thập loại kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(十類經) Chỉ cho kinh Hoa nghiêm được chia làm 10 loại bản từ lược đến rộng. Đó là: 1. Lược bản kinh: Tức bản 80 quyển và bản 60 quyển đang lưu truyền hiện nay, đều là 1 phần trong 10 vạn bài kệ của Hạ bản, vì thế gọi là Lược bản. 2. Hạ bản kinh: Chỉ cho tạng Ma ha diễn.Bồ tát Long thụ xuống Long cung, thấy kinh Hoa nghiêm có 3 bản thượng, trung, hạ, bản hạ có 10 vạn bài kệ, 48 phẩm, ngài Long thụ tụng thuộc, đem về lưu truyền ở thế gian, cho nên gọi là Hạ bản kinh. 3. Trung bản kinh: Tức là bản ngài Long thụ thấy ở Long cung, gồm 49 vạn 8 nghìn 8 trăm bài kệ, 1200 phẩm, cho nên gọi là Trung bản kinh. 4. Thượng bản kinh: Cũng là bản ngài Long thụ thấy ở Long cung, gồm 10 lần số bụi nhỏ trong Tam thiên đại thiên thế giới bài kệ, số phẩm bằng bụi nhỏ trong 4 thiên hạ, vì thế gọi là Thượng bản kinh. 5. Phổ nhãn kinh: Tức kinh do tỉ khưu Hải vân(vị thiện tri thức thứ 3 mà đồng tử Thiện tài tham vấn) thụ trì. Nếu dùng nước biển cả làm mực, cây các núi Tu di làm bút viết 1 môn trong 1 phẩm, 1 pháp trong 1 môn, 1 nghĩa trong 1 pháp, 1 câu trong 1 nghĩa của pháp môn Phổ nhãn này, thì vẫn không thể hết được, cho nên gọi là Phổ nhãn kinh. 6. Đồng thuyết kinh: Tức bản mà Phật y cứ vào trăm ức thế giới cùng loại, đầy khắp hư không, đều có chủ bạn, cùng nói vô tận pháp luân, cho nên gọi là Đồng thuyết kinh. 7. Dị thuyết kinh: Tức bản kinh mà đức Phật hiện thân trong các thế giới khác loại, trong đó quả báo của chúng sinh cũng khác loại để tuyên thuyết, cho nên gọi là Dị thuyết kinh. 8. Chủ bạn kinh: Đức Phật Tì lô giá na và chư Phật trong 10 phương đều là chủ bạn lẫn nhau, lớp lớp vô tận, thay nhau nói kinh này, cho nên gọi là Chủ bạn kinh. 9. Quyến thuộc kinh: Những người có căn cơ thấp kém, không có khả năng nghe đại pháp Nhất thừa viên đốn, nên đức Phật tùy nghi nói pháp Tam thừa để dẫn dắt họ vào môn này, như thế, họ đều là quyến thuộc thù thắng của kinh này, cho nên gọi là Quyến thuộc kinh. 10. Viên mãn kinh: Dung hòa các bản kinh trên vào 1 biển Tu đa la lớn vô tận, trong mỗi hội mỗi phẩm, mỗi câu mỗi chữ đều bao nhiếp tất cả, không có giới hạn, vì thế gọi là Viên mãn kinh. [X. Hoa nghiêm kinh sớ Q.3].