thập hạnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(十行) I. Thập Hạnh. Cũng gọi Thập hạnh tâm. Chỉ cho 10 hạnh tu lợi người từ giai vị 21 đến giai vị 30 trong 52 giai vị tu hành của Bồ tát. Đó là: 1. Hoan hỉ hạnh: Bồ tát dùng vô lượng diệu đức của Như lai để tùy thuận 10 phương. 2. Nhiêu ích hạnh: Bồ tát khéo làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. 3. Vô sân hận hạnh: Bồ tát tu hạnh nhịn nhục, không tức giận, khiêm nhường cung kính, không hại mình hại người, đối với oán địch thường nín nhịn. 4. Vô tận hạnh(cũng gọi Vô khuất nhiễu hạnh): Bồ tát tu hạnh tinh tiến, phát tâm độ tất cả chúng sinh, đến đại Niết bàn, không biếng nhác, xao lãng. 5. Li si loạn hạnh: Bồ tát thường trụ trong chính niệm không tán loạn, đối với tất cả pháp không si loạn. 6. Thiện hiện hạnh: Bồ tát biết rõ pháp không, 3 nghiệp vắng lặng, không trói buộc, không tham đắm, nhưng cũng không bỏ việc giáo hóa chúng sinh. 7. Vô trước hạnh: Trải qua vô lượng kiếp cúng Phật cầu pháp, tâm không chán đủ, nhưng cũng dùng tâm vắng lặng quán xét các pháp, cho nên không đắm trước tất cả pháp. 8. Tôn trọng hạnh: Bồ tát tôn trọng thiện căn trí tuệ… thảy đều thành tựu, nhờ đó lại càng tiến tu hạnh lợi mình lợi người. 9. Thiện pháp hạnh: Bồ tát chứng được 4 môn Đà la ni vô ngại, thành tựu các thiện pháp giáo hóa người khác để hộ trì chính pháp, làm cho hạt giống Phật không bị dứt mất.10. Chân thực hạnh: Bồ tát thành tựu lời nói Đệ nhất nghĩa đế, nói đúng như việc làm, làm đúng như lời nói, nói và làm phù hợp nhau, sắc tâm đều thuận. Tu thập hạnh có 4 mục đích: 1. Nhàm chán các pháp hữu vi. 2. Cầu đạo Bồ đề, đầy đủ Phật đức. 3. Muốn cứu độ chúng sinh trong đời hiện tại và ở đời vị lai. 4. Cầu thực tế, chứng pháp như. Ngoài ra, về việc Bồ tát tu 10 hạnh này ở giai vị nào, thì trong các kinh luận có thuyết cho rằng 1 trong 3 Hiền vị, có thuyết cho là Tính chủng tính trong 6 chủng tính, lại có thuyết cho là Tư lương vị trong 5 vị… [X. phẩm Thập hạnh trong kinh Hoa nghiêm Q.11 (bản dịch cũ); kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm Q.8; Đại thừa nghĩa chương quyển Q.14; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.2]. II. Thập Hạnh. Chỉ cho 10 hạnh tu của Bồ tát đó là: 1. Tín: Kính tin Phật, Pháp. 2. Bi: Trừ diệt khổ đau cho chúng sinh. 3. Từ: Ban vui cho chúng sinh, đối với các chúng sinh khởi chúng sinh duyên, biết chúng sinh không có thực thể, không tự tính mà khởi pháp duyên, quán xét 5 uẩn là không mà khởi vô duyên. 4. Xả: Bên trong xả bỏ thân mệnh, bên ngoài xả bỏ tài vật để bố thí, giúp chúng sinh an tâm. 5. Bất bì quyện: Bồ tát tu hành các hạnh thế gian, xuất thế không biết mỏi mệt. 6. Tri kinh thư: Bồ tát biết rõ 5 môn học (Ngũ minh). 7. Tri thế trí: Bồ tát hiểu biết ý nghĩa của các việc thực tế ở thế gian. 8. Tàm quí: Đối với tội lỗi sinh tâm thẹn hổ. 9. Kiên cố lực: Bồ tát có năng lực bền vững, giữ gìn Phật đạo, khôngđể lui sụt. 10. Cúng dường: Bồ tát cúng dường chư Phật và tu hành đúng theo lời dạy của Phật.[X. kinh Hoa nghiêm Q.23 (bản dịch cũ); kinh Bồ tát địa trì Q.3,7; Thập địa kinh luận Q.3]. III. Thập Hạnh. Chỉ cho 10 hạnh bao nhiếp các thiện pháp. Đó là: 1. Từ bi hạnh(không giết hại). 2. Thiểu dục hạnh(không trộm cướp). 3. Tịnh phạm hạnh(không tà dâm). 4. Đế ngữ hạnh(không nói dối). 5. Minh tuệ hạnh(không uống rượu). 6. Hộ pháp hạnh(không nói lỗi của người khác). 7. Tức ác suy thiện hạnh (không khen mình chê người). 8. Tài pháp câu thí hạnh(không bỏn xẻn chính pháp và tài vật). 9. Nhẫn nhục hạnh(không tức giận). 10. Tán thán Tam bảo hạnh(khen ngợi Tam bảo). [X. Thiền giới thiên]. IV. Thập Hạnh. Chỉ cho 10 hạnh ác do 3 nghiệp thân, khẩu, ý tạo ra, gọi là Thập ác. (xt. Thập Thiện Thập Ác).