thập diệu

Phật Quang Đại Từ Điển

(十妙) Chỉ cho 10 nghĩa siêu việt, thù thắng không thể nghĩ bàn của chữ Diệu trong đề kinh Diệu pháp liên hoa (kinh Pháp hoa). Khi giải thích kinh Pháp hoa, ngài Trí khải lần lượt thuyết minh Tích môn thập diệu, Bản môn thập diệu và Quán tâm thập diệu như sau: I. Thập diệu của Tích môn: 1. Cảnh diệu: Cảnhđối tượng của trí là Diệu. 2. Trí diệu: Trí tuệ quán chiếu là Diệu. 3. Hạnh diệu: Hạnh tu giác ngộ thực tiễn là Diệu. 4. Vị diệu: Giai vị của giai đoạn thực tiễn là Diệu. 5. Tam pháp diệu: Tức Tam quĩ: Chân tính, Quán chiếu, Tư thành là Diệu. 6. Cảm ứng diệu: Căn cơ của chúng sinh và sự ứng hiện của Phật là Diệu. 7. Thần thông diệu: Nghiệp thân của Phật là Diệu. 8. Thuyết pháp diệu: Nghiệp khẩu của Phật là Diệu. 9. Quyến thuộc diệu: Người gần gũi đức Phật được Ngài giáo hóa là Diệu. 10. Lợi ích diệu(cũng gọi Công đức lợi ích diệu): Hiệu quả sự giáo hóa của Phật khiến chúng sinh được lợi ích là Diệu. Thập diệu trên đây lại được chia làm Tự hành(tự mình cầu bồ đề) và Hóa tha (giáo hóa, dắt dẫn người khác). Từ 1 đến 4 là nhân tự hành, 5 là quả tự hành, 6 đến 8 là năng hóa(giáo hóa người khác), 9, 10 là sở hóa(người được giáo hóa). II. Thập diệu của Bản môn: 1. Bản nhân diệu: Nhân tu hành của Bản Phật là Diệu. 2. Bản quả diệu: Quả của Bản Phật là Diệu. 3. Bản quốc độ diệu: Cõi nước của Bản Phật an trụ là Diệu. 4. Bản cảm ứng diệu: Bản Phật dùng trí giác ngộ cứu độ chúng sinh và căn của chúng sinh được cứu độ ứng hợp nhau, nên nói là Diệu. 5. Bản thần thông diệu: Thần thông mà Bản Phật thị hiện để cứu độ chúng sinh lúc Ngài mới thành đạo là Diệu. 6. Bản thuyết pháp diệu: Lần thuyết pháp đầu tiên lúc Bản Phật mới thành đạo là Diệu. 7. Bản quyến thuộc diệu: Những người đầu tiên được Bản Phật giáo hóa là Diệu. 8. Bản niết bàn diệu: Niết bàn của Bản Phật là thường trụ, xưa nay vốn đầy đủ, khác với Niết bàn được thị hiện để giáo hóa người, vì thế gọi là Diệu. 9. Bản thọ mệnh diệu: Bản Phật có năng lực tự tại thị hiện thọ mệnh dài, ngắn khác nhau, nên gọi là Diệu. 10. Bản lợi ích diệu: Lợi ích mà Bản Phật mang lại cho chúng sinh là Diệu. Mười diệu trên đây lại được chia làm 2 loại là Tự hành và Hóa tha: 1 là nhân tự hành, 2, 3, 8, 9 là quả tự hành, 4, 5, 6 là năng hóa, 7, 10 là sở hóa. Mục đích của Tích môn là đoạn trừ mê vọng để ngộ được Trung đạo, cho nên nói rõ về nhân tự hành; trái lại, mục đích của Bản môn là biểu thị Bản Phật đã thành Phật từ rất lâu xa, là quá trình Bồ tát tăng trưởng trí tuệ Trung đạo và dần dần giảm thiểu sinh tử biến dịch, vì thế nên nói rõ về quả tự hành. Như vậy, tuy Bản, Tích khác nhau nhưng cảnh giới bất khả tư nghị thì giống nhau. III. Thập diệu của Quán tâm: Về Thập diệu của Quán tâm tuy trong Pháp hoa huyền nghĩa không nói rõ, nhưng có thể dựa vào thuyết Thập bất nhị môn của ngài Trạm nhiên để lí giải. [X. Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.2 thượng đến Q.7 hạ; Pháp hoa kinh luân quán; Pháp hoa thập môn quán tâm thập diệu thích].