THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

I. BỐN PHÁP BA-LA-DI: (Tiếp Theo):

3. Giới Sát:

Lúc đó Phật ở bên sông Bà-cầu-ma tại nước Bạt-kỳ bảo các Tỳ kheo: “Tu tập pháp quán bất tịnh sẽ được quả lớn, lợi lớn”, các Tỳ kheo suy nghĩ: “Thế tôn dạy chúng ta nên tu tập pháp quán bất tịnh sẽ được quả lớn, lợi lớn, vậy chúng ta nên siêng tu tập”, nghĩ rồi liền siêng tu pháp quán bất tịnh, không bao lâu sau ôm lòng nhờm gớm thân này. Ví như thiếu niên thích trau chuốt, sau khi tắm xong cắt móng tay, cạo râu tóc, mặc y phục sạch đẹp rồi dùng hương thoa thân; nếu có người đem con rắn chết, chó chết hay người chết đã thúi rửa có trùng giòi bò ra này choàng lên cổ thì thiếu niên sẽ sanh nhờm gớm. Các Tỳ kheo sau khi tu tập pháp quán bất tịnh cũng nhờm gớm thân nay giống như vậy, nên các Tỳ kheo muốn chết, khen ngợi cái chết; có người cầm dao tự sát, có người uống thuốc độc, có người tự thắt cổ, có người nhảy từ dốc núi cao xuống… thậm chí hại mạng lẫn nhau. Lúc đó có một Tỳ kheo sau khi tu pháp quán bất tịnh do nhờm gớm thân này nên đến chỗ phạm chí Lộc trượng nói rằng: “Này thiện nhơn, nếu ông có thể giết chết tôi, tôi sẽ cho ông y bát”, Lộc trượng nghe rồi liền cầm dao bén giết chết Tỳ kheo, thấy dao dính máu liền cầm dao đến sông Ba-cầu-ma để rửa. Lúc đó thiên ma từ dưới nước hiện lên, đứng trên mặt nước khen Phạm chí: “Này thiện nhơn, ngươi đã được đại phước đức, các Sa-môn Thích tử có ai chưa được độ ngươi nên độ, ai chưa giải thoát ngươi nên giúp họ được giải thoát và được cả y bát của họ nữa”, Lộc trượng nghe rồi liền sanh tà kiến, tự cho là đúng nên cầm dao đi từ phòng này đến phòng khác, từ chỗ kinh hành này đến chỗ kinh hành khác nói rằng: “Ai chưa được độ tôi sẽ độ, ai chưa giải thoát tôi sẽ giúp cho được giải thoát”. Các Tỳ kheo do tu pháp quán bất tịnh nhờm gớm thân, nên sau khi nghe rồi liền đến chỗ Lộc trượng yêu cầu giết chết mình, Lộc trường liền giết chết, cứ như thế giết chết đến sáu mươi người khiến cho Tăng đoàn giảm ít. Đến ngày thứ mười lăm thuyết giới thấy Tăng giảm ít, Phật tuy biết mà vẫn hỏi A-nan nguyên do, A-nan đem việc trên bạch lại cho đến câu: “Cứ như thế lần lượt giết chết đến sáu mươi người khiến cho Tăng đoàn giảm ít. Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy phương pháp tu khác, pháp hành an lạc không sanh nhờm gớm để diệt trừ pháp ác đã sanh khởi”, Phật bảo Anan: “Có pháp tu khác gọi là thiện đạo, là pháp hành an lạc không sanh nhờm gớm để diệt trừ pháp ác đã sanh khởi”, A-nan hỏi: “Thế Tôn, sao gọi là thiện đạo, là pháp hành an lạc không sanh nhờm gớm có thể diệt trừ pháp ác đã sanh khởi ?” Phật nói: “Đó là pháp A-na-ban-na- niệm, nếu có Tỳ kheo tuy nương ở trong thành ấp tụ lạc nào, sáng sớm đắp y mang bát thu nhiếp căn thân, nhất tâm chánh niệm vào thành khất thực, thọ thực xong tìm đến chỗ đất trống hay dưới một gốc cây, trải Nisư-đàn chánh thân đoan tọa hệ niệm trừ bỏ tâm tham tật đố, xa lìa tâm tham đắm tài vật của người, cứ như thế Hành giả có thể xa lìa bốn Cái còn lại là sân nhuế, thùy miên, điều hí và nghi hối.Vì các ấm cái này có thể làm tâm phiền não, khiến cho huệ lực suy kém không đến được niết bàn, nên phải xa lìa. Khi quán hơi thở vào phải nhất tâm biết hơi thở vào, khi thở ra phải nhất tâm biết hơi thở ra, dài ngắn cũng vậy. Nếu hơi thở vào khắp trong thân phải nhất tâm biết là vào khắp trong thân, đối với hơi thở ra cũng vậy. Ngoài thân hành nhất tâm quán hơi thở ra vào, cho đến cảm thọ hỉ lạc thuộc tâm hành cũng phải nhất tâm quán hơi thở ra vào. Ngoài tâm hành ra cho đến giác tâm khiến tâm hỉ lạc, tâm nhiếp phục, tâm giải thoát cũng đều phải nhất tâm quán hơi thở ra vào. Cho đến quán vô thường, quán biến hoại, quán ly dục, quán xả ly, quán diệt tận đều phải nhất tâm quán hơi thở ra vào. Đây gọi là thiện đạo, là pháp hành an lạc để diệt trừ pháp ác đã sanh khởi, không sanh nhờm gớm nữa”. Các Tỳ kheo sau khi nghe Phật dạy pháp tu A-na-ban-na-niệm rồi liền y theo lời Phật dạy siêng tu pháp A-na-ban-na-niệm, không bao lâu sau được vô lượng tri kiến tác chứng. Sau khi Phật biết đã có nhiều Tỳ kheo được lậu tận chứng quả A-la-hán, liền do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng đủ lời quở trách rằng: “Tại sao gọi là Tỳ kheo mà lại cầm dao tự sát, khen ngợi cái chết và bảo người khác giết ?” Quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên nay kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau: Nếu Tỳ kheo cố ý tự đoạt mạng, hay cầm dao đưa cho người bảo người chết, khen ngợi cái chết nói rằng: “Ngươi sống nhơ nhớp làm chi, thà chết còn hơn sống”. Người kia nghe rồi tùy tâm muốn chết, do dùng đủ cách khuyên bảo chết, khen ngợi cái chết mà người kia chết thì Tỳ kheo này phạm Ba-la-di không được ở chung.

