THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 14

TỤNG THỨ BA

V. CHÍN MƯƠI PHÁP BA DẬT ĐỀ (Tiếp Theo)

41. Giới Uống Dùng Nước Có Trùng

Phật tại nước Câu-diệm-di, lúc đó Trưởng lão Xiển-đà dùng nước có trùng, các Tỳ kheo nói: “Thầy chớ dùng nước có trùng sẽ khiến cho nhiều trùng nhỏ chết”, Xiển-đà nói: “Tôi dùng nước chớ không dùng trùng”, các Tỳ kheo hỏi: “Thầy biết nước có trùng không?” Đáp là biết, lại hỏi: “Nếu đã biết tại sao còn dùng”, đáp: “Tôi dùng nước chớ không dùng trùng”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Xiển-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo đã biết nước có trùng, sao lại còn cố tự lấy dùng, đối với chúng sanh không có tâm thương xót”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo biết nước có trùng mà lấy dùng thì phạm Ba-dật-đề.

Biết là tự biết hay nghe biết được từ người khác. Trùng là loài mà mắt thường có thể nhìn thấy được hay lượt mà thấy được. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo biết nước có trùng mà lấy dùng, tùy có bao nhiêu trùng chết là phạm bấy nhiêu tội Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo dùng nước có trùng để nấu cơm canh…, tùy trùng chết bao nhiêu thì phạm bấy nhiêu tội Ba-dật-đề. Nếu dùng nước có trùng để rửa tay, chân, tắm rửa… , tùy trùng chết bao nhiêu thì phạm bấy nhiêu tội Ba-dật-đề. Nước có trùng tưởng là có trùng mà lấy dùng thì phạm Ba-dật-đề; nước có trùng tưởng là không có trùng mà lấy dùng cũng phạm Ba-dật-đề; nước có trùng khởi nghi mà lấy dùng cũng phạm Ba-dật-đề. Nước không có trùng tưởng là có trùng mà lấy dùng thì phạm Đột-kiết-la; nước không có trùng khởi nghi mà lấy dùng cũng phạm Đột-kiết-la; nước không có trùng tưởng không có trùng, lấy dùng thì không phạm.

42. Giới Gượng Ngồi Trong Nhà Ăn

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Bạt-nan-đà Thích tử thường ra vào một nhà cư sĩ, sáng sớm một hôm Bạt-nan-đà đắp y mang bát đến trong nhà đó thăm hỏi, do cư sĩ này cưới vợ không lâu nên đưa tay muốn vuốt ve vợ, người vợ nói: “Đừng như thế, có Tỳ kheo ngồi ở đây”, cư sĩ suy nghĩ: “Nếu ta ở đây thì Tỳ kheo sẽ không đúng thời ra khỏi đây”, nghĩ rồi liền bảo vợ dâng cúng thức ăn cho Tỳ kheo, nói rồi liền ra ngoài, người vợ dâng cơm, Bạt-nan-đà nói: “Còn sớm chờ một chút, đến giờ tôi sẽ thọ”. Lúc đó cư sĩ cho là Tỳ kheo đã đi khỏi rồi nên trở vào muốn gần gủi vợ, thấy Tỳ kheo vẫn ngồi chỗ cũ liền suy nghĩ: “Nếu ta ở đây thì Tỳ kheo sẽ không đi”, nghĩ rồi liền bảo vợ dâng thức ăn cho Tỳ kheo, người vợ lại dâng cơm, Bạt-nan-đà lại bảo chờ một chút như lần trước. Cư sĩ tưởng Tỳ kheo đã đi khỏi nên trở vào, thấy Tỳ kheo vẫn còn ngồi ở chỗ cũ nên nổi giận nói: “Cũng vì có Tỳ kheo nên ta ở trong nhà muốn làm gì cũng không được tự tại”. Bạt-nan-đà xúc não cư sĩ rồi mới chịu ra khỏi nhà, sau khi thọ thực xong đến kể lại cho các Tỳ kheo nghe, có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại gượng ngồi trong nhà ăn”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo gượng ngồi trong nhà ăn thì phạm Ba-dật-đề.

Nhà ăn là trong phòng nhà của bạch y, đối với người nữ thì người nAm-là thức ăn, đối với người nam thì người nữ là thức ăn. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo gượng ngồi trong nhà của bạch y thì phạm Ba-dật-đề; nếu đã đứng dậy rồi ngồi trở lại thì tùy ngồi bao nhiêu chỗ, phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu; không phạm là nếu ở trong nhà đoạn dâm hay trong nhà đã thọ bát quan trai giới hoặc còn có người tôn trọng ngồi tại tòa hoặc trong nhà còn có nhiều người qua lại thì không phạm.

43. Giới Gượng Ngồi Gần Người Nữ Trong Nhà Ăn

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Bạt-nan-đà Thích tử thường ra vào một nhà cư sĩ, vào sáng sớm đắp y mang bát đến trong nhà đó, đóng hết các cửa rồi một mình ngồi gần với người nữ. Có một Tỳ kheo khất thực sáng sớm đắp y mang bát đến trước nhà đó khất thực, Bạt-nan-đà ở trong nhà thấy Tỳ kheo khất thực nhưng Tỳ kheo khất thực không thấy Bạt-nan-đà, Bạt-nan-đà bảo vợ cư sĩ đem thức ăn ra cho Tỳ kheo khất thực, người nữ này cho là quen biết với Bạt-nan-đà nên đựng đầy cơm canh đem ra cho Tỳ kheo khất thực rồi trở vào. Sau đó Bạt-nan-đà trở về trong Kỳ hoàn gặp Tỳ kheo khất thực đó liền suy nghĩ: “Chớ khiến ta làm ơn rỗng không”, nghĩ rồi liền hỏi Tỳ kheo khất thực: “Hôm nay thầy đến nhà ………. khất thực phải không?” Đáp là phải, lại hỏi: “Được thức ăn ngon phải không?” Đáp là phải, lại nói: “Thầy có biết không, chính là tôi bảo người nữ đem thức ăn ra cho thầy đó”, Tỳ kheo khất thực liền hỏi: “Lúc đó thầy đang ở đâu?” Đáp là đang ở trong nhà, Tỳ kheo khất thực liền đem việc trên kể cho các Tỳ kheo nghe. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại một mình ngồi với người nữ trong nhà”, quở trách rồi vì nói nhân duyên bổn sanh. Phật bảo các Tỳ kheo:

“Quá khứ có một con chó bỏ nhà này đến nhà khác xin ăn, khi vào trong nhà kia, thân ở trong cửa mà đuôi ló ra ngoài cửa. Lúc đó chủ nhà đánh không cho ăn, con chó liền đến chỗ quan kiện chủ nhà rằng: “Tối đến nhà đó xin ăn, chủ nhà không cho ăn mà còn đánh tôi, tôi không phá pháp chó”, quan hỏi: “Chó có pháp gì?” Liền đáp: “Tôi ở trong nhà mình thì tùy ý ngồi nằm, nhưng đến trong nhà đó thì thân tuy ở trong cửa mà đuôi ló ra ngoài cửa”, quan liền cho vời chủ nhà đến hỏi: “Ngươi quả thật đã đánh chó mà còn không cho ăn phải không?” Đáp là phải, quan nói: “Việc này từ xưa đến nay chưa có”, nói rồi liền hỏi con chó nên trị phạt người chủ nhà đó như thế nào, con chó đáp: “Nên cho người này chức vị đại cư sĩ trong thành Xá-vệ”, quan hỏi nguyên do, con chó đáp: “Thuở xưa tôi là đại cư sĩ trong thành Xá-vệ, do thân khẩu ý ác nên đọa làm thân chó xấu xa, người này còn ác hơn tôi, nếu cho người này có thế lực sẽ làm nhiều điều ác, kết quả sẽ đọa vào địa ngục chịu nhiều khổ não, đâu có trị phạt nào nặng hơn cách trị phạt này”. “Súc sanh còn biết pháp vào trong nhà người là có chừng mực, huống chi là người lại không biết pháp”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo ở trong nhà ăn, một mình ở chỗ khuất ngồi gần với người nữ thì phạm Ba-dật-đề.

Nhà ăn giải thích như trong giới trên. Chỗ khuất kín là là chỗ mà Tỳ kheo đến khất thực không nhìn thấy được.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo ở trong nhà ăn, một mình ở chỗ khuất ngồi gần với người nữ, cả ba việc này khởi lên thì phạm một tội Ba-dật-đề. Nếu từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ngồi trở lại, tùy ngồi lại mấy chỗ thì phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu. Nếu đóng cửa cái, cửa sổ mà tịnh nhơn ở bên ngoài thì phạm Ba-dật-đề; nếu mở cửa cái, cửa sổ mà tịnh nhơn ở bên ngoài thì phạm Đột-kiết-la; nếu mở cửa cái, cửa sổ mà tịnh nhơn ở bên trong nhà thì không phạm.

44. Giới Tự Tay Cho Ngoại Đạo Thức Ăn

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó ở nước Tỳ-la-nhiên có vị vua Bà-lamôn tên là A-kỳ-đạt, do nhân duyên đến trong nước Xá-vệ ngủ đêm ở nhà một cư sĩ và hỏi cư sĩ rằng: “Trong thành này có Sa-môn Bà-la-môn nào làm thầy của đại chúng, được nhiều người cung kính và mọi người đều cho là người tốt, ta sẽ thường thường đến gần gủi để tâm ta được thanh tịnh vui vẻ ”, cư sĩ nói: “Có Sa-môn Cù đàm thuộc dòng họ Thích ca do lòng tin từ bỏ vương vị xuất gia, tu chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng bồ đề, ông nên thường đến thân cận, vị ấy có thể khiến cho tâm ông thanh tịnh vui vẻ”, lại hỏi: “Sa-môn Cù đàm hiện nay đang ở đâu, tôi sẽ đến gặp”, đáp: “Ở trong tinh xá Kỳ hoàn thành Xá-vệ”. Nhà vua nghe rồi liền đi đến trong Kỳ hoàn, lúc đó Phật đang thuyết pháp cho trăm ngàn vạn chúng vây quanh, vua A-kỳ-đạt thấy Phật đoan chánh thù đặt, các căn tịch tĩnh, từ thân tỏa ra vô lượng quang sáng như chơn kim, vua bèn xuống xe đi bộ đến trước Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho được lợi hỉ rồi im lặng. Vua chắp tay bạch Phật: “Cúi xin Phật và Tăng đến nước Tỳ-la nhiên của con hạ an cư”, Phật liền suy nghĩ: “quả báo đời trước của ta nay đến lúc phải thọ lấy”, nghĩ rồi liền yên lặng thọ thỉnh. Vua biết Phật đã nhận lời liền đứng dậy hữu nhiễu rồi đi, sau khi làm xong công việc ở nước Xá-vệ, vua liền trở về nước mình ra lịnh chuẩn bị nhiều ẩm thực cho Phật và Tăng an cư trong bốn tháng, sau đó vua bảo người giữ cửa cung: “Ta muốn trong bốn tháng hạ không tiếp người ngoài để được an lạc tự vui, mọi việc tốt xấu bên ngoài đều không được bạch”, người giữ cửa cung vâng lời.

