thập giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(十界) Chỉ cho 10 thế giới mê và ngộ. Tức là: Địa ngục giới, Ngạ quỉ giới, Súc sinh giới, (Bàng sinh giới), Tu la giới, Nhân gian giới, Thiên thượng giới, Thanh văn giới, Duyên giác giới, Bồ tát giới và Phật giới. Trong đó, 6 giới trước thuộc thế giới mê của phàm phu, tức là thế giới 6 đường luân hồi. Còn 4 giới sau thuộc thế giới giác ngộ của các bậc Thánh. Đây chính là Lục phàm tứ thánh(6 phàm 4 thánh). Hoặc 9 giới là Nhân, giới thứ 10 là Quả, gọi là Cửu nhân nhất quả(9 nhân 1 quả). Mật giáo thì lấy 5 phàm 5 thánh làm 10 pháp giới, đó là 10 pháp giới của Mật giáo. Năm phàm là: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, người, A tu la và trời(là một), còn5 Thánh là: Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Quyền Phật, Thực Phật. Cũng có khi chia làm 4 loại, theo thứ tự là: Tứ thú nhân thiên, Nhị thừa, Bồ tát, Phật. Lại có khi chia làm 5 loại, theo thứ tự là: Tam ác đạo(tam đồ), Tam thiện đạo, Nhị thừa, Bồ tát, Phật. Tông Thiên thai cho rằng 10 giới mỗi giới đều có quyền, thực; quyền và thực về bản chất là một thể, do đó, 10 giới đều là chân thực, cho nên gọi là Thập giới quyền thực. Trong 10 giới, hàng Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác thông thường được xem là không thể nào thành Phật, nhưng kinh Pháp hoa quyển 1 cho rằng vẫn có thể thành Phật, bởi vậy nên có thuyết chúng sinh trong 10 giới đều thành Phật, tức Thập giới giai thành. Tông Thiên thai cho rằng Phật giới là chân lí bình đẳng, 9 giới còn lại là sai biệt, là vọng pháp do lí tùy duyên mà sinh ra, cho nên phải đoạn phá, gọi là Duyên lí đoạn cửu. Đây là Phương tiện giáo của Biệt giáo nói ra, chứ chẳng phải pháp chân thực do Viên giáo chủ trương.