Đoạt mạng: Bao gồm tự đoạt hay bảo người đoạt. Trong giới này tướng phạm như thế nào? Có ba trường hợp Tỳ kheo đoạt mạng người phạm Ba-la-di:

1. Tự làm: Là tự tử hay tự mình đoạt mạng người.

2. Bảo người làm: Là bảo người rằng: “Hãy bắt người này cột trói lại rồi giết”.

3. Sai làm: Là hỏi người kia: “Ngươi có biết người có tên là……….không ?” Đáp là biết, liền nói: “Người hãy bắt người đó cột trói rồi giết chết”. Nếu người này nghe lời đi giết chết người kia thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di.

Lại có ba cách đoạt mạng người:

1. Dùng nội sắc: Là Tỳ kheo dùng tay, chân hay thân phần khác để đánh đá người kia muốn cho người kia chết, nếu người kia nhơn đây mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, nếu bây giờ không chết nhưng sau cũng chết vì bị đánh đá trước đó thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-la-di; nếu bây giờ không chết, sau cũng không chết vì bị đánh trước đó thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá.

2. Dùng không phải nội sắc: Là Tỳ kheo dùng cây, ngói, đá, dao kiếm, cung tên… từ xa ném tới muốn cho người kia chết, nếu người kia nhơn đây mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, nếu bây giờ không chết nhưng sau cũng chết vì bị ném trước đó thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-ladi; nếu bây giờ không chết, sau cũng không chết vì bị đánh trước đó thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá.

3. Dùng cả nội sắc và phi nội sắc: Là Tỳ kheo tay cầm cây, ngói đá, dao kiếm cung tên… đánh đập hay dâm chém muốn cho người kia chết, nếu người kia nhơn bị đánh đập mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-ladi, nếu bây giờ không chết nhưng sau cũng chết vì bị đánh đập trước đó thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-la-di; nếu bây giờ không chết, sau cũng không chết vì bị đánh trước đó thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá.

Lại có Tỳ kheo không dùng ba cách trên để giết người, mà dùng thuốc độc hòa hợp nhỏ vào mắt, tai mũi, miệng hay trong nam nữ căn của người đó cho đến bỏ trong canh cơm, bánh trái… cho người đó ăn uống muốn cho người kia chết, nếu người kia nhơn bị trúng độc này mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, nếu bây giờ không chết nhưng sau cũng chết vì bị trúng độc trước đó thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-la-di; nếu bây giờ không chết, sau cũng không chết vì bị trúng độc trước đó thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá.

Lại có Tỳ kheo không dùng ba cách giết người và hạ độc để giết người kể trên mà dùng nhiều cách khác như làm bẩy rập, làm cho sẩy thai, hoặc xô đẩy hoặc sai khiến đi vào con đường hiểm chỉ có chết, cho đến phương tiện giết chết thai nhi mới vừa tượng hình trong bụng mẹ. Nói dùng cách ưu đa là Tỳ kheo biết người kia sẽ đi con đường này nên ở giữa đường đào làm hầm lửa rồi phủ lên cho không thấy khói, muốn cho người kia bị sụp hầm mà chết, nếu người kia nhơn đây mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, nếu bây giờ không chết nhưng sau cũng chết vì bị sụp hầm trước đó thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-la-di; nếu bây giờ không chết, sau cũng không chết vì bị sụp hầm trước đó thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ kheo nhắm vào người mà đào hầm, người bị sụp hầm mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di; nếu phi nhơn sụp hầm mà chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá; súc sanh sụp hầm mà chết cũng phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ kheo nhắm vào phi nhơn mà đào hầm, phi nhơn sụp hầm mà chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá, người và súc sanh bị sụp hầm mà chết thì Tỳ kheo phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo nhắm vào súc sanh mà đào hầm, súc sanh bị sụp hầm mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-dật-đề, người và phi nhơn bị sụp hầm mà chết thì Tỳ kheo phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo đào hầm không nhất định nhắm vào ai thì tùy đối tượng bị sụp hầm chết mà kết tội, nếu là người thì phạm Ba-la-di, nếu là phi nhơn thì phạm Thâu-lan-giá, nếu là súc sanh thì phạm Ba-dật-đề; nếu tất cả không chết thì kết phạm Thâu-lan-giá hay Đột-kiết-la.

Nói dùng cách đầu da: Có hai là địa đầu da và Mộc đầu da. Địa đầu da là Tỳ kheo đào hầm chôn người hoặc đến đầu gối, lưng, rún… rồi cho voi giày, ngựa bò trâu dẫm đạp; hoặc cho rắn rít… bò đến cắn, muốn cho người kia chết, nếu người kia nhơn đây mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, nếu bây giờ không chết nhưng sau vì việc này cũng chết thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-la-di; nếu bây giờ không chết, sau cũng không vì việc này mà chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá. Mộc-đầu-da là Tỳ kheo đục cây để cột trói người rồi cho voi giày… kết phạm giống như cách Địa-đầu-da. Nói đặt bẫy, giăng lưới là Tỳ kheo biết người kia sẽ đi con đường này liền ở giữa đường đặt bẫy, giăng lưới… muốn cho người kia sa bẫy, sa lưới mà chết, kết phạm cũng giống như trong đào hầm ở trên.

