THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

QUYỂN 1

TỤNG THỨ NHẤT

I. BỐN PHÁP BA-LA-DI:

1. Giới Dâm:

Phật ở nước Tỳ-da-ly, cách thành không xa có một tụ lạc, trong tụ lạc này có con của một trưởng giả tên là Tu-đề-na-ca-lan-đà tử giàu có nhiều tiền tài, đủ thứ thành tựu, tự quy y Tam bảo làm đệ tử Phật. Sau đó nhàm lìa thế gian, cạo bỏ râu tóc mặc pháp phục làm Tỳ kheo, rời bỏ tụ lạc đến nước Kiều-tát-la ở một chỗ an cư. Lúc đó thế gian mất mùa đói kém khất thực khó được, đối với nhân dân vợ con trong nhà còn thiếu ăn, làm sao có thể cho những người khất thực. Tu-đề-na suy nghĩ: “Lúc này ở thế gian mất mùa đói kém, khất thực khó được nhưng thân quyến của ta giàu có, đúng là lúc ta nên khuyên họ bố thí làm phước”, nghĩ rồi qua ba tháng hạ an cư, tự tứ và may y xong Tu-đề-na đắp y mang bát trở về Tỳ-da-ly, đi trải qua nhiều nước mới về đến quê mình. Sáng hôm sau, Tu-đề-na đắp y mang bát vào trong thôn khất thực, đến nhà bà con khuyên họ cúng dường đầy đủ thức ăn uống cho các Tỳ kheo; còn mình thì hành hạnh đầu đà, thọ pháp khất thực, theo thứ lớp khất thực đền trước nhà của mình nói rằng: “Trước kia tôi hứa sẽ trở về, nay tôi đã trở về”, nói rồi vội vả bỏ đi. Lúc đó một tỳ nữ trông thấy nhận ra Tu-đề-na liền chạy đi báo cho mẹ của Tu-đề-na: “Hồi nảy Tu-đề-na có về đến nhà nhưng lại vội vả bỏ đi”, bà mẹ suy nghĩ: “Tu-đề-na vừa về đến nhà lại đi ngay, có lẽ là ưu sầu muốn xả giới hoàn tục, không thích tu phạm hạnh nữa. Ta nên đến khuyên nó trở về nhà hưởng thọ ngũ dục, tu bố thí làm phước”. Nghĩ rồi bà mẹ liền đi đến chỗ Tu-đề-na khuyên rằng: “Nếu con ưu sầu không thích tu phạm hạnh, muốn xả giới thì con nên trở về nhà hưởng thọ ngũ dục, tu bố thí làm phước”, Tu-đề-na nói: “Con không có ưu sầu, không muốn xả giới, không nhàm chán phạm hạnh cũng không muốn bỏ pháp Sa-môn, tâm ưa thích phạm hạnh”, bà mẹ suy nghĩ: “Ta dù có khuyên cũng không lay chuyển được tâm nó, phải bảo vợ của nó mới được”. Nghĩ rồi bà mẹ liền đến chỗ vợ của Tu-đề-na nói: “Khi nào trong người con sạch sẽ thì đến nói cho mẹ biết”, nàng dâu nhớ lời mẹ chồng, đợi đến khi trong người sạch sẽ liền đến nói với mẹ chồng: “Mẹ muốn con làm gì?” Bà mẹ nói: “Những y phục và trang sức mà trước kia Tu-đề-na ưa thích, con nay nên đem ra mặc hết, nàng dâu nghe lời trở về phòng mặc y phục và trang sức mà trước kia Tu-đề-na ưa thích. Bà mẹ dẫn nàng dâu đến chỗ Tu-đề-na nói rằng: “Nếu con ưu sầu không thích tu phạm hạnh, muốn xả giới hoàn tục thì con hãy trở về nhà tu bố thí làm phước, Phật pháp khó thành, xuất gia cần khổ”, Tu-đề-na nói: “Con không ưu sầu, tâm con không động chuyển, con ưa thích tu phạm hạnh, không ưa thích ngũ dục”, bà mẹ nói: “Lành thay Tu-đề-na, tuy con ưa thích tu phạm hạnh không muốn xả giới, nhưng nay vợ con đúng lúc đến, con nên để lại hạt giống nối dòng. Nếu gia đình ta không có người nối dòng thì tài sản đã có sẽ bị quan tịch thu”. Lúc đó Thế tôn chưa chế giới này, tâm Tu-đề-na cũng động nên bằng lòng, bà mẹ liền tránh đi, Tu-đề-na liền dẫn vợ đến chỗ khuất cùng hành dâm, như vậy đến hai, Ba-lần. Sau đó người vợ mang thai, đủ ngày tháng sanh ra đứa con phước đức, đặt tên là Tục chủng, đến tuổi trưởng thành tin ưa Phật pháp, xuất gia học đạo tinh tấn siêng tu, được lậu tận chứng quả A-la-hán.

Tu-đề-na sau khi cùng vợ hành dâm rồi tâm sanh nghi hối, ưu sầu biến sắc không có oai đức, im lặng cúi đầu, buồn bã không vui, không thích nói năng. Lúc đó có các Tỳ kheo quen biết đến thăm, ngồi một bên hỏi Tu-đề-na: “Trước đây thầy có oai đức, nhan sắc an hòa thích tu phạm hạnh, nay vì sao ưu sầu biến sắc buồn bã không vui. Thầy có thân bịnh hay là lỡ làm việc xấu gì rồi ?” Tu-đề-na nói: “Thân tôi không bịnh, chỉ là đã lỡ làm việc xấu nên tâm ưu sầu”. Các Tỳ kheo từ từ gạn hỏi, Tu-đề-na liền đem việc trên kể lại, các Tỳ kheo nghe rồi đủ lời quở trách Tu-đề-na: “Thì ra thầy ưu sầu vì đã làm việc xấu như thế, việc mà thầy đã làm không phải pháp Sa-môn, không phải đạo tùy thuận, đã làm hạnh bất tịnh là việc mà người xuất gia không nên làm. Thầy không biết Thế Tôn đã dùng đủ cách quở trách dục, dục tưởng, dục giác, dục nhiệt và dùng đủ lời khen ngợi đoạn dục, xả dục tưởng, diệt dục nhiệt. Phật thường thuyết pháp dạy người ly dục, đối với dục thầy còn không nên sanh tâm, huống chi là làm nghiệp xấu căn bản bất tịnh, khởi kiết phược dục nhuế si”, các Tỳ kheo đủ lời quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do việc này tập họp Tỳ kheo tăng, thường pháp của chư Phật là đúng thời mới hỏi, không đúng thời thì không hỏi; có lợi mới hỏi, không lợi thì không hỏi để dứt trừ nghi hoặc. Lúc đó Phật dùng chánh niệm an huệ hỏi Tu-đề-na: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Con thật đã làm, Thế tôn”, Phật dùng đủ lời quở trách Tu-đề-na: “Việc mà thầy đã làm không phải pháp Sa-môn, không phải đạo tùy thuận, đã làm hạnh bất tịnh là việc mà người xuất gia không nên làm. Thầy là người ngu si, thầy không biết Ta đã dùng đủ cách quở trách dục, dục tưởng, dục giác, dục nhiệt và dùng đủ lời khen ngợi đoạn dục, xả dục tưởng, diệt dục nhiệt. Ta thường thuyết pháp dạy người ly dục, đối với dục thầy còn không nên sanh tâm, huống chi là làm nghiệp xấu căn bản bất tịnh, khởi kiết phược dục nhuế si”. Quở trách rồi Phật bảo các Tỳ kheo: “Người ngu si này đã mở cửa hữu lậu, thà đem thân phần để vào miệng rắn độc chứ không đem thân này xúc chạm thân người nữ. Do mười lợi nên ta kết giới cho các Tỳ kheo:

– Một là nhiếp thủ Tăng,

– Hai là khéo nhiếp phục,

– Ba là khiến Tăng được an lạc trụ,

– Bốn là chiết phục người có tâm cống cao,

– Năm là khiến người tàm quý được an lạc,

– Sáu là khiến người không tin được tịnh tín,

– Bảy là khiến người đã tin được tăng trưởng,

– Tám là ngăn phiền não lậu hoặc đời này,

– Chín là đoạn nghiệp ác đời sau,

– Mười là khiến phạm hạnh trụ lâu.

Từ nay giới này nên nói như sau: Nếu Tỳ kheo đã đồng vào pháp học của-Tỳ kheo, không xả giới mà hành pháp dâm, Tỳ kheo này phạm Ba-la-di không được ở chung.”

Phật ở nước Xá-vệ, có một Tỳ kheo tên là Bạt-kỳ-tử không xả giới, giới suy kém, không nói ra mà về nhà hành pháp dâm, sau đó muốn xuất gia lại, tự nghĩ: “Ta nên đến hỏi các Tỳ kheo trước, nếu được xuất gia thọ giới trở lại thì ta sẽ xuất gia làm Tỳ kheo, nếu không được thì thôi”, nghĩ rồi đến hỏi các Tỳ kheo, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu có người không xả giới, giới suy kém không xả mà trở về nhà làm việc dâm thì không được xuất gia lại. Từ nay giới này nên nói lại như sau:

Nếu Tỳ kheo đã đồng vào pháp học của-Tỳ kheo, không xả giới, giới suy kém, không nói ra mà về nhà làm việc dâm thì Tỳ kheo này phạm Ba-la-di không được ở chung.”

Phật ở nước Xá-vệ, lúc đó có một Tỳ kheo ở nước Kiều-tát-la sống một mình trong rừng, có một con khỉ cái thường đến chỗ Tỳ kheo, Tỳ kheo đều cho thức ăn dụ nó, tâm khỉ yếu mềm nên cùng Tỳ kheo hành dâm. Sau đó có các Tỳ kheo thân hữu đến thăm ngồi một bên, con khỉ cái chạy đến nhìn mặt các Tỳ kheo rồi đứng trước mặt Tỳ kheo mà nó thương, nhìn chăm chăm vào mặt của vị ấy muốn cùng hành dâm, Tỳ kheo này hổ thẹn không nhìn con khỉ, con khỉ tức giận cào cấu tai mũi của-Tỳ kheo này khiến cho trầy trụa rồi bỏ đi. Các Tỳ kheo thân hữu gạn hỏi, Tỳ kheo này liền kể lại sự việc trên, các Tỳ kheo dùng đủ lời quở trách rằng: “Việc mà thầy đã làm không phải pháp Sa-môn, không phải đạo tùy thuận, đã làm hạnh bất tịnh là việc mà người xuất gia không nên làm. Thầy không biết Thế tôn đã dùng đủ cách quở trách dục, dục tưởng, dục giác, dục nhiệt và dùng đủ lời khen ngợi đoạn dục, xả dục tưởng, diệt dục nhiệt. Phật thường thuyết pháp dạy người ly dục, đối với dục thầy còn không nên sanh tâm, huống chi là làm nghiệp xấu căn bản bất tịnh, khởi kiết phược dục nhuế si”, quở trách rồi trở về đem việc này bạch Phật, Phật do việc này tập họp Tỳ kheo tăng hỏi rõ sự thật, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Trước kia ta đã kết giới này, nay phải tùy kết giới này lại như sau: Nếu Tỳ kheo đồng vào pháp học củaTỳ kheo, không xả giới, giới suy kém, không xuất giới mà làm pháp dâm cho đến với súc sanh, Tỳ kheo này phạm Ba-la-di không được ở chung.

Tỳ kheo có bốn:

1. Danh tự Tỳ kheo là Tỳ kheo chỉ có tên gọi.

2. Tự ngôn Tỳ kheo là Tỳ kheo được Bạch-tứ-yết-ma thọ giới cụ túc; hoặc là Tặc trụ Tỳ kheo cạo bỏ râu tóc, đắp mặc Ca sa tự nói ta là Tỳ kheo.

3. Khất cầu Tỳ kheo là Tỳ kheo đến nhà người khất thực, như khi Bà-la-môn đến người khác xin cũng nói ta là Tỳ kheo.

4. Phá phiền não Tỳ kheo là Tỳ kheo đối với các lậu hoặc kiết phược phiền não làm cho chúng sanh phải thọ thân sau, chịu quả báo đau khổ là nhân duyên tương tục qua lại trong sanh tử… đều có thể thấy biết đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ các lậu hoặc ấy, như chặt cây Đa-la rốt ráo không sanh trưởng được nữa.

Sao gọi là Tỳ kheo thọ cụ túc giới ? Nếu tăng hòa hợp tác pháp Bạch-tứ-yết-ma, người này tín thọ tùy hành, không trái nghịch, không phá giới.

Học có Ba là thiện học Giới, thiện học Tâm, thiện học Huệ. Lại có ba Học là thiện học Oai nghi, thiện học Tỳ-ni và thiện học Ba-la-đềmộc-xoa.

Đồng vào pháp học của-Tỳ kheo là những điều giới mà Tỳ kheo trăm tuổi đã học, người mới thọ giới cũng học như vậy; những điều giới mà người mới thọ giới phải học, Tỳ kheo trăm tuổi cũng học như vậy. Trong đó một tâm, một giới, một thuyết, một Ba-la-đề-mộc-xoa; đồng tâm, đồng giới, đồng thuyết, đồng Ba-la-đề-mộc-xoa.

