THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 15

V. CHÍN MƯƠI PHÁP BA DẬT ĐỀ (Tiếp Theo)

51. Giới Xúc Não Tỳ Kheo Khác

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Bạt-nan-đà suy nghĩ: “Đệ tử Đạt-ma này đã hủy nhục anh ta, ta phải đáp trả lại”, nghĩ rồi liền gọi Đạt-ma đến nói rằng: “Con hãy cùng ta đi đến tụ lạc”, hỏi vì sao lại cùng đi thì bảo là cứ cùng đi, Đạt-ma suy nghĩ: “Đây là hòa thượng của ta, làm sao lại không nghe lời”, nghĩ rồi liền cùng đi ra khỏi Kỳ hoàn gặp các Tỳ kheo đang kinh hành, các Tỳ kheo nói với Đạt-ma: “Hôm nay thấy ắt sẽ được thức ăn ngon, vì sao, vì đi theo Tỳ kheo có nhiều người quen biết”, Đạt-ma nói: “Nhiều hay không, ngày nay ắt sẽ biết”. Bạt-nan-đà đi đến nhà nào cũng đều được cho thức ăn ngon nhưng Bạt-nan-đà đều đáp rằng: “Đợi một lát, trời còn sớm, khi đến giờ tôi sẽ đến lấy”, Đạtma suy nghĩ: “Hòa thượng ta hôm nay chắc được chỗ thọ thỉnh tốt nên trải qua các nhà thỉnh mà vẫn không thọ”. Lúc đó sau khi ra khỏi nhà bạch y, Bạt-nan-đà nhìn thấy mặt trời đã đứng bóng biết là nếu vào tụ lạc khất thực thì không kịp giờ, còn trở về Kỳ hoàn cũng không kịp giờ ăn, liền bảo Đạt-ma: “Thầy hãy trở về đi, ta cùng thầy ngồi chung, nói chuyện chung không vui; ta ngồi một mình, nói chuyện một mình vui hơn”, Đạt-ma thấy mặt trời đã đứng bóng biết là nếu vào tụ lạc khất thực… như đoạn văn trên cho đến câu cũng không kịp giờ ăn, liền suy nghĩ: “Bây giờ ta sẽ đi đâu”, nghĩ rồi liền trở về Kỳ hoàn. Các Tỳ kheo vừa thấy liền hỏi có được nhiều thức ăn ngon không, đáp: “Chớ hỏi tôi vì ngày nay tôi bị đoạn thực”, các Tỳ kheo liền hỏi rõ nguyên do. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cố cố ý làm cho Tỳ kheo khác đoạn thực”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo khác rằng: Hãy cùng đi đến các nhà trong tụ lạc. Khi đến tụ lạc rồi lại không bảo họ cúng thức ăn cho Tỳ kheo này, mà nói rằng: Thầy hãy đi đi, ta cùng ngồi cùng nói chuyện với thầy không vui; ta ngồi một mình, nói một mình vui hơn. Chỉ vì muốn xúc não Tỳ kheo này chớ không vì nhân duyên gì khác thì phạm Ba-dật-đề.

Nhà là nhà bạch y; đuổi đi là tự đuổi hay bảo người đuổi. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo khác rằng: Thầy hãy đến đây cùng ta đi đến nhà kia; nếu chưa vào cửa thành mà đuổi về thì phạm Đột-kiết-la, vào trong thành rồi liền đuổi về cũng phạm Đột-kiết-la, chưa vào cửa cổng của nhà bạch y mà đuổi về cũng phạm Đột-kiết-la, vào bên trong cửa cổng rồi đuổi về cũng phạm Đột-kiết-la, chưa vào cửa trong mà đuổi về cũng Đột-kiết-la, vào được cửa trong nhưng chưa bước qua ngạch cửa mà đuổi về cũng Đột-kiết-la, nêu bước qua ngạch cửa trong mà đuổi về thì phạm Ba-dật-đề.

52. Giới Nhóm Lửa Nơi Đất Trống

Phật tại nước Kiều-tát-la cùng các Tỳ kheo du hành, lúc đó có năm trăm thương nhơn đồng hành, họ nghĩ nếu được đi cùng với Phật sẽ được an ổn. Khi đi đến một khu rừng, Phật dừng lại nghỉ qua đêm, các thương nhơn lượm cây củi khô nhóm lửa, các Tỳ kheo cũng lượm cây củi khô nhóm lửa. Lúc đó có một Tỳ kheo ma lư kéo một cây củi khô để vào trong lửa, không ngờ trong bộng cây có rắn ở, nó bị đốt nóng nên bò ra ngoài, các Tỳ kheo thấy kinh hãi la lớn khiến các thương nhơn tưởng là có giặc đến, mỗi người tự cầm dao thuẩn, khí trượng tụ lại để giữ tài vật và cùng hỏi nhau: Giặc ở đâu, các Tỳ kheo nói: “Không có giặc, chỉ có con rắn độc”, các thương nhơn nói: “Nếu biết là rắn độc thì cớ gì la lớn khiến chúng tôi tưởng là giặc, suýt thương hại lẫn nhau”. Phật nghe biết việc này và lời quở trách của các thương nhơn nên qua đêm rồi, Phật liền nhóm Tỳ kheo tăng quở trách Tỳ kheo ma lư: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại nhóm lửa nơi đất trống”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo không bịnh, ở nơi đất trống nhóm lửa hoặc đốt cỏ cây, phân trâu và rác rến, tự đốt hay bảo người đốt đều phạm Ba-dậtđề.