Nói Tỳ-đà-la là Tỳ kheo vào ngày hai mươi chín tìm thây người chết rồi đọc chú triệu hồn sai khiến thây chết đứng dậy, rảy nước vào áo rồi để dao vào trong tay thây chết nói rằng: “Ta vì người có tên là …………. mà làm Tỳ-đà-la”, nói rồi tụng chú thuật, đây gọi là Tỳ-đà-la đã thành. Nếu Tỳ kheo muốn sai khiến thây chết đi giết người thì phải nhập định hay diệt tận định hoặc nhập Từ tâm tam muội hoặc có đại lực chú sư hộ niệm cứu giải, hoặc có đại lực thiên thần thủ hộ thì mới không bị thây chết làm hại. Tỳ kheo làm Tỳ-đà-la trước phải chuẩn bị một con dê hay một cây chuối để phòng ngừa thây chết đi giết người không được, nó sẽ giết chết dê hay chặt cây này thay thế. Tỳ kheo làm được như thế thì tốt, nếu không làm được như thế thì thây chết sẽ trở lại giết chết Tỳ kheo là người đã sai khiến nó.

Nói bán Tỳ-đà-la là Tỳ kheo vào ngày hai mươi chín sau khi làm người sắt, xe sắt rồi đọc chú triệu hồn người chết nhập vào người sắt, sai khiến người sắt đứng dậy, rải nước vào áo rồi đặt dao vào tay người sắt nói rằng: “Ta vì người có tên là …………… mà làm bán Tỳ-đà-la này”, đây gọi là bán Tỳ-đà-la đã thành. Nếu Tỳ kheo muốn sai khiến người sắt này đi giết người thì phải nhập định… giống như trường hợp Tỳ-đà-la.

Nói đoạn mạng là Tỳ kheo vào ngày hai mươi chín lấy phân trâu trét đất bỏ vào trong thức ăn đốt lên rồi bỏ vào trong nước, đọc chú khấn vái rằng: “Nếu lửa trong nước tắt thì mạng của người tên………. cũng chết”; như vậy khi lửa trong nước tắt thì người kia cũng chết theo. Lại có trường hợp Tỳ kheo vào ngày hai mươi chín lấy phân trâu trét đất bỏ vào trong thức ăn rồi vẽ hình tượng người muốn giết, đọc chú khấn vái rằng: “Nếu tượng này diệt thì mạng người kia cũng chết”; như vậy khi tượng kia diệt thì người kia cũng chết theo. Lại có trường hợp Tỳ kheo vào ngày hai mươi chín lấy phân trâu trét đất bỏ vào trong thức ăn, lấy kim châm chích vào rồi rút ra, đọc chú vái rằng: “Nếu kim được rút ra thì mạng người tên là ………… cũng chết”; như vậy khi kim được rút ra thì người đó cũng chết theo.

Nói làm cho sẩy thai chết là Tỳ kheo cho người nữ có thai uống thuốc phá thai hay chích thuốc làm cho sẩy thai… nghĩ rằng do nhân duyên này người nữ kia sẽ chết. Nếu người nữ này chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, muốn cho người kia chết, nếu bây giờ không chết nhưng sau cũng chết vì thuốc phá thai thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-la-di; nếu cả người mẹ và thai nhi đều chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di; nếu bây giờ không chết, sau cũng không chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ kheo cho uống thuốc mục đích là giết thai nhi, thai nhi chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, thai nhi nếu không chết mà người mẹ chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá; nếu cả hai đều chết thì phạm Ba-la-di, cả hai không chết thì phạm Thâu-lan-giá.

Nói đè bụng chết là Tỳ kheo sai người nữ đang có mang làm việc nặng hoặc bảo chạy về phía trước hoặc bảo leo lên dốc cao, mục đích muốn cho người nữ chết. Nếu người nữ nhơn việc này mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, nếu bây giờ không chết nhưng sau cũng nhơn việc này mà chết thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-la-di; nếu bây giờ không chết, sau cũng không chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ kheo muốn người mẹ chết nên đè bụng, người mẹ chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, người mẹ nếu không chết mà thai nhi chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá, cả hai đếu chết thì phạm Ba-la-di, cả hai đều không chết thì phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ kheo muốn cho thai nhi chết nên đè bụng người mẹ, thai nhi chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, thai nhi không chết mà người mẹ chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá, cả hai đều chết thì phạm Ba-la-di, cả hai không chết thì phạm Thâu-lan-giá.

Nói xô đẩy vào trong lửa cho chết là Tỳ kheo muốn người kia chết nên xô đẩy vào trong lửa củi, lửa cỏ, lửa phân trâu…; nếu người kia nhơn đây mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, nếu bây giờ không chết nhưng sau cũng nhơn việc này mà chết thì Tỳ kheo cũng phạm Ba-la-di; nếu bây giờ không chết, sau cũng không chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-langiá.

Nói xô xuống nước cho chết là Tỳ kheo muốn cho người kia chết nên xuống ao, giếng, sông, biển…; nếu người kia nhơn đây mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di… giống như trường hợp trên.

Nói xô từ trên cao xuống cho chết là Tỳ kheo muốn cho người kia chết nên xô từ trên dốc núi cao, lầu gác cao… xuống, nếu người kia nhơn đây mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di… giống như trường hợp trên.

Nói sai sử đi vào đường hiểm, đến chỗ hiểm cho chết là Tỳ kheo muốn cho người kia chết nên sai sử người đó đi đường có giặc cướp, có thú dữ… hoặc đến chỗ có khủng bố…; nếu người đó nhơn đây mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di… giống như trường hợp trên.

Nói thai nhi vừa mới tượng hình trong bụng mẹ là mạng căn còn là Ca la la, nếu Tỳ kheo khởi tâm muốn giết, phương tiện giết; nếu thai nhi chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di… giống như trường hợp trên.

