THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 11

V. CHÍN MƯƠI PHÁP BA DẬT ĐỀ (Tiếp Theo):

15. Giới Ở Trong Phòng Trải Ngọa Cụ Của Tăng

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có hai Tỳ kheo khách vào trời tối đến trong chùa, theo thứ lớp được một phòng ở chung, một người được giường, một người được tòa cỏ. Hai người ngủ qua đêm rối bỏ đi không dọn cất khiến cho trong tòa cỏ sanh trùng cắn cỏ, đục chân giường và lỗ bệ của giường, cắn mền gối nệm rồi làm ổ trong vách tường. Lúc đó có cư sĩ thỉnh Phật và Tăng ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời… duyên khởi giống như trong giới mười bốn cho đến câu Phật đến một phòng mở ra thấy tòa cỏ trùng sanh cắn nát… như trên, liền thu dọn sạch sẽ rồi trở về phòng ngồi kiết già. Lúc đó ở nhà của cư sĩ, sau khi dâng cúng cho Tăng được no đủ rồi cư sĩ liền ngồi trước Tăng nghe pháp… giống như trong giới mười bốn cho đến câu các thầy thọ dụng biết giữ gìn thì tốt. Phật quở trách rồi hỏi các Tỳ kheo là ai đã ở trong phòng đó, các Tỳ kheo đem sự việc trên bạch Phật, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo dùng ngọa cụ của tăng rồi không dặn dò gì hết liền bỏ đi”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo ở trong phòng Tăng trải ngọa cụ của Tăng, tự trải hay bảo người trải để ngồi nằm, khi đi không cất, không bảo người cất thì phạm Ba-dật-đề.

Tăng phòng là phòng của chúng tăng hay phòng của một người, phòng nhỏ nhất là đủ cho một người đi dứng nằm ngồi.

Tướng phạm trong giới này là nếu khách Tỳ kheo ở trong phòng Tăng trải ngọa cụ rồi ra khỏi giới thì phạm Ba-dật-đề. Nếu cựu Tỳ kheo ở trong phòng Tăng trải ngọa cụ rồi ra khỏi giới nghĩ rằng ngay trong ngày nay trở về, nhưng vì có việc gấp nên không về kịp được, đến sáng hôm sau thì phạm Đột-kiết-la. Phật nói: “Từ nay nên dặn cất ngọa cụ rồi mới đi”. Dặn cất có ba: Nói đây là chìa khóa, đây là phòng, đây là ngọa cụ. Nếu nói chìa khóa này, phòng này, ngọa cụ này nên giao cho ai cất thì nên giao cho người trải ngọa cụ; nếu không có nguời trải ngọa cụ thì nên giao cho người coi phòng; nếu không có người coi phòng thì nên giao cho người tu sửa phòng xá; nếu không có người tu sửa phòng xá thì nên giao cho cựu Tỳ kheo lành tốt có công đức trì giới trong chùa; nếu trong chùa không có người này thì giao cho người nào hiền thiện hay người giữ Tăng phường. Không nên giao cho Tỳ kheo không biết hổ thẹn phá giới, cũng không nên giao cho Sa di nhỏ. Nếu không có người hiền thiện thì ở trong chùa nếu có giá y thì nên để mền nệm gối trên đó rồi đi… Không phạm là don cất để trong phòng hoặc để trong túi đãy.

16. Giới Kéo Lôi Tỳ Kheo

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Da xá cùng năm trăm quyến thuộc câu hội muốn đến nước Xá-vệ an cư, các Tỳ kheo đang làm việc chuẩn bị cho an cư như lấp lỗ hổng trên tường, trám những chỗ nứt hư , sửa lại giường chõng, đập giũ gối mền… Lục quần Tỳ kheo lười biếng không làm, từ xa trông thấy họ làm liền suy nghĩ: “Chúng ta đợi họ làm xong thọ ngọa cụ rồi vào sau, theo thứ lớp Thượng tòa đuổi họ ra”. Khi các Tỳ kheo làm xong thọ ngọa cụ rồi Lục quần mới vào sau, các Tỳ kheo hỏi: “Các thầy đến cùng với chúng tôi, lúc nãy có làm việc không?” Đáp là không làm, các Tỳ kheo nói: “Các thầy cùng đến mà không cùng làm việc, nay chúng tôi đã làm việc xong thì chúng tôi không đi ra”, Lục quần nói: “Như lời Phật dạy là theo thứ lớp Thượng tòa mà thọ phòng, không có nói không làm việc thì không thọ phòng, chúng ta là Thượng tòa tại sao các thầy không đi ra”, nói rồi ỷ sức mạnh kéo lôi ra, các Thầy này là người yếu đuối nên đầu, tay đều bị thương, bát bể y rách. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại vì sân giận mà kéo lôi Tỳ kheo ở trong phòng ra ngoài”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo vì sân giận không vui, tự kéo lôi Tỳ kheo từ trong phòng ra ngoài hay bảo người kéo lôi, nói rằng: Thầy là người ngu, hãy đi ra không nên ở trong đây, thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên.

