thập dụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(十喻) Chỉ cho 10 thí dụ hiển bày các pháp đều không và thân người vô thường. I. Mười thí dụ giải thích lí các pháp là không. 1. Huyễn dụ (Phạm: Màyà-upama): Dụ các pháp không thật có, như những vật do nhà ảo thuật làm ra. 2. Diệm dụ (Phạm: Marìci-upama): Dụ các pháp không thật có, như dợn(sóng) nắng. 3. Thủy trung nguyệt dụ (Phạm: Udaka-candra-upama): Dụ các pháp không thật có, như bóng trăng trong nước. 4. Hư không dụ (Phạm: Àkàzaupama): Dụ các pháp không thật có, như hư không. 5. Hưởng dụ (Phạm: Pratizrutka): Dụ các pháp không thật có, chỉ như tiếng vang trong hang sâu, khe núi… 6. Kiện thát bà thành dụ (Phạm: Gandharva-nagara-upama): Dụ các pháp không thật có, như lâu đài trên mặt biển do hơi con thẩn(loại sò lớn) sinh ra. 7. Mộng dụ (Phạm: Svapna-upama): Dụ các pháp không thật có, như cảnh trong giấc mộng. 8. Ảnh dụ (Phạm: Pratibhàsaupama): Dụ các pháp không thật có, như bóng sáng, có đó mà không nắm bắt được. 9. Kính trung tượng dụ (Phạm: Pratibimba-upama): Dụ các pháp không thật có, như hình bóng trong gương. 10. Hóa dụ (Phạm: Nirmita-upama): Dụ các pháp không thật có, như các vật do sức thần thông biến hóa ra. II. Mười sự tướng ví dụ thân người là không, là vô thường. 1. Thân này như đám bọt nước, không thể nắm bắt. 2. Thân này như bong bóng trên mặt nước, tồn tại không bao lâu. 3. Thân này như ngọn lửa, từ khát ái mà sinh. 4. Thân này như cây chuối, không cứng chắc.5. Thân này như huyễn, từ điên đảo mà sinh. 6. Thân này như mộng, do hư vọng mà thấy.7. Thân này như bóng sáng, từ nghiệp duyên hiện. 8. Thân này như tiếng vang, thuộc các nhân duyên. 9. Thân này như đám mây nổi, tan biến trong chốc lát. 10. Thân này như tia chớp, biến diệt trong nháy mắt.