thập đức

Phật Quang Đại Từ Điển

(十德) I. Thập Đức. Chỉ cho 10 đức của Pháp sư. Đó là: Khéo biết pháp nghĩa, có khả năng giảng nói rộng, ở giữa đại chúng không sợ, biện tài lưu loát, phương tiện giảng nói khéo léo, tùy theo pháp mà hành sử, đầy đủ uy nghi, tinh tiến mạnh mẽ, thân tâm không mỏi mệt, thành tựu sức chịu đựng. Phẩm Thập địa trong kinh Hoa nghiêm quyển 38 (bản dịch mới) cho rằng Bồ tát địa thứ 9 làm đại pháp sư, đầy đủ hạnh pháp sư, khéo giữ gìn Pháp tạng của Như lai. Trong Hoa nghiêm kinh sớ quyển 43, Luận sư Từ thị giải thích rằng người có đầy đủ 10 đức được gọi là Đại pháp sư nhiếp nghĩa cụ túc. [X. luận Du già sư địa Q.81]. II. Thập Đức. Chỉ cho 10 đức của vị Trưởng giả. Đó là: Dòng họ tôn quí, có địa vị cao, giàu có, uy mãnh, trí sâu xa, tuổi cao, hạnh thanh tịnh(giữ tâm, khắc kỉ), lễ bị(uy nghi kỉ luật, người đời noi gương), được người trên thán phục, người dưới hướng về. [X. Pháp hoa văn cú Q.5 thượng; thiên Trưởng giả trong Phiên dịch danh nghĩa tập Q.5; Duy ma kinh sớ Q.3]. III. Thập Đức. Chỉ cho 10 đức của người đệ tử phải có nếu muốn thụ Quán đính theo Đại nhật kinh sớ quyển 4. Đó là: Lòng tin, dòng họ thanh tịnh, cung kính Tam bảo, trí tuệ sâu, chịu khó không biếng nhác, giới hạnh thanh tịnh, nhịn nhục, không bỏn xẻn, mạnh mẽ và hạnh nguyện vững chắc. Tuy nhiên, 10 đức trên đây rất ít người hội đủ, chỉ mong được mấy đức, có thể hi vọng thành bậc pháp khí thì cũng được thu nhận. IV. Thập Đức. Một trong các loại pháp y do chư tăng Nhật bản sử dụng, hình thức đơn giản. Đây là từ đọc lầm của từ Trực xuyết. (xt. Trực Xuyết)