Phật bảo các Tỳ kheo: “Nói cầm dao có hai trường hợp: Tự cầm và bảo người cầm. Nói khen ngợi cái chết có ba trường hợp:

Một là đối với người ác giới như những người giết trâu dê gà chó, thả chim ưng bắt cá, thợ săn săn bắn thú… nếu Tỳ kheo đến nói với họ rằng: “Các người là người ác giới, lâu nay đã tạo nhiều tội, sao không chết sớm đi”. Nếu họ nhơn nghe theo lời này mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, không chết thì phạm Thâu-lan-giá. Nếu người ác giới này không nghe theo lời xúi bẩy của-Tỳ kheo mà chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá; nếu Tỳ kheo sau khi khen ngợi cái chết để xúi bẩy người kia chết mà sanh hối, bèn trở lại nói với người kia rằng: “Các ngươi tuy làm nhiều việc ác nhưng nếu gặp được thiện tri thức, gần gủi bậc thiện nhơn, được nghe diệu pháp có thể chánh tư duy thì cũng được lìa tội, không nên tự sát”. Nếu người kia nghe theo lời khuyên này không tự sát thì Tỳ kheo cũng phạm Thâu-lan-giá.

Hai là đối với người thiện giới như các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di; nếu Tỳ kheo đến nói với họ rằng: “Các vị trì thiện giới, có đại phước đức, nếu chết thì được thọ thiên phước, tại sao không tự sát”. Nếu họ nghe theo lời này mà tự sát thì Tỳ kheo phạm Ba-ladi, không tự sát thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ kheo sau khi xúi bẩy người đó chết liền sanh truy hối, bèn trở lại nói với người đó rằng: “Ngươi là người thiện giới, thọ mạng càng lâu thì phước đức càng nhiều, phước đức nhiều thì hưởng phước cũng nhiều, chớ có tự sát”; nếu người kia nghe theo lời này không tự sát nữa thì Tỳ kheo vẫn phạm Thâu-lan-giá.

Ba là đối với người bịnh: Bịnh là do bốn đại tăng giảm nên chịu các khổ não, nếu Tỳ kheo đến nói với người bịnh rằng: “Tại sao ngươi phải chịu khổ não lâu như vậy, sao không chết sớm đi”, nếu người bịnh nghe theo lời nói này mà chết thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di, không chết thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ kheo sau khi nói rồi sanh truy hối trở lại nói với người bịnh rằng:“Ngươi tuy bịnh nặng nhưng nếu gặp được thầy giỏi thuốc hay, hoặc gặp được người khán bịnh giỏi biết tùy bịnh cho ăn uống thì bịnh có thể được lành, không nên tự sát; nếu người bịnh nghe theo lời nói này không tự sát nữa thì Tỳ kheo vẫn phạm Thâu-lan-giá.”

Lúc đó Ca-lưu-đà-di thường hay lui tới nhà cư sĩ, sáng sớm hôm đó đắp y mang bát đến nhà một cư sĩ, vợ cư sĩ này có con chưa dứt sữa, bồng để con trên giường đắp chăn lại rồi đi. Khi Ca-lưu-đà-di bước vào nhà không xem xét kỹ liền ngồi xuống giường, người mẹ thấy vội nói trên giường có đứa trẻ, nhưng lúc đó Ca-lưu-đà-di đã ngồi lên mình đứa bé khiến cho lòi ruột ra mà chết. Ca-lưu-đà-di trở về chùa kể lại việc trên cho các Tỳ kheo, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật hỏi Ca-lưu-đà-di: “Thầy đã khởi tâm gì khi làm việc đó?” Đáp: “Con do không xem xét kỹ nên ngồi”, Phật nói: “Không phạm, nhưng từ nay khi muốn ngồi phải xem xét kỹ rồi mới ngồi, nếu không như thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Lại có hai Tỳ kheo là cha con cùng đi đến nước Kiều-tát-la thành Xá-vệ, khi đi qua con đường hiểm người con thúc người cha đi mau, người cha nghe lời vội đi mau nên bị vấp ngã mà chết. Người con sanh nghi không biết mình có phạm Ba-la-di và tội ngũ nghịch hay không, liền đem việc này bạch Phật, Phật hỏi: “Thầy khởi tâm gì khi thúc cha đi nhanh?” Đáp: “Con thấy trời tối sợ không đi qua khỏi con đường hiểm, do tâm ái trọng nên thúc cha đi mau, không ngờ khiến cha vấp ngã mà chết”, Phật nói không phạm.

Lại có hai Tỳ kheo vốn là cha con cùng đi đến nước Kiều-tát-la thành Xá-vệ, khi đến một tụ lạc không có tăng phường, người con liền hỏi cha ngủ qua đêm ở đâu, người cha nói nên ngủ trong tụ lạc, người con nói: “Ngủ trong tụ lạc có khác gì bạch y”, người cha hỏi: “Vậy con muốn ngủ ở đâu ?” Người con nói nên ngủ nơi đất trống, người cha nói: “Nơi đây e có cọp sói, hai cha con ta nên thay phiên thức ngủ, ta ngủ trước con thức”, người con bằng lòng, người cha liền nằm ngủ trước, khi ngủ ngáy to khiến cọp tìm đến cắn bể đầu người cha mà chết, người con thấy cha chết liền sanh nghi không biết mình có phạm Ba-la-di và tội ngũ nghịch hay không, nên đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Không phạm, nhưng nên la lớn hay đốt lửa làm cho hổ sợ”.

Lại có một Tỳ kheo trời tối đi vào đường hiểm gặp giặc, giặc muốn bắt Tỳ kheo, Tỳ kheo bỏ chạy rơi xuống sườn núi đè trúng trên mình người thợ dệt khiến cho người thợ dệt chết. Tỳ kheo sanh nghi không biết mình có phạm Ba-la-di hay không, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Không phạm, nhưng từ nay chiều tối chớ có đi như thế”.

Lúc đó ở nước A-la-ty, trong Tăng phường phòng xá hư cũ, Tỳ kheo đang tu sửa ở trên sảy tay làm rớt gạch xuống trúng phải người thợ mộc khiến cho người thợ mộc này chết. Tỳ kheo sanh nghi không biết mình có phạm Ba-la-di hay không, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Không phạm, nhưng từ nay nên nhất tâm trong khi làm việc”.

