biết pháp này”, Tỳ kheo nói: “Nếu Tỳ kheo đại tiểu tiện trên cỏ tươi thì đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh”, dù có khiến Tỳ kheo kia sợ hãi hay không, đều phạm Ba-dật-đề.

Nếu Tỳ kheo dùng sáu cách trên để khủng bố Tỳ kheo khác thì phạm Ba-dật-đề, trừ sáu cách trên dùng các cách khác để khủng bố Tỳ kheo khác thì phạm Đột-kiết-la; nếu dùng sáu cách trên với nhân duyên khác để khủng bố người khác thì phạm Đột-kiết-la.

67. Giới Giấu Y Bát Của-Tỳ Kheo Khác

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có cư sĩ thỉnh Phật và Tăng ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời, cư sĩ biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Suốt đêm đó sửa soạn đầy đủ các món ăn ngon để cúng dường, lúc đó các Tỳ kheo đang đứng nơi chỗ đất trống chờ sứ đến thỉnh, trước đó Lục quần Tỳ kheo đã cùng với Thập thất quần Tỳ kheo tranh cải nên lấy y bát của Thập thất quần Tỳ kheo đem giấu nơi khác, khiến cho chúng Tỳ kheo này tìm mãi không được. Pháp của Thập thất quần Tỳ kheo là hễ có việc gì đều nói với nhau, lúc đó người bị mất y bát này nói với người kia: “Tôi bị mất y bát, hãy tìm giúp tôi”. Đến giữa ngọ, cư sĩ sai sứ đến báo giờ ăn đã đến, các Tỳ kheo đều đi đến nhà cư sĩ, Phật bảo người nhận lấy phần thức ăn của mình. Cư sĩ thấy Tăng đã ngồi vào chỗ ngồi rồi tự tay dâng nước và thức ăn khiến cho tất cả đều được no đủ, sau khi Tăng thọ thực xong liền lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước Thượng tòa để nghe thuyết pháp. Lúc đó thập thất quần Tỳ kheo tìm ra được y bát mới đi đến nhà cư sĩ, chư tăng vừa ra khỏi nhà cư sĩ nhìn thấy liền hỏi cớ sao đến trễ, đáp: “Lục quần Tỳ kheo giấu y bát của chúng tôi, tìm mãi mới được nên đến trễ”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại giấu y bát của-Tỳ kheo khác khiến họ suýt bị đoạn thực”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo giấu y bát của-Tỳ kheo khác, cho đến giấu những vật cần dùng tùy pháp như cái khóa cửa, ống kim, giày dép… , tự giấu hay bảo người giấu cho đến đùa giỡn đều phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo giấu y bát của-Tỳ kheo khác, nếu tìm không được thì Tỳ kheo này phạm Ba-dật-đề; nếu tìm được thì phạm Đột-kiết-la. Giấu cái khóa cửa, ống kim… nếu tìm không được thì Tỳ kheo này phạm Ba-dật-đề, tìm được thì phạm Độtkiết-la. Nếu chỉ giấu ống kim, tìm không được thì phạm Đột-kiết-la, tìm được cũng phạm Đột-kiết-la.

68. Giới Đoạt Y Của Người Khác Mặc

Phật tại thành Vương xá, Lục quần Tỳ kheo tánh vốn lười biếng, không thích tự giặt nhuộm cắt may y, nếu có vải cần giặt nhuộm cắt may liền đem đưa cho Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni. Những người này tưởng là của mình nên đem giặt nhuộm cắt may thành y, khi Lục quần Tỳ kheo biết may đã được may xong liền đến đòi lại nói rằng: “Y này vì sao đã lâu không trả lại cho tôi”, vị kia không trả lại, liền cưỡng đoạt lấy đem về. Lúc đó các Tỳ kheo không thấy Lục quần Tỳ kheo giặt nhuộm cắt may y mà lại thấy họ đắp y mới, liền hỏi rõ nguyên do, Lục quần Tỳ kheo đem việc trên kể lại rồi nói: “Do nhân duyên này các thầy thấy tôi không giặt nhuộm cắt may mà lại có y mới để đắp”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cưỡng đoạt y của người khác lấy đắp”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo đem y cho Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni, Thức-xoa-mana, Sa di, Sa-di-ni; thời gian sau đến đòi, vị kia không trả lại liền cưỡng đoạt lấy mặc thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo đem y cho Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni; sau đến đòi, vị kia không trả lại liền cưỡng đoạt lấy mặc thì phạm Ba-dật-đề.