Phòng Tỳ kheo là phòng của Tăng hay của một người, nhỏ nhất là đủ cho một người đi đứng nằm ngồi. Sân giận là không vừa ý; không vui là không muốn gặp, không thích nhìn thấy. Tự lôi kéo hay bảo người khác lôi kéo từ trên giường xuống đất, hoặc từ trong phòng ra đến cửa, hoặc từ chỗ cao xuống chỗ thấp… đều phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo sân giận không vui tự lôi kéo Tỳ kheo, lôi kéo được thì phạm Ba-dật-đề, không lôi kéo được thì phạm Đột-kiết-la; nếu bảo người khác lôi kéo, lôi kéo được thì phạm Ba-dật-đề, không lôi kéo được thì phạm Đột-kiết-la. Nếu từ trên giường kéo xuống đất được thì phạm Ba-dật-đề, không kéo xuống đươc thì phạm Đột-kiết-la; hoặc từ trong phòng ra đến cửa, kéo được thì phạm Ba-dật-đề, không được thì phạm Đột-kiết-la… , tùy tự kéo hay bảo người kéo đều phạm Ba-dật-đề và Đột-kiết-la. Nếu phòng xá hư hoại nên kéo ra thì không phạm.

17. Giới Đến Sau Giành Chỗ Trải Ngọa Cụ

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Ca-lưu-đà-di ngủ xấu nết lại không nhất tâm khi ngủ nên ngáy to hoặc nghiến răng, nói mớ hoặc vổ tay động chân ra tiếng khiến các Tỳ kheo khác không ngủ được. Do nhân duyên này các Tỳ kheo ăn không tiêu, thân thể ốm gầy, buồn bực không vui nên trải ngọa cụ nằm gần nhau, không cho Ca-lưu-đà-di nằm gần; Ca-lưu-đà-di cố tình chen vào trải ngọa cụ để nằm, các Tỳ kheo nói: “Thầy chớ chen vào trong đây nằm, vì sao, vì thầy ngủ xấu nết… giống như đoạn văn trên cho đến câu buồn bực không vui”, Ca-lưu-đàdi nói: “Các thầy buồn bực không vui thì cứ ra ngoài, còn tôi tự an”, nói rồi giành chỗ trải ngọa cụ. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo biết Tỳ kheo ở trong phòng đã trải ngọa cụ trước rồi, mình đến sau lại giành chỗ trải”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo biết Tỳ kheo trong phòng đã trải ngọa cụ trước, mình đến sau lại giành chỗ để trải, tự trải hay bảo người trải rồi nói rằng: Người nào không thích thì cứ đi ra, thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên.

Biết là tự biết hay nghe người khác nói hay người kia tự nói. Giành trải là người khác không đồng ý mà gắng gượng trải theo ý mình. Tự trải hay bảo người trải ở trước giờng nằm hay trải trong phòng, ngoài cửa… đều phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo biết Tỳ kheo ở trong phòng trải ngọa cụ trước rồi, mình đến sau lại trải ngọa cụ trước giờng nằm hay ở trong phòng… , trải được thì phạm Ba-dật-đề, không trải được thì phạm Đột-kiết-la; như thế tùy tự trải hay bảo người trải đều phạm Ba-dật-đề và Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo muốn xúc não người khác nên đóng cửa hay mở cửa, đốt lửa hay tắt lửa, đốt đèn hay tắt đèn, đọc kinh hay trì chú… tùy những việc làm người khác không vui đều phạm Badật-đề.

18. Giới Không Nhất Tâm Ngồi Nằm

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có hai khác Tỳ kheo vào trời tối đến, theo thứ lớp được chia một phòng, một người ở trên gác, một người ở dưới gác. Người ở dưới gác là người tu thiền thích tĩnh lặng nên vào phòng trước lên giường ngồi kiết già; người ở trên gác là người thích đùa giỡn, nói cười lớn tiếng, la cà nói chuyện vô ích rồi mới vào phòng, lên trên gác dụng sức ngồi nằm trên giường, vì sán gác làm bằng cây lau nên chân giường và cây lau rớt xuống trúng bể đầu Tỳ kheo ngồi thiền ở dưới gác suýt chết. Tỳ kheo này chạy ra khỏi phòng nói với các Tỳ kheo: “Các thầy xem Tỳ kheo ấy không nhất tâm ngồi nằm trên giường khiến chân giường rớt xuống trúng bể đầu của tôi suýt chết”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo này: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại không nhất tâm ngồi nằm khiến chân giường sút rơi xuống trúng bể đầu Tỳ kheo khác suýt chết”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo biết chân giường nhỏ ở trên gác trong phóng của-Tỳ kheo mà không nhất tâm ngồi nằm thì phạm Ba-dật-đề.

