thập diệu sinh khởi thứ đệ

Phật Quang Đại Từ Điển

(十妙生起次第) Chỉ cho sự quan hệ thứ tự sinh khởi của Tích môn thập diệu và Bản môn thập diệu. I. Thứ tự sinh khởi của Tích môn thập diệu là: 1. Lấy cảnh diệu làm đầu, vì đó là cảnh thể thực tướng của nhân, chẳng phải do Phật, trời, người làm ra, mà xưa nay vốn tự nhiên như thế, là chỗ chư Phật tôn sùng. 2. Thể của trí diệu là trí năng quán, nhưng người mê đối với lí cảnh thực tướng lại khởi hoặc, còn người hiểu lí thì nhờ đó mà sinh ra trí, vì thế Trí diệu được xếp sau Cảnh diệu. 3. Trí là gốc của hành, nhờ mắt trí(mắt nhìn trước) mà khởi động chân hành(chân đi trước), cho nên Hành diệu được xếp thứ 3. 4. Thể của Vị diệu là đức tướng của tri hành, nhờ nương vào 3 pháp mà bước lên các giai vị. 5. Tam pháp diệu là pháp thực hành, là nơi an trụ Vị diệu, cho nên được xếp sau Vị diệu. 6. Trụ nơi 3 pháp rồi, vắng lặng mà thường chiếu soi các căn cơ trong 10 cõi, nếu có cơ cảm thì ắt sẽ tương ứng, cho nên xếp Cảm ứng diệu sau Tam pháp diệu. 7. Tùy cơ nghi nên trước dùng thân nghiệp thị hiện thần thông, khiến đối cơ tỉnh biết, đây là thể củaThần thông diệu. 8. Nếu căn cơ có thể nhận lãnh giáo pháp thì Phật liền dùng khẩu nghiệp thuyết pháp, cho nên Thuyết pháp diệu được xếp sau Thần thông diệu. 9. Nếu người nhận pháp vào đạo thì trở thành quyến thuộc của pháp, vì thế Quyến thuộc diệu được xếp thứ 9. 10. Lợi ích diệu được xếp sau cùng, vì nếu quyến thuộc tu hành như thực, thì đều nhổ được gốc sinh tử, khai phát tri kiến của Phật, được lợi ích lớn. II. Thứ tự sinh khởi của Bản môn thập diệu. 1. Trước nhờ nhân hành mà đến quả Phật.2. Thành quả Phật nên có cõi nước. 3. Cực quả ở cõi nước, có năng lực chiếu soi căn cơ. 4. Nếu căn cơ khởi động thì sự giáo hóa được đặt bày, đặt bày thì có thần thông. 5. Dùng thần thông đánh thức căn cơ. 6. Căn cơ tỉnh rồi thì thuyết pháp. 7. Căn cơ nghe pháp, trở thành quyến thuộc. 8. Quyến thuộc được độ rồi thì duyên hết vào Niết bàn. 9. Vì niết bàn nên mới luận về thọ mệnh dài ngắn. 10. Lợi ích do thọ mệnh dài, ngắn mang lại, cho đến các lợi ích Chính pháp, Tượng pháp… sau khi Phật diệt độ.