Lại nữa ở nước A-la-tỳ, trong Tăng phường hư cũ, Tỳ kheo đang tu sửa thấy trong gạch ngói có một con rít nên hoảng sợ nhảy xuống đè trúng người thợ mộc khiến cho người này chết. Tỳ kheo sanh nghi không biết mình có phạm Ba-la-di hay không, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Không phạm, nhưng từ nay chớ làm thân hành như thế”.

4. Giới Vọng Ngữ:

Phật ở nước Duy-na-ly hạ an cư cùng chúng đại Tỳ kheo, lúc đó ngoài thế gian đang mất mùa đói kém nên khất thực khó được, vợ con trong nhà còn không đủ cơm ăn áo mặc làm sao có thể sớt cho người khất thực. Phật do nhân duyên này nhóm họp các Tỳ kheo bảo rằng: “Các thầy nên biết, lúc này ở ngoài thế gian mất mùa… giống như đoạn văn trên cho đến câu cho người khất thực. Các thầy nên theo bà con quen biết hay thí chủ tịnh tín mà đến đó an cư, chớ nên ở nơi đây chịu khổ não vì ăn uống”. Các Tỳ kheo nghe lời Phật dạy, ai nấy đều đến nhà bà con quen biết để an cư. Lúc đó có các Tỳ kheo đến một chỗ trong nước Kiều-tát-la an cư, lại có các Tỳ kheo đến bờ sông Bà-cầuma ở trong một tụ lạc an cư. Trong tụ lạc này có nhiều nhà giàu, nô tỳ, tài bảo, thóc lúa… đủ thứ thành tựu. Các Tỳ kheo này suy nghĩ: “Nay ngoài thế gian mất mùa đói kém khất thực khó được, vợ con trong nhà còn thiếu cơm ăn làm sao sớt cho người khác. Trong tụ lạc này có nhiều nhà giàu… đủ thứ thành tựu, chúng ta nên đến những nhà này khen ngợi lẫn nhau như sau: “Cư sĩ nên biết, các người nay được đại thiện lợi vì các Tỳ kheo tăng nương ở trong tụ lạc này an cư, trong số đó có vị đã chứng A-la-hán, có vị đã được Hướng A-la-hán, có vị đã chứng A-nahàm, có vị đã được Hướng A-na-hàm, có vị đã chứng Tư-đà-hàm, có vị đã được Hướng Tư-đà-hàm, có vị đã chứng Tu-đà-hoàn, có vị đã được Hướng Tu-đà-hoàn, có vị đã được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền; có vị đã được vô lượng từ tâm, vô lượng bi tâm, vô luợng hỉ tâm, vô lượng xả tâm; có vị được vô lượng thức xứ, không xứ, vô sở hữu xứ, phi tường phi phi tưởng xứ; có vị được pháp quán bất tịnh, có vị được A-na-ban-na-niệm”, nghĩ rồi các Tỳ kheo liền vào trong tụ lạc đến các nhà giàu khen ngợi lẫn nhau giống như trong đoạn văn trên cho đến câu có vị được A-na-ban-na-niệm. Các cư sĩ nghe rồi liền sanh tâm tịnh tín nghĩ rằng: “Chúng ta nay được thiện lợi vì có chúng tăng là đại phước điền nương ở trong tụ lạc của chúng ta an cư, có vị đã chứng A-la-hán… giống như đoạn văn trên cho đến câu có vị được A-na-ban-na-niệm”, do có lòng tin nên dù đang là lúc thế gian mất mùa đói kém khất thực khó được, mà các Tỳ kheo này vẫn khất thực dễ được như lúc thế gian được mùa sung túc, các cư sĩ cúng dường cho các Tỳ kheo hai thời no đủ. Các Tỳ kheo này do được cúng dường đầy đủ nên thân thể sung mãn, nhan sắc hồng hào tươi sáng. Pháp thường của chư Phật là một năm có hai kỳ đại hội vào tháng sau của cuối mùa xuân và vào tháng sau của cuối mùa hạ. Vào tháng cuối của mùa xuân, Tỳ kheo các nơi suy nghĩ: “Phật đã dạy chúng ta nên an cư, trong ba tháng an cư tu tập sẽ được an lạc trụ”, đây là đại hội thứ nhất. Vào tháng cuối của mùa hạ, các Tỳ kheo an cư ba tháng đã xong nghĩ rằng: “Đã lâu chúng ta không gặp Phật”, nghĩ rồi liền đắp y mang bát đi đến chỗ Thế Tôn, đây là đại hội thứ hai. Lúc đó các Tỳ kheo an cư ở nước Kiều-tát-la xong, đắp y mang bát đi đến thành Duy-na-ly, pháp thường của chư Phật là các Tỳ kheo cùng Phật an cư nếu thấy có các Tỳ kheo từ nơi khác đến phải đón tiếp thăm hỏi và phân chia phòng xá ngọa cụ cho nghỉ ngơi, nói rằng: “Đây là phòng của thầy, giường dây này có lỗ bệ to, giường dây này có lỗ bệ nhỏ, đây lá mền gối…”, tùy theo thứ lớp mà phân chia. Lúc đó các Tỳ kheo ở Duy-na-ly thấy các Tỳ kheo ở nước Kiều-tát-la đến liền đón tiếp thăm hỏi… giống như trên đã nói, cho đến câu tùy theo thứ lớp phân chia cho ở rồi hỏi: “Các thầy có được an lạc không, khất thực không thiếu và đi đường không nhọc mệt chứ ?” Các Tỳ kheo Kiều-tát-la đáp: “Chúng tôi được an lạc trụ, đi đường không nhọc mệt nhưng khất thực khó được”, các Tỳ kheo Duy-na-ly nói: “Các thầy tuy được an lạc trụ, đi đường không nhọc mệt nhưng vì khất thực khó được nên thân thề gầy ốm, nhan sắc tiều tụy”. Lúc đó các Tỳ kheo an cư ở bên sông Bà-cầu-ma đi đến thành Duy-na-ly cũng được đón tiếp thăm hỏi và được phân chia phòng xá ngọa cụ giống như trên. Khi các Tỳ kheo Duy-na-ly thăm hỏi có được an lạc trụ… như trên thì các Tỳ kheo Bà-cầu-ma đáp rằng: “Chúng tôi được an lạc trụ, khất thực không thiếu nhưng đi đường nhọc mệt”, các Tỳ kheo Duy-na-ly nói: “Các thầy quả thật được an lạc trụ, khất thực không thiếu nhưng đi đường nhọc mệt, vì sao, vì các thầy mập mạp, nhan sắc hồng hào”, kế từ từ gạn hỏi các Tỳ kheo Bà-cầu-ma: “Nay thế gian đang lúc mất mùa đói kém, khất thực khó được, vợ con trong nhà còn thiếu cơm ăn làm sao sớt cho người đi khất thực. Các thầy do nhân duyên gì trong ba tháng an cư lại khất thực không khó, khí lực được dồi dào, nhan sắc tươi sáng như thế?” Các Tỳ kheo Bà-cầu-ma liền đem việc trên kể lại, các Tỳ kheo Duy-na-ly hỏi: “Các thầy khen ngợi lẫn nhau như thế là thật có công đức này không?” Đáp là thật không có, các Tỳ kheo Duy-na-ly liền dùng đủ lời quở trách: “Việc mà các thầy đã làm không phải là pháp Sa-môn, không phải đạo tùy thuận, không có tâm ưa muốn, là điều mà người xuất gia không nên làm. Các thầy không biết Thế tôn đã dùng đủ cách quở trách nói dối, đủ cách khen ngợi không nói dối hay sao. Phật thường nói pháp dạy chúng ta lìa nói dối, các thầy còn không nên sanh tâm khởi tưởng nói dối, huống chi là vì chút ăn uống, không chứng được Thánh pháp hơn người mà tự nói là đã chứng?” Đủ lời quở trách rồi liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng và hỏi các Tỳ kheo Bà-cầu-ma rằng: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp là thật đã làm, Phật liền dùng đủ lời quở trách: “Việc mà các thầy đã làm không phải là pháp Sa-môn, không phải đạo tùy thuận, không có tâm ưa muốn, là điều mà người xuất gia không nên làm. Các thầy thật là ngu si không biết chi, ta đã dùng đủ cách đủ lời quở trách vọng ngữ, đủ cách đủ lời khen ngợi không vọng ngữ. Ta thường nói pháp dạy các thầy lìa vọng ngữ, các thầy còn không nên sanh tâm khởi tưởng vọng ngữ, huống chi là vì chút ăn uống, không chứng được thánh pháp hơn người mà lại tự nói là đã chứng”. Phật dùng đủ lời quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Thế gian có ba loại đại tặc: Loại thứ nhất là làm chủ một trăm người, ở trước một trăm người, được một trăm người cung kính vây quanh… cho đến được năm trăm người cung kính vây quanh, mà lại vào trong thành ấp tụ lạc leo tường khoét vách, chặn đường cướp của giết người. Loại thứ hai là có Tỳ kheo lấy thức ăn uống, tài vật cho đến hoa quả trong vườn rừng của Tứ phương Tăng đem bán để tự sống hoặc đem cho bạch y quen biết. Loại thứ Ba là có Tỳ kheo vì chút ăn uống, lợi dưỡng cúng dường, tự thân không chứng được Thánh pháp hơn người mà cố ý vọng ngữ, tự nói là đã chứng. Trong ba loại đại tặc này thì hai loại trên đều gọi là tiểu giặc, loại thứ ba mới là đại tặc nguy hiểm nhất đối với trời người, ma Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn trong thế gian. Vì sao, vì chút ăn uống, tự thân không có chứng Thánh pháp hơn người mà cố ý vọng ngữ tự nói là đã chứng. Nếu đem so với hai loại giặc trên thì gọi là đại giặc nguy hiểm nhất”, Phật liền nói kệ:

“Tỳ kheo chưa đắc đạo,
Tự nói là đắc đạo,
Đại tặc trong trời người
Người phá giới cực ác,
Người si này thân hoại,
Sẽ đọa vào địa ngục”.

Phật dùng đủ lời quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên nay kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau: Nếu Tỳ kheo không biết, không thấy, không có thánh pháp hơn người mà lại tự nói là đã được, đã biết, đã thấy như thế… Tỳ kheo này thời gian sau có người hỏi hay không có người hỏi, vì muốn phát lồ tội lỗi nên nói rằng: “Tôi vì tham đắm lợi dưỡng nên dù không biết mà lại nói là đã biết, dù không thấy mà lại nói là đã thấy. Do nói lời hư dối không thật nên Tỳ kheo này phạm Ba-la-di không được ở chung. ”

Lúc đó Phật ở nước Xá-vệ, có các Tỳ kheo ở chốn lan nhã trong nước Kiều-tát-la do quán Biệt tướng được định nên tham dục sân nhuế không khởi, liền cho rằng mình đã đắc đạo, việc nên làm đã làm xong. Do nghĩ như vậy nên đến bạch Phật: “Chúng con là A-la-hán, sanh phần đã hết, không còn thọ thân sau”, sau đó họ đến sống trong một tăng phường gần tụ lạc, do thường gặp phụ nữ nên tham dục sân nhuế sanh khởi trở lại nên nói với nhau: “Chúng ta khổ não rồi, trước kia khi còn ở chốn lan nhã do quán biệt thương nên tham dục sân nhuế không khởi, chúng ta liền cho là mình đã đắc đạo, việc nên làm đã làm xong. Không ngờ nay ở gần tụ lạc do thường gặp người nữ nên tham dục sân nhuế liền khởi trở lại, chúng ta đã mất pháp Tỳ kheo vì không chứng được pháp hơn người mà tự nói là đã chứng”. Các Tỳ kheo này đem sự việc bách các Tỳ kheo, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng, dùng đủ lời khen ngợi giới, khen ngợi người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo không biết không thấy, không có pháp hơn người mà tự nói là tôi được, tôi thấy, tôi biết như thế như thế. Thời gian sau dù có người hỏi hay không có người hỏi, vì muốn xuất tội nên nói rằng: Tôi thật không biết mà nói là biết, thật không thấy mà nói là thấy. Do nói lời hư dối không thật nên Tỳ kheo này phạm Ba-la-di không được ở chung, trừ bậc Tăng thượng mạn.”