Không xả giới là nếu Tỳ kheo khi điên cuồng hay khi tâm loạn, tâm bịnh hoại mà nói xả giới thì không gọi là xả giới; hay nói với người điên cuồng, tâm loạn, tâm bịnh hoại; hoặc một mình xả giới; hoặc một mình tưởng không phải một mình, không phải một mình tưởng là một mình; hoặc người ở trong nước nói với người ở biên địa không hiểu nhau; hoặc người ở biên địa nói với người ở trong nước không hiểu nhau; hoặc nói với người câm, người điếc, người câm điếc, người không biết gì; hoặc nói với phi nhơn, người ngủ mê, người nhập định; hoặc cách vách hoặc mình đang sân hoặc nói với người đang sân; hoặc nói trong mộng hoặc nói lúc tâm mình không an định; hoặc nói với người tâm không an định… các trường hợp trên đều không gọi là xả giới.

Trường hợp xả giới không phải là giới suy kém: Nếu Tỳ kheo nói tôi bỏ Phật tức là xả giới; hoặc nói tôi bỏ Pháp, bỏ Tăng, bỏ Giới, bỏ Hòa thượng, A-xà-lê, bỏ đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê, bỏ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, bỏ Thức-xoa-ma-na, bỏ Sa di, bỏ Sa-di-ni, bỏ Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… đều gọi là Xả giới. Hoặc nói các vị nên biết, tôi là bạch y, là Sa di, không phải Tỳ kheo, không phải Sa-môn Thích tử… cho đến nói không làm bạn và cùng học chúng với các vị, đều gọi là Xả giới không gọi là Giới suy kém.

Trường hợp Giới suy kém không phải là Xả giới: Nếu Tỳ kheo ưu sầu không vui muốn bỏ giới, nhàm pháp Tỳ kheo muốn bỏ pháp phục của bậc thánh để mặc y phục của bạch y; cần pháp bạch y không cần pháp Tỳ kheo, cầu việc tại gia, lại nói: Tôi nhớ cha mẹ, anh chị em, họ sẽ dạy tôi nghề nghiệp sinh sống, sắp xếp cho tôi có chỗ ở tốt, xem tôi là thiện tri thức. Nói lời như thế gọi là Giới suy kém không gọi là xả giới.

Trường hợp Giới suy kém cũng là Xả giới: Nếu Tỳ kheo buồn bã không vui muốn xả giới, nhàm chán pháp Tỳ kheo muốn bỏ pháp phục … giống như đoạn văn trên cho đến câu xem tôi là thiện tri thức. Lại nói tôi bỏ Phật, Pháp, Tăng cho đến bỏ Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Đây gọi là Giới suy kém và cũng là Xả giới.

Hành pháp Dâm là làm việc phi phạm hạnh, phi phạm hạnh là hai thân giao hội.

Ba-la-di là rơi vào chỗ không như ý, là tội cực ác, cực nặng. Người phạm tội này rơi vào chỗ không như ý không gọi là Tỳ kheo, không phải là Sa-môn Thích tử vì đã mất pháp Tỳ kheo. Không được cùng ở chung là không được cùng Tỳ kheo tác pháp Đơn-bạch-yết-ma, Bạch-nhị-yếtma, Bạch-tứ-yết-ma, Bố tát, Tự tứ, không được vào trong số mười bốn người.

Phạm có bốn: Nam nữ, huỳnh môn và hai căn. Nữ là nữ thuộc loài người, nữ phi nhơn và súc sanh giống cái; NAm-là nam thuộc loài người, nam phi nhơn và súc sanh giống đực; huỳnh môn và hai căn cũng thuộc loài người, phi nhơn và súc sanh. Tỳ kheo cùng người nữ hành dâm vào ba chỗ: Đại tiểu tiện và miệng, đều phạm Ba-la-di; cùng nữ phi nhơn, súc sanh giống cái và hai căn cũng phạm Ba-la-di; cùng người nam hành dâm vào hai chỗ: Đại tiện và miệng cũng phạm Ba-la-di; cùng nam phi nhơn, súc sanh giống đực và huỳnh môn cũng Ba-la-di.

Phật ở nước Xá-vệ, có một Tỳ kheo khất thực tên là Nan-đề sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, thọ thực xong vắt Ni-sư-đàn lên vai trái rồi đi vào rừng An hoàn, ở dưới một gốc cây trải Ni-sư-đàn chánh thân đoan tọa. Lúc đó có thiên ma muốn phá Tam muội của-Tỳ kheo này nên hóa làm người nữ đoan chánh đứng trước mặt Tỳ kheo. Tỳ kheo vừa xuất định, nhìn thấy người nữ liền sanh tâm đắm nhiễm, do thiền định của thế tục không thể kiên cố nên trong giây phút đó thối thất, muốn xúc chạm thân người nữ đó. Người nữ lùi dần ra xa, Tỳ kheo liền đứng dậy đi theo muốn nắm lấy người nữ. Lúc đó trong rừng có một con ngựa chết, người nữ đi đến chỗ xác con ngựa liền biến mất, Tỳ kheo do lửa dục hừng thạnh nên cùng xác con ngựa hành dâm. Hành dâm rồi lửa dục liền tắt, Tỳ kheo sanh tâm hối hận nghĩ rằng: “Ta đã thối đọa, chẳng phải là Tỳ kheo, chẳng phải là Thích tử, các Tỳ kheo ắt sẽ xa lánh ta, không ở chung với ta nữa, ta không nên đem thân bất tịnh mà mặc pháp y này”, nghĩ rồi liền cởi Ca sa xếp cất vào trong túi vải, vác lên vai đi đến chỗ Phật. Lúc đó Phật đang thuyết pháp cho trăm ngàn vạn chúng vây quanh, từ xa trông thấy Nan-đề đi đến liền suy nghĩ: “Nếu ta không dùng lời dịu dàng han hỏi, thầy ấy sẽ vỡ tim và hộc máu ra”. Khi Nan-đề vừa đến, Phật liền hỏi: “Lành thay Nan-đề, thầy có muốn học lại pháp Tỳ kheo đã học hay không ?”, Nan-đề nghe rồi liền sanh tâm hoan hỉ suy nghĩ: “Ta sẽ được cùng ở chung, các Tỳ kheo sẽ không đuổi ta”, nghĩ rồi liền đáp: “Thế tôn, con muốn học lại pháp học Tỳ kheo”. Phật liền bảo các Tỳ kheo: “Các thầy hãy tác pháp cho Nan-đề học lại pháp học Tỳ kheo, nếu có ai khác giống như Nan-đề cũng nên tác pháp cho học lại như sau: Tăng nên nhất tâm hòa hợp, Tỳ kheo Nan-đề trịch bày vai hữu quỳ gối chắp tay bạch rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, tôi là Tỳ kheo Nan-đề không xả giới, giới không suy kém, không nói ra mà hành pháp dâm, tôi nay theo tăng