Lúc đó các Tỳ kheo không biết y dư phải cất chứa như thế nào liền bạch Phật, Phật nói: “Nên làm tịnh cất chứa”. Có Tỳ kheo hiện tiền làm tịnh, đưa y cho người khác rồi, người đó không trả lại liền sanh đấu tranh, đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Không nên hiện tiền làm tịnh”. Lại có Tỳ kheo đưa y cho hai, ba người làm tịnh nói là cho vị đó, vị đó lộn xộn không đúng pháp làm tịnh nên đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Không nên đưa cho hai, ba người làm tịnh, chỉ nên chọn lựa một người tốt, nói rằng: y của tôi cho một người tên……., từ ngày đó trở đi Tỳ kheo có y dư được dùng tùy ý, không cần cho người khác; hoặc thí cho người hoặc làm tịnh hoặc thọ trì”.

Lại có Tỳ kheo có y dư nên làm tịnh cho người liền đem đưa cho một trong số Lục quần Tỳ kheo, vị này thọ y rồi không chịu trả lại, Tỳ kheo này vì không tìm được Tỳ kheo đồng tâm nên phiền não.

Lúc đó vào tháng cuối của mùa hạ, Phật du hành các nước, các Tỳ kheo đều đắp y mới, chỉ có một Tỳ kheo đắp y cũ rách, Phật liền hỏi rõ nguyên do, đáp: “Thế tôn, con có y dư nên làm tịnh liền đưa cho một vị trong Lục quần Tỳ kheo, vị này thọ rồi không chịu trả lại, con phiền não vì không tìm được Tỳ kheo đồng tâm”, Phật nói: “Đây không phải là chân thật thí, vì nhân duyên làm tịnh nên đưa lại. Tỳ kheo này nên đòi lại, nếu đòi lại được thì tốt, nếu không được thì cưỡng đoạt lấy lại rồi bảo người kia sám tội Đột-kiết-la. Từ ngày đó trở đi Tỳ kheo có y dư được dùng tùy ý , không cần cho người khác; hoặc làm tịnh hoặc thọ trì hoặc thí cho người”.

69. Giới Đem Tội Tàn Vô Căn Vu Báng

Phật tại nước Duy-na-ly, lúc đó Tỳ kheo Di-đa-la-phù-ma suy nghĩ: “Ta đem pháp Ba-la-di không căn cứ vu báng Tỳ kheo Đà-phiêu lực sĩ tử không thành; lại đem chút pháp Ba-la-di vu báng cũng không thành. Nay ta nên đem pháp Tăng-già-bà-thi-sa vu báng Tỳ kheo ấy”, nghĩ rồi liền đem pháp Tăng-già-bà-thi-sa vu báng Tỳ kheo Đà-phiêu. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Di-đa-la-phù-ma: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại đem pháp Tăng-già-bà-thi-sa vu báng Tỳ kheo thanh tịnh phạm hạnh”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo đem pháp Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ vu báng Tỳ kheo khác thì phạm Ba-dật-đề.

Không căn cứ là không thấy, không nghe, không nghi. Tăng-giàbà-thi-sa là ở trong pháp Tăng-già-bà-thi-sa tùy ý nói ra. Vu báng là điều mà người kia không làm lại gán tội cho, nói là có làm.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo đem pháp Tăng-giàbà-thi-sa không căn cứ vu báng Tỳ kheo không thanh tịnh thì có mười một tướng phạm và năm tướng không phạm. Mười một tướng phạm là không thấy, không nghe, không nghi; thấy mà quên, nghe mà quên, nghi mà quên; nghe rồi tin, nghe rồi không tin, nghe mà nghi; nghi mà nói là tôi thấy, nghi mà nói là tôi nghe. Năm tướng không phạm là thấy, nghe, nghi, thấy rồi không quên, nghe rồi không quên. Đối với Tỳ kheo tợ thanh tịnh cũng giống như đối với Tỳ kheo không thanh tịnh.