Gác là một tầng trở lên. Giường có năm loại: Giường A-san-đề, giường Ba làng-cù, giường sừng dê, giường chân nhỏ, giường chân cong; giường ngồi thiền cũng có năm loại như trên.

Tướng phạm trong giới này là giường nằm của-Tỳ kheo có một chân nhọn, ba chân A-san-đề hay hai chân nhọn, hai chân A-san-đề; hoặc một chân A-san-đề, ba chân nhọn hay bốn chân đều nhọn nếu dụng sức ngồi nằm trên đó đều phạm Ba-dật-đề. Nếu giường nằm có một chân nhọn ba chân Ba làng-cù hay hai chân nhọn hai chân Ba làng-cù hay ba chân nhọn một chân Ba làng-cù hay bốn chân đều nhọn mà dụng sức ngồi nằm trên đó thì mỗi mỗi đều phạm Ba-dật-đề. Nếu giường nằm một chân nhọn ba chân sừng dê, hay hai chân nhọn hai chân sừng dê, hay ba chân nhọn một chân sừng dê hay cả bốn chân đều nhọn mà dụng sức ngồi nằm trên đó đều phạm Ba-dật-đề. Nếu giường nằm một chân nhọn ba chân cong, hay hai chân nhọn hai chân cong, hay ba chân nhọn một chân cong hay cả bốn chân đều nhọn mà dụng sức ngồi nằm trên đó đều phạm Ba-dật-đề. Giường ngồi thiền cũng như vậy. Nếu nằm ngồi trên giường có chân giường nhọn bằng đá thì phạm Ba-dật-đề; nếu sàn gác bằng ván cây hay đổ bê tông hoặc chân giường hư có bó cỏ hay vải thì không phạm.

19. Giới Dùng Nước Có Trùng

Phật tại nước Câu-diệm-di, lúc đó Trưởng lão Xiển-đà dùng nước có trùng để tưới lên cỏ và trộn hồ, các Tỳ kheo nói: “Thầy chớ dùng nước có trùng tưới lên cỏ và trộn hồ khiến chết các loài trùng nhỏ”, Xiển-đà nói: “Tôi dùng nước trộn hồ chớ không dùng trùng”, các Tỳ kheo nói: “Thầy biết nước này có trùng tại sao lại dùng trộn hồ, thầy đối với súc sanh không có tâm thương xót”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Xiển-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại dùng nước có trùng để tưới cỏ và trộn hồ”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo biết nước có trùng mà tự dùng để tưới cỏ hay trộn hồ, hoặc bảo người khác dùng thì phạm Ba-dật-đề.

Biết là tự biết hay nghe biết từ người khác. Trùng chỉ chung các loài mà mắt có thể thấy được hay dùng đãy lượt nước lượt qua được.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo biết nước có trùng mà dùng tưới cỏ (trộn hồ), tùy trùng chết bao nhiêu thì phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu. Nếu bảo người khác tưới cỏ (trộn hồ) tùy trùng chết bao nhiêu thì phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu. Nếu Tỳ kheo biết nước có trùng tưởng là nước có trùng mà dùng thì phạm Ba-dật-đề; trong nước có trùng tưởng là không có trùng mà dùng cũng phạm Ba-dật-đề; trong nước không có trùng tưởng là có trùng mà dùng thì phạm Đột-kiết-la; nước không có trùng khởi nghi mà dùng cũng phạm Đột-kiết-la; trong nước không có trùng tưởng không có trùng mà dùng thì không phạm.

20. Giới Xây Phòng Lớn Lợp Quá Ba Lớp

Phật tại nước Câu-xá-di, lúc đó Trưởng lão Xiển-đà muốn xây phòng lớn nhưng tánh vốn lười biếng nên nghĩ rằng: “Ai có thể mỗi ngày đến coi việc xây cất này”, nghĩ rồi liền trong một ngày đào đất xây nền rồi xây tường vách và lắp đặt cửa cái, cửa sổ… , nhưng ngay trong ngày đó xây vừa xong thì ngôi chùa cũng sụp đổ. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Xiển-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo khi xây chùa lớn dùng nhiều cỏ cây bùn đất (cát, xi măng trộn hồ) muốn ngay trong một ngày làm xong thì ngay trong ngày đó liền sụp đổ”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo muốn xây chùa lớn nên đổ nền, xây tường vách, lắp đăt rường cột, cửa cái, cửa sổ… nên lợp chừng hai, ba lớp, quá ba lớp thì phạm Ba-dật-đề.