xin học lại pháp học Tỳ kheo, xin thương xót. (3 lần) Một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo Nan-đề không xả giới, giới không suy kém, không nói ra mà hành pháp dâm, nay theo Tăng xin học lại pháp học Tỳ kheo, Tăng thương xót cho Tỳ kheo Nan-đề học lại pháp học. Nếu Tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận cho Tỳ kheo Nan-đề học lại pháp học Tỳ kheo. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho Tỳ kheo Nan-đề học lại pháp học Tỳ kheo xong, Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Cho học hành pháp của Sa di là đối với tất cả giới mà Phật đã kết đều phải thọ hành lại hết, người này ngồi ở dưới các Tỳ kheo, nên trao thức ăn uống và thuốc thang cho các Tỳ kheo, tự theo Sa di và bạch y thọ thức ăn uống; không được cùng đại Tỳ kheo ở chung phòng quá hai đêm, cũng không được cùng Sa di và bạch y ở chung quá hai đêm; không được cùng Tỳ kheo thọ cụ túc giới làm hai pháp Bố tát và Tự tứ, vì cho học hành pháp của Sa di thì không được vào trong Túc số Tăng làm Yết ma Bố tát và Tự tứ, tất cả Yết ma đều không được làm.

2. Giới Trộm Cắp:

Phật ở thành Vương xá, lúc đó có nhiều Tỳ kheo cùng an cư một chỗ mà ít phòng xá, nên các Tỳ kheo mỗi người tùy chỗ quen biết theo xin vật liệu để xây cất am thất ở, nhưng khi các Tỳ kheo vào thành khất thực có người hái củi đã phá am thất để lấy cây gỗ mang đi. Các Tỳ kheo khất thực trở về thấy am thất bị phá, u sầu than rằng: “Chúng ta vất vả xây cất am thất, vừa đi khất thực đã có kẻ đến phá lấy hết cây gỗ đi”, than rồi lại phải theo người thân quen xin cây gỗ khác để cất lại am thất. Trong chúng đó có một Tỳ kheo tên Đạt-ni-ca là con của người thợ gốm dùng tay nghề khéo của mình tự xây thất bằng gạch, cửa cái cửa sổ đều bằng gạch, cột kèo, giá y… đều làm bằng đất sét rồi gom cỏ cây nung thành màu sắc đỏ rất đẹp; cất xong rồi liền dặn trao các Tỳ kheo trông coi giúp trong thời gian mình đi du hành hai tháng. Lúc đó Phật cùng A-nan đi xem xét các phòng, từ xa nhìn thấy cái thất màu sắc đỏ đẹp, Phật liền hỏi A-nan là thất của ai, A-Nan đem sự việc trên bạch Phật, Phật nghe rồi liền bảo A-nan: “Thầy hãy đi phá bỏ cái thất màu sắc đỏ của-Tỳ kheo Đạt-ni-ca, chớ để cho ngoại đạo hiềm trách: Phật còn ở đời mà đã có pháp nhân duyên lậu kết như thế”, A-nan vâng lời Phật dạy đi phá bỏ. Đạt-ni-ca du hành hai tháng xong trở về, thấy thất đã bị phá bỏ liền hỏi các Tỳ kheo mà mình đã dặn trao trông coi là ai đã phá bỏ, các Tỳ kheo nói: “Chính Phật đại sư bảo phá”, Đạt-ni-ca suy nghĩ: “Pháp vương đã bảo phá thì không được nói gì, trong thành Vương xá có người giữ gỗ là thân hữu của ta, ta nên làm nhà bằng gỗ”. Sáng hôm sau Đạt-ni-ca đắp y mang bát vào thành khất thực, khất thực xong đến chỗ người giữ gỗ nói rằng: “Ông có biết không, vua nước Ma-kiệt-đà, con của phu nhân Vi-đề-hi là vua A-xà-thế có cho tôi gỗ”, Mộc sư nói: “Nếu vua đã cho thì tôn giả cứ tùy ý lấy”. Trong đây có cây gỗ quý được cất giữ để thủ hộ thành, không cho mang ra vào cũng không cho ai. Đạt-ni-ca liền lấy cây gỗ quý này cưa thành khúc để 1 chỗ, người coi giữ thành thấy cây gỗ quý bị cưa thành khúc như thế, kinh sợ lông tóc dựng đứng cho là có oán tặc muốn mang đi, liền đến hỏi Mộc sư, Mộc sư đem việc tên kể lại, người coi giữ thành nghe rồi suy nghĩ: “Tại sao nhà vua lại cho Tỳ kheo cây gỗ quý”, nghĩ rồi liền đến hỏi vua: “Đại vương còn có những cây gỗ khác, tại sao lại cho Tỳ kheo cây gỗ quý được cất giữ để thủ hộ thành ?” Vua nói không cho, người coi giữ thành nói là vua đã cho, vua hỏi là ai nói, đáp là Mộc sư nói, vua bảo kêu Mộc sư đến, người coi giữ thành tuân lịnh kêu Mộc sư đến. Trên đường đi đến chỗ vua, Mộc sư gặp Đạt-ni-ca liền nói rằng: “Do thầy nên tôi bị vua hỏi tội”, Đạt-ni-ca nói: “Ông đi trước, tôi sẽ đến sau”. Lúc đó vua thấy Tỳ kheo đến liền bảo thả Mộc sư và cho gọi Tỳ kheo đến, vua hỏi Tỳ kheo: “Theo pháp của-Tỳ kheo, tại sao không cho mà lấy ?” Đạt-nica nói: “Đại vương, tôi không phải không cho mà lấy, trước đây vua có cho tôi”, vua nói: “Ta không nhớ là có cho”, đáp: “Nay tôi xin nhắc để cho nhà vua nhớ lại, khi mới lên ngôi nhà vua nói rằng: Cây cỏ và nược trong nước ta, các Sa-môn, Bà-la-môn trì giới tùy ý lấy dùng”, vua nói: “Cây cỏ mà ta nói là cây cỏ vô chủ, thầy đã phạm đại tội”, Đạt-ni-ca nói: “Tôi là người xuất gia nương ở trong nước của vua, sao vua lại giết tôi”, vua nói: “Tỳ kheo hãy đi đi, chớ có lấy gỗ quý như vậy nữa”, lúc đó mọi người đều bàn tán: “Hy hữu thay cho Tỳ kheo này, tội đáng chết mà nhà vua chỉ quở trách rồi thả”. Tỳ kheo này phạm đại tội được thả trở về trong chúng tăng, sau đó nói với các Tỳ kheo: “Hôm nay tôi suýt bị nhà vua giết”, nói rồi đem sự việc trên kể lại, các Tỳ kheo dùng đủ lời quở trách: “Việc mà thầy đã làm không phải pháp Sa-môn, không phải đạo tùy thuận, đã làm hạnh không thanh tịnh, là việc mà người xuất gia không nên làm. Thầy không biết Thế Tôn đã dùng đủ cách quở trách pháp trộm cắp và khen ngợi pháp không trộm cắp. Đối với pháp trộm cắp thầy còn không nên sanh tâm, miệng cũng không được nói huống chi là lấy”, quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do việc này tập họp các Tỳ kheo hỏi rõ sự thật, quở trách giống như đoạn văn trên rồi bảo A-nan: “Thầy hãy dẫn một Tỳ kheo Hạ tòa vào thành Vương xá, ở chỗ ngã tư đường đông người qua lại, hỏi tất cả mọi người gồm người tin và không tin, người hiền và không hiền cho đến đại thần… rằng: Trộm cắp đến bao nhiêu thì vua nước Ma-kiệt-đà là vua A-xà-thế kết đại tội”. A-nan vâng lời Phật dạy cùng một Tỳ kheo Hạ tòa vào thành Vương xá đến chỗ ngã tư đường hỏi tất cả mọi người như trên, mọi người đều nói: “Trộm đến năm tiền hay vật trị giá năm tiền trở lên liền kết đại tội”. A-nan trở về bạch lại, Phật liền bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới này cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo ở tụ lạc hay đồng trống lấy cắp vật không cho, do lấy cắp vật này, nếu vua hay đại thần của vua bắt trói hoặc đuổi đi hoặc giết hoặc nộp vàng chuộc tội, hoặc mắng: Thầy là người ngu si không biết chi, là kẻ giặc thì Tỳ kheo lấy vật không cho này phạm Ba-la-di không được ở chung.