Nói không biết là đối với pháp hơn người không biết, không thấy, không đắc, không xúc thọ, không chứng.

Nói không thấy là đối với lý Tứ đế không thấy khổ đế, không thấy tập đế, không thấy diệt đế, không thấy đạo đế.

Trong giới này tướng phạm là nếu Tỳ kheo nói tôi là A-la-hán mà không thật thì phạm Ba-la-di, nói tôi là Hướng A-la-hán mà không thật thì phạm Ba-la-di, nói tôi là A-na-hàm mà không thật thì phạm Ba-ladi, nói tôi là Hướng A-na-hàm mà không thật thì phạm Ba-la-di, nói tôi là Tư-đà-hàm mà không thật thì phạm Ba-la-di, nói tôi là Hướng Tư-đàhàm mà không thật thì phạm Ba-la-di, nói tôi là Tu-đà-hoàn mà không thật thì phạm Ba-la-di, nói tôi là hướng Tu-đà-hoàn mà không thật thì phạm Ba-la-di. Nếu Tỳ kheo nói tôi được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền; được vô lượng Từ tâm, Bi tâm, Hỉ tâm, Xả tâm; Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ; pháp quán bất tịnh, A-na-ban-na-niệm mà không thật đều phạm Ba-la-di; nhẫn đến nói tôi là người khéo hay trì giới, dâm dục không khởi nếu không thật thì phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ kheo nói rằng: “Chư thiên đến chỗ tôi, cho đến Dạ xoa… La sát đến chỗ tôi, họ hỏi tôi đáp, tôi hỏi họ đáp, nếu không thật thì phạm Ba-la-di; cho đến nói triền phong thổ quỷ đến chỗ tôi, nếu không thật thì phạm Thâu-lan-giá”.

Lúc đó Trưởng lão Đại Mục-kiền-liên ở tại núi Kỳ-xà-quật nhập không định Vô sở hữu xứ, khéo lấy tướng nhập định mà không khéo lấy tướng xuất định, nên khi xuất định nghe thấy trong thành A-tu-la có tiếng kỷ nhạc, vội nhập định trở lại nghĩ rằng: “Ta ở trong định nghe thấy trong thành A-tu-la có tiếng kỷ nhạc”. Do nghĩ như thế nên sau khi xuất định nói với các Tỳ kheo: “Tôi ở trong núi Kỳ-xà-quật nhập định Vô sắc Không vô sở hữu xứ, nghe thấy trong thành A-tu-la có tiếng kỷ nhạc”, các Tỳ kheo nói: “Nhập Vô sắc định mà nghe tiếng thấy sắc là không có lý đó, vì sao, vì nếu nhập Vô sắc định là phá hoại sắc tướng, xa lìa âm thinh. Thầy không có pháp hơn người mà cố ý nói vọng, thầy đáng bị diệt tẫn”, liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy chớ nói Đại Mục-kiền-liên phạm tội, vì sao, vì Đại Mụckiền-liên chỉ thấy việc trước không thấy việc sau, Như lai thì thấy cả việc trước việc sau. Đại Mục-kiền-liên ở tại núi Kỳ-xà-quật nhập Vô sắc định Vô sở hữu xứ, khéo lấy tướng nhập định mà không khéo lấy tướng xuất định, nên khi xuất định nghe thấy tiếng kỷ nhạc trong thành A-tu-la, nghe rồi liền vội nhập định trở lại và tự cho rằng mình nhập định nghe tiếng. Nếu nhập Vô sắc định mà nghe tiếng thấy sắc là không có lý đó, vì sao, vì định này phá hoại sắc tướng xa lìa âm thanh. Nếu Đại Mục-kiền-liên không có pháp hơn người mà cố ý nói vọng cũng không có lý đó, chỉ vì Mục-liên tùy tâm tưởng mà nói nên không tội”.

Lại có Tỳ kheo hỏi Trưởng lão Mục-liên: “Nước sông A phù đà từ đâu đến ?” Đáp là từ ao A-nậu-đạt đến, các Tỳ kheo nói: “Nước ao A-nậu-đạt ngọt có tám công đức, còn nước này nóng sôi mặn đắng nên không có lý đó. Trưởng lão không có pháp hơn người mà cố ý nói dối, đáng bị diệt tẫn”, liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy chớ nói Mục-liên phạm tội, vì sao, vì nước ao A nậu đạt cách đây rất xa, nước này vốn có tám công đức ngon ngọt nhưng trải qua năm trăm địa ngục nhỏ mới chảy đến đây nên thành nóng và mặn. Nếu các thầy hỏi Mục-liên nước này cớ sao mặn nóng thì Mục-liên có thể tùy tưởng đáp, Mục-liên nói thật nên không phạm”.

Lúc đó Đại Mục-kiền-liên nhập định thấy các Dạ xoa nước Bạtkỳ cùng các Dạ xoa nước Ma-kiệt-đà đánh nhau và phá được đạ xoa nước Ma-kiệt-đà, sau khi xuất định nói với các Tỳ kheo: “Người nước Bạt kỳ sẽ phá người nước Ma-kiệt-đà”, thời gian sau vua A-xà-thếkhéo dẫn binh chúng phá được người nước Bạt kỳ, các Tỳ kheo nói: “Trưởng lão trước kia có nói người nước Bạt kỳ sẽ phá người nước Ma-kiệt-đà, nay người nước Ma-kiệt-đà đã phá được người nước Bạt kỳ, thầy không có pháp hơn người mà cố ý nói vọng, đáng bị diệt tẫn”, liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy chớ nói Mục-liên phạm tội này, vì sao, vì Mục-liên thấy việc trước mà không thấy được việc sau, còn Như lai thấy cả việc trước việc sau. Dạ xoa nước Bạt kỳ cùng dạ xoa nước Ma-kiệt-đà đánh nhau được thắng, do đó người nước Bạt kỳ cũng phá được người nước Ma-kiệt-đà, sau vua A-xà-thế tập họp binh chúng lại cùng đánh nên được thắng, Mục-liên tùy tâm tưởng nói nên không phạm”.

