thập kim cương tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(十金剛心) I. Thập Kim Cương Tâm. Chỉ cho 10 nguyện tâm bền chắc như kim cương của Bồ tát nói trong phẩm Li thế gian, kinh Hoa nghiêm quyển 55. Đó là: 1. Giác liễu pháp tính: Rõ biết pháp tính. Nghĩa là Bồ tát phát thệ nguyện lớn hiểu rõ vô lượng vô biên bất khả cùng tận tất cả pháp môn vi diệu, không để sót một pháp nào. 2. Hóa độ chúng sinh: Bồ tát dùng đạo Niết bàn vô thượng độ thoát vô lượng vô biên chúng sinh trong 10 phương, khiến ra khỏi đường ác. 3. Trang nghiêm thế giới: Bồ tát cho rằng vô lượng vô biên thế giới trong 10 phương không cùng tận, ta nên dùng các vật trang nghiêm tối thượng ở các cõi nước của chư Phật để làm đẹp đẽ các thế giớiấy. 4. Hồi hướng thiện căn: Bồ tát đem tất cả thiện căn tu được để hồi hướng về quả Phật bồ đề vô thượng và chúng sinh trong pháp giới. 5. Sự phụng đại sư: Bồ tát đem tất cả căn lành tu được để dâng lên cúng dường vô lượng vô biên chư Phật và làm cho trùm khắp mọi nơi, không chỗ nào thiếu sót. 6. Thực chứng chư pháp: Thực chứng các pháp. Nghĩa là Bồ tát đối với lí thực tướng các pháp, chẳng thực chẳng hư, chẳng có chẳng không, tất cả đều chứng biết một cách như thực. 7. Quảng hành nhẫn nhục: Thực hành hạnh nhịn nhục. Nghĩa là nếu Bồ tát bị các chúng sinh chửi mắng, hoặc đánh đập, thậm chí bị chặt chân tay, cắt đứt tai mũi, tất cả cái đó Bồ tát đều chịu đựng được, không hề tức giận, oán hận. 8. Trường thời tu hành:Tu hành lâu dài. Nghĩa là Bồ tát cho rằng các kiếp trong đời vị lai vô lượng vô biên không cùng tận, ta sẽ ở trong các kiếp tu hành đạo Bồ tát, giáo hóa chúng sinh, mãi không mệt mỏi.9. Tự hành mãn túc: Tự mình tu hành đầy đủ. Nghĩa là Bồ tát kiến lập diệu hạnh, lấy tâm làm chính, tâm thể vắng lặng thì có khả năng đầy đủ tất cả công đức thiện căn, thành tựu đạo đại Bồ đề vô thượng. 10. Mãn túc tha nguyện: Làm cho nguyện tâm của người cũng được viên mãn. Nghĩa là Bồ tát tự mình đã đầy đủ các nguyện, thì tâm từ bi càng tăng thêm, cho nên vì những người cầu giải thoát mà dạy đạo Niết bàn; vì người cầu Phật pháp mà nói pháp Đại thừa, tất cả đều làm cho nguyện tâm của họ được mãn túc. II. Thập Kim Cương Tâm. Chỉ cho 10 thứ tâm tu hành của Bồ tát trước Thập địa. Kinh Phạm võng quyển thượng ghi 30 tâm, trong đó, Kim cương tâm là 10 tâm sau cùng. Từ 10 tâm Trưởng dưỡng vào trong Kiên tu nhẫn có 10 tâm Kim cương hướng quả, đó là: Tín tâm, Niệm tâm, Hồi hướng tâm, Đạt tâm, Trực tâm, Bất thoái tâm, Đại thừa tâm, Vô tướng tâm, Tuệ tâm và Bất hoại tâm. Từ 10tâmKim cương này nhập vào Kiên thánh nhẫn. Phạm võng kinh hợp chú quyển 2 của ngài Trí húc đời Minh cho rằng Thập kim cương tâm này giống với Thập tín của Viên giáo; còn Phạm võng kinh Bồ tát giới bản sớ quyển thượng thì cho rằng Thập kim cương chính là Thập hồi hướng.