Lúc đó Phật biết đã đến thời an cư liền nhóm Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo: “Nay chúng ta đi đến nước Tỳ-la-nhiên hạ an cư”, nói rồi Phật cùng năm trăm Tỳ kheo đi đến nước đó. Do nước Tỳ-la-nhiên tin tà nên không có tinh xá, phía Bắc của thành có một khu rừng thắng hoa, cây cối sum suê, đất bằng phẳng rộng rãi nên Phật và đại chúng cùng đến dừng nghỉ trong khu rừng đó. Nơi đây thôn ấp nhỏ hẹp, người tuy đông nhưng không có lòng tín kính nên khất thực khó được, Phật nghỉ qua đêm rồi bảo các Tỳ kheo: “Nơi đây thôn ấp nhỏ hẹp, người tuy đông nhưng không có lòng tín kính nên khất thực khó được, các thầy nếu muốn ở lại đây an cư thì ở, nếu không thích thì tùy ý đi”. Lúc đó Xá-lợi-phất một mình đến trong núi Bất không đạo thọ lời thỉnh của Thích phu nhơn Thiên vương và A tu luân nữ, trong bốn tháng hạ an cư thọ thức ăn của trời cúng dường. Còn Phật và các Tỳ kheo còn lại hạ an cư ở trong nước Tỳ-la-nhiên, các cư sĩ, Bà-la-môn do ít tin nên chỉ cúng dường cho Phật và Tăng năm, sáu ngày liền dừng, các Tỳ kheo khất thực rất cực khổ khó được. Lúc đó Trưởng lão Đại Mục-kiền-liên bạch Phật: “Thế tôn, có cây tên Diêm-phù-đề, do có cây này nên đất được gọi là Di-Diêm-phù-đề, con muốn hái trái này cho đại chúng ăn. Gần cây Diêm-phù-đề có rừng Ha-lê-lặc có trái Ha-lê-lặc, cõi Uất-đơn-việt có lúa tự nhiên, trên trời Đao lợi có thức ăn gọi là Tu đà, con sẽ đi lấy về cho đại chúng ăn. Lại có vị đất ngọt phì nhiêu, con dùng một tay đỡ đại chúng, một tay giỡ đất để cho các Tỳ kheo lấy vị đất ngọt này ăn. Cúi xin Thế tôn chấp thuận”, Phật bảo Mục-liên: “Thầy tuy có đại thần lực nhưng quả báo ác hạnh của các Tỳ kheo đã chín, không thể dời đổi được nên ta không chấp thuận”. Trong nước này có nước trong mát và cỏ tươi tốt, lúc đó có những người buôn ngựa từ nước Ba là nại đến trong nước này tìm nước cỏ cho ngựa ăn. Những người này tin Phật, khi thấy các Tỳ kheo khất thực khó được, sau khi hỏi rõ nguyên do liền nói với các Tỳ kheo: “Chúng tôi biết các vị khất thực khó được, nay lương thực cũng đã hết chỉ còn có lúa ngựa, các vị có thể thọ được không?”, các Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chúng tôi dùng lúa của ngựa”. Các Tỳ kheo không biết làm sao liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Ngựa thuộc về người buôn ngựa, những người này có thể lấy cỏ nước nuôi cho ngựa mập mạp thì lúa này có thể tùy ý thọ”. Đàn ngựa có năm trăm con, các Tỳ kheo có năm trăm vị chỉ thiếu một mình Xá-lợi-phất, lúa cho ngựa ăn có hai thăng, một thăng đem cho Tỳ kheo, một thăng dành cho ngựa. Trong đàn ngựa, con ngựa tốt ăn tới bốn thăng lúa, hai thăng đem dâng cho Phật, hai thăng dành cho ngựa. A-nan đem phần lúa của Phật và của mình vào trong tụ lạc tới trước một người nữ khen ngợi công đức của Phật để người nữ này phát tâm nấu giúp: “Cô biết không, Phật có niệm định, huệ, giải thoát tri kiến, đại từ đại bi, có nhất thiết trí, đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, thân có sắc như chơn kim, trên đảnh có hào quang tròn sáng, cất tiếng như Phạm âm, ai nhìn thấy đều không nhàm chán. Nếu Phật không xuất gia thì sẽ làm Chuyển luân thánh vương, tất cả chúng ta đều thuộc về Ngài; nay đã xuất gia chứng quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, người chưa độ sẽ được độ, người chưa được giải thoát sẽ đươc giải thoát, người chưa diệt độ sẽ được diệt độ, người chưa thoát sanh lão bịnh tử ưu bi khổ não sẽ được thoát. Phật do nhân duyên nên đến trong đây an cư, cô nên đem lúa này nấu thành cơm cho Phật”, người nữ nói: “Trong nhà tôi rất nhiều việc, không thể nấu giúp được”. Lúc đó có một người nữ nghe nói về công đức của Phật liền sanh tâm tín kính, nghĩ rằng: “Người như thế trên thế gian này chưa từng có”, nghĩ rồi liền nói với A-nan: “Tôi sẽ làm cơm cho Phật và luôn cả phần của thầy, nếu có vị nào thiện đức trì giới tôi cũng sẽ làm luôn cả phần của vị ấy”. Người nữ làm cơm xong đưa cho A-nan, A-nan do tâm tín kính Phật sâu nghĩ rằng: “Phật là dòng dõi vua, thường ăn thức ăn ngon, nay ăn thức ăn thô dỡ này làm sao có ích cho thân”, nghĩ rồi dâng cơm cho Phật, nhìn Phật ăn cơm thô trong lòng A-nan buồn vô hạn, Phật biết ý nên muốn giải tỏa cho A-nan bảo rằng: “A-nan có thể ăn thử cơm này không?” A-nan liền thọ lấy ăn thử, cảm thấy mùi vị của cơm này sao thơm ngon lạ thường, thật như là chư thiên nêm thêm gia vị vào nên trong lòng vui sướng, nỗi buồn liền tiêu trừ. Phật thọ thực xong, khi thu dọn bát A-nan bạch Phật: “Thế tôn, hôm nay con nhờ một người nữ làm cơm nhưng người nữ này lại không chịu làm, còn người nữ mà con không nhờ lại phát tâm làm”, Phật nói: “Người không chịu làm cơm giúp đáng lẽ được phước thì lại không được, nếu chịu làm giúp thì đáng lẽ được làm đệ nhất phu nhân của Chuyển luân thánh vương; người phát tâm làm thì được phước vô lượng”. Lúc đó do nghiệp đời trước của Thế tôn chưa hết nên trong một thời gian không có ai biết Phật và Tăng an cư ở trong nước Tỳ-la-nhiên phải ăn lúa ngựa. Ma vương hóa làm các Tỳ kheo mang thức ăn dư đi đến các nước, người gặp giữa đường liền hỏi là từ đâu đến, đáp là từ nước Tỳ-la-nhiên đến, lại hỏi: “Phật