Sau đó Mục-liên nhập định thấy dạ xoa nước Ma-kiệt-đà đánh với dạ xoa nước Bạt kỳ được thắng, sau khi xuất định liền nói với các Tỳ kheo: “Người nước Ma-kiệt-đà sẽ phá được người nước Bạt kỳ “, nhưng sau khi hai bên cùng đánh nhau thì người nước Bạt kỳ được thắng, các Tỳ kheo nói: “Thầy trước có nói người nước Ma-kiệt-đà sẽ thắng người Bạt kỳ, nay người Bạt kỳ lại phá người Ma-kiệt-đà, thầy không có pháp hơn người mà cố ý vọng ngữ, đáng bị diệt tẫn”, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy chớ nói Mục-liên phạm tội này, vì sao, vì Mục-liên thấy việc trước không thấy việc sau, còn Như lai thấy cả việc trước và việc sau. Dạ xoa Ma-kiệt-đà đánh với dạ xoa Bạt-kỳ được thắng, lúc đó người nước Ma-kiệt-đà cũng thắng người nước Bạtkỳ, sau đó người nước Bạt-kỳ nhóm binh chúng đánh lại được thắng, Mục-liên tùy tâm tưởng nói nên không phạm”.

Lúc đó Mục-liên vào sáng sớm đắp y mang bát vào nhà cư sĩ, trải tòa mời ngồi rồi cùng nhau thăm hỏi, cư sĩ hỏi: “Đại-đức, người nữ này có mang sẽ sanh con trai hay con gái ?”, Mục-liên đáp là con trai rồi đi. Sau đó có một Phạm chí vào nhà, cư sĩ lại hỏi giống như trên, Phạm chí đáp là sanh con gái, sau quả thật sanh con gái. Các Tỳ kheo nói: “Thầy trước có nói với cư sĩ là sẽ sanh con trai, nay lại sanh con gái, thầy không có pháp hơn người mà cố ý nói vọng, đáng bị diệt tẫn”, liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy chớ nói Mục-liên phạm tội này, vì sao, vì Mục-liên chỉ thấy việc trước không thấy việc sau, còn Như lai thấy cả việc trước và việc sau. Người nữ đó mang thai trước là nam, sau chuyển thành nữ, Mục-liên tùy tâm tưởng nói nên không phạm”. Sau đó Mục-liên xem tướng người khác nói sanh con gái cũng giống như vậy.

Lúc đó trời đại hạn, Mục-liên nhập định thấy sau bảy ngày nữa trời sẽ mưa lớn ngập tràn ngòi rạch, mọi người trong thành nghe rồi rất vui mừng liền bỏ hết các công việc lo lợp nhà phủ kho rồi đếm từng ngày chờ đợi, đến ngày thứ bảy không có hơi khí của mưa huống chi là mưa lớn. Các Tỳ kheo nói với Mục-liên: “Thầy nói bảy ngày nữa trời sẽ mưa lớn ngập tràn ngòi rạch, nay không có hơi khí của mưa huống chi là mưa lớn. Thầy không có pháp hơn người mà cố ý vọng ngữ, đáng bị diệt tẫn”, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy chớ nói Mục-liên phạm tội này, vì sao, vì Mục-liên thấy việc trước không thấy việc sau, Như lai thấy cả việc trước và việc sau. Ngày thứ bảy quả có mưa lớn nhưng bị A-tu-la vương đưa tay đón lấy đổ vào biển lớn, Mụcliên tùy tâm tưởng nói nên không phạm”.

Lại có trường hợp Trưởng lão Sa-già-đà nói với các Tỳ kheo: “Tôi nhập định có thể khiến cho trong ngục A-tỳ lên đến trời A-ca-nị-tra đầy lửa”, các Tỳ kheo nói: “Không có lý đó, vì đệ tử Thanh văn mới có thể khiến cho trong ngục A-tỳ lến đến trời Phạm, thầy không có pháp hơn người mà cố ý nói vọng, đáng bị diệt tẫn”, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy chớ nói Sa-già-đà phạm tội này, vì sao, vì nếu Tỳ kheo nương sơ thiền tu Như ý túc được thần thông lực, từ địa ngục A-tỳ lên đến trời A-ca-nị-tra tự tại có thể làm đầy lửa; nếu nương Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền cũng như vậy. Sa-già-đà nương nơi Tứ thiền khéo tu Như ý túc được thần thông lực, nếu niệm tự tại tùy ý có thể làm cho từ ngục A-tỳ lên đến cõi trời A-ca-nị-tra đầy lửa, Sa-già-đà nói thật nên không phạm”.

Lại có trường hợp Trưởng lão Thâu-tỳ-đà nói với các Tỳ kheo: “Tôi trong một niệm có thể biết được túc mạng, những việc trong năm trăm kiếp”, các Tỳ kheo nói: “Không có lý đó, Thanh văn đệ tử ở trong một niệm nhiều lắm là biết được một đời, thầy không có pháp hơn người mà cố ý vọng ngữ, đáng bị diệt tẫn”, liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy chớ nói Thâu-tỳ-đà phạm tội này, vì sao, vì người này thân trước từ cõi trời Vô tưởng mạng chung sanh vào cõi này, trên cõi trời Vô tưởng thọ năm trăm kiếp nên mới tự nói: Ta trong một niệm có thể biết những việc trong năm trăm kiếp, Thâu-tỳ-đà tùy tâm tưởng nói nên không phạm”.