Nếu Tỳ kheo đem pháp Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ vu báng Tỳ kheo thanh tịnh thì có mười tướng phạm và bốn tướng không phạm. Mười tướng phạm là không thấy, không nghe, không nghi; nghe mà quên, nghi mà quên; nghe rồi tin, nghe rồi không tin, nghe rồi nghi; nghi mà nói là tôi thấy, nghi mà nói là tôi nghe. Bốn tướng không phạm là nghe, nghi, nghe rồi không quên, nghi mà không quên. Đối với Tỳ kheo tợ không thanh tịnh cũng giống như đối với Tỳ kheo thanh tịnh.

70. Giới Hẹn Với Người Nữ Đi Chung Đường

Phật tại nước Duy-na-ly, cách thành Duy-na-ly không xa có tụ lạc của thợ dệt, trong tụ lạc đó có vợ của một người thợ dệt vì việc nhỏ không nghe theo chồng nên bị người chồng đánh đuổi ra khỏi nhà, người nữ này lúc đó đang muốn trở về nhà cha mẹ ruột của mình ở trong thành Duy-na-ly. Lúc đó có Tỳ kheo Ca-lưu-la-đề-xá từ nước Bạt-kỳ du hành đến nước Duy-na-ly, người nữ này gặp Tỳ kheo đang đi liền hỏi đi đâu, đáp là đi đến Duy-na-ly, liền nói: “Hãy cho tôi đi cùng”, Tỳ kheo liền cho đi cùng, trên đường đi cả hai dùng tâm nhiễm nhìn nhau, cười nói lớn tiếng làm đủ các việc bất tịnh. Lúc đó người chồng thợ dệt suy nghĩ: “Chắc là vợ ta sẽ bỏ đi”, nghĩ rồi liền trở về nhà tìm vợ không thấy. Pháp của thợ dệt là hễ có việc gì thì cùng giúp nhau, người chồng thợ dệt nói với các thợ dệt: “Vợ tôi đã bỏ đi rồi”, các thợ dệt liền cùng bủa ra đi tìm giúp, người chồng thợ dệt suy nghĩ: “Vợ ta chắc là trở về nhà cha mẹ ở Duy-na-ly”, nghĩ rồi liền tự mình đi đến thành Duy-na-ly, giữa đường bắt gặp vợ mình đang đi chung với Tỳ kheo liền chạy đến nắm lấy Tỳ kheo cột trói lại nói rằng: “Pháp của-Tỳ kheo là dẫn vợ của người khác đi phải không?” Đáp: “Tôi không có dẫn đi, tôi đang trên đường đi đến Duy-na-ly, người nữ này muốn đi cùng”, người chồng nói: “Vì sao lại không chịu nhận tội”, nói rồi liền dùng tay chân đánh đá Tỳ kheo. Người nữ này thấy người chồng đánh Tỳ kheo liền nói: “Vì sao lại đánh người ta, Tỳ kheo này không dẫn tôi đi mà tự tôi đi về Duy-na-ly”, người chồng nghe rồi liền nói: “Tiểu tỳ, ngươi ắt đã cùng nó làm việc bất tịnh”, nói rồi lại dùng tay chân đánh đá Tỳ kheo nữa rồi mới thả cho đi. Tỳ kheo này đi đến Duy-na-ly đem việc trên kể cho các Tỳ kheo nghe, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Tội như thế và các tội lỗi khác đều do cùng người nữ hẹn đi chung đường. Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo hẹn với người nữ đi chung đường cho đến một tụ lạc thì phạm Ba-dật-đề.

Người nữ là người còn sống có thể hành dâm được. Hẹn có hai: Tỳ kheo hẹn hoặc người nữ hẹn. Đường có hai: Đường bộ và đường thủy.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo ước hẹn với người nữ cùng đi chung đường bộ từ tụ lạc này đến tụ lạc khác thì phạm Ba-dậtđề. Nếu không có tụ lạc, đi ở ngoài đồng trống cho đến một Câu-lô-xá cũng phạm Ba-dật-đề; nếu giữa đường quay trở về thì phạm Đột-kiếtla; đi đường thủy cũng giống như thế. Không phạm là Tỳ kheo không cùng ước hẹn hoặc có phu nhân của quốc vương đi chung.

