thập huyền môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(十玄門) Cũng gọi Thập huyền duyên khởi. Gọi đủ: Thập huyền duyên khởi vô ngại pháp môn, Hoa nghiêm nhất thừa thập huyền môn, Nhất thừa thập huyền môn. Gọi tắt: Thập huyền. Chỉ cho 10 môn sâu xa, mầu nhiệm biểu thị tướng của Sự sự vô ngại pháp giới, nếu thông suốt được nghĩa này thì có thể nhập vào biển huyền diệu của kinh Hoa nghiêm, cho nên gọi là Huyền môn; muời môn này làm duyên cho nhau mà khởi, vì thế gọi là Duyên khởi. Mười môn tương tức tương nhập, làm tác dụng cho nhau, không ngăn ngại lẫn nhau. Tông Hoa nghiêm lấy thuyết Thập huyền môn và Lục tướng viên dung làm giáo lí căn bản, xưa nay gọi chung là Thập huyền Lục tướng, cả 2 hội thông mà cấu thành nội dung trung tâm của Pháp giới duyên khởi. Thập huyền chính là theo 10 phương diện để thuyết minh tướng của pháp giới Sự sự vô ngại trong 4 pháp giới, biểu thị hiện tượng và hiện tượng nhất thể hóa(tương tức), dung hòa vào nhau mà không trở ngại (tương nhập), hệt như những mắt lướikết hợp với nhau, tức dùng 10 Huyền môn để biểu thị ý nghĩa sâu xa của Pháp giới duyên khởi. Thập huyền môn lại được chia làm Cổ thập huyền(Thập huyền cũ) và Tân thập huyền(Thập huyền mới). Ngài Trí nghiễm chủ trương Nhất thừa thập huyền môn, ngài Pháp tạng soạn Hoa nghiêm ngũ giáo chương kế thừa thuyết này, đó là Cổ thập huyền. Thập huyền môn nói trong Hoa nghiêm kinh thám huyền kí của ngài Pháp tạng được ngài Trừng quán trình bày lại trong Hoa nghiêm huyền đàm quyển 6, đó là Tân thập huyền. Sau đây là nói sơ qua về các môn của Tân thập huyền: 1. Đồng thời cụ túc tương ứng môn: Tất cả hiện tượng đồng thời tương ứng, đồng thời đầy đủ, theo lí duyên khởi mà thành lập, một và nhiều dung hợp nhau thành một thể, không có trước sau sai khác. 2. Quảng hiệp tự tại vô ngại môn: Sự đối lập giữa rộng và hẹp về không gian tựa hồ như mâu thuẫn nhau, nhưng chính sự mâu thuẫn đối lập ấy lại là môi giới của sự tương tức tương nhập, vì thế là tự tại viên dung vô ngại. 3. Nhất đa tương dung bất đồng môn: Về tác dụng của hiện tượng thì trong một có nhiều, trong nhiều dungchứamột, tướng một và nhiều không ngăn ngại, nhưng thể của chúng thì khác nhau, không đánh mất tướng một và nhiều. 4. Chư pháp tương tức tự tại môn: Về thể của hiện tượng thì một và tất cả đắp đổi là không và hữu, cả 2 đều nhất thể hóa, dung nhiếp lẫn nhau một cách tự tại vô ngại.5. Ẩn mật hiểu liễu câu thành môn: Về hiện tượng duyên khởi thì khi lấy một làm hữu mà hiển hiện ra tướng, thì nhiều là không và ẩn kín không hiện. Tức ẩn và hiển nhất thể hóa lẫn nhau đồng thời thành lập, tất cả pháp và một pháp là nhất thể của nhau. 6. Vi tế tương dung an lập môn: Khi dựa vào lí tương nhập để nói hiện tượng duyên khởi thì đặc biệt chú trọng ở điểm không hoại tự tướng. Tức trong mỗi hiện tượng, đem nhỏ hòa vào lớn, dùng một bao nhiếp nhiều, nhưng lớn và nhỏ hòa nhập vào nhau mà không loạn, không hoại tướng một và nhiều, trật tự vẫn rõ ràng. 7. Nhân đà la võng pháp giới môn: Muôn tượng sum la, mỗi mỗi hiển phát lẫn nhau, lớp lớp vô cùng tận, giống như mành lưới của Nhân đà la(mành lưới bằng ngọc châu báu trong cung điện của trời Đế thích). 8. Thác sự hiển pháp sinh giải môn: Nghĩa lí sâu xa, mầu nhiệm nương vào sự pháp nhỏ nhặt mà được hiển bày, sự được nương và lí được hiển không 2 không khác. 9. Thập thế cách pháp dị thành môn: Trong mỗi 3 đời quá khứ, vị lai, hiện tại đều có 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai, hợp chung thành 9 đời. Chín đời này cũng chỉ thu nhiếp vào trong một niệm, hợp 9 đời với 1 niệm thành 10 đời. Thời gian của 10 đời này tuy có gián cách, nhưng thời này thời kia tương tức tương nhập, trước sau, dài ngắn đồng thời hiển hiện đầy đủ, thời và pháp không lìa nhau. 10. Chủ bạn viên minh cụ đức môn: Trong các hiện tượng duyên khởi, hễ nêu một hiện tượng nào thì hiện tượng ấy là chủ, tất cả hiện tượng khác là bạn, cứ như thế làm chủ bạn lẫn nhau, đầy đủ mọi đức.Thứ tự của Cổ thập huyền và Tân thập huyền hơi khác nhau, tức trong Tân thập huyền, Quảng hiệp tự tại vô ngại môn được dùng thay cho Chư tạng thuần tạp cụ đức môn trong Cổ thập huyền và Chủ bạn viên minh cụ đức môn thay cho Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn. Lí do Cổ thập huyền được đổi thành Tân thập huyền có lẽ vì muốn tránh sự lẫn lộn giữa Chư tạng thuần tạp cụ đức môn và Lí sự vô ngại; đồng thời Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn cũng chỉ nói lên cái lí các pháp vô ngại chứ chẳng phải hiển bày cái tướng các pháp vô ngại. [X. Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao Q.10; Hoa nghiêm nhất thừa thập huyền môn]. (xt. Tứ Pháp Giới, Hoa Nghiêm Thập Nghĩa).