Bịnh là bịnh lạnh, bịnh nóng, cảm gió phải hơ lửa mới lành bịnh, trừ nhân duyên này ra đều gọi là không bịnh. Đất trống là nơi không có vách ngăn, màn che.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo dùng cây cỏ để vào trong lửa củi, hoặc dùng phân trâu, vỏ cây, rác rến để vào trong lửa củi đều phạm Ba-dật-đề. Dùng phân trâu để vào trong lửa phân trâu, cho đến dùng vỏ cây, rác rến, cây cỏ để vào trong lửa phân trâu đều phạm Ba-dật-đề. Dùng vỏ cây để vào trong lửa vỏ cây, hoặc dùng rác rến để vào lửa rác rến… đều phạm Ba-dật-đề. Tự làm hay bảo người làm cũng như vậy. Không phạm là bịnh hoặc vì nấu cơm, canh, cháo cho đến nhuộm y xông bát thì không phạm.

53. Giới Gởi Dục Rồi Hối

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo muốn làm yết ma tẫn Bạt-nan-đà, do Lục quần Tỳ kheo ở trong chúng ngăn nên yết ma không thành. Vào lúc khác Lục quần Tỳ kheo đi vắng, các Tỳ kheo lại muốn làm yết ma tẫn Bạt-nan-đà nhưng lại sợ Lục quần Tỳ kheo đến ngăn nữa, có Tỳ kheo nói: “Lục quần Tỳ kheo nay đã đi xa đến một tụ lạc khác, chưa kịp trở về, nhưng có một Tỳ kheo bạn không đi”. Lục quần Tỳ kheo tánh biếng nhác, khi tăng yết ma thuyết giới, tự tứ chỉ gởi dục thanh tịnh chớ không đến nên các Tỳ kheo suy nghĩ: “Chớ để cho Tỳ kheo bạn của Lục quần Tỳ kheo đến trong chúng ngăn yết ma, hãy lấy dục đến”. Các Tỳ kheo đánh kiền chùy nhóm tăng rồi sai sứ đến chỗ Tỳ kheo bạn kia lấy dục, Tỳ kheo kia liền hỏi: “Muốn làm việc gì?” Đáp là có tăng sự, Tỳ kheo kia liền gởi dục. Tỳ kheo mang dục đến, Tăng nhất tâm hòa hợp làm yết ma tẫn Bạt-nan-đà xong, hôm sau xướng to lên: “Tăng nay đã yết ma tẫn xuất Bạt-nan-đà”, Tỳ kheo kia nghe rồi liền nói: “Yết ma này làm không như pháp, tôi chưa tùy thuận”, các Tỳ kheo nói: “Thầy đã gởi dục rồi”, đáp: “Lúc đó tôi không biết Tăng làm yết ma tẫn xuất Bạt-nan-đà, nếu biết thì tôi đã không gởi dục. Tôi có lỗi, tôi không nên gởi dục”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo này: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo, Tăng sự như pháp đã gởi dục rồi lại hối”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo việc Tăng như pháp đã gởi dục rồi, sau hối nói rằng:

Tôi không nên gởi dục, thì phạm Ba-dật-đề.

Việc Tăng là thuộc Đơn-bạch hoặc Bạch-nhị, Bạch-tứ-yết-ma, hoặc bố tát, tự tứ hoặc yết ma mười bốn hạng người.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo việc Tăng như pháp đã gởi dục rồi, sau hối nói rằng tôi không nên gởi dục thì phạm Ba-dật-đề. Các loại Tăng sự thuộc Đơn-bạch, Bạch-nhị, Bạch-tứ-yết-ma hoặc bố tát tự tứ hoặc yết ma mười bốn hạng người nếu đã gởi dục rồi sau lại hối nói rằng tôi không nên gởi dục thì phạm Ba-dật-đề. Tùy tâm hối nói ra, mỗi mỗi lời đều phạm Ba-dật-đề.