Lấy vật không cho là người chủ của vật không cho, người chủ bao gồm nam, nữ, huỳnh môn, hai căn.

Vua là người thuộc dòng Sát-đế-lỵ thọ ngôi vua đã làm phép quán đảnh (rưới nước tốt lành lên đầu) gọi là Vua, cũng gọi là Quốc chủ, cũng gọi là Quán đảnh; nếu Bà-la-môn, cư sĩ, người nữ thọ ngôi vua cũng gọi là Vua.

Bắt trói là gông cùm xiềng xích bắt giam vào trong ngục. Đuổi đi là đuổi ra khỏi nước. Kẻ giặc có hai là ăn cướp và ăn trộm.

Ba-la-di là rơi vào chỗ không như ý, là tội cực ác, cực nặng. Người phạm tội này rơi vào chỗ không như ý không gọi là Tỳ kheo, không phải là Sa-môn Thích tử vì đã mất pháp Tỳ kheo. Không được cùng ở chung là không được cùng Tỳ kheo tác pháp Đơn-bạch-yết-ma, Bạch-nhị-yếtma, Bạch-tứ-yết-ma, bố tát, tự tứ, không được vào trong số mười bốn người.

Trong giới này có ba trường hợp lấy vật quý trọng của người, phạm Ba-la-di:

1. Tự lấy: Tự tay lấy nhấc lên rời khỏi chỗ để ban đầu.

2. Bảo người lấy: Tỳ kheo bảo người đi lấy trộm vật của người khác, người này nghe lời đi lấy trộm, khi lấy vật rời khỏi chỗ để ban đầu thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di.

3. Sai bảo lấy: Nếu Tỳ kheo hỏi người có biết chỗ cất vật quý trọng không, người này đáp là biết, Tỳ kheo liền sai đến chỗ đó lấy trộm, người này nghe lời đi lấy trộm, khi lấy vật rời khỏi chỗ để ban đầu thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di.

Lại có ba trường hợp lấy vật quý trọng của người, phạm Ba-ladi:

1. Dùng tâm: Khởi tâm suy nghĩ muốn lấy trộm.

2. Dùng thân: dùng tay, chân… hay thân phần khác để lấy trộm vật của người khác.

3. Nhấc rời khỏi chỗ để ban đầu: Từ chỗ để vật lấy đem đến chỗ khác.

Lại có ba trường hợp lấy vật quý trọng của người, phạm Ba-ladi:

1. Người chủ của vật không cho: Bao gồm nam, nữ, huỳnh môn, người hai căn… không đồng ý cho.

2. Vật là vật quý trọng trị giá năm tiền trở lên.

3. Nhấc rời khỏi chỗ để ban đầu.

Lại có ba trường hợp lấy vật quý trọng của người, phạm Ba-ladi:

1. Tâm trộm cắp: Người chủ không cho mà cố ý lấy với tâm trộm cắp. Hai trường hợp sau cũng như trên.

Lại có ba trường hợp lấy vật quý trọng của người, phạm Ba-ladi:

2. Vật thuộc của người: Vật có chủ bao gồm nam, nữ, huỳnh môn, người hai căn… hai trường hợp sau cũng như trên.

Lại có ba trường hợp lấy vật quý trọng của người, phạm Ba-ladi:

3. Tưởng của người: Biết vật có chủ, bao gồm nam. Nữ… như trên.

Hai trường hợp sau cũng như trên.

Lại có bốn trường hợp lấy vật quý trọng của người phạm Ba-ladi: Một là người chủ không cho, hai là có tâm trộm cắp, Ba là vật quý trọng, bốn là nhấc rời khỏi chỗ để ban đầu.

Lại có bốn trường hợp lấy vật quý trọng của người phạm Ba-ladi: Một là biết vật thuộc của người khác, ba trường hợp sau giống như trên.

Lại có bốn trường hợp lấy vật quý trọng của người phạm Ba-la-di: Một-vật có người coi giữ và hai là vật có chủ, có tâm ngã sở: Như người có voi ngựa, trâu, dê… ở trong nước hay ở nước ngoài có nhờ người coi giữ, có tâm ngã sở; hễ người nào có tâm ngã sở thì vật thuộc của người ấy. Như người có ruộng mía, ruộng lúa… cho đến trong chuồng voi, chuồng ngựa, trong nhà ăn, nhà bếp có cất chứa đồ vật trong đó và có nhờ người coi giữ, có tâm ngã sở. Hễ người nào có tâm ngã sở thì vật thuộc của người đó. Hai trường hợp sau là vật quý trọng và lấy rời khỏi chỗ cũ giống như trên.