71. Giới Hẹn Với Giặc Đi Chung Đường

Phật tại Duy-na-ly, lúc đó có các Tỳ kheo từ nước Bạt kỳ du hành đến nước Duy-na-ly, đường đi có nhiều cỏ cây rậm rạp nên các Tỳ kheo bị lạc đường, đi vào rừng Tát-la. Trong rừng có bọn giặc cướp tụ tập thấy Tỳ kheo liền hỏi muốn đi đâu, đáp là đến Duy-na-ly, giặc nói: “Đường này không đi đến Duy-na-ly”, đáp: “Chúng tôi cũng biết không phải vì chúng tôi bị lạc đường”, nói rồi liền hỏi: “Các vị định đi đâu”, đáp là đến Duy-na-ly, các Tỳ kheo nói: “Cho chúng tôi đi chúng với các vị”, liền hỏi: “Các thầy không biết chúng tôi là giặc cướp hay sao, có lúc chúng tôi đi theo đường, có lúc không đi theo đường, có lúc qua sông, có lúc không qua sông, có lúc từ cửa vào, có lúc không từ cửa vào. Nếu các thầy cùng đi chung có thể sẽ bị suy não ”, các Tỳ kheo nói: “Chúng tôi bị lạc đường, dù có gặp chuyện gì hay không cũng phải cùng đi chung”, bọn giặc bằng lòng cho cùng đi chung. Các Tỳ kheo khi không qua được sông Hằng liền bị lính tuần tra bắt giữ, họ hỏi Tỳ kheo: “Các thầy cũng là giặc cướp hay sao?” Đáp: “Chúng tôi không phải là giặc cướp, vì bị lạc đường nên phải đi chung”, lính tuần tra xem xét thấy không có tài vật gì khác nên nói: “Các thầy hãy thú tội ngay, nếu không sẽ dẫn lên quan trị tội”, nói rồi liền dẫn lên quan, quan cũng hỏi đáp như trên, vị quan xử đoán là người tin Phật nên nói: “Sa-môn Thích tử không làm việc xấu, ắt là vì bị lạc đường nên mới đi chung”, nói rồi liền thả cho đi và nói rằng: “Các thầy đi đi, từ nay chớ có cùng với người xấu ác đi chung đường”. Các Tỳ kheo này đến Duy-na-ly đem việc trên kể cho các Tỳ kheo nghe, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Tội như thế và tội năng hơn nữa đều do đi chung với giặc cướp mà ra. Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo hẹn cùng với giặc cướp đi chung đường cho đến một tụ lạc thì phạm Ba-dật-đề.

Giặc cướp là kẻ trộm voi ngựa trâu dê cho đến trong tụ lạc nhỏ cướp đoạt vật của người khác. Hẹn là Tỳ kheo hẹn hay giặc cướp hẹn. Đường có đường bộ và đường thủy.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo hẹn với giặc cùng đi chung đường bộ tự tụ lạc này đến tụ lạc khác thì phạm Ba-dật-đề; nếu giữa đường quay trở về thì phạm Đột-kiết-la. Nếu không có tụ lạc, đi ở ngoài đồng trống cho đến một Câu-lô-xa thì phạm Ba-dật-đề; giữa đường quay trở về thì phạm Đột-kiết-la; đi chung đường thủy cũng giống như vậy. Không phạm là Tỳ kheo không hẹn đi chung, nếu qua chỗ hiểm nạn nhờ giặc đưa qua thì không phạm.