54. Giới Cùng Người Chưa Thọ Đại Giới Quá Hai Đêm

Phật tại nước A-la-tỳ, lúc đó các hiền giả vào những ngày trai đến trong chùa thọ trai pháp, suốt đêm đốt đèn ngồi thiền và nghe pháp. Các thượng tọa đầu đêm tĩnh tọa, đến giữa đêm ai nấy đều về phòng mình, còn lại các Tỳ kheo trẻ tuổi và các Sa di đều ngủ trong nhà thuyết pháp, do không nhất tâm trong khi ngủ nên ngáy và nói mớ, la lớn quơ cánh tay. Các hiền giả nghe được liền nói với nhau: “Hãy nhìn xem tôn chúng này không nhất tâm trong khi ngủ”, có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo A-la-tỳ: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cùng người chưa thọ giới ngủ chung”, nhưng Phật chỉ quở trách chứ chưa kết giới.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Sa di La-hầu-la bị các Tỳ kheo đuổi ra khỏi phòng, không cho ngủ chung nên La-hầu-la đến trong phòng nhỏ bên cạnh để ngủ, không ngờ có khách Tỳ kheo đến, vị này suy nghĩ: “Trong phòng lớn ắt đã có thượng tọa ở, ta nên vào phòng nhỏ bên cạnh”, nghĩ rồi đến phòng nhỏ gỏ cửa hỏi có ai không, đáp: “Tôi là La-hầu-la”, Tỳ kheo khách bảo ra ngoài, cứ như thế đi đến phòng nào La-hầu-la cũng bị đuổi ra ngoài, liền suy nghĩ: “Ta đến phòng nào cũng bị đuổi, ta nên trong nhà xí của Phật nghỉ tạm”, nghĩ rồi liền vào trong nhà xí nằm ngủ trên tấm ván. Không ngờ dưới tấm ván có hang rắn, con rắn đã bò ra ngoài trước đó, đến sau đêm trời mưa to, con rắn lại trở về hang. Lúc đó Phật bỗng nghĩ đến La-hầu-la đang nằm ngủ trong nhà xí, liền suy nghĩ: “Nếu ta không đánh thức thì La-hầu-la sẽ bị rắn hại”, nghĩ rồi liền nhập tam muội ẩn thân nơi phòng mình rồi hiện thân trong nhà xí, dùng thần lực tạo ra tiếng rồng để đánh thức La-hầu-la rồi hỏi: “Con là ai”, đáp là La-hầu-la, lại hỏi: “Cớ sao lại nằm ngủ trong đây?” Đáp là vì không có chỗ ngủ nào khác, Phật bảo: “Hãy đến đây”, Lahầu-la liền đến, Phật dùng tau hữu xoa đầu La-hầu-la và nói kệ:

“Con không phải nghèo hèn,
Cũng không mất phú quý,
Chỉ vì cầu đạo nên,
Xuất gia nhẫn chịu khổ”

Nói kệ rồi dắt La-hầu-la vào phòng mình ngủ. Suốt đêm đó Phật tĩnh tọa nhập thiền thọ dụng sự tĩnh lặng của bậc Thánh, đến sáng do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo: “Các Sa di đáng thương không có cha mẹ, nếu các thầy không từ mẫm thì duyên gì được sống, nếu chúng gặp phải ác thú hại thì đau khổ lắm. Thân tộc chúng sẽ nổi sân trách rằng: Sa-môn Thích tử chỉ có thể nuôi mà không có thủ hộ”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay vì hai điều lợi nên cho Tỳ kheo được cùng người chưa thọ đại giới ngủ chung phòng hai đêm: Một là vì thương xót Sa di, Hai là vì có bạch y đến trong chùa cũng nên cho họ ngủ. Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau: Nếu Tỳ kheo cho người chưa thọ đại giới ngủ chung phòng quá hai đêm thì phạm Ba-dật-đề.

Người chưa thọ đại giới là trừ Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Nhà có bốn loại: Một là tất cả đều có ngăn che, Hai là tất cả đều ngăn nhưng không che, Ba là tất cả che phủ nhưng ngăn phân nửa, Bốn là tất cả che phủ nhưng ngăn phần ít.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo cùng người chưa thọ đại giới ở chung trong bốn loại nhà trên quá hai đêm thì phạm Ba-dậtđề; nếu đứng dậy rồi nằm trở lại thì tùy nằm trở lại bao nhiêu, phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu. Nếu suốt đêm ngồi thì không phạm.

Lúc đó có Tỳ kheo bịnh, Sa di khán bịnh cung cấp mọi thứ nhưng đến đêm thứ ba thì Tỳ kheo bịnh này đuổi ra ngoài, vì không có người chăm sóc nên Tỳ kheo bịnh này suýt chết. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Nên bảo Sa di đứng bên chỗ Tỳ kheo bịnh, chớ nằm”. Sau đó Sa di vì đứng lâu bên Tỳ kheo bịnh nên té ngã xuống đất rồi ngủ luôn, Phật nói: “Tỳ kheo bịnh không phạm, nhưng nếu trong đó có Tỳ kheo không bịnh thì không nên nằm”.