Lại có bốn trường hợp lấy vật quý trọng của người phạm Ba-la-di: Một là vật không có người coi giữ và hai là vật có chủ, có tâm ngã sở: Như người có voi ngựa…, vợ con… ở nước mình hay nước khác tuy không có nhờ người coi giữ nhưng người đó có tâm ngã sở; hễ người nào có tâm ngã sở thì vật thuộc của người ấy. Hoặc như người có ruộng đất trồng lúa… giống như trường hợp trên. Cho đến năm loại vật báu hoặc tợ báu vật thuộc phục tàng tuy không có người coi giữ nhưng thuộc về của quốc chủ có tâm ngã sở, gọi là có chủ mà không có coi giữ. Hai trường hợp sau giống như trên.

Lại có bốn trường hợp lấy vật quý trọng của người phạm Ba-la-di: Một là vật có người coi giữ và hai là không có tâm ngã sở: Như giặc cướp cướp phá thành ấp lấy được nhiều tài vật, nếu nhờ thế lực của vua hay của làng xóm đánh cướp lại của bọn cướp, giặc cướp bỏ đi để lại tài vật đã cướp được, tài vật này tuy có người coi giữ nhưng không có tâm ngã sở vì là vật đã bị cướp; nếu người nào coi giữ mà không có tâm ngã sở thì người đó là người cướp lại được. Hoặc như Tỳ kheo mất y bát, Tỳ kheo quen biết thấy đoạt lấy lại giùm, tuy coi giữ giùm nhưng không có tâm ngã sở; nếu người nào coi giữ mà không có tâm ngã sở thì người đó là người đoạt lại được. Hai trường hợp sau giống như trên.

Nói chỗ để vật là bao gồm ở trên đất hay ở trong hư không, ở trên xe hay ở trên thuyền hay ở dưới nước, ở trong ruộng hay ở trong tăng phường hay ở trên thân, ở chỗ đóng thuế hay chỗ ước hẹn; trên loài vật không chân, hai chân, bốn chân hay nhiều chân. Ở trên đất là như người có năm loại báu vật hay tợ báu vật để ở trên đất, Tỳ kheo khởi tâm trộm cắp lấy rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba-la-di, nếu đang lựa chọn để lấy thì phạm Thâu-lan-giá, lựa chọn xong lấy vật trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di; nếu dùng gạch đá cây khều lên để lấy, tuy vật rớt trở xuống chỗ cũ Tỳ kheo vẫn phạm Ba-la-di; nếu khều lấy nhưng chưa lấy rời khỏi chỗ để ban đầu thì phạm Thâu-lan-giá. Trường hợp năm loại vật báu hay tợ vật báu được cất giấu trong bình sắt, bình đồng … nếu Tỳ kheo khởi tâm trộm cắp lấy rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba-la-di, nếu đang lựa chọn để lấy thì phạm Thâu-lan-giá, lựa chọn xong lấy vật trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di; nếu vật ở đáy bình khều móc lên gần tới miệng bình thì phạm Ba-la-di; nếu móc lên gần tới miệng mình lại bị rớt trở xuống đáy bình vẫn phạm Ba-la-di; nếu đục bình lấy vật trị giá năm tiền trở lên cũng phạm Ba-la-di. Nếu Tỳ kheo khởi tâm muốn lấy khí cụ chứa đựng mà không muốn lấy món đồ, hoặc khởi tâm muốn lấy món đồ mà không muốn lấy khí cụ đựng, hoặc khởi tâm muốn lấy cả hai trị giá năm tiền trở lên đều phạm Ba-la-di.