an cư nơi đó có được cúng dường không?” Liền đáp: “Ở trong nước đó thường có đại hội, thức ăn đầy dẫy, thức ăn này đều là của Phật ăn dư”. Đến khi túc nghiệp đã hết, mười sáu nước lớn đều nghe biết Thế tôn và năm trăm Tỳ kheo an cư ở trong nước Tỳ-la-nhiên phải ăn toàn lúa ngựa. Lúc đó các cư sĩ, trưởng giả, đại phú thương của các nước liền lo liệu đủ các món ăn ngon chở tới để cúng dường Phật và Tăng, nghinh đón Phật như nghinh đón người thân từ xa đến. Lúc đó còn mười ngày nữa mới tự tứ nhưng Phật vẫn hỏi A-nan: “Còn mấy ngày nữa thì tự tứ?” Đáp là còn bảy ngày nữa, Phật bảo A-nan: “Thầy hãy đi vào trong thành nói với vua A-kỳ-đạt rằng: Chúng tôi ở trong nước của vua an cư đã xong rồi, nay sắp du hành đi đến nước khác”, các Tỳ kheo nói: “Thế tôn, vua Bà-la-môn này đối với Phật và Tăng có ân đức gì, ở nước này an cư khốn khổ cùng cực, đáng lẽ pháp chủ khách không nên đến từ biệt ông ta như thế”, Phật nói: “Vua Bà-la-môn này tuy không có ân đức nhưng pháp chủ khách nên phải đến từ biệt”. A-nan vâng lời Phật dạy đi cùng với một Tỳ kheo tới cửa thành nói với người giữ cửa: “Hãy vào bạch vua là có A-nan ở bên ngoài”, người giữ cửa suy nghĩ: “A-nan là tốt lành, mới sáng sớm nghe điều này mà không vào bạch vua là không tốt”, nghĩ rồi liền vào bạch vua. Lúc đó vua A-kỳ-đạt đã thức dậy tắm gội mặc áo sạch sẽ đang ngồi trong điện, nghe báo là có A-nan đang ở bên ngoài liền bảo cho vào, sau khi thăm hỏi xong vua liền hỏi A-nan: “Thầy đến có việc gì?” Đáp: “Phật bảo tôi đến nói với nhà vua rằng: Chúng tôi đến trong nước của vua hạ an cư đã xong, nay sắp du hành đến nước khác”, vua A-kỳ-đạt nghe xong liền kinh hãi nói: “Anan, Sa-môn Cù đàm đã hạ an cư trong nước của ta sao?” Đáp phải, vua liền hỏi: “An trụ như thế nào và ai đã cung cấp cho thức ăn uống?”, Anan nói: “Chúng tôi an cư khốn khổ cùng cực, Phật và Tăng chỉ ăn toàn lúa ngựa”. Lúc đó vua A-kỳ-đạt mới nhớ ra là mình đã thỉnh Phật và Tăng đến trong nước mình an cư sẽ cúng dường đầy đủ, nhưng tại sao lại khiến cho Phật và Tăng trong ba tháng an cư chỉ ăn toàn lúa ngựa, như thế tiếng xấu sẽ lan truyền khắp các nước đồn đại rằng: Vua A-kỳđạt trụ trong tà kiến, ghét bỏ Phật và Tăng nên đã để cho Phật và Tăng chịu khốn khổ. Vua liền nói với A-nan: “Sa-môn Cù đàm có thể cho tôi hối lỗi mà lưu lại đây không?” A-nan nói không được, vua nghe rồi trong lòng ưu buồn hổ thẹn ngất xỉu xuống đất, thân tộc rưới nước cho tỉnh lại rồi dìu đỡ lên và khuyên nhũ vua rằng: “Vua chớ ưu sầu, chúng tôi sẽ đi cùng với vua đến sám tạ Sa-môn Cù đàm, cố gắng thỉnh Ngài lưu lại; nếu Ngài không chịu lưu lại thì chúng ta sẽ đưa thức ăn ngon đến sau, nếu có thiếu thốn gì chúng ta sẽ mang tới cúng dường”. Lúc đó vua A-kỳ-đạt cùng thân tộc đi đến chỗ Phật sám tạ và thỉnh Phật lưu lại, Phật suy nghĩ: “Nếu ta không nhận lời thì vua sẽ hộc máu mà chết”, nghĩ rồi liền thương xót thọ vua thỉnh bảy ngày. Lúc đó vua suy nghĩ: “Thức ăn chuẩn bị cúng dường trong bốn tháng làm sao cúng trong bảy ngày cho hết được”. Lúc đó Phật tự tứ xong muốn du hành đến nước Việt-kỳ ở hai tháng, người nước Việt nghe tin Phật sắp đến liền chuẩn bị mọi thứ cúng dường, luân phiên nhau ngày nay anh cúng, ngày mai tôi cúng cứ như thế luân phiên cúng dường trong hai tháng. Sau khi tự tứ xong Phật du hành đến nước Việt-kỳ, vua A-kỳ-đạt mang theo các thức cúng dường tiễn đưa Phật để thấy có thiếu thứ gì thì sẽ cúng dường, không ngờ người nước Việt-kỳ có yếu lịnh: Khi nào Phật đến, mỗi người luân phiên nhau lo liệu bữa ăn sáng, bữa ăn trưa và nước uống phi thời chớ để cho thiếu thốn, không được cho ai khác xen vào. Lúc đó vua Akỳ-đạt biết chỗ Phật dừng chân nên cho người đến sắp đặt trước và nói rằng: “Ta cúng ngày nay, các vị cúng ngày mai”, người nước Việt-kỳ không bằng lòng nói rằng: “Vua là người tà kiến, xem Phật là oan gia nên mới xúc não Phật, nay muốn làm Phật vui lòng nên đến đây nói là ta cúng ngày nay, các vị cúng ngày mai. Vua đã làm việc gì mà lại để cho Phật và Tăng phải ăn lúa ngựa trong ba tháng hạ rồi nay lại cầu cúng dường”, vua A-kỳ-đạt nghe rồi trong lòng hổ thẹn buồn bã đứng qua một bên, nghĩ là nếu thấy có thiếu thứ gì thì sẽ cúng dường thứ ấy. Lúc đó thấy không có cháo, vua liền cho làm các món cháo: Cháo tô, cháo hồ ma, cháo dầu, cháo sữa, cháo đậu, cháo ma sa, cháo ma tử, và cháo trắng để dâng cúng Phật, Phật bảo nên dâng cúng chúng tăng, Tăng không thọ nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi ăn tám loại cháo”, liền bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho ăn tám loại cháo, vì cháo có năm lợi ích cho thân: Một là trừ đói, Hai là trừ khát, Ba là hạ khí, Bốn là trừ bụng dưới lạnh, Năm là tiêu hóa thức ăn hôm qua”. Lúc đó vua A-kỳđạt suy nghĩ: “Ta đã bốn tháng an lạc tự vui, nay nếu theo Sa-môn Cù đàm trong hai tháng thì vì một mình ta mà phế bỏ việc nước. Những thức cúng dường này nhiều không cúng hết được, ta nên bỏ trên đất để cho Phật và tăng dẫm đạp lên cũng tức là đã thọ dụng”, nghĩ rồi liền bạch Phật, Phật nói: “Không được làm như điều vua đã nghĩ, vì đây là thức ăn phải dùng miệng thọ dụng”. Để khuyên vua A-kỳ-đạt, Phật nói kệ chú nguyện:

“Trong đồ cúng chư thiên,
Cúng dường lửa là nhất.
Trong sách Bà-la-môn ,
Tát tỳ đế là trên.
Trong tất cả người trời,
Đế vương là trên hết.
Trong tất cả dòng sông,
Biển cả là sâu nhất.
Trong tất cả vì sao,
Mặt trăng là sáng nhất.
Trong tất cả ánh sáng,
Mặt trời là sáng nhất.
Trong mười phươngngười trời,
Phật phước điền là nhất”.

Phật nói kệ chú nguyện cho vua A-kỳ-đạt rồi từ nước Việt-kỳ du hành đên nước Xá-vệ, lúc đó có một ngoại đạo lỏa hình theo sau Phật, thân hình mập mạp. Một ngoại đạo khác đi ngược lại gặp ngoại đạo mập mạp này liền hỏi: “Ngươi đi theo sau để được cái gì?” Đáp là để được thức ăn, lại hỏi từ đâu có được, đáp là từ cư sĩ trọc có được, ngoại đạo kia nghe rồi liền mắng ngoại đạo mập rằng: “Ngươi là người xấu xa, từ nơi họ được thức ăn như thế, tại sao lại ở chỗ khuất nói lời thô mắng chửi họ, ngươi không phải là người. Nếu Sa-môn Cù đàm nghe được lời thô này thì sẽ kiết giới không cho các đệ tử cho ngoại đạo thức ăn”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo: “Ngoại đạo này trụ trong tà kiến, đây là pháp của oán tặc tìm cầu lỗi lầm. Nếu bị người khác cầm dao gậy đánh hoặc trúng độc hoặc có người giết, ắt sẽ nói là do Sa-môn Thích tử làm”, lúc đó Phật chỉ quở trách nhưng chưa kiết giới. Phật tiếp tục du hành đến nước Xá-vệ, lúc đó mọi người nghe nói Phật phải ăn lúa ngựa trong ba thángan cư nên cúng dường không ngớt. Có một người nữ bán bánh lo liệu thức ăn thức uống cúng dường cho Phật và Tăng, A-nan hành thực, thường pháp của Phật là Tăng ăn chưa hết thì Phật không đứng dậy, vì sao, vì nếu thấy thức ăn không đủ thì Phật sẽ gia lực khiến cho được đủ. Lúc Phật chưa đứng dậy, có hai người nữ ngoại đạo xuất gia theo A-nan xin bánh, A-nan cho mỗi người một cái, không ngờ có hai cái bánh dính nhau nên một người được một bánh, người kia lại được hai bánh. Người được một cái bánh nói với người được hai bánh rằng: “Hãy chia cho tôi bớt nửa cái, nếu không tôi sẽ làm nhục”, người được hai bánh nói: “Mỗi người xin tùy được cho bao nhiêu bánh, tại sao phải chia lại nửa cái cho ngươi”, người được một bánh lặp lại lời nói trước vẫn không được chia cho nửa cái liền nói rằng: “A-nan ắt là chồng hoặc đã cùng ngươi tư thông, nếu không thì sao chỉ cho ta một cái, nếu cho ngươi hai cái thì cũng phải cho ta hai cái”, hai người nữ này chỉ vì cái bánh mà nói lớn tiếng với nhau. Phật tuy nghe biết nhưng vẫn hỏi A-nan nguyên do, do nhân duyên này và nhân duyên trước đó nên Phật nhóm Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo: “Các thầy phải biết, các ngoại đạo này trụ trong tà kiến, đây là pháp của oán tặc… sẽ nói là do Sa-môn Thích tử làm. Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo tự tay cho ngoại đạo nữ và ngoại đạo lỏa hình thức ăn thức uống thì phạm Ba-dật-đề.

Ngoại đạo lỏa hình là chỉ cho phái A-kỳ-duy đạo Ni-kiền-tử. Trừ năm chúng đệ tử của Phật, các chúng xuất gia của phái khác đều gọi chung là ngoại đạo. Thức ăn là chỉ cho năm loại Khư-đà-ni và Bồ-xàni.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo tự tay cho ngoại đạo lỏa hình và ngoại đạo nữ các loại thức ăn củ… hoặc cơm bánh… hoặc bắp… đều phạm Ba-dật-đề. Nếu ngoại đạo lỏa hình đến xin trái cây, nên nói: “Chúng tôi không ngăn cản ông lấy trái cây”; nếu đến xin nước cũng nên nói: “Chúng tôi không ngăn cản ông lấy nước”. Không phạm là nếu ngoại đạo nữ và ngoại đạo lỏa hình bị bịnh hoặc là bà con hoặc cầu xin xuất gia rồi thì cho không phạm.

45. Giới Xem Quân Trận

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó vua Ba-tư-nặc có nước nhỏ làm phản nên tập họp bốn binh chủng: Tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh để thảo phạt. Sau khi tập họp bốn binh, vua đích thân đi xem xét binh khí và áo giáp có tốt không, binh sĩ có vui không và có thể phá được kẻ địch không. Lục quần Tỳ kheo nói với nhau: “Quân binh sắp xuất hành, chúng ta cùng đến xem “, nói rồi cùng đi đến chỗ quân binh đứng xem. Nhãn quan của các quốc vương thường thích nhìn xa, lúc đó vua từ xa nhìn thấy Tỳ kheo liền sai người đến hỏi: “Nhân duyên gì đến”, đáp là muốn gặp vua, vua nghe rồi liền suy nghĩ: “Vào lúc khác khó gặp ta lắm hay sao, mà vào lúc này lại muốn gặp. Phật nghe biết việc này ắt sẽ kết giới không cho Tỳ kheo xem quân xuất hành”, nghĩ rồi liền cho vào gặp, Tỳ kheo vào vua liền hỏi nhân duyên gì đến, đáp là vì muốn gặp vua, vua nói: “Ta vào lúc khác khó gặp… sẽ kết giới không cho Tỳ kheo xem quân xuất hành”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa

Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại đi xem quân xuất hành”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo cố ý đi xem quân xuất hành thì phạm Ba-dật-đề.

Quân xuất hành là đi đánh dẹp giặc nên tập họp binh chủng. Quân là chỉ cho một hay hai, ba, bốn loại binh. Một loại binh là chỉ có tượng binh hoặc mã binh hoặc xa binh hoặc bộ binh. Hai loại binh là tượng binh và mã binh, hoặc tượng binh và xa binh, hoặc tượng binh và bộ binh, hoặc mã binh và xa binh, mã binh và bộ binh hoặc xa binh và bộ binh. Ba loại binh là tượng binh, mã binh và xa binh hoặc tượng binh, mã binh và bộ binh hoặc mã binh, xa binh và bộ binh. Bốn loại binh là đủ cả tượng, mã, xa và bộ binh.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo cố ý đến xem quân xuất hành, thấy thì phạm Ba-dật-đề, không thấy thì phạm Đột-kiết-la; đứng từ trên cao nhìn xuống, thấy quân xuất hành thì phạm Ba-dật-đề, không thấy thì phạm Đột-kiết-la; thấy một binh chủng cho đến bốn binh chủng cũng vậy. Không phạm là nếu không cố ý đi hoặc có nhân duyên đi ngang qua tình cờ nhìn thấy thì không phạm.

Lúc đó quân binh đến nước kia đã lâu nhưng vẫn chưa đánh dẹp được giặc, trong quân binh có hai đại thần của vua Ba-tư-nặc tên là Ni-sư-đạt-đa và Phú-la-na đặc biệt yêu mến một Tỳ kheo bà con, vì đã lâu không được gặp nên nhớ. Hai vị này sai sứ đi mời Tỳ kheo này đến trong quân trận để gặp mặt, Tỳ kheo đáp là Phật đã chế giới không cho đến trong quân trận nên không thể đi được. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo cố ý đi xem quân xuất hành thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên.

Nhân duyên là vua sai sứ đến mời hoặc phu nhân của vua, vương tử, Đại-thần, tướng quân… sai sứ đến mời nên đi thì không phạm.

46. Giới Ở Trong Quân Trận Quá Hai Đêm

Sau khi Phật khai cho các Tỳ kheo có nhân duyên được đến trong quân trận, các Tỳ kheo có nhiều bà con ngày nay mời đến, ngày mai mời đến rồi ở lâu trong quân trận. Trong quân có người không tin Phật ganh ghét nói rằng: “Chúng ta vì xóm làng, nhân dân, vì quan chức luơng bổng nên mới ở trong quân; các Tỳ kheo tệ ác không tốt này vì nhân duyên gì lại đến ở trong đây. Tỳ kheo ở lâu trong đây sẽ khiến chúng ta bị thối đọa”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi quở trách các Tỳ kheo: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại ở trong quân trận quá hai đêm”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau: Nếu Tỳ kheo có nhân duyên đến trong quân trận ngủ qua đêm, quá hai đêm thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo đến trong quân trận ngủ quá hai đêm thì phạm Ba-dật-đề , qua đêm thứ ba khi trời vừa sáng thì phạm Ba-dật-đề.

47. Giới Ở Trong Quân Trận Xem Hai Binh Giao Chiến

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo ở trong quân trận hai đêm liền đi xem quân binh dàn trận và hai binh giao chiến nhau. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại ở trong quân trận hai đêm và còn đi xem quân binh dàn trận, hai binh giao chiến nhau”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo ngủ trong quân trận hai đêm liền đi xem quân binh dàn trận, xem binh khí cờ phướng và hai binh giao chiến nhau thì phạm Ba-dật-đề.

Quân binh dàn trận là quân binh sắp ra trận đánh nhau; quân bao gồm bốn binh; trận bao gồm các thế trận hoặc như hình cây cung, hoặc như hình bán nguyệt hoặc như hình chữ nhật… khi hai quân giao chiến nhau, nếu Tỳ kheo nhìn thấy thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo đến xem quân dàn trận đánh nhau, thấy thì phạm Ba-dật-đề; không thấy thì phạm Độtkiết-la; hai loại binh cho đến bốn loại binh dàn trận cũng vậy; xem các thế trận và hai binh giao chiến cũng như vậy. Không phạm là không cố ý đến xem, do có nhân duyên đi ngang qua tình cờ nhìn thấy thì không phạm.

48. Giới Giận Đánh Tỳ Kheo

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo cùng Thất thập quần Tỳ kheo tranh cải, trong lòng sân giận không vui nên đánh Thất thập quần Tỳ kheo, cả nhóm cùng kêu khóc nên các Tỳ kheo hỏi rõ nguyên do. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cùng Tỳ kheo khác tranh cải, trong lòng sân giận không vui liền đánh Tỳ kheo”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo trong lòng sân giận không vui mà đánh Tỳ kheo khác thì phạm Ba-dật-đề.

Đánh là dùng tay hay chân đánh. Tướng phạm trong giới này là nếu dùng tay đánh thì phạm Ba-dật-đề; dùng chân đá cũng phạm Badật-đề; nếu dùng thân phần khác đánh thì phạm Đột-kiết-la; nếu vì chú nguyện hay vì người kia ăn mắc nghẹn nên đánh vỗ thì không phạm.

49. Giới Dọa Đánh Tỳ Kheo

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo cùng Thất thập quần Tỳ kheo tranh cải, trong lòng không vui liền giơ tay dọa đánh, Thập thất quần Tỳ kheo suy nghĩ: “Lục quần Tỳ kheo mạnh khỏe, nếu đánh trúng thì chúng ta ắt sẽ chết”, nghĩ rồi liền kêu khóc lớn tiếng, các Tỳ kheo liền hỏi rõ nguyên do. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cùng Tỳ kheo khác tranh cải rồi trong lòng sân giận không vui giơ tay dọa đánh”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo trong lòng sân giận không vui giơ tay dọa đánh Tỳ kheo khác thì phạm Ba-dật-đề.

Giơ tay dọa đánh là giơ lòng bàn tay hay lòng bàn chân.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo giơ lòng bàn tay dọa đánh thì phạm Ba-dật-đề; giơ chân dọa đá cũng phạm Ba-dật-đề; giơ thân phần khác dọa đánh thì phạm Đột-kiết-la. Không phạm là giơ lòng bàn tay để ngăn chận ác thú hay ngăn người ác thì không phạm.

50. Giới Che Dấu Tội Thô Của-Tỳ Kheo Khác

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Bạt-nan-đà có anh là Tỳ kheo tên Nan-đà, lại có một đệ tử tên là Đạt-ma. Người đệ tử này khéo trì giới nên không theo hạnh của thầy, Nan-đà suy nghĩ: “Người đệ tử này của em ta không theo hạnh thầy cũng không theo hạnh của ta, phải trị nó bắt nó thuận theo chúng ta”, nghĩ rồi liền dẫn một người nữ vào phòng mình rồi bảo Đạt-ma đến, Đạt-ma nghĩ: “Vị này là anh của thầy ta, làm sao không nghe theo lời”, nghĩ rồi liền đi theo đến phòng của-Nan-đà. Nan-đà liền bảo Đạt-ma đứng đợi ở chỗ có thể nhìn thấy người nữ ở trong phòng rồi tự mình đến ôm và xúc chạm thân phần của người nữ đó. Sau đó hỏi Đạt-ma có nhìn thấy không, đáp là thấy, liền bảo: “Thầy chớ nói cho người khác biết”, đáp: “Tôi không thể che dấu, tôi sẽ đem việc này bạch Phật, sẽ nói cho các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni khác biết”, Nan-đà nói: “Ta cũng thấy hòa thượng của thầy đã làm việc như thế, lại còn thấy nhiều việc xấu xa hơn thế nữa, ta còn không nói cho người khác biết, thầy vì sao lại đem việc này nói cho người khác biết”, đáp: “Ý của thầy muốn tôi không nói cho người khác biết, nhưng tôi không thể che dấu được”, nói rồi liền đem việc này nói cho các Tỳ kheo khác biết. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo biết Tỳ kheo khác phạm trọng tội lại cố ý che dấu”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau: Nếu Tỳ kheo biết Tỳ kheo khác phạm trọng tội mà cố ý che dấu cho đến một đêm thì phạm Badật-đề.

Biết là tự biết hay nghe biết từ người khác hoặc Tỳ kheo kia tự nói. Trọng tội là tội Ba-la-di và Tăng-già-bà-thi-sa. Một đêm là từ mặt trời lặn cho đến sáng hôm sau.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo vào trời sáng thấy Tỳ kheo khác phạm Ba-la-di, Tỳ kheo này trong Ba-la-di khởi tưởng là Bala-di, trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo này đang bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội, không sám tội và không bỏ ác tà kiến hoặc tâm cuồng, tâm loạn, tâm bịnh hoại thì không phạm. Nếu Tỳ kheo này được Tăng giải tẫn hoặc đã hết bịnh, lúc đó còn che dấu tội của-Tỳ kheo kia đến sáng hôm sau thì phạm Badật-đề. Trời sáng là lúc mặt trời vừa mọc, trước ngọ, giữa ngọ, xế trưa, chiều, hoàng hôn, mặt trời lặn; Che dấu đến sáng hôm sau là trải qua đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm cho đến khi trời sáng, mặt trời vừa mọc thì phạm Ba-dật-đề.

Có Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Tăng-già-bàthi-sa, trong Tăng-già-bà-thi-sa khởi tưởng là Tăng-già-bà-thi-sa trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo này bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên.

Có Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Ba-dật-đề,Bala-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la; ở trong tội Đột-kiết-la khởi tưởng là Độtkiết-la trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Đột-kiết-la. Tỳ kheo nay nếu đang bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên cho đến câu đã hết bịnh mà còn che dấu tội của-Tỳ kheo kia cho đến sáng hôm sau thì phạm Đột-kiết-la. Từ lúc trời sáng, mặt trời mọc, trước ngọ … che dấu trải qua đến cuối đêm, mặt trời vừa mọc thì phạm Đột-kiết-la.

Nếu Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Ba-la-di khởi tưởng là phạm Tăng-già-bà-thi-sa hoặc Ba-dật-đề,Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la; trong Ba-la-di khởi tưởng là Đột-kiết-la trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo này đang bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên cho đến câu đã hết bịnh mà còn che dấu đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dậtđề. Từ lúc trời sáng, mặt trời mọc… che dấu trải qua đến cuối đêm, mặt trời vừa mọc liền phạm Ba-dật-đề.

Lại có Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác ào trời sáng phạm Tăng-giàbà-thi-sa khởi tưởng là phạm Ba-dật-đề,Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la; trong Tăng-già-bà-thi-sa khởi tưởng là Đột-kiết-la trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo này bị tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên cho đến câu đã hết bịnh mà vẫn còn che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dậtđề. Từ lúc trời sáng, mặt trời mọc … che dấu trải qua đến cuối đêm, mặt trời vừa mọc liền phạm Ba-dật-đề.

Lại có Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Ba-dật-đề hoặcBa-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la; trong Đột-kiết-la tưởng là Ba-ladi, Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc tưởng là phạm Ba-dật-đề,Ba-la-đề-đề-xáni trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo này đang bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên cho đến câu đã hết bịnh mà vẫn còn che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Đột-kiết-la.

Nếu Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Ba-la-di mà sanh nghi không biết có phải là Ba-la-di hay không phải là Ba-la-di; sau đó dứt nghi ở trong Ba-la-di khởi tưởng là Ba-la-di mà trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo này đang bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên cho đến câu đã hết bịnh mà vẫn còn che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Từ lúc trời sáng, mặt trời mọc… che dấu trải qua cho đến cuối đêm, mặt trời vừa mọc liền phạm Ba-dật-đề.

Lại có Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Tăng-giàbà-thi-sa, nghi không biết là phạm Tăng-già-bà-thi-sa hay không phải Tăng-già-bà-thi-sa; sau đó dứt nghi ở trong Tăng-già-bà-thi-sa khởi tưởng là Tăng-già-bà-thi-sa trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo này bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên cho đến câu khi bịnh đã hết mà vẫn còn che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Từ trời sáng, mặt trời mọc… che dấu trải qua cho đến cuối đêm, mặt trời vừa mọc liền phạm Ba-dật-đề.

Lại có Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Ba-dậtđề,Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la; ở trong Đột-kiết-la nghi không biết có phải là Đột-kiết-la hay không phải Đột-kiết-la; sau đó dứt nghi ở trong Đột-kiết-la khởi tưởng là Đột-kiết-la trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo này bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên cho đến câu khi bịnh đã hết mà vẫn con che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Độtkiết-la. Từ trời sáng, mặt trời mọc… che dấu trải qua cho đến cuối đêm, mặt trời mọc liền phạm Đột-kiết-la.

Lại có Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Ba-la-di nghi không biết là Ba-la-di hay là Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc là Ba-dậtđề,Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la; sau đó dứt nghi ở trong Ba-la-di khởi tưởng là Đột-kiết-la, trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo này bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên cho đến câu khi bịnh đã hết mà vẫn che dấu co đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Từ trời sáng, mặt trời mọc… che dấu trải qua cho đến cuối đêm, mặt trời vừa mọc liền phạm Ba-dật-đề.

Lại có Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Tăng-giàbà-thi-sa nghi không biết là Tăng-già-bà-thi-sa hay là Ba-dật-đề,Ba-lađề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la hay là Ba-la-di; sau đó dứt nghi ở trong Tănggià-bà-thi-sa khởi tưởng là Ba-la-di, trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo này bị Tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội… giống như đoạn văn trên cho đến câu khi bịnh đã hết mà vẫn còn che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Ba-dật-đề. Từ trời sáng, mặt trời mọc… che dấu trải qua cho đến cuối đêm, mặt trời vừa mọc liền phạm Ba-dật-đề.

Lại có Tỳ kheo thấy Tỳ kheo khác vào trời sáng phạm Ba-dậtđề,Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la; ở trong Đột-kiết-la nghi không biết là Đột-kiết-la hay là Ba-la-di hoặc Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề hay làBa-la-đề-đề-xá-ni; sau đó dứt nghi ở trong Đột-kiết-la khởi tưởng làBa-la-đề-đề-xá-ni hoặc là tưởng Ba-la-di, trọn ngày che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo này bị tăng cho yết ma tẫn về không thấy tội … giống như đoạn văn trên cho đến câu khi bịnh đã hết mà vẫn còn che dấu cho đến sáng hôm sau thì phạm Độtkiết-la. Từ trời sáng, mặt trời mọc… che dấu trải qua cho đến cuối đêm, mặt trời vừa mọc liền phạm Đột-kiết-la.