55. Giới Can Tỳ Kheo Ác Tà Kiến

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo A-lợi-tra bỗng sanh ác tà kiến nói rằng: “Tôi biết nghĩa của pháp Phật là làm pháp dâm dục không thể chướng đạo”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo: “Các thầy nên khuyên can A-lợi-tra rằng: “Thầy chớ nên nói tôi biết nghĩa của pháp Phật là làm pháp dâm dục không thể chướng đạo. Thầy chớ phỉ báng Phật, phỉ báng Phật là không tốt, Phật không có nói lời này, Phật đã dùng đủ cách nói làm pháp dâm dục có thể chướng đạo. Thầy hãy bỏ ác tà kiến này”. Nên khuyên can Ba-lần cho bỏ việc này”. Các Tỳ kheo vâng lời Phật dạy đến khuyên can A-lợi-tra như trên đến lần thứ ba vẫn không thể làm cho A-lợi-tra bỏ ác tà kiến này nên trở về bạch Phật, Phật bảo: “Các thầy nên làm yết ma tẫn Tỳ kheo A-lợi-tra về tội không bỏ ác tà kiến, nếu có Tỳ kheo nào khác giống như A-lợi-tra cũng nên làm như thế. Yết ma tẫn về tội không bỏ ác tà kiến nên làm như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng nên xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo A-lợi-tra này khởi ác tà kiến nói rằng: Tôi biết nghĩa của pháp Phật là làm pháp dâm dục không thể chướng đạo. Tăng đã khuyên can nhưng Tỳ kheo này vẫn không chịu bỏ ác tà kiến. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng tác pháp yết ma tẫn Tỳ kheo A-lợi-tra về tội không bỏ ác tà kiến. Tùy Tỳ kheo kia không bỏ tà kiến trong bao lâu thì Tăng tùy làm yết ma tẫn bấy lâu. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng làm yết ma tẫn Tỳ kheo A-lợi-tra về tội không bỏ ác tà kiến xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Phật bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo nói rằng: Tôi biết nghĩa của pháp Phật là làm pháp dâm dục không thể chướng đạo. Các Tỳ kheo nên khuyên can: “Thầy chớ nên nói tôi biết nghĩa của pháp Phật là làm pháp dâm dục không thể chướng đạo. Thầy chớ phỉ báng Phật, phỉ báng Phật là không tốt. Phật không có nói lời này, Phật đã dùng đủ cách nói làm pháp dâm dục có thể chướng đạo. Thầy nên bỏ ác tà kiến này”. Khi các Tỳ kheo khuyên can như thế mà vẫn giữ chặt không bỏ thì các Tỳ kheo nên khuyên can đến Ba-lần nếu chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là khi khuyên can Tỳ kheo này ban đầu nên dịu dàng khuyên can, nếu Tỳ kheo kia chịu bỏ thì nên bảo sám tội Đột-kiết-la; nếu không chịu bỏ thì Tăng nên Bạch-tứ-yết-ma can, pháp can là tăng nhất tâm hòa hợp… giống như đoạn văn trên cho đến câu việc này xin nhớ giữ như vậy. Phật bảo các Tỳ kheo nên can Balần, đây gọi là Ước sắc giáo, nếu khi dịu dàng can mà chịu bỏ thì vẫn chưa phạm, can lần thứ nhất chưa xong hoặc xong… cho đến can lần thứ ba, nói chưa xong hoặc nói xong mà là phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, như pháp biệt chúng, khác pháp khác luật, khác lời Phật dạy mà can ngăn thì vẫn chưa phạm. Nếu tăng như pháp như luật như Tỳ-ni, như lời Phật dạy mà can ngăn thì can lần thứ ba xong mà không bỏ mới phạm Ba-dật-đề.

56. Giới Tùy Thuận Tỳ Kheo Ác Kiến

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo biết Tỳ kheo ác tà kiến này không chịu bỏ tà kiến, không như pháp sám trừ tội, Tăng đã như pháp tẫn xuất mà vẫn cùng cọng sự và ngủ chung một nhà. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo đã biết Tỳ kheo ác tà kiến… ngủ chung một nhà”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo biết Tỳ kheo nói lời như thế, không như pháp sám hồi trừ tội và không bỏ ác tà kiến, Tăng đã như pháp tẫn xuất mà vẫn cùng cọng sự và cùng ở chung một nhà thì phạm Ba-dật-đề.

Biết là tự biết hay nghe biết từ người khác hoặc Tỳ kheo kia tự nói. Nói lời như thế là như điều đã thấy biết mà nói; không như pháp sám trừ tội là tâm chưa chiết phục, chưa bỏ kiêu mạn; không bỏ ác tà kiến là ác tà kiến này chưa lìa tâm. Tăng như pháp tẫn là ở trong Tăng tác pháp đuổi. Cọng sự bao gồm tài và pháp, cùng làm các pháp yết ma, bố tát tự tứ. Cùng ở chung một nhà, nhà có bốn loại như đã kể trên.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo cùng người bị tẫn làm pháp sự gì hoặc dạy bảo kinh pháp, kệ tụng, mỗi mỗi câu đều phạm Ba-dật-đề; nếu theo người bị tẫn thọ học kinh pháp, kệ tụng cũng phạm như vậy. Về tài sự, nếu Tỳ kheo cho người bị tẫn bát, y… bốn loại dược đều phạm Ba-dật-đề; cùng ngủ trong bốn loại nhà kể trên, tùy nằm bao nhiêu phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu, nếu suốt đêm ngồi không nằm thì phạm Đột-kiết-la.