Phòng xá lớn là có đủ nhà ấm, giảng đường, lầu gác… Tường vách là bốn bức tường bằng cây hay bằng gạch đất. Rường cột là cột và đòn tay để lợp mái. Cửa cái, cửa sổ là nơi hướng ra ngoài để thông ánh sáng. Tô nền bằng bùn đất hoặc tô màu đen, xanh hay đỏ…

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo tự biết lợp thì nên tự lợp một phần, phần thứ hai nên mở đầu, phần thứ ba nên bảo người khác lợp như vậy như vậy rồi đi. Nếu Tỳ kheo còn ở nơi đây thì khi lợp xong phần thứ ba, nếu là lợp bằng cỏ tranh tùy dùng bao nhiêu cỏ thì phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu; nếu lợp bằng ngói tùy dùng bao nhiêu ngói thì phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu. Không phạm là dùng ván cây hay cỏ Ưu Thi-la để lợp thì không phạm.

21. Giới Tăng Không Sai Mà Đi Giáo Giới Ni

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Phật bảo các Tỳ kheo: “Ta dạy bảo bốn chúng đã mõi mệt, các Tỳ kheo nên đi giáo giới Tỳ kheo ni”, các Tỳ kheo vâng lời Phật dạy theo thứ lớp đến giáo giới Tỳ kheo ni, đến phiên của Trưởng lão Bàn-đặc, A-nan nói: “Ngày mai đến phiên thầy đến giáo giới Tỳ kheo ni”, Bàn-đặc nói: “Tôi độn căn không đa văn, không hiểu biết nhiều, trong bốn tháng hạ tôi mới thuộc được bài kệ Câu-ma-la:

Người trí thân khẩu ý,
Không làm các điều ác,
Thường hệ niệm trước mắt,
Xa lìa các dục tưởng,
Cũng không thọ khổ hạnh,
Vô ích của thế gian.

Này A-nan, nếu thầy cho tôi qua phiên này thì tốt”, A-nan hai, ba phen nói với Bàn-đặc: “Các Thượng tọa đã giáo giới hết rồi, nay đến phiên thầy”, Bàn-đặc cũng hai, ba phen nói với A-nan giống như trên, nhưng A-nan vẫn một mực bảo: “Ngày mai đến phiên thầy đến giáo giới Tỳ kheo ni”. Bàn-đặc đành phải nghe lời, sáng sớm hôm sau đắp y mang bát vào thành khất thực, thọ thực xong ở nơi đất trống trải tòa rồi vào phòng thiền tọa. Lúc đó các Tỳ kheo ni nghe tin hôm nay đến phiên Tỳ kheo Bàn-đặc đến giáo giới đều sanh tâm khinh thường, nói với nhau: “Người này không đa văn, đọc tụng kinh ít, trong bốn tháng hạ chỉ thuộc được bài kệ Câu-ma-la (như trên). Người như thế đến giáo giới thì làm sao chúng ta nghe được những điều chưa nghe, làm sao biết được những pháp chưa biết, bài kệ Câu-ma-la chúng ta đều đã biết rồi. Số Tỳ kheo ni nào trước chưa đến trong Kỳ hoàn nghe pháp thì nên đến”. Lúc đó có năm trăm Tỳ kheo ni rời khỏi tinh xá Tỳ kheo ni trong vườn vua đến trước phòng của Trưởng lão Bàn-đặc trong Kỳ hoàn đằng hắng rồi gõ cửa gọi Trưởng lão ra. Trưởng lão ra khỏi phòng đến ngồi trên giường độc tọa, các Tỳ kheo ni đến đảnh lễ rồi ngồi phía trước để nghe pháp, Trưởng lão Bàn-đặc dịu dàng nói: “Các tỷ muội, tôi vốn độn căn, ít đọc tụng, trong bốn tháng chỉ thuộc được bài kệ Câu-ma-la… giống như đoạn văn trên. Tuy nhiên tôi sẽ tùy điều mình biết mà nói, các vị hãy nhất tâm thực hành chớ có buông lung, sẽ được quả A-nậu-đa-latam-miệu-tam-bồ-đề, vì tất cả các thiện pháp trợ đạo đều lấy không buông lung làm cội gốc”. Nói rồi dùng thấn thông lực ngay nơi tòa ngồi ẩn thân rồi hiện thân ở phương Đông với bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, nhập hỏa quang tam muội, thân xuất hào quang đủ màu sắc xanh vàng đỏ trắng, dưới thân phát ra lửa, trên thân tuôn ra nước hoặc dưới thân tuôn ra nước, trên thân phát ra lửa; các phương Nam, Tây, Bắc tứ duy thượng hạ đều hiện thần biến như thế xong rồi trở về chỗ ngồi. Các Tỳ kheo ni thấy Trưởng lão Bàn-đặc có thần lực như thế, tâm khinh thường liền biến mất, sanh tâm kính tín, chiết phục ngã mạn. Trưởng lão liền tùy theo tâm ưa muốn của-Tỳ kheo ni mà diễn nói pháp khiến cho trong chúng ni có người chứng được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán; có người gieo trồng nhân duyên đạo thinh văn hoặc đạo Bích chi Phật hoặc quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề; tất cả chúng ni đều được lợi ích như thế, đây là nhân duyên thứ nhất.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo đến phiên giáo giới Tỳ kheo ni nhưng lại không giáo giới, giáo hối hay thuyết pháp mà chỉ nói những lời thô tục. Trong chúng ni chỉ có các Hạ tòa niên thiếu Tỳ kheo ni không ưa thích trì giới và Lục quần Tỳ kheo ni mới cùng Lục quần Tỳ kheo đùa giỡn, làm những việc bất tịnh; các Thượng tòa-Tỳ kheo ni ưa thích trì giới thì bỏ đi đến chỗ khác kinh hành, có người đứng đợi muốn nghe pháp. Vào thời khác Tỳ kheo ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề cùng năm trăm đại Tỳ kheo ni ra khỏi tinh xá Vương viên đi đến chỗ Phật, đảnh lễ Phật rồi đứng một bên, Tỳ kheo ni Cù-đàm-di bạch Phật: “Thế tôn vì lợi ích nên cho giáo giới Tỳ kheo ni, nhưng chúng tôi không được lợi ích này”, Phật hỏi nguyên do, Tỳ kheo ni Cù-đàm-di đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “quả thật ta vì lợi ích nên cho giáo giới Tỳ kheo ni nhưng các ni đã không được lợi ích này”, Phật liền nói pháp cho Cù-đàm-di và năm trăm Tỳ kheo ni được lợi hỉ rồi im lặng, Cùđàm-di và các Tỳ kheo ni nghe pháp được lợi hỉ rồi đảnh lễ Phật ra về. Không lâu sau Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật vậy thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao Tăng chưa sai liền đi giáo giới Tỳ kheo ni”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo, Tăng chưa sai mà đi giáo giới Tỳ kheo ni thì phạm Ba-dật-đề.