Nói chỗ ở trên là như trên giường có lỗ bệ nhỏ, trên giường có lỗ bệ to, trên nệm dày, trên nệm mỏng, trên nệm tạp sắc có viền ren, mền dầy, mền mỏng, trên thảm, trên cây, trên nhà…. Chỗ giường có lỗ bệ nhỏ là chỗ chân giường, chỗ lỗ bệ của giường… hay trên đầu giường, trên võng nếu dùng dây dệt với dây khác thì gọi là chỗ khác; nếu dùng tấm da hay tấm phủ da một màu sắc thì gọi là một chỗ, khác màu sắc thì gọi là chỗ khác. Những chỗ như thế có năm loại báu vật hay tợ báu vật, nếu Tỳ kheo khởi tâm trộm cắp lấy vật trị giá năm tiền trở lên rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba-la-di, nếu đang lựa chọn để lấy thì phạm Thâulan-giá, lựa chọn xong lấy vật trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di. Chỗ giường có lộ bệ to là trên một tấm ván của giường gọi là một chỗ, nếu dùng da hay tấm trải phủ lên một màu sắc… giống như trường hợp trên đã nói. Nói trên nệm là nệm làm bằng một loại lông, một lớp thì gọi là một chỗ, bên ngoài bên trong một màu sắc thì gọi là một chỗ, khác màu sắc thì gọi là khác chỗ. Trên những chỗ ấy có năm loại vật báu… giống như đoạn văn trên đã nói. Trên nệm dày, nệm mỏng, trên thảm… cũng giống như đoạn văn ở trường hợp trên đã nói. Nói trên cây là chỗ gốc cây, cành cây, lá hoa quả cho đến chùm rễ cây nếu có năm loại vật báu hay tợ vật báu, Tỳ kheo khởi tâm trộm cắp lấy vật trị giá năm tiền rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba-la-di, nếu đang lựa chọn để lấy thì phạm Thâu-lan-giá, lựa chọn xong lấy vật trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di. Nói chỗ trên nhà là ở bên trong cửa, chỗ cửa sổ, cửa ra vào, chỗ then cài, trên giá móc áo, trên cầu thang… ở trên cùng một bậc thang gọi là một chỗ, chỗ lan can cùng một thanh ngang nối gọi là một chỗ, chỗ chưa tô quét gọi là một chỗ… trên những chỗ đó nếu có năm loại vật báu… giống như đoạn văn ở trường hợp trên đã nói. Nói chỗ trên không là ở trong phòng xá, điện đường, hành lang có treo y quý giá như y Ba-đầu-ma, y Đầu-cầu-la… bị gió thổi bay trong hư không chưa rớt xuống đất. Tỳ kheo khởi tâm trộm lấy thì phạm Ba-la-di. Hoặc y của Hòa thượng, A-xà-lê từ dưới bay lên hay từ trên bay xuống, Tỳ kheo khởi tâm trộm cắp đón lấy cũng phạm Ba-la-di. Lại có trường hợp như người để đồ trang sức ở trên những chỗ như ở cửa sổ, trên thềm… nếu bị các loài vật nuôi có chủ như chim nhạn, chim anh võ… ngậm lấy bay đi, nếu Tỳ kheo khởi tâm trộm đoạt lấy từ chim thì phạm Ba-la-di; khi đang chờ chim bay đến thì phạm Thâu-lan-giá, chim nếu bay đến chỗ Tỳ kheo như ý muốn thì phạm Ba-la-di; nếu chim bay đến chỗ khác không như ý muốn thì phạm Thâu-lan-giá. Nếu bị các loài chim hoang dã ngậm lấy bay đi, Tỳ kheo khởi tâm trộm đoạt lấy thì phạm Thâu-langiá, đang lúc đợi chim đến thì phạm Đột-kiết-la, chim bay đến chỗ Tỳ kheo như ý muốn thì phạm Thâu-lan-giá, nếu bay đến chỗ khác không như ý muốn thì phạm Đột-kiết-la. Nói chỗ trên xe là như trên xe voi, xe ngựa… dù ở trên bất cứ chỗ nào của thân voi, ngựa, bò… cho đến đòn xe, càng xe, trong thùng xe… có để năm loại vật báu hay tợ vật báu; Tỳ kheo khởi tâm trộm cắp lấy rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba-la-di, nếu đang lựa chọn để lấy thì phạm Thâu-lan-giá, lựa chọn xong lấy vật trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di. Nói chỗ trên thuyền là bao gồm trên các loại thuyền, bè… ở bất cứ chỗ nào trên thuyền bè này có cất chứa năm loại vật báu nếu Tỳ kheo khởi tâm trộm cắp lấy rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba-la-di, nếu đang lựa chọn để lấy thì phạm Thâu-lan-giá, lựa chọn xong lấy vật trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di. Những chỗ trên thuyền nếu cùng một chỗ che lợp hay phủ và cùng một màu sắc thì gọi là một chỗ, nếu khác màu sắc thì gọi là khác chỗ; những chỗ như thế nếu có năm loại vật báu… giống như đoạn văn ở trường hợp trên đã nói. Nói chỗ trong nước là những vật của người trôi trong nước nếu Tỳ kheo khởi tâm trộm vớt lấy thì phạm Ba-la-di, nếu đang lựa chọn để lấy thì phạm Thâu-lan-giá, lựa chọn xong lấy vật trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di. Dù còn cầm giữ ở trong nước hay nhận chìm xuống đáy nước hay vớt ra khỏi mặt nước đều phạm Ba-la-di. Trường hợp trong ao nhà người có các loài vật nuôi có chủ, nếu Tỳ kheo khởi tâm trộm bắt chúng đều phạm Ba-la-di, đang lúc lựa chọn để bắt lấy thì phạm Thâu-lan-giá, lựa chọn xong bắt lấy chim trị giá năm tiền ra khỏi ao thì phạm Ba-la-di. Nếu trong ao, sông tự nhiên có các loài vật có chủ có người coi giữ, Tỳ kheo khởi tâm trộm bắt lấy thì phạm Ba-la-di… giống như trên. Nói chỗ ruộng đất có hai trường hợp là cùng tranh cải và làm tướng, nếu Tỳ kheo cùng tranh cải với người khác được thắng, đoạt lấy ruộng đất của người thì phạm Ba-la-di, nếu tranh cải không thắng không đoạt được ruộng đất thì phạm Thâu-lan-giá; nếu làm tướng giành lấy phần đất quá ranh giới của mình trị giá năm tiền trở lên mà được thì phạm Ba-la-di; đối với đất trong Tăng phường cũng giống như vậy. Nói chỗ trên thân là như Tỳ kheo cầm y cho Hòa thượng, A-xà-lê đi, từ các chỗ trên thân như tay, cánh tay… khởi tâm trộm lấy dời từ chỗ này qua chỗ khác thì phạm Ba-la-di. Nói chỗ quan thuế là Tỳ kheo đi qua cửa quan thuế, nếu vật phải đóng thuế mà không đóng thuế trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di. Nếu có thương buôn đi qua cửa quan thuế nói với Tỳ kheo: “Cho tôi gởi vật này, nhờ thầy mang giúp qua chỗ đóng thuế”,

Tỳ kheo nhận mang giúp qua, nếu vật trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di. Nếu có thương buôn qua cửa quan thuế nói với Tỳ kheo: “Cho tôi gởi vật này, nhờ thầy mang giúp qua, tôi sẽ cho thầy phân nửa vật phải đóng thuế này”, Tỳ kheo nhận mang giúp qua, nếu vật trị giá năm tiền thì phạm Ba-la-di. Nếu có thương buôn qua cửa quan thuế nói với Tỳ kheo: “Thầy mang giúp tôi vật này qua, tôi sẽ cho thầy hết vật phải đóng thuế này”, Tỳ kheo nhận mang giúp qua… giống như trên. Nếu có thương buôn đi qua cửa quan thuế, Tỳ kheo chỉ thương buôn đi đường khác để khỏi phải đóng thuế, vật đó trị giá năm tiền trở lên thì Tỳ kheo phạm Ba-la-di. Nếu thương buôn đi chưa đến cửa quan thuế mà Tỳ kheo chỉ cho đi đường khác để khỏi phải đóng thuế, vật trị giá năm tiền trở lên thì Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá; nếu ở chỗ quan thuế có giặc hay ác thú…, Tỳ kheo chỉ cho đi con đường khác thì không phạm. Nói chỗ ước hẹn là Tỳ kheo ước hẹn với giặc cướp nếu đánh cướp trong tụ lạc mà được tài vật thì chia phần cho Tỳ kheo, phần được chia nếu trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di. Nói loài không chân là như loài giun, trùn, đỉa… có người bắt chúng bỏ vào giỏ, Tỳ kheo khởi tâm trộm lấy rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba-la-di, nếu đang lựa chọn để lấy thì phạm Thâulan-giá, lựa chọn xong lấy chúng trị giá năm tiền trở lên thì phạm Bala-di. Nếu Tỳ kheo khởi tâm trộm nơi cái giỏ đựng không ở nơi trùn hoặc ở nơi trùn không ở nơi giỏ hoặc ở cả hai, trị giá năm tiền trở lên đều phạm Ba-la-di. Nói loài hai chân là như loài cầm như gà, vịt, ngỗng, chim, khỉ và người; nếu có người bắt chúng nhốt vào trong lồng, Tỳ kheo khởi tâm trộm lấy rời khỏi chỗ cũ thì phạm Ba-la-di, nếu đang lựa chọn để lấy thì phạm Thâu-lan-giá, lựa chọn xong lấy chúng trị giá năm tiền trở lên thì phạm Ba-la-di; nếu Tỳ kheo khởi tâm trộm nơi cái lồng không ở nơi gà vịt chim, hoặc ở nơi gà vịt chim không ở nơi cái lồng hoặc ở cả hai, chúng trị giá năm tiền trở lên đều phạm Ba-la-di. Nói trộm bắt cóc người có hai: Mang chở đi hoặc cùng hẹn đi, nếu đi quá hai bước đều phạm Ba-la-di. Nói loài bốn chân là loài thú như voi ngựa trâu dê…, có người dùng dây cột chúng lại một chỗ, Tỳ kheo khởi tâm trộm mở dây dẫn chúng đi quá bốn bước thì phạm Ba-la-di; nếu chúng ở trong chuồng, Tỳ kheo khởi tâm trộm lùa chúng ra khỏi chuồng bốn bước thì phạm Ba-la-di; hoặc chúng cùng nằm một chỗ, Tỳ kheo khởi tâm trộm dẫn dụ chúng đứng dậy đi theo mình quá bốn bước đều phạm Ba-la-di. Nếu người chăn trâu dê thả chúng ngoài đồng cho ăn cỏ, Tỳ kheo suy nghĩ: “Đợi người chăn trâu vào thôn ta sẽ bắt trộm”, Tỳ kheo phạm Thâu-lan-giá, nếu giết chúng thì phạm Ba-dật-đề, giết rồi lấy thịt trị giá năm tiền thì phạm Ba-la-di. Nói loài nhiều chân là như con rết, có người bắt bỏ chúng vào trong bình… giống như trường hợp ở loài không không chân.