57. Giới Chứa Nuôi Sa Di Ác Tà Kiến

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Sa di tên Ma-già khởi ác tà kiến nói rằng: “Tôi biết nghĩa của pháp Phật là làm pháp dâm dục không thể chướng đạo”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy nên khuyên can Sa di này rằng: Chú chớ nên nói tôi biết… chướng đạo. Chú chớ phỉ báng Phật, phỉ báng Phật là không tốt, Phật đã đủ cách nói làm pháp dâm dục có thể chướng đạo, chú nên bỏ ác tà kiến này”, các Tỳ kheo vâng lời Phật dạy khuyên can Sa di này đến lần thứ ba vẫn không chịu bỏ ác tà kiến này nên trở về bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy nên làm yết ma tẫn Sa di Ma-già về tội không bỏ ác tà kiến, nếu có Sa di nào giống như thế cũng nên tẫn như thế. Pháp yết ma là Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Sa di Ma-già này khởi ác tà kiến, Tăng đã khuyên can mà vẫn không chịu bỏ ác tà kiến này. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay tẫn Sa di Ma-già. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng đã diệt tẫn Sa di Magià rồi, Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo biết Sa di Magià đã bị tẫn rồi mà vẫn chứa nuôi, cọng sự và ở chung. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo biết Sa di này đã bị tẫn rồi mà vẫn chứa nuôi, cọng sự và ở chung”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Sa di nói rằng: “Tôi biết nghĩa của pháp Phật là làm dâm dục không thể chướng đạo”. Các Tỳ kheo nên khuyên can Sa di này: “Chú chớ nói tôi biết nghĩa của pháp Phật là làm dâm dục không thể chướng đạo. Chú chớ phỉ báng Phật, phỉ báng Phật là không tốt, Phật đã đủ cách nói làm dâm dục có thể chướng đạo, chú nên bỏ ác tà kiến này”. Khi các Tỳ kheo khuyên can như thế mà Sa di này giữ chặt không bỏ thì các Tỳ kheo nên can cho đến Ba-lần, chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì các Tỳ kheo nên bảo Sa di: “Chú từ nay không được nói Phật là thầy của chú, cũng không được đi theo sau các Tỳ kheo. Các Sa di khác được cùng các Tỳ kheo ngủ chung phòng hai đêm, nhưng chú thì không được. Chú là kẻ ngu si, từ nay chú đã bị tẫn xuất, chú không được ở đây nữa”. Nếu Tỳ kheo biết Sa di này đã bị diệt tẫn mà còn chứa nuôi, cọng sự và ngủ chung một nhà thì phạm Ba-dật-đề.

Biết là tự biết hay nghe biết từ người khác hay Sa di tự nói. Diệt tẫn là Tăng nhất tâm hòa hợp như pháp làm yết ma tẫn xuất. Chứa nuôi là nhận làm đệ tử, mình làm hòa thượng, A-xà-lê. Kinh tuất (thương yêu ban rãi) là chu cấp y bát, bốn loại dược… cho Sa di. Cọng sự là cùng tài sự và pháp sự. Ở chung là cùng ở trong bốn loại nhà kể trên.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo dạy bảo cho Sa di bị tẫn này kinh pháp hay kệ tụng thì mỗi mỗi câu đều phạm Ba-dật-đề; nếu cùng Sa di đọc tụng kinh cũng như thế; nếu cho Sa di bị tẫn y bát, bốn loại dược… đều phạm Ba-dật-đề; ở chung trong bốn loại nhà kể trên, tùy nằm bao nhiêu phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu; suốt đêm ngồi không nằm cũng Ba-dật-đề.