72. Giới Cho Người Chưa Đủ Hai Mươi Tuổi Thọ Cụ Giới

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Thập thất quần Tỳ kheo ở trong thành Vương xá là con nhà giàu có, chưa đủ hai mươi tuổi, Trưởng lão Đại Mục-kiền-liên độ cho xuất gia và cho thọ giới cụ túc. Những vị này qua ngọ bị đói thúc bách nên cất tiếng kêu la trong Tăng phường khiến Phật nghe thấy liền hỏi A-nan nguyên do, A-nan đem việc trên bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Đại Mục-kiền-liên: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật đủ lời quở trách Mục-liên: “Thầy không biết thời, không biết lượng, tự tiện cho người thọ giới cụ túc. Tại sao người chưa đủ hai mươi tuổi lại cho thọ giới cụ túc, vì sao, vì người chưa đủ hai mươi thì không thể nhẫn chịu được đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, gió mưa cho đến lời ác khẩu của kẻ khác. Nếu bị khổ thúc bách, bị đoạt mạng hay bịnh nặng đều không thể nhẫn chịu được vì người chưa đủ hai mươi tuổi chưa có trưởng thành. Ngược lại người đã đủ hai mươi tuổi có thể chịu đựng được đói khát… cho đến bịnh nặng đều nhẫn chịu được vì đã trưởng thành”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo cho người chưa đủ hai mươi tuổi thọ giới cụ túc thì phạm Ba-dật-đề. Người này không đác giới cụ túc và các Tỳ kheo cũng bị quở trách. Việc này nên hành theo như thế.

Tướng phạm trong giới này là nếu người chưa đủ hai mươi tuổi, tự nghi là không đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không đủ mà Tăng cho thọ giới cụ túc thì người này không đắc giới, các Tỳ kheo mắc tội, người cọng sự ở chung cũng mắc tội. Lại có người chưa đủ hai mươi tuổi, tự nghĩ là không đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là đủ; nếu Tăng cho thọ giới cụ túc thì người này đắc giới, người cọng sự ở chung không phạm nhưng các Tỳ kheo mắc tội. Lại có người chưa đủ hai mươi tuổi, tự nghĩ là không đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không biết không nhớ, nghi. Nếu Tăng không thẩm xét kỹ mà liền cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, người cọng sự ở chung không phạm nhưng các Tỳ kheo mắc tội.

Lại có người chưa đủ hai mươi tuổi, quên không biết có đủ hay không, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc thì người nay không đắc giới, các Tỳ kheo mắc tội, người cọng sự ở chung cũng mắc tội. Lại có người không đủ hai mươi tuổi, quên không biết có đủ hay không, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là đủ; nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, người cọng sự ở chung không phạm nhưng các Tỳ kheo mắc tội. Lại có người không đủ hai mươi tuổi, quên không biết có đủ hay không, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không biết, không nhớ, nghi. Nếu Tăng không thẩm xét kỹ mà liền cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, người cọng sự ở chung không phạm nhưng các Tỳ kheo mắc tội.

Nếu người không đủ hai mươi tuổi, không tự biết là không đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này không đắc giới, các Tỳ kheo mắc tội, người cọng sự ở chung cũng mắc tội. Lại có người không đủ hai mươi tuổi, không tự biết là không đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, người cọng sự ở chung không tội nhưng các Tỳ kheo mắc tội. Lại có người không đủ hai mươi tuổi, không tự biết là không đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không biết, không nhớ, nghi. Nếu Tăng không thẩm xét kỹ mà liền cho thọ giới cụ túc thì người này đắc giới, người cọng sự ở chung không tội nhưng các Tỳ kheo mắc tội.

Lại có người không đủ hai mươi tuổi, tự nghi không biết có đủ hay không, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này không đắc giới, các Tỳ kheo mắc tội, người cọng sự ở chung cũng mắc tội. Lại có người không đủ hai mươi tuổi, tự nghi không biết có đủ hay không, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, người cọng sự ở chung không tội nhưng các Tỳ kheo mắc tội. Lại có người không đủ hai mươi tuổi, tự nghi không biết có đủ hay không, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không biết, không nhớ, nghi. Nếu Tăng không thẩm xét kỹ mà liền cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, người cọng sự ở chung không tội nhưng các Tỳ kheo mắc tội.

Nếu người đã đủ hai mươi tuổi, tự nghĩ là đủ hai mươi, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, các Tỳ kheo không tội, người cọng sự ở chung cũng không tội. Lại có người đã đủ hai mươi tuổi, tự nghĩ là đủ hai mươi, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này không đắc giới, các Tỳ kheo mắc tội, người cọng sự ở chung cũng mắc tội. Lại có người đã đủ hai mươi tuổi, tự nghĩ là đủ hai mươi, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không biết, không nhớ, nghi. Nếu Tăng không thẩm xét kỹ mà liền cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, người cọng sự ở chung không tội nhưng các Tỳ kheo mắc tội.