Lại có bảy trường hợp lấy vật quý trọng của người phạm Ba-la-di: Một là tưởng không phải của mình, hai là chủ của vật không đồng ý cho, Ba là không phải tạm lấy dùng, bốn là biết vật có chủ, năm là không có bịnh cuồng, sáu là tâm không loạn, bảy là tâm không bịnh hoại. Ngược với bảy trường hợp trên thì lấy không phạm, tức là tưởng của mình, chủ của vật đồng ý cho, lấy tạm dùng, tưởng không có chủ, bịnh cuồng, tâm loạn và tâm bịnh hoại.

Có bảy trường hợp lấy vật quý trọng của phi nhơn phạm Thâu-langiá: Một là tưởng không phải của mình, hai là chủ của vật không đồng ý cho, Ba là không phải tạm lấy dùng, bốn là biết có chủ, năm là không có bịnh cuồng, sáu là tâm không loạn, bảy là tâm không bịnh hoại. Ngược với bảy trường hợp trên thì lấy không phạm giống như trường hợp của người ở trên.

Có bảy trường hợp lấy vật khinh (không đáng giá, tầm thường) của người phạm Thâu-lan-giá: Một là tưởng không phải của mình… cho đến bảy là tâm không bịnh hoại như trên. Ngược với trên thì không phạm, tức là tưởng của mình… cho đến tâm bịnh hoại.

Có bảy trường hợp lấy vật khinh của phi nhơn phạm Đột-kiết-la: Một là tưởng không phải của mình… cho đến bảy là tâm không bịnh hoại như trên. Ngược với trên thì không phạm, tức là tưởng của mình… cho đến tâm bịnh hoại.

Có Tỳ kheo ni tên Thi-việt quen biết rộng, là người có phước đức, thích được cúng dường tô, dầu, mật, thạch mật. Lúc đó có một thương buôn thấy vị ni này sanh tâm tín kính nói rằng: “Khi nào cô cần tô, dầu, mật, thạch mật cứ đến nhà con lấy về dùng”, ni liền nhận lời. Một Tỳ kheo ni khác nghe được, qua mấy ngày sau đến nhà thương buôn đó nói rằng: “Ni Thi-việt cần năm thăng dầu mè”, thương buôn liền cúng cho, vị ni này mang về tự dùng. Vài ngày sau, thương buôn này gặp ni Thi-việt liền nói: “Sao cô chỉ cần lấy dầu mè mà không lấy thứ khác”, ni liền hỏi nguyên do rồi nói: “Nếu có xin thứ khác, ông cũng nên cho”, nói rồi trở về quở trách vị ni kia: “Cô là Tỳ kheo ni xấu xa, hạ tiện, cô đã phạm Ba-la-di”, ni kia hỏi rõ nguyên do rồi nói: “Không phải chủ không cho mà tôi nhận lấy, mà là tôi mượn tên cô để nhận lấy”, nói rồi sanh nghi không biết mình có phạm Ba-la-di hay không liền đem việc này bạch Phật, Phật hỏi: “Cô dùng tâm gì để nhận lấy ?” Đáp là mượn tên của Thi-việt để nhận lấy, Phật nói: “Không phạm Ba-la-di nhưng phạm tội vọng ngữ Ba-dật-đề, từ nay không được dối mượn tên người khác để lấy, nếu lấy thì phạm tội”.

Có một Tỳ kheo ni ở Đông phương đi chung đường với Tỳ kheo ni tên Ba lợi, Ba lợi đi trước đánh rơi y, Đông phương đi sau nhặt lấy, về đến trú xứ liền hỏi là ai đã đánh rơi y, Ba lợi nghe rồi liền hỏi: “Cô đã lấy y sao ?” Đáp là đã nhặt lấy, Ba lợi liền nói: “Cô đã phạm Ba-ladi”, Đông phương hỏi tại sao, Ba lợi nói: “Vì cô dùng tâm trộm để lấy”, Đông phương nghe rồi sanh nghi không biết mình có phạm Ba-la-di hay không, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói không phạm. Có một cư sĩ cày ruộng gần Tinh xá Kỳ hoàn, cởi áo để một bên, lúc đó có một Tỳ kheo tìm y phấn tảo trông thấy áo này, ngó bốn phía thấy không có ai liền nhặt lấy. Người cày ruộng từ xa trông thấy liền nói vọng tới: “Chớ lấy áo của tôi”, Tỳ kheo không nghe thấy vẫn cứ lấy áo mang đi, người cày ruộng đuổi theo nắm Tỳ kheo nói rằng: “Pháp của-Tỳ kheo không cho mà lấy hay sao ?” Tỳ kheo nói: “Tôi cho là y phấn tảo không chủ nên lượm lấy”, người cày ruộng nói: “Đây là áo của tôi”, Tỳ kheo nói: “Nếu là áo của ông thì trả lại cho ông”. Lúc đó Tỳ kheo sanh nghi không biết mình có phạm Ba-la-di hay không liền đem việc này bạch Phật, Phật hỏi Tỳ kheo dùng tâm gì lượm lấy, đáp: “Con cho là không chủ nên lượm lấy”, Phật nói: “Không phạm, từ nay muốn lượm lấy phải xét kỹ, tuy y vật không có người giữ nhưng ắt là có chủ”.