58. Giới Cầm Giữ Báu Vật

Phật tại thành Vương xá, lúc đó vào sáng sớm Thế tôn đắp y mang bát vào thành khất thực, A-nan theo sau. Bỗng nhiên trời đổ mưa lớn làm cho phục tàng trồi lên mặt đất với nhiều báu vật. Thế tôn khất thực xong liền trở về trong núi Kỳ-xà-quật thì thấy phục tàng trồi lên mặt đất với nhiều báu vật. Lúc đó A-nan đi cách sau Phật khoảng một tầm, nghĩ rằng: “Nếu ta đi gần Phật, hơi thở và tiếng chân sẽ làm kinh động Phật”, Phật thấy phục tàng lộ ra rồi quay lại bảo A-nan: “Đó là độc xà”, nói rồi đi thẳng qua không dừng lại chỗ báu vật; A-nan đi đến nhìn thấy rồi cũng nói: “Là độc xà thưa Thế tôn”, nói rồi cũng đi thẳng qua không dừng lại chỗ báu vật. Lúc đó ở dưới chân núi có một người nghèo đang cắt lúa nghe được những lời này liền suy nghĩ: “Ta chưa từng thấy ác độc xà của Sa-môn Thích tử, nên đến xem thử”, nghĩ rồi liền đến xem thì thấy phục tàng trồi lên mặt đất, vui mừng nói: “Không ngờ độc xà của Sa-môn Thích tử lại là vật báu”, liền lấy bọc vào trong áo và dùng xe chở về cất giấu trong nhà. Nhờ số báu vật này mà người nghèo trở nên giàu có, xây cất nhà cao lớn, thiết lập cửa hàng vàng bạc, mua voi ngựa trâu dê, xe cộ, chứa nuôi nô tỳ… Người này vốn có hiềm khích với một người nên khi phát tài gây trở ngại việc buôn bán của ông ta, ông ta sanh tật đố đến tâu vua rằng: “Người này trước kia nghèo hèn nay bỗng trở nên giàu có… chứa nuôi nô tỳ, như thế nhất định là đã gặp kho tàng mà không báo với vua”, vua liền kêu tới hỏi: “Ngươi đã gặp được kho tàng phải không?” Đáp là không có, vua suy nghĩ: “Người này nếu không tra khảo làm sao nói thật”, nghĩ rồi liền ra lịnh cho quan hữu ty tịch thu hết tài sản và cột trói lại, sau đó ra bố cáo ai gặp kho tàng mà không báo với vua đều bị trị tội như thế. Lúc đó người này kêu than: “A-nan, độc xà; ác độc xà thưa Thế tôn”, mọi người nói: “Ngươi chớ nên nói A-nan độc xà, ác độc xà thưa Thế tôn; ngươi nên nói rằng: ai gặp bảo tàng mà không báo với vua thì bị trị phạt như thế”, nhưng người này nhất tâm nghĩ đến Phật nên cứ nói câu A-nan độc xà, ác độc xà thưa Thế tôn. Quan cai ngục đem việc này tâu vua, vua liền kêu đến hỏi rõ nguyên do, liền đáp: “Đại vương ban cho tôi vô úy, tôi sẽ nói thật”, vua nói: “Ta ban cho ngươi vô úy”, đáp: “Trước kia tôi nghèo hèn cắt lúa dưới chân núi, lúc đó có hai Tỳ kheo đi lên núi, một người đi trước, một người đi sau. Tỳ kheo đi trước nhìn thấy bảo tàng liền nói với Tỳ kheo đi sau: A-nan, đây là độc xà, nói rồi đi thẳng không dừng lại chỗ báu vật; Tỳ kheo đi sau đi đến nhìn thấy cũng nói: ác độc xà thưa Thế tôn, nói rồi cũng đi thẳng không dừng lại chỗ báu vật. Tôi nghe được những lời này sanh hiếu kỳ muốn xem thử ác độc xà mà Sa-môn Thích tử nói là vật gì nên tìm đến xem, liền thấy bảo tàng trồi lên mặt đất, vui mừng chở về nhà cất giấu. Nhờ bảo tàng này tôi trở nên giàu có… chứa nuôi nô tỳ. Nay tôi bị trị tội liền nhớ đến lời nói trước kia, độc xà nay đang ở trên thân tôi ắt sẽ ăn thân mạng của tôi. Chính vì bảo tàng này mà nay vua tịch thu hết tài sản và tôi suýt mất mạng”. Vua nghe rồi suy nghĩ: “Chắc chắn hai Tỳ kheo đó là Phật và A-nan”, nghĩ rồi liền nói: “Ngươi hãy đi đi, ta ban cho ngươi vô úy và thưởng cho ngươi năm trăm kim tiền”. Người này trong lúc nguy cấp nhờ nhớ lời của Phật và A-nan nói mà được thoát chết nên các quan đại thần đều lớn tiếng nói: “Thật là việc hi hữu, nhờ nhớ lời Phật nói mà được thoát chết”. Các Tỳ kheo nghe biết việc này liền đem bạch Phật, Phật nói: “Lấy vật quý trong mắc tội nặng như thế và tội nặng hơn tội này cũng đều do lấy vật báu”, nhưng Phật chỉ quở trách mà chưa kết giới.