Nếu người đã đủ hai mươi tuổi nhưng quên, không tự biết là đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, ccá Tỳ kheo không tội, người cọng sự ở chung cũng không tội. Lại có người đã đủ hai mươi tuổi nhưng quên, không tự biết là đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này không đắc giới, các Tỳ kheo mắc tội, người cọng sự ở chung cũng mắc tội. Lại có người đã đủ hai mươi tuổi nhưng quên, không tự biết là đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không biết, không nhớ, nghi. Nếu Tăng không thẩm xét kỹ mà liền cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, người cọng sự ở chung không tội nhưng các Tỳ kheo mắc tội.

Nếu người đã đủ hai mươi tuổi nhưng không tự biết là đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, các Tỳ kheo không tội, người cọng sự ở chung cũng không tội. Lại có người đã đủ hai mươi tuổi nhưng không tự biết là đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này không đắc giới, các Tỳ kheo mắc tội, người cọng sự ở chung cũng mắc tội. Lại có người đã đủ hai mươi tuổi nhưng không tự biết là đủ, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không biết, không nhớ, nghi. Nếu Tăng không thẩm xét kỹ mà liền cho thọ giới cụ túc, nguời này đắc giới, người cọng sự ở chung không tội nhưng các Tỳ kheo mắc tội.

Nếu người đã đủ hai mươi tuổi, tự nghi không biết có đủ hay không, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, các Tỳ kheo không tội, người cọng sự ở chung cũng không tội. Lại có người đã đủ hai mươi tuổi, tự nghi không biết có đủ hay không, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không đủ. Nếu Tăng cho thọ giới cụ túc, người này không đắc giới, các Tỳ kheo mắc tội, người cọng sự ở chung cũng mắc tội. Lại có người đã đủ hai mươi tuổi, tự nghi không biết có đủ hay không, khi ở trong Tăng hỏi có đủ hai mươi tuổi không, đáp là không biết, không nhớ, nghi. Nếu Tăng không thẩm xét kỹ mà liền cho thọ giới cụ túc, người này đắc giới, người cọng sự ở chung không tội nhưng các Tỳ kheo mắc tội.

73. Giới Đào Đất

Phật tại nước A-la-tỳ, lúc đó Tỳ kheo A-la-tỳ tự tay đào đất làm nền móng, đào kênh, ao, giếng…. Có cư sĩ là đệ tử của ngoại đạo nói là trong đất có mạng căn nên dùng tâm tật đố chỉ trích: “Sa-môn Thích tử tự nói lành tốt có đức mà lại đoạt mạng căn chúng sanh”. ”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo A-la-tỳ: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại tự tay đào đất…”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo tự tay đào đất hoặc bảo người đào, nói rằng: Chú hãy đào chỗ này, thì Tỳ kheo phạm Ba-dật-đề.

Đất có hai loại: Đất sống và đất không sống. Loại đất đá ở dưới tường bị sụp lở, có kiến tụ thành đống đất, nếu quốc gia nào nhiều mưa thì vào tháng tám đất sống, nếu ít mưa thì vào tháng thứ tư đất sống. Trừ hai trường hợp này ra đều gọi là đất không sống. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo đào đất không sống, tùy đào bao nhiêu phạm Độtkiết-la bấy nhiêu; nếu ở dưới tường bị sụp lở có kiến tụ thành đống đất, tùy đào bao nhiêu phạm Đột-kiết-la bấy nhiêu. Nếu Tỳ kheo đào đất sống, tùy đào bao nhiêu phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu. Nếu đào làm nền móng xây tường hoặc đào kênh rạch, ao giếng, tùy đào bao nhiêu phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu. Nếu đào bùn đất cho đến chỗ lún tới đầu gối để đào lấy đất, tùy đào bao nhiêu phạm Đột-kiết-la bấy nhiêu. Nếu dùng tay kẻ đất, tùy kẻ bao nhiêu phạm Đột-kiết-la bấy nhiêu. Nếu Tỳ kheo làm thầy thợ muốn xây cất lại điện đường và Tăng phường,vẽ kiểu mẫu trên đất thì không phạm. Nếu trong đất có mỏ vàng, bạc… đào đất để lấy thì không phạm; hoặc trong đất có mỏ sắt, đồng, chì, kẽm… đào để lấy thì không phạm.