Tăng chưa sai là Tăng chưa nhất tâm hòa hợp sai đi giáo giới. Tướng phạm trong giới này là nếu Tăng chưa sai mà một Tỳ kheo đi giáo giới một Tỳ kheo ni thì phạm một Ba-dật-đề, nếu giáo giới hai, ba, bốn Tỳ kheo ni thì phạm bốn Ba-dật-đề. Nếu hai Tỳ kheo giáo giới hai Tỳ kheo ni thì phạm hai Ba-dật-đề, nếu giáo giới bốn, ba, một Tỳ kheo ni thì phạm một Ba-dật-đề. Nếu ba-Tỳ kheo giáo giới ba-Tỳ kheo ni thì phạm Ba-dật-đề, nếu giáo giới bốn, một, hai Tỳ kheo ni thì phạm hai Ba-dật-đề. Nếu bốn Tỳ kheo giáo giới bốn Tỳ kheo ni thì phạm bốn Ba-dật-đề, nếu giáo giới một, hai, ba thì phạm Ba-dật-đề.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo biết Tăng không sai giáo giới Tỳ kheo ni liền ra ngoài giới yết ma tự sai lẫn nhau đi giáo giới Tỳ kheo ni rồi mới vào trong giới. Khi các Tỳ kheo ni đến liền nói rằng: “Tăng sai tôi giáo giới Tỳ kheo ni, hãy đến ta sẽ thuyết pháp”. Do nhân duyên này tập họp chúng ni lại rồi bỏ qua việc giáo giới, giáo hối, thuyết pháp mà chỉ nói những lời thô tục… giống như trường hợp trên. Lúc đó Phật từ xa trông thấy ni chúng nhóm họp liền hỏi A-nan nguyên do, A-nan liền đem việc trên bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo rằng: “Từ nay Tỳ kheo có năm phápkhông nên sai giáo giới Tỳ kheo ni:

Một là chưa đủ hai mươi tuổi hạ: Tức là từ khi thọ cụ giới đến nay chưa đủ hai mươi tuổi hạ.

Hai là không thể trì giới: Tức là phá giới Phật đã chế, không theo lời dạy trong giới cụ túc, không biết oai nghi, không biết điều nên làm và không nên làm cho đến phá những giới khinh mà không có tâm sợ hãi, không thể theo thứ lớp học trì giới.

Ba là không thể đa văn: Tức là đối với hai bộ cụ giới không tụng đọc đúng nghĩa.

Bốn là không thể chánh ngữ thuyết pháp: Tức là không khéo biết được chánh ngữ ngôn từ hay đẹp của thế gian.

Năm là phạm mười ba việc thường làm nhơ ba chúng: Tức là trong mười ba việc thường làm Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni, bên ba chúng này phạm tội dù có sám hối cũng không được giáo giới Tỳ kheo ni.

Ngược lại nếu thành tựu năm phápnên sai giáo giới Tỳ kheo ni:

Một là đủ hai mươi hay hơn hai mươi tuổi hạ: Tức là từ khi thọ cụ giới đến nay đã đủ hai mươi hay hơn hai mươi tuổi hạ.

Hai là có thể trì giới: Tức là không phạm giới Phật chế, theo lời dạy trong Đại giới, biết oai nghi, biết việc nên làm và không nên làm, cho đến phạm giới khinh cũng sanh tâm sợ hãi, biết theo thứ lớp học trì giới.

Ba là đa văn: Tức là đối với hai bộ cụ giới tụng đọc đúng nghĩa.

Bốn là có thể chánh ngữ thuyết pháp: Tức là khéo biết chánh ngữ ngôn từ hay đẹp của thế gian.

Năm là trong mười ba việc không làm nhơ ba chúng: Tức là không làm nhơ Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni.

Nếu Tỳ kheo không đủ hai mươi tuổi hạ, không thể trì giới, không thể đa văn, không thể chánh ngữ thuyết pháp và phạm thường làm nhơ ba chúng mà Tăng lại sai đi giáo giới Tỳ kheo ni thì không thành sai, nếu người này đi giáo giới Tỳ kheo ni thì phạm Ba-dật-đề. Nếu tuy đủ hai mươi hay hơn hai mươi tuổi hạ mà không thể trì giới, không thể đa văn… mà Tăng lại sai đi giáo giới thì không thành sai, người này đi giáo giới Tỳ kheo ni thì phạm Ba-dật-đề. Nếu đủ hai mươi hay hơn hai mươi tuổi hạ và có thể trì giới nhưng không thể đa văn… mà Tăng lại sai đi giáo giới thì không thành sai, người này đi giáo giới Tỳ kheo ni thì phạm Ba-dật-đề. Nếu đủ hai mươi hay hơn hai mươi tuổi hạ, có thể trì giới và đa văn nhưng không thể chánh ngữ thuyết pháp … mà Tăng lại sai đi giáo giới thì không thành sai, người này đi giáo giới Tỳ kheo ni thì phạm Ba-dật-đề. Nếu đủ hai mươi hay hơn hai mươi tuổi hạ, có thể trì giới, có thể đa văn và có thể chánh ngữ thuyết pháp nhưng phạm mười ba việc làm nhơ ba chúng mà Tăng lại sai đi giáo giới thì không thành sai, người này đi giáo giới thì phạm Ba-dật-đề. Nếu đủ hai mươi hay hơn hai mươi tuổi hạ, có thể trì giới, có thể đa văn, có thể chánh ngữ thuyết pháp và không phạm mười ba việc, không làm nhơ ba chúng nhưng Tăng chưa sai đi giáo giới mà liền đi thì phạm Ba-dật-đề. Nếu thành tựu năm phápvà đã được sai nhưng chưa ở trong Tăng sai mà liền đi giáo giới thì phạm Ba-dật-đề. Nếu thành tựu năm pháp, đã được sai, đã ở trong Tăng sai nhưng chưa bảo đi mà liền đi giáo giới thì phạm Đột-kiết-la. Nếu thành tựu năm pháp, đã được sai, đã ở trong Tăng sai, đã bảo đi nhưng chưa ở trong Tăng bảo đi mà liền đi giáo giới thì phạm Đột-kiết-la. Nếu thành tựu năm pháp, đã được sai, đã ở trong tăng sai, đã bảo đi, đã ở trong Tăng bảo đi nhưng lại không hỏi người đến là đã nhóm đủ chưa mà liền giáo giới thì phạm Đột-kiết-la. Nếu thành tựu năm pháp, đã được sai … giống như đoạn văn trên đến câu đã hỏi người đến là đã nhóm đủ chưa, nhưng chưa nói pháp bát kỉnh trước liền nói giới Tỳ kheo thì phạm Đột-kiết-la. Nếu thành tựu năm pháp… giống như đoạn văn trên đến câu nói pháp bát kỉnh trước rồi mới nói giới Tỳ kheo thì không phạm.”

22. Giới Giáo Giới Tỳ Kheo Ni Đến Mặt Trời Lặn

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Phật bảo Trưởng lão Nan-đà: “Thầy nên đi giáo giới Tỳ kheo ni, nên giáo hối Tỳ kheo ni và thuyết pháp cho Tỳ kheo ni, vì sao, vì thầy giáo giới Tỳ kheo ni giống như ta không khác”, Trưởng lão im lặng nhận lời, Phật liền bảo các Tỳ kheo: “Các thầy nên sai Nan-đà đi giáo giới Tỳ kheo ni, nếu có Tỳ kheo nào khác giống như thế cũng nên sai đi giáo giới Tỳ kheo ni, nên sai như sau: Khi Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tăng nay sai Tỳ kheo Nan-đà đi giáo giới Tỳ kheo ni. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay sai Nan-đà đi giáo giới Tỳ kheo ni. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng sai Nan-đà đi giáo giới Tỳ kheo ni xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lăng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Sáng hôm sau, Tỳ kheo Nan-đà đắp y mang bát vào thành khất thực, thọ thực xong ở nơi đất trống trải tòa rồi vào phòng thiền tọa. Lúc đó các Tỳ kheo ni nghe biết Nan-đà giáo giới Tỳ kheo ni, những người trước chưa đến nghe đều đến để nghe. Lúc đó năm trăm Tỳ kheo ni rời khỏi tinh xá Vương viên vào trong Kỳ hoàn đến trước phòng củaNan-đà tằng hắng rồi gõ cửa gọi, Nan-đà ra khỏi phòng đến ngồi trên giường độc tọa, các Tỳ kheo ni đến đảnh lễ rồi ngồi phía trước nghe thuyết pháp, Nan-đà nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi im lặng. Lúc đó các Tỳ kheo ni được thiện pháp vị, vì muốn nghe nữa nên không đứng dậy, Nan-đà suy nghĩ: “Các Tỳ kheo ni này được pháp vị nên muốn nghe nữa”, nghĩ rồi liền nói pháp thêm khiến cho họ được lợi hỉ đến khi mặt trời lặn mới bảo các Tỳ kheo ni: “Mặt trời lặn rồi, các cô hãy về đi”. Các Tỳ kheo ni đảnh lễ rồi ra về, muốn vào trong thành thì thành đã đóng cửa nên phải ngủ ở bên hào thành, có người ngủ dưới gốc cây, có người ngủ bên giếng, có người ngủ ở chỗ khuất, đến sáng sớm cửa thành vừa mở thì các Tỳ kheo ni vào thành trước hết, người giữ cửa thành liền hỏi từ đâu đến, liền đáp: “Chúng tôi đến trong Kỳ hoàn nghe pháp, mặt trời lặn mới trở về thì cửa thành đã đóng nên không vào thành được”, lại hỏi ngủ ở đâu, mỗi người tùy ngủ chỗ nào liền đáp chỗ đó, người giữ cửa thành nói: “Tại sao có pháp này, các Sa-môn Thích tử phá phạm hạnh, cả đêm cùng làm điều xấu, sáng sớm mới trở về giống như giặc được dâm nữ cùng ngủ qua đêm, sáng sớm mới ra về”, như thế một người chuyền nói cho hai người… khiến tiếng xấu lan truyền khắp thành Xá-vệ. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao thầy lại không biết thời lượng, thích nói pháp cho đến mặt trời lặn”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo được Tăng sai, giáo giới cho Tỳ kheo ni đến mặt trời lặn thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo từ trời sáng giáo giới cho Tỳ kheo ni đến mặt trời lặn thì phạm Ba-dật-đề; nếu Tỳ kheo vào trời sáng hoặc trước giờ ngọ, xế trưa, chiều giáo giới cho Tỳ kheo ni đến mặt trời lặn thì phạm Ba-dật-đề. Nếu mặt trời lặn tưởng là mặt trời lặn mà còn giáo giới thì phạm Ba-dật-đề; nếu mặt trời lặn tưởng không phải là mặt trời lặn mà còn giáo giới cũng phạm Ba-dật-đề. Nếu mặt trời chưa lặn tưởng là mặt trời lặn mà còn giáo giới thì phạm Đột-kiếtla; mặt trời chưa lặn khởi nghi mà còn giáo giới cũng phạm Đột-kiếtla; nếu mặt trời chưa lặn tưởng là chưa lặn mà còn giáo giới thì không phạm.

23. Giới Nói Giáo Giới Tỳ Kheo Ni Vì Tài Lợi

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo biết mình không được giáo giới Tỳ kheo ni nên tật đố nói rằng: “Các Tỳ kheo vì lợi dưỡng nên giáo giới Tỳ kheo ni; vì y bát, thời dược, dạ phần dược, thất nhật dược, tận thọ dược… các lợi dưỡng này nên mới đến giáo giới Tỳ kheo ni chứ không phải vì thiện pháp”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại nói rằng các Tỳ kheo vì tài lợi nên giáo giới Tỳ kheo ni”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo nói rằng: Các Tỳ kheo vì tài lợi nên giáo giới Tỳ kheo ni thì phạm Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo nói rằng: “Các Tỳ kheo vì bát (y, bốn loại dược …) nên mới giáo giới Tỳ kheo ni”, thì phạm Ba-dật-đề, tùy nói vì bao nhiêu thì phạm Ba-dật-đề bấy nhiêu.

24. Giới Cùng Tỳ Kheo Ni Hẹn Đi Chung Đường

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo hẹn cùng Tỳ kheo ni trợ Đề-bà-đạt-đa đi chung đường, trên đường nói cười đùa giỡn và làm các việc bất tịnh khiến cho cư sĩ đi trên đường thấy rồi nói với nhau rằng: “Các vị hãy nhìn xem vị ni này là vợ hay là người tư thông, ắt là cùng nhau làm việc dâm dục”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại hẹn với Tỳ kheo ni đi chung đường, từ tụ lạc này đến tụ lạc khác”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo hẹn với Tỳ kheo ni đi chung đường, từ tụ lạc này đến tụ lạc khác thì phạm Ba-dật-đề.

Hẹn là Tỳ kheo hẹn hay Tỳ kheo ni hẹn; đường có đường bộ và đường thủy.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo hẹn với Tỳ kheo ni đi đường bộ (đường thủy) từ tụ lạc này đến tụ lạc khác thì phạm Ba-dậtđề; nếu giữa đường trở về thì phạm Đột-kiết-la; nếu đi đến chỗ vắng vẻ không có tụ lạc cho đến một Câu-lô-xa thì phạm Ba-dật-đề; nếu giữa đường trở về thì phạm Đột-kiết-la.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni du hành từ nước Kiềutát-la đến nước Xá-vệ, khi đi đến đoạn đường hiểm phải đợi đông người mới đi tiếp. Lúc đó có các Tỳ kheo cũng từ nước Kiều-tát-la du hành đến nước Xá-vệ, các Tỳ kheo ni từ xa thấy các Tỳ kheo đi đến nghĩ rằng: “Chúng ta đi chúng với các Tỳ kheo sẽ qua đường hiểm được an ổn”, nghĩ rồi đợi các Tỳ kheo đến gần liền hỏi: “Các Đại-đức muốn đi đâu?” Đáp là đến nước Xá-vệ, các Tỳ kheo ni nói là muốn được đi cùng, các Tỳ kheo nói: “Phật đã chế giới không được hẹn với Tỳ kheo ni đi chung đường thì làm sao đi chung được”, các Tỳ kheo ni nói: “Nếu vậy thì các Đại-đức cứ đi trước”. Các Tỳ kheo nhờ đông người nên qua đường hiểm được an ổn, còn các Tỳ kheo ni vì ít người nên bị giặc cướp đoạt hết y bát phải lỏa hình. Các Tỳ kheo đến nước Xá-vệ đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên , pháp thường của chư Phật là nếu có khách Tỳ kheo đến thì dịu dàng thăm hỏi: Có nhẫn được không, có an lạc trụ không, khất thực có dễ không và đi đường có cực khổ không. Các Tỳ kheo đáp là nhẫn được , được an lạc trụ, khất thực dễ được, đi đường không cực khổ rồi đem việc trên bạch Phật. Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo hẹn đi chung đường với Tỳ kheo ni từ tụ lạc này đến tụ lạc khác thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên.

Nhân duyên là ở giữa đường cần có nhiều bạn hoặc trên đường đi nghi là có khủng bố; nghi có hai: Nghi mất y bát và mất lương thực.

Nếu nghi mất lương thực thì ẩm thực của-Tỳ kheo ni, Tỳ kheo nên lấy mang giùm; nếu nghi mất y bát thì y bát của-Tỳ kheo ni, Tỳ kheo nên lấy mang giùm, khi đi đến chỗ an ổn thì đưa trả lại và nói rằng: “Các tỷ muội, các vị hãy tùy ý đi, không nên đi chung nữa”; nếu lúc đó còn cùng đi chung nữa, từ tụ lạc này đến tụ lạc khác thì phạm Ba-dật-đề; nếu giữa đường trở về thì phạm Đột-kiết-la. Nếu từ tụ lạc đến chỗ đồng trống vắng vẻ cho đến một Câu-lô-xa thì phạm Ba-dật-đề; nếu giữa đường trở về thì phạm Đột-kiết-la. Đi đường thủy cũng như vậy, không phạm là không có hẹn đi chung hoặc có vua, phu nhân cùng đi thì không phạm.