Phật tại Duy-na-ly, lúc đó các đồng tử ra khỏi thành đến trong vườn rừng học bắn cung, Bạt-nan-đà sáng sớm đắp y mang bát định vào thành khất thực, các đồng tử từ xa trông thấy liền nói với nhau: “Bạtnan-đà Thích tử này ưa làm điều xấu ác, dù thấy tội nghe tội nghi tội cũng không hổ thẹn, không nhàm đủ, chúng ta hãy thử xem”, nói rồi liền lấy báu vật trị giá ngàn kim tiền để ở giữa đường rồi đứng ở chỗ xa nhìn. Bạt-nan-đà vừa đi đến nhìn thấy vật báu trên đường, nhìn quanh bốn phía thấy không có ai liền nhặt lấy cặp vào nách, các đồng tử thấy rồi liền chạy đến vây quanh nói rằng: “Pháp Tỳ kheo của ông, vật của người không cho mà lại lấy trộm hay sao”, đáp: “Không có lấy trộm, tôi cho là vật phấn tảo nên nhặt lấy”, các đồng tử suy nghĩ: “Nên dẫn người mxấu ác này đến quan”, nghĩ rồi liền dẫn đến quan, quan hỏi: “Thầy thật đã lấy trộm phải không?” Đáp: “Tôi không có lấy trộm, tôi tưởng là vật phấn tảo nên nhặt lấy”, quan nói: “Không có vật báu nào mà khởi tưởng là phấn tảo để lấy”. Nhưng các quan này vốn là đệ tử Phật, tin ưa Phật nên nói: “Tỳ kheo làm sao lấy trộm được, các đồng tử ắt là nói vọng rồi. Thầy hãy đi đi, sau này chớ như vậy nữa. Ở chỗ đất trống gặp vật báu, người không cho thì chớ nên nhặt lấy”. Bạt-nan-đà trở về đem việc này kể lại cho các Tỳ kheo nghe, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo: “Mắc tội như thế và tội nặng hơn cũng đều do lấy vàng bạc vật báu mà ra”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau: Nếu Tỳ kheo tự tay lấy hay bảo người lấy vật báu hay tợ vật báu đều phạm Ba-dật-đề.

Vật báu là vàng bạc tiền, xa cừ, mã não, lưu ly, chơn châu…; tợ vật báu là đồng thiếc, bạch lạp, chì kẽm…

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo cầm lấy cất tiền, vàng bạc, xa cừ, mã não… của người khác thì phạm Ba-dật-đề; nếu lấy tợ vật báu làm đồ trang nghiêm của nam tử và nữ nhơn, cho đến binh khí đều phạm Ba-dật-đề; nếu lấy chơn châu giả thì phạm Đột-kiết-la.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó vào ngày tiết hội các bạch y trong thành chuẩn bị đầy đủ các món ăn ngon đem vào trong vườn rừng để vui chơi ăn uống. Tỳ-xá-khư-lộc-tử-mẫu đeo trang sức trên người trị giá năm trăm kim tiền cũng ra thành dạo chơi, lúc trở về chợt suy nghĩ: “Ta ra thành dạo chơi, không thể không gặp Phật mà trở về. Đến gặp Phật ta không nên đeo đồ trang sức như vầy”, nghĩ rồi liền cởi đồ trang sức bọc vào trong áo cùng một tỳ nữ đi đến chỗ Phật, đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho được lợi hỉ rồi im lặng. Lộc tử mẫu nghe pháp được lợi hỉ rồi từ tòa đứng dậy, đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Tỳ nữ do nghe pháp được pháp vị nên khi đứng dậy ra về để quên lại gói đồ trang sức. Phật thấy gói đồ này liền bảo A-nan: “Thầy hãy xem trong gói đồ này có vật gì rồi đem cất”, Anan bảo tịnh nhơn giở ra xem rồi gói lại đem cất. Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: Từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo có vật báu hay tợ vật báu mà tự tay cầm lấy hay bảo người cầm lấy cất thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên. Nhân duyên là vật báu hay tợ vật báu này ở trong tăng phường hay ở trong trú xứ thì nên khởi tâm như vầy mà lấy cất: Nếu người chủ đến nhận thì sẽ trả lại.

Việc này nên hành trì như thế.

Trong tăng phường là vật ở bên trong tường vách, rào dậu, hào thành của trú xứ Tăng. Trong trú xứ là tùy trú xứ mà bạch y đã thỉnh. Không phạm là nếu vật ở trong Tăng phường, hoặc có tịnh nhơn thì bảo xem rồi lấy cất; nếu không có tịnh nhơn thì tự mình xem rồi lấy cất. Khi có người đến nhận xin lại thì nên hỏi: “Vật của ông hình tướng như thế nào”, nếu nói đúng thì đưa trả lại, nếu nói không đúng thì nên đáp là không có vật như thế. Nếu chủ của vật chưa đến nhận lại mà Tỳ kheo có nhân duyên phải đi, trong đây nếu có cựu trụ Tỳ kheo tốt thì nên dặn lại rằng: “Tôi nhặt được vật của người nào đó đã bỏ quên, thầy nên xem lại rồi cất giữ, nếu chủ của vật đến nhận xin lại, nói đúng thì nên đưa trả lại, nói không đúng thì nên nói là không có vật như thế”. Trải qua năm, sáu năm nếu chủ của vật không đến nhận lại thì nên để vật này vào trong Tứ phương Tăng vật mà dùng; thời gian sau nếu chủ của vật đến nhận lại thì nên lấy vật của tứ phương tăng bồi thường. Vật ở trong trú xứ cũng giống như thế cho đến câu trải qua năm, sáu năm nếu chủ của vật không đến nhận lại, trong trú xứ này nếu ít giường ghế mền nệm… thì nên dùng tiền đó để mua sắm; thời gian sau chủ của vật đến nhận thì nên đem giường ghế mền nệm này trả cho họ. Việc này nên hành trì như thế.

59. Giới Nhuộm Y Hoại Sắc

Phật tại thành Vương xá, lúc đó trong thành do nhân duyên rồng làm mưa nên mở hội một tháng ăn mừng, vào ngày hội cuối cùng các nghệ sĩ xiếc trình diễn được thưởng rất nhiều tiền. Lục quần Tỳ kheo cùng đi đến xem, thấy họ được thưởng nhiều tiền nên sai người đến nói với họ rằng: “Các vị được thưởng nhiều tài vật, nên chia cho chúng tôi một phần, nếu không chúng tôi sẽ phá hoại”, sứ đến nói y như vậy, họ nghe rồi liền hỏi là ai sai đến nói, đáp là Sa-môn, lại hỏi là Sa-môn nào, đáp là Sa-môn Thích tử , họ nói: “Chúng tôi nay đã thu hút được người xem, dù có đại nhạc sư ở đây cũng không thể phá hoại được huống chi là Sa-môn Thích tử, chúng tôi không chia phần”, sứ nghe rồi liền trở về báo lại. Lục quần nghe rồi liền giăng màn trướng làm hội trường, ở trong đó mặc y phục bạch y trình diễn, dùng biện tài ca ngợi Phật pháp tăng và Thánh giáo khiến cho hội chúng bên kia dần dần qua tụ hội hết bên này để xem nghe. Các nghệ sĩ bên hội trường này đáng lẽ được thưởng tiền lại không được gì, sau khi biết là do Sa-môn Thích tử gây rối liền quở trách rằng: “Những người này mất pháp Sa-môn, thiêu đốt pháp Sa-môn nên tranh đoạt hết tài vật mà đáng lẽ chúng ta có được”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại mặc y không nhuộm hoại sắc”, nhưng Phật chỉ quở trách mà chưa kết giới.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo từ nước Kiều-tát-la du hành đến nước Xá-vệ, tháp tùng theo các thương nhơn đi qua con dường hiểm, gặp phải giặc cướp cướp hết tài vật và y phục. Các thương nhơn, các Tỳ kheo và những người xuất gia khác đều lỏa hình, chúa giặc là người mến mộ Phật pháp nên bảo các Tỳ kheo tự đến nhận lại y của mình; người xuất gia khác cũng có y nhuộm, các Tỳ kheo nghi không biết là y của mình hay của người khác nên không dám lấy. Sau đó tuần tự đến nước Xá-vệ đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên , pháp thường của Phật là khi có khách Tỳ kheo đến đều hỏi thăm có nhẫn đủ không, khất thực có dễ không, đi đường có nhọc mệt không. Lúc đó các Tỳ kheo đều đáp là nhẫn đủ, khất thực không khó, đi đường không nhọc mệt, rồi đem việc trên bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo được y mới thì nên ở trong ba màu sắc, tùy dùng mỗi màu để nhuộm cho hoại sắc, hoặc màu xanh, hoặc màu xám hoặc màu đỏ đen. Nếu Tỳ kheo không dùng ba màu sắc này nhuộm cho hoại sắc y mà mặc y mới thì phạm Ba-dật-đề.

Y mới là vải mới hoặc nhận được vải cũ từ người khác , do mới được nên cũng gọi là vải mới. Ba màu hoại sắc là xanh, xám và đỏ đen. Nếu Tỳ kheo được vải màu xanh nên lấy hai màu còn lại làm tịnh (nhuộm cho hoại sác gọi là tịnh); nếu được vải đen xám cũng lấy hai màu còn lại làm tịnh; nếu được vải đỏ cũng lấy hai màu còn lại làm tịnh; nếu được vải vàng thì nên lấy ba màu sắc trên làm tịnh; được vải màu đỏ tươi cũng nên lấy ba màu sắc trên làm tịnh.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo đắp y không làm tịnh thì phạm Ba-dật-đề, nếu mặc thử một chút thì phạm Đột-kiết-la; vải may phu cụ không làm tịnh cũng phạm Ba-dật-đề; vải may áo gối cũng phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo được vải mới muốn làm tịnh, nên lấy một mảnh vải cũ vá vào, may ngược ra ngoài gọi là làm tịnh, cũng gọi là làm cho hoại sắc